Vì sao trẻ dậy thì sớm cần được khám và điều trị?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Phương Thảo - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Thảo đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa, hiện bác đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Thế mạnh của bác là chẩn đoán, điều trị và chăm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khám điều trị nội tiết.

Ngày nay đời sống vật chất dần được nâng cao, dậy thì sớm ở trẻ ngày càng trở nên phổ biến. Tuy vậy, nhiều phụ huynh lại cho rằng dậy thì sớm là hiện tượng tự nhiên, không cần khám hay điều trị mà không biết điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Hiểu được vai trò của việc khám và điều trị cho trẻ dậy thì sớm sẽ giúp cha mẹ có hướng xử lý đúng đắn, bảo vệ sự phát triển lành mạnh cho trẻ.

1. Dậy thì sớm là gì?

Thông thường, quá trình dậy thì thường bắt đầu từ 8 - 13 tuổi đối với các bé gái và từ 9 - 14 tuổi đối với các bé trai. Dậy thì sớm được định nghĩa là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát sớm hơn bình thường (ở bé gái dưới 8 tuổi, có kinh trước 9 tuổi và ở bé trai dưới 9 tuổi).

Dậy thì sớm xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn gấp 10 lần so với các bé trai. Bé gái dậy thì sớm có các biểu hiện như ngực phát triển, có nụ vú, quầng vú hơi nhô lên và hơi nở rộng ra, xuất hiện lông nách, lông mu, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài và có kinh nguyệt. Ở bé trai, dậy thì sớm làm xuất hiện các dấu hiệu như tinh hoàn và dương vật to lên, bìu sậm màu, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, râu (thường phát triển đầu tiên trên môi trên), mụn trứng cá, giọng trầm đi và có mùi cơ thể người lớn.

Có 3 loại dậy thì sớm ở trẻ gồm:

  • Dậy thì sớm trung ương (hoặc dậy thì sớm thật): Do hoạt động sớm của trục hạ đồi - tuyến yên - sinh dục, phụ thuộc hormon hướng sinh dục.
  • Dậy thì sớm ngoại biên (hoặc dậy thì sớm giả): Độc lập với sự kích thích của tuyến yên, không phụ thuộc hormon hướng sinh dục.
  • Dậy thì sớm một phần (hoặc dậy thì sớm riêng lẻ, không hoàn toàn): Phát triển sớm và riêng lẻ một đặc tính sinh dục thứ phát, không tiến triển hoặc tiến triển rất chậm.
Tỷ lệ dậy thì sớm ở bé gái cao hơn
Dậy thì sớm xuất hiện ở các bé gái nhiều gấp 10 lần các bé trai.

2. Vì sao trẻ dậy thì sớm cần được khám và điều trị?

2.1. Dậy thì sớm có ảnh hưởng gì?

Việc chần chừ trong điều trị dậy thì sớm ở trẻ có một phần nguyên nhân từ việc cha mẹ trẻ chưa nhận thức được dậy thì sớm có nguy hiểm không. Dưới đây là một số ảnh hưởng của dậy thì sớm tới sức khỏe và tâm lý của trẻ:

  • Ảnh hưởng đầu tiên có thể kể đến là trẻ dậy thì sớm sẽ làm cho đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng. Chiều cao của trẻ khi qua tuổi dậy thì lại chững lại, thường thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa, khiến nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm bị lùn.
  • Việc có kinh nguyệt trước tuổi 9 ở bé gái còn khiến các bé bị giảm lưu lượng máu trong cơ thể, dẫn tới giảm oxy lên não, gây ra cái chết của tế bào thần kinh và dẫn đến đột quỵ, có khả năng gây chết người.
  • Mặt khác, những nghiên cứu trên quần thể lớn còn ghi nhận trẻ em gái dậy thì sớm sẽ tăng khả năng bị ung thư vú, cao huyết áp và các biến cố của bệnh lý tim mạch sau này khi đến tuổi mãn kinh.
  • Dậy thì sớm ở trẻ còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Trẻ có khuynh hướng phát triển sinh lý trước tuổi. Những thay đổi trên cơ thể của trẻ dậy thì sớm khác với những trẻ cùng trang lứa cũng là nguồn gốc sinh ra những vấn đề tâm lý làm cho trẻ ngại ngùng, dễ làm cho trẻ có thái độ tự ti và để lại di chứng cho trẻ khi trưởng thành.
  • Dậy thì sớm làm cho trẻ có ham muốn tình dục trước tuổi. Do suy nghĩ còn nông nổi, tuổi đời còn nhỏ, khả năng tự khống chế kém nên không thể tránh khỏi những cạm bẫy xã hội, từ đó dễ dẫn đến bị lạm dụng tình dục, mang thai quá sớm hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Trẻ dậy thì sớm còn quá nhỏ để đối phó với sự thay đổi của cơ thể, kết hợp với sự hạn chế trong giáo dục giới tính ở nhiều nơi khiến các bé thường thiếu kỹ năng để chăm sóc cơ thể.

2.2. Mục đích điều trị dậy thì sớm ở trẻ

Dậy thì sớm
Điều trị dậy thì sớm cho trẻ là vô cùng cần thiết.

Trên cơ sở những ảnh hưởng không tốt của dậy thì sớm đối với trẻ, việc điều trị dậy thì sớm cho trẻ nhằm mục đích:

  • Cải thiện chiều cao.
  • Ngưng trưởng thành sinh dục.
  • Giảm nguy cơ quan hệ sinh dục sớm.
  • Lạm dụng tình dục.
  • Dự phòng những rối loạn tâm lý.

3. Trẻ dậy thì sớm khi nào cần điều trị?

Đối với trường hợp dậy thì sớm một phần thì không cần điều trị, cha mẹ cần chú ý theo dõi định kỳ mỗi 3 tháng.

Đối với trường hợp dậy thì sớm trung ương hay dậy thì sớm ngoại biên, thời gian điều trị kéo dài đến tuổi trung bình của dậy thì (khoảng 10 - 11 tuổi), khi ngưng điều trị thì sự phát triển dậy thì về lâm sàng và sinh học sẽ được lặp lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan