2 phương pháp thường dùng trong phẫu thuật điều trị ung thư vú

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Tường Huân - Bác sĩ ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất, gây tỷ lệ tử vong cao ở phụ nữ và phẫu thuật cắt tuyến vú được lựa chọn cho điều trị ung thư vú. Có hai phương pháp phẫu thuật thường dùng là phẫu thuật cắt tuyến vú và phẫu thuật bảo tồn tuyến vú.

1. Phương pháp phẫu thuật ung thư vú

Thông thường, bệnh nhân ung thư vú phải trải qua nhiều giai đoạn bệnh với nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó, phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định điều trị trong giai đoạn sớm. Có 2 lựa chọn phẫu thuật cho hiệu quả điều trị tương đương nhau là: phẫu thuật bảo tồn tuyến vú và phẫu thuật cắt tuyến vú hoàn toàn. Lựa chọn phương pháp điều trị nào hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể và ý muốn của từng bệnh nhân.

1.1. Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú

Một trong những phương pháp điều trị ung thư vú là phẫu thuật bảo tồn tuyến vú - cắt bỏ toàn bộ khối u ác tính ở vú và các mô khỏe mạnh xung quanh mà vẫn giữ được hình dáng, kích thước vú gần tương đương. Sau khi cắt bỏ khối u ác tính, bệnh nhân sẽ được chỉ định xạ trị để tiêu diệt toàn bộ những tế bào ung thư còn sót lại.

Phương pháp phẫu thuật bảo tồn được chỉ định cho những bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm khi khối u còn nhỏ. Thủ thuật điều trị này giúp người bệnh lạc quan, tự tin hơn vì không bị cắt bỏ hoàn toàn bầu ngực như phẫu thuật cắt tuyến vú hoàn toàn. Bên cạnh đó, phẫu thuật bảo tồn vú có thời gian phẫu thuật ngắn và phạm vi phẫu thuật hẹp hơn so với phẫu thuật cắt tuyến vú hoàn toàn. Đồng thời, phương pháp này giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ trong giai đoạn hậu phẫu và rút ngắn thời gian phục hồi cho bệnh nhân.

Điều trị ung thư vú
Có thể lựa chọn phẫu thuật bảo tồn tuyến vú hay cắt toàn bộ tuyến vú phù hợp

1.2. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú hoàn toàn

Phương pháp này còn gọi là phẫu thuật đoạn nhũ tận gốc. Đây là thủ thuật cắt bỏ toàn bộ vú và nạo hạch. Phẫu thuật đoạn nhũ là lựa chọn duy nhất cho các trường hợp có khối u vú lớn hoặc có nhiều khối u riêng rẽ phân tán khắp bầu vú. Với phương pháp này, người bệnh sẽ mất đi tuyến vú. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều tích cực là kỹ thuật phẫu thuật tạo hình ngực đang ngày càng phát triển nên bệnh nhân có thể lựa chọn phương án này để tự tin hơn. Nếu lựa chọn tái tạo vú sau khi phẫu thuật đoạn nhũ thì bệnh nhân sẽ phải trải qua một ca đại phẫu kéo dài, mất sức và có thời gian hồi phục lâu hơn.

2. Yếu tố ảnh hưởng tới lựa chọn phẫu thuật điều trị ung thư vú

Dù có hiệu quả điều trị tương đương nhưng không phải mọi trường hợp đều có thể điều trị phẫu thuật cắt tuyến vú hoàn toàn hoặc bảo tồn tuyến vú. Có một số yếu tố cần được xem xét khi quyết định nên lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào. Đó là:

  • Bệnh sử và khám lâm sàng: Là yếu tố giúp bác sĩ xác định tình trạng sức khỏe chung và các tình trạng bệnh lý khác của bệnh nhân. Chụp X-quang tuyến vú (giúp xác định kích thước, phạm vi và các đặc điểm khác của khối u) và xét nghiệm vi thể khối u giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị ung thư vú bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú hoàn toàn hoặc phẫu thuật bảo tồn vú cho phù hợp.
Khi nào bạn nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú?
Trao đổi với bác sĩ phương pháp điều trị ung thư vú phù hợp

Nhu cầu và nguyện vọng của bệnh nhân: Bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ điều trị nếu có nguyện vọng bảo tồn tuyến vú. Điều quan trọng là cần cân nhắc xem việc điều trị bằng 2 phương pháp phẫu thuật trên có ảnh hưởng tới hiệu quả trị bệnh, sự tự tin, hoạt động tình dục và chất lượng cuộc sống của người bệnh hay không. Khi cân nhắc về lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật đoạn nhũ và phẫu thuật bảo tồn vú, cần chú ý tới những điểm gồm: thời gian sống sau ung thư vú, nguy cơ và hậu quả của tái phát tại chỗ, điều chỉnh tâm lý với việc điều trị, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và hoạt động tình dục.

3. Trường hợp nào nên ưu tiên cắt bỏ tuyến vú hoàn toàn?

  • Có từ 2 khối u riêng biệt trở lên ở các vị trí khác nhau trên vú;
  • Khối u lan tỏa, xâm lấn vào mô tuyến vú;
  • Đã xạ trị vào mô vú hoặc lồng ngực trước đó và do vậy không nên tiếp tục xạ trị;
  • Có thai và đó là lý do không nên xạ trị để tránh gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi;
  • Còn sót tế bào ung thư sau khi thực hiện phẫu thuật bảo tồn vú dù đã cắt bỏ một lượng mô lớn;
  • Bị xơ cứng bì và lupus ban đỏ hệ thống;
  • Có một số u lân cận và có các lắng đọng canxi trong cùng khu vực có u vú;
  • Kích thước khối u trên 5cm;

Khi ung thư vú được phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cân nhắc trên nhiều yếu tố để đưa ra lựa chọn phẫu thuật phù hợp với từng bệnh nhân. Chìa khóa giúp điều trị bệnh hiệu quả, nâng cao cơ hội khỏi bệnh và giảm nguy cơ biến chứng chính là tầm soát, phát hiện ung thư vú sớm.

Sàng lọc ung thư vú
Sàng lọc ung thư vú định kỳ giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư vú

Tầm soát và sàng lọc ung thư vú sớm giúp phụ nữ chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe và bảo vệ bản thân. Lợi ích của sàng lọc ung thư vú là phát hiện sớm ung thư, tăng cơ hội bảo tồn vú và bảo tồn vẻ đẹp của người phụ nữ. Không chỉ vậy, phát hiện bệnh sớm sẽ giúp điều trị bệnh ngay từ giai đoạn sớm, đạt hiệu quả cao, ít biến chứng, ngăn ung thư tiến triển, di căn hoặc tái phát, tiết kiệm nhiều chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan