Vì sao cần bù nước trong điều trị sốt xuất huyết?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận nhân tạo, và trong lĩnh vực truyền nhiễm, khám và quản lý các bệnh nhân mắc bệnh thận và các bệnh truyền nhiễm.

Điều trị sốt xuất huyết cần bù nước và chất điện giải kịp thời, đúng cách để hạn chế những hậu quả nghiêm trọng gây ra do mất nước, như sốc, trụy mạch, hôn mê, rối loạn thần kinh.

1. Sốt xuất huyết nên làm gì?

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cho các bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết. Do đó, khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân nên đi thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác và xử trí phù hợp. Cách điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là giải quyết triệu chứng và đề phòng những biến chứng nặng hơn.

Để điều trị sốt xuất huyết tại nhà, bệnh nhân cần sử dụng thuốc giảm đau với hoạt chất acetaminophen (paracetamol) và tránh dùng thuốc có chứa aspirin vì có thể khiến cho tình trạng chảy máu ngày càng nặng hơn. Ngoài ra, người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và bổ sung điện giải. Nếu cảm thấy tình trạng tồi tệ hơn trong 24 giờ đầu sau khi hết sốt, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được kiểm tra và xử lý các biến chứng khi sốt xuất huyết trở nặng.

2. Nguy kịch vì mất nước do sốt xuất huyết

Một số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng có biểu hiện mất nước trầm trọng. Đây là biến chứng thường gặp nhất trong các trường hợp sốt xuất huyết và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong, liên quan đến thoát huyết tương.

Triệu chứng sốt xuất huyết
Mất nước là một trong các biến chứng do sốt xuất huyết gây ra

Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy trầm trọng, kèm theo nôn ói, mệt mỏi, li bì, đau tức vùng gan,... Nhiều người khỏe mạnh có thể chủ quan, không để ý hiện tượng mất nước, dẫn đến xuất huyết ồ ạt, huyết tương bị thoát qua thành mạch, kéo theo sự di chuyển của nước, dẫn đến tình trạng mất một lượng nước lớn trong hệ tuần hoàn. Hậu quả gây ra sốc, trụy mạch, hôn mê, rối loạn chức năng gan, thận... Trong đó, biến chứng sốt xuất huyết giảm tiểu cầu được xem là cực kỳ nguy hiểm. Một số triệu chứng của sốt xuất huyết giảm tiểu cầu bao gồm:

  • Bầm tím;
  • Chảy máu chân răng, chảy máu mũi;
  • Chảy máu liên tục từ vết thương hở, ngay cả khi vết thương đã xuất hiện từ lâu;
  • Kinh nguyệt ra rất nhiều;
  • Xuất huyết trực tràng.
  • Có lẫn máu trong phân hoặc nước tiểu;
  • Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, li bì.

Trong các trường hợp sốt xuất huyết giảm tiểu cầu nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết nội tạng. Một số dấu hiệu cho thấy có chảy máu bên trong nội tạng, bao gồm:

  • Máu xuất hiện trong nước tiểu;
  • Máu lẫn trong phân;
  • Nôn ra máu hoặc chất dịch có màu đen.

3. Sốt xuất huyết có được truyền nước không?

Phần lớn (70%) bệnh nhân sốt xuất huyết không sốc có thể được điều trị ngoại trú bằng cách bù nước qua đường uống. Tuy nhiên, 30% còn lại và tất cả những bệnh nhân sốt xuất huyết có sốc cần điều trị bằng phương pháp truyền nước qua đường tĩnh mạch (IV).

Điều trị bù nước bằng đường uống được khuyến cáo hàng đầu cho những bệnh nhân bị mất nước vừa phải do sốt cao và nôn mửa. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết đã được chẩn đoán hoặc nghi ngờ mắc bệnh nên được đo số lượng tiểu cầu và hematocrit hàng ngày kể từ ngày thứ ba khởi phát bệnh cho đến thời điểm 1 - 2 ngày sau khi giảm phát. Theo đó, những bệnh nhân ăn uống kém, nôn ói nhiều, có dấu hiệu mất nước lâm sàng, mức hematocrit tăng hoặc số lượng tiểu cầu giảm có thể thực hiện truyền dịch bù nước dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Nên truyền dịch tại các cơ sở y tế lớn, có uy tín
Người bệnh tuyệt đối không nên tự truyền dịch tại nhà

Công tác truyền dịch bù nước cho bệnh nhân sốt xuất huyết cần được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ, áp dụng cho một số đối tượng bệnh nhân nhất định, có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng thể hiện trên cận lâm sàng, chẳng hạn như:

  • Nhịp tim nhanh;
  • Thời gian nạp mao quản kéo dài;
  • Da mát hoặc xuất hiện lốm đốm, có vằn;
  • Có biểu hiện rối loạn thần kinh;
  • Lượng nước tiểu giảm;
  • Hematocrit tăng;
  • Huyết áp thấp.

Những trường hợp cải thiện có thể theo dõi trong môi trường ngoại trú. Tuy nhiên, những bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết không cải thiện cần tiếp tục lưu lại viện để tìm cách xử trí bù nước phù hợp.

Bổ sung nước bằng dung dịch truyền qua đường tiêm tĩnh mạch có thể ngăn ngừa mất nước và ổn định thể tích máu nếu bệnh nhân không thể duy trì bù nước qua đường uống. Ngoài ra, trong trường hợp hiếm gặp nếu mức tiểu cầu giảm đáng kể (xuống mức dưới 20.000) hoặc nếu có xuất huyết trầm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định truyền tiểu cầu cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân sốt xuất huyết đi tiêu ra phân có màu đen thì rất có thể đã xảy ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa, cần thiết phải truyền tiểu cầu và/hoặc truyền hồng cầu để đưa bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

4. Nguyên tắc bù chất lỏng cho trẻ em mắc sốt xuất huyết

Trong giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết ở trẻ em, có sự gia tăng tính thấm mao mạch và tình trạng sốc có thể xảy ra nếu một khối lượng lớn huyết tương bị mất do rò rỉ nước. Phác đồ được khuyến nghị trong điều trị mất nước cho trẻ em mắc sốt xuất huyết là: Nhanh chóng thay thế và cải thiện tình trạng mất huyết tương bằng dung dịch nước và điện giải đẳng trương hoặc dung dịch cao phân tử (trong trường hợp sốc nặng); tiếp tục thực hiện bù huyết tương liên tục để duy trì hệ tuần hoàn trong 24 - 48 giờ; điều chỉnh rối loạn chuyển hóa và chất điện giải; truyền máu trong trường hợp chảy máu nặng, đe dọa tử vong. Trong trường hợp cần truyền một lượng lớn chất lỏng, thể tích dịch truyền nên giảm dần khi tình trạng rò rỉ huyết tương có dấu hiệu cải thiện, nhằm ngăn ngừa biến chứng hạ canxi máu và phù nề do dư thừa huyết tương, dẫn đến suy hô hấp hoặc suy tim sung huyết, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi.

Nước hoa quả
Bù nước cho bệnh nhân sốt xuất huyết, có thể dùng các loại nước trái cây

5. Cách bù nước tại nhà bằng đường uống

Bệnh nhân sốt xuất huyết giai đoạn đầu có thể tự bù dịch tại nhà bằng đường uống, tốt nhất nên dùng các loại dung dịch sau:

  • Dung dịch Oresol (ORS): Pha chế theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên pha với nước đun sôi để nguội, tránh pha với sữa, nước khoáng hay nước trái cây. Không thêm đường vào dung dịch sau khi pha, không chia nhỏ gói ORS để pha thành nhiều lần cũng như pha quá đậm đặc, vì sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng;
  • Nước trái cây: Để bù nước cho bệnh nhân sốt xuất huyết, có thể dùng các loại nước trái cây, chẳng hạn như nước cam, nước chanh, nước dừa. Nước trái cây vừa có tác dụng cung cấp nước và chất điện giải, vừa có chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng tính vững bền của thành mạch, từ đó giảm nguy cơ xuất huyết;
  • Nước lọc: Bệnh nhân sốt xuất huyết cần bù đủ nước trong điều trị sốt xuất huyết, tập trung nghỉ ngơi và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Trong mọi trường hợp, sốt xuất huyết có được truyền nước không là tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh có thể tự bù nước tại nhà bằng đường uống để cải thiện triệu chứng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com; Denguevirusnet.com và Ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan