Trẻ sinh non nào cần tầm soát bệnh võng mạc?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác từng là giảng viên Bộ môn Nhi - trường Đại học Y dược Hải Phòng, được cấp chứng chỉ về Nhi khoa trong và ngoài nước như: Bệnh viện Westmead, Australia; Trường Đại học Y Hải Phòng. Bác có thế mạnh trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tỷ lệ trẻ sinh non bị võng mạc cao nhất và để lại di chứng khiếm thị khi tuổi thai ít hơn 28 tuần, kèm theo cân nặng lúc sinh thấp dưới 1,5kg. Thời điểm tầm soát và điều trị bệnh võng mạc nên tiến hành tốt nhất trong 3 - 4 tuần sau sinh.

1. Tổng quan về bệnh võng mạc

Trong những thập kỷ qua, bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh được cho là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa cho các bé ra đời sớm hơn bình thường. Theo các số liệu thống kê gần đây cho thấy, tại Việt Nam hiện có hơn 500 nghìn người bị mù cả hai mắt, trong số đó có hơn 23 nghìn trẻ em. Điều đáng tiếc là 80% trường hợp mất thị lực vĩnh viễn lẽ ra đã được phòng tránh và chữa trị kịp thời.

Hiện nay, phương pháp quang đông đã có nhiều thành tựu nổi bật hơn so với phẫu thuật laser truyền thống. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp chữa lành đôi mắt các bệnh nhi phát hiện mắc bệnh võng mạc vào giai đoạn cuối, khi võng mạc đã bong hoàn toàn. Sau khi xuất viện, thường xuyên đưa trẻ đi theo dõi đúng lịch hẹn cũng góp phần hạn chế được biến chứng sau này như suy giảm thị lực và các tật khúc xạ.

2. Đối tượng trẻ em cần tầm soát bệnh võng mạc

tre-sinh-non-de-mac-suy-ho-hap
Trẻ sinh càng sớm thì nguy cơ bị bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh càng cao

2.1. Trẻ sinh non tháng và nhẹ cân

Bé sinh càng sớm thì nguy cơ bị bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh càng cao, cụ thể là:

  • Tuổi thai ít hơn 32 tuần (sinh sớm từ 8 tuần trở lên)
  • Tuổi thai từ 32-36 tuần (sinh sớm 4-8 tuần) kết hợp với chế độ chăm sóc sơ sinh kém
  • Trẻ sơ sinh quá nhẹ, cân nặng lúc sinh dưới 1.500 g
  • Trẻ sinh non kèm theo các bệnh lý như: suy hô hấp, viêm phổi, thiếu máu...

Mặt khác, trẻ thừa cân nhưng không được chăm sóc tốt cũng thuộc đối tượng cần phải tầm soát bệnh võng mạc.

2.2. Chế độ chăm sóc sau sinh không hợp lý

Nguy cơ bị trẻ sinh non bị võng mạc cũng tăng nếu như chế độ theo dõi bé sinh non trong suốt vài tuần đầu sau sinh không được đảm bảo, chẳng hạn như:

  • Trẻ thiếu dinh dưỡng, tăng cân kém
  • Trẻ bị nhiễm trùng
  • Trẻ thở quá nhiều oxy trong thời gian dài gây tổn thương mạch máu trong võng mạc
  • Trẻ khó chịu vì cảm giác đau, thân nhiệt không ổn định
  • Bé không được tiếp xúc da kề da và bú sữa mẹ.

2.3. Năng lực yếu kém của cơ sở y tế

Trong trường hợp trẻ được sinh tại những nơi mà điều kiện trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực có giới hạn, tỷ lệ trẻ sinh non bị võng mạc càng lớn. Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm:

  • Thiếu đội ngũ bác sĩ, y tá có chuyên môn
  • Nhân viên y tế không được đào tạo bài bản
  • Không có đủ máy thở cung cấp và theo dõi lượng oxy
  • Môi trường trong nôi hoặc lồng ấp không đảm bảo.

3. Đề phòng trẻ sinh non tháng mắc bệnh võng mạc

Các chuyên gia y tế khuyên gia đình nên đưa trẻ tái khám đúng hẹn và không được tự ý ngừng theo dõi khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên nhãn khoa cho trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, chăm sóc tiền sản tốt nhằm ngăn ngừa sinh non đóng vai trò chính trong đề phòng trẻ sinh non tháng mắc bệnh võng mạc. Thai phụ nên ghi nhớ những lưu ý sau đây:

  • Đảm bảo kiểm soát tốt những vấn đề sức khỏe trước khi mang thai, bao gồm viêm nhiễm (nha chu, đường tiết niệu) và bệnh phụ khoa
  • Tránh xa các yếu tố ảnh hưởng gây sinh non như hút thuốc lá, làm việc quá sức
  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý
  • Khám thai định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường có thể dẫn đến sinh non, có thể là đau lưng, thoát dịch âm đạo bất thường hoặc tiêu chảy
  • Điều trị nhanh chóng và tích cực các bệnh lý gặp phải trong suốt thai kỳ, ví dụ như viêm âm đạocổ tử cung, nhiễm trùng đường tiểu do viêm bể thận, sốt cao cấp tính, v.v
  • Áp dụng mọi biện pháp giúp kéo dài thai kỳ nếu như có nguy cơ sinh non

Các kết quả siêu âm liên quan đến tình trạng thai nhi là rất quan trọng để giúp bác sĩ tiên lượng những bệnh lý bé có thể gặp phải sau này, đặc biệt là thông tin thai sản và sơ sinh trong phiếu giới thiệu khám mắt đối với bệnh võng mạc.

Nhìn chung, nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm và các yếu tố nguy cơ mắc bệnh võng mạctrẻ sinh non tháng, cũng như chương trình tầm soát và điều trị là rất cần thiết. Để hạn chế tình trạng suy giảm thị lực hay thậm chí là mù lòa vĩnh viễn cho trẻ, quá trình theo dõi đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài, đồng thời phải chẩn đoán sớm và điều trị tích cực. Ngoài đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế, chính bố mẹ là những thành phần đóng vai trò quan trọng nhất từ trước và trong khi mang thai, cho đến giai đoạn chăm sóc trẻ sau sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

391 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan