Chỉ định của siêu âm tim qua thực quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Ngày nay, phương pháp siêu âm tim qua thực quản được sử dụng khá phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong quy trình chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tim mạch. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân có cần phải thực hiện siêu âm tim qua thực quản hay không.

1. Siêu âm tim qua thực quản là gì?

Siêu âm tim qua thực quản là phương pháp sử dụng sóng siêu âm ghi lại hình ảnh cấu trúc tim và các hoạt động của tim. Khác với phương pháp siêu âm qua thành ngực thông thường, siêu âm tim qua thực quản sử dụng một đầu dò siêu nhỏ gắn vào ống thông, bác sĩ sẽ đưa ống thông gắn đầu dò này vào trong lòng thực quản và dạ dày.

Khi sóng siêu âm chạm đến buồng tim sẽ phản xạ lại hình ảnh cụ thể của từng bộ phận trong tim như: van tim, cơ tim, màng tim, hình ảnh của các mạch máu dẫn vào tim và ra khỏi tim. Tất cả những hình ảnh này sẽ được chuyển về một màn hình hiển thị. Thông qua màn hình này bác sĩ sẽ quan sát được cấu trúc và hoạt động của tim, chẩn đoán bạn có mắc các bệnh lý tim mạch hay không.

siêu âm tim qua đường thực quản
Siêu âm tim qua thực quản là phương pháp chẩn đoán rõ ràng, an toàn cho người bệnh

Siêu âm tim qua thực quản là phương pháp siêu âm nhanh chóng, chính xác và cho kết quả cực chi tiết. Siêu âm tim qua thực quản có rất nhiều ưu điểm như:

  • Chất lượng hình ảnh tốt do chùm tia siêu âm không bị cản trở bởi các bộ phận khác (phổi, mỡ, thành ngực) như hình thức siêu âm qua thành ngực.
  • Đầu dò siêu âm có tần số cao, hình ảnh có độ phân giải lớn. Thực quản lại ở rất gần tim nên đầu dò đến thực quản là đã tiếp cận được rất gần với tim.
  • Hình ảnh và các chi tiết rõ nét, đầy đủ hơn siêu âm qua thành ngực

Thông qua đó, các bác sĩ có thể chẩn đoán các bệnh như van tim, cơ tim, các bệnh động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh, màng ngoài tim, mạch máu cận tim...

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định như chi phí cao, yêu cầu máy siêu âm hiện đại, bác sĩ siêu âm phải là người được đào tạo theo chương trình riêng của siêu âm tim qua thực quản, thời gian chuẩn bị lâu và có thể gây ra một vài biến chứng (rất hiếm).

2. Khi nào có chỉ định siêu âm tim qua thực quản?

Như đã đề cập ở mục 1, siêu âm tim qua thực quản cho kết quả hình ảnh rõ nét và chi tiết hơn siêu âm tim qua thành ngực. Thông qua siêu âm tim qua thực quản, bác sĩ có thể thấy được những chi tiết rất nhỏ của tim như van tim, tâm nhĩ, các lớp màng. Từ đó có thể xác định cấu trúc tim, chức năng tim có ổn định không, chẩn đoán bệnh lý và đưa ra phương hướng điều trị cụ thể. Các bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm tim qua thực quản khi phương pháp siêu âm qua thành ngực không đạt được những yêu cầu như mong muốn. Các trường hợp thường được chỉ định siêu âm tim qua thực quản bao gồm:

  • Người có thành ngực dày: Do béo phì hoặc cơ địa
  • Người đang sử dụng các dạng băng vết thương, băng chuyên khoa để điều trị
  • Người vừa trải qua phẫu thuật tim hoặc phẫu thuật liên quan đến tim
X-quang viêm khớp dạng thấp
Bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp chống chỉ định thực hiện thủ thuật này

Siêu âm tim qua thực quản chống chỉ định với các đối tượng:

  • Người mắc các bệnh lý về thực quản: có khối u, giãn tĩnh mạch thực quản, giãn thực quản, nuốt khó...
  • Người mắc các bệnh lý nặng ở đốt sống cổ: sai khớp, viêm khớp dạng thấp, gù...
  • Bệnh nhân sau chiếu tia xạ trung thất...
  • Người có huyết động không ổn định.

3. Quy trình siêu âm tim qua thực quản

3.1. Cán bộ chuyên khoa

Siêu âm tim qua thực quản là kỹ thuật thăm dò phức tạp, do đó cần có 1 ekip thực hiện gồm:

  • 1 bác sĩ trực tiếp siêu âm
  • 1 điều dưỡng
  • 1 bác sĩ gây mê (nếu bệnh nhân cần gây mê)

Cả bác sĩ và điều dưỡng đều phải được đào tạo một khóa riêng về siêu âm tim qua thực quản.

3.2. Phương tiện siêu âm tim qua thực quản

Để tiến hành siêu âm tim qua thực quản cần có những thiết bị y tế:

  • Máy siêu âm màu, có chương trình Tim mạch và chương trình phần mềm siêu âm qua thực quản và 1 đầu ghi hình video.
  • Đầu dò siêu âm tim qua thực quản
  • Máy đo huyết áp
  • Máy theo dõi độ bão hòa oxy máu
  • Thuốc gây tê họng, thuốc an thần
  • Nguồn Oxy và mask thở
siêu âm, đầu dò siêu âm tim
Hình ảnh đầu dò siêu âm tim qua thực quản

3. Người bệnh chuẩn bị

  • Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 4 tiếng đồng hồ trước khi tiến hành siêu âm tim qua thực quản
  • Bệnh nhân được thăm khám để xác định tình trạng thực quản, các bệnh về thực quản, răng miệng...

4. Tiến hành siêu âm tim qua thực quản

  • Quá trình siêu âm tim qua thực quản được kéo dài khoảng 30 - 60 phút.
  • Bệnh nhân được nằm trên bàn chuyên dụng và xịt thuốc gây mê vào cổ họng để gây tê, giảm cảm giác khó chịu trong quá trình siêu âm
  • Điều dưỡng đặt đường truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân
  • Một số bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc an thần để giữ được trạng thái bình tĩnh
  • Các điện cực nhỏ sẽ được đặt lên ngực của người bệnh, tiếp đó là các điện cực bằng dây sẽ được gắn vào một máy ghi điện tâm đồ để theo dõi điện tim của người bệnh
thuốc an thần
Bệnh nhân có thể được tiêm thuốc an thần để tránh bị kích động

  • Bác sĩ sẽ đưa ống thông có đầu dò siêu âm (mềm, dẻo) qua miệng, đi vào cổ họng của người bệnh để xuống thực quản
  • Đầu dò siêu âm sẽ phát sóng siêu âm đến tim và thu âm dội trở lại. Các âm dội sẽ hiển thị hình ảnh cấu trúc tim, các bộ phận của tim lên màn hình video được kết nối sẵn
  • Bác sĩ sẽ tiến hành ghi nhận các hình ảnh siêu âm này. Sau khi lấy được đầy đủ hình ảnh cần thiết sẽ tiến hành rút ống thông, tháo điện cực. Bệnh nhân sẽ được theo dõi cho đến khi tỉnh táo lại. Lúc này, bệnh nhân có thể đứng dậy và kết thúc quá trình siêu âm.

4. Những lưu ý sau siêu âm tim qua thực quản?

Nhiều bệnh nhân thường cảm thấy lo lắng khi được bác sĩ chỉ định siêu âm tim qua thực quản. Phương pháp này phức tạp hơn siêu âm bình thường và sẽ có một chút khó chịu khi bác sĩ tiến hành đưa ống thông vào thực quản. Tuy nhiên, siêu âm tim qua thực quản sẽ không ảnh hưởng gì đến thanh quản hay cuống họng của người bệnh.

Sau siêu âm tim qua thực quản, người bệnh cần lưu ý:

  • Ngay sau khi siêu âm, cổ họng có thể bị tê. Không nên quá lo lắng vì cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất (trong khoảng 1 - 2 giờ sau siêu âm). Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì cho đến khi cảm giác tê biến mất, nếu không rất dễ bị sặc.
  • Người bệnh có thể cảm thấy khó nuốt sau siêu âm vài giờ
  • Người bệnh có thể bị đau họng nhẹ trong 1 - 2 ngày sau siêu âm
  • Không nên uống rượu, bia, các chất kích thích trong 1 - 2 ngày sau siêu âm
đau họng
Siêu âm tim qua thực quản gây đau họng cho người bệnh trong 1 - 2 ngày sau siêu âm

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan