Các cách sống khỏe với bệnh ung thư phổi

Ung thư phổi là một bệnh lý nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng hàng triệu người mỗi năm. Ung thư phổi có nhiều loại khác nhau và mỗi loại lại có những biện pháp điều trị khác nhau và ngoài việc điều trị thì làm sao để sống chung một cách khỏe mạnh với ung thư phổi là điều mà rất nhiều người quan tâm. Hãy thử một số biện pháp dưới đây để giúp bạn có thể sống khỏe với bệnh ung thư phổi.

1. Bệnh ung thư phổi là gì?

Ung thư là một căn bệnh mà các tế bào trong cơ thể phát triển quá mức ngoài tầm kiểm soát của cơ thể. Khi các tế bào này bắt đầu từ phổi thì nó được gọi là ung thư phổi.

Ung thư phổi bắt đầu từ phổi và ở những giai đoạn sau ung thư phổi di căn có thể tới các cơ quan như hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác trong cơ thể, gần với phổi hoặc xa phổi chẳng hạn như não. Ngược lại thì ung thư từ các cơ quan khác cũng có thể di căn đến phổi. Khi các tế bào ung thư lây lan từ cơ quan này sang cơ quan khác, chúng được gọi là ung thư di căn.

Ung thư phổi thường được chia nhóm thành hai loại chính gọi là ung thư tế bào nhỏ và không phải tế bào nhỏ (bao gồm ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy). Các loại ung thư phổi này phát triển khác nhau và được điều trị khác nhau. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ phổ biến hơn ung thư phổi tế bào nhỏ và có tiên lượng tốt hơn.

2. Ung thư phổi sống được bao lâu?

Ung thư phổi cũng như hầu hết các loại ung thư khác được chia thành 4 giai đoạn với mức độ phát triển của các tế bào ung thư. Tùy vào từng giai đoạn, loại ung thư phổi, thể trạng của người bệnh và các biện pháp điều trị mà xác định được thời gian sống khi mắc ung thư phổi.

  • Những trường hợp ung thư giai đoạn sớm thì tỷ lệ sống trên 5 năm là khoảng 52%.
  • Trường hợp tế bào ung thư đã di căn hạch thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 25%.
  • Với trường hợp ung thư phổi di căn thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 4%. Đặc biệt với những người ung thư phổi tế bào nhỏ thì thường sống được 6 đến 12 tháng nếu điều trị và nếu không điều trị thì sống được khoảng 2 đến 4 tháng.

Như vậy, có rất nhiều yếu tố giúp quyết định việc ung thư phổi sống được bao lâu. Một trong những điều quan trọng đó là việc phát hiện sớm, ở giai đoạn khu trú.

ung thư phổi sống được bao lâu
Giải đáp ung thư phổi sống được bao lâu?

3. Làm gì để sống khỏe với bệnh ung thư phổi?

Ung thư phổi là bệnh nguy hiểm, nhưng bạn vẫn có thể thực hiện các biện pháp để giúp bản thân sống khỏe với nó. Một số biện pháp bạn có thể áp dụng bao gồm:

  • Nhận biết rõ về tình trạng sức khoẻ của bản thân

Khi biết về những gì đang xảy ra với cơ thể của mình, bạn sẽ cảm thấy bạn thân kiểm soát được mọi thứ tốt hơn. Nhưng dù vậy không phải lúc nào cũng dễ dàng biết hết tất cả các thông tin chi tiết về bệnh của mình mà bác sĩ cung cấp cho bạn. Cho nên để hiểu về bệnh của mình một cách chi tiết bạn nên viết ra các câu hỏi mình cần biết trước khi gặp bác sĩ và mang chúng theo bên mình, nhớ ghi chú để biết được các thông tin quan trọng và nếu không thể nhớ hết những gì bác sĩ nói thì nên đi cùng với một người bạn hoặc người thân để nhớ hết thông tin.

  • Nghỉ ngơi hợp lý

Bệnh ung thư phổi và các phương pháp điều trị bệnh đều có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Do đó bạn cần theo dõi cảm giác của bản thân hàng ngày, hay nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt. Sau khi nghỉ ngơi đầy đủ bạn sẽ có đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày và cơ thể sẽ khỏe hơn ngay sau khi bạn điều trị xong.

  • Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng

Thực phẩm lành mạnh và đủ dinh dưỡng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Nếu bạn thắc mắc ung thư phổi ăn gì tốt thì đó là trái cây, rau quả, sữa ít béo, đồ ăn giàu protein như trứng, phô mai, nên cung cấp chất béo qua dầu thực vật, ngũ cốc nguyên hạt và điều quan trọng là uống đủ nước. Còn ung thư phổi kiêng ăn gì? Thì đó là rượu bia, đồ ăn chế biến sẵn, đồ chiên xào, rán và hải sản như tôm cua và cá cũng nên hạn chế vì tăng sinh đờm. Khi bạn có một chế độ ăn lành mạnh thì bạn sẽ cảm thấy tốt hơn, có nhiều năng lượng hơn, hạn chế những tác dụng phụ do dùng thuốc tốt hơn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và giúp cho cơ thể phục hồi tốt hơn.

Trong quá trình điều trị có thể bạn không phải lúc nào cũng cảm thấy muốn ăn, thậm chí là rất chán ăn, nhưng đừng bỏ bữa. Có thể nên gặp một chuyên gia dinh dưỡng để có thể giúp bạn tìm ra thức ăn tốt để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

  • Cố gắng vận động khi có thể

Chỉ cần được sự đồng ý của bác sĩ, thì bạn hãy cố gắng vận động cơ thể tùy theo tình trạng sức khoẻ mỗi ngày. Có thể lựa chọn các hoạt động như đi xe đạp, bơi lội, yoga hay đi bộ, những hoạt động thể chất có thể giúp tăng cường năng lượng, giảm căng thẳng và lo lắng, tăng cảm giác thèm ăn và nâng cao tinh thần.

  • Quan tâm tới cảm xúc của chính mình

Việc phát hiện ra mình bị ung thư phổi là một điều rất lớn và nó sẽ thay đổi cuộc sống của bạn. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm hoặc thường xuyên gặp nhiều căng thẳng trong cuộc sống trước đây thì có nhiều khả năng gặp những cảm xúc rất tiêu cực khi bị chẩn đoán ung thư và có thể không chấp nhận được điều đó. Đối mặt với bệnh tật của bạn sẽ có ích trong việc điều trị, hãy nói chuyện với bạn bè hoặc chuyên gia y tế về cảm giác của bạn. Một số trường hợp cần điều trị cả các vấn đề liên quan tới cảm xúc.

ung thư phổi sống được bao lâu
Nghỉ ngơi hợp lý để sống khỏe với bệnh ung thư phổi

  • Giữ lối sống lành mạnh

Những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều và không tập thể dục sẽ không tốt cho chất lượng cuộc sống của bạn và bạn nên thay đổi điều đó. Chăm sóc cơ thể bằng những thói quen tốt lành mạnh sẽ giúp bạn phục hồi tốt hơn sau điều trị và có thể duy trì được thời gian sống lâu hơn.

  • Theo dõi các tác dụng phụ khi điều trị bệnh

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi khác nhau. Không phải mọi loại thuốc đều ảnh hưởng đến người bệnh theo cách giống nhau, nhưng một số phản ứng phổ biến nhất có thể xảy ra khi điều trị bao gồm cảm giác mệt mỏi, có thể dễ bị nhiễm trùng hơn, đau đớn, cảm giác buồn nôn và nôn, chán ăn, thiếu máu, phù nề, buồn phiền...có thể các triệu chứng là phản ứng phụ bình thường có thể gặp. Nhưng có thể một số triệu chứng là các biến chứng trong quá trình điều trị. Cho nên, hãy cho bác sĩ biết về những tác dụng phụ mà bạn gặp phải càng sớm càng tốt. Một số loại thuốc có thể làm dịu nhiều người trong số họ. Thay đổi lối sống cũng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

  • Giữ liên lạc với bác sĩ điều trị

Nên có những cách để liên lạc với bác sĩ điều trị của mình để có thể thông báo cho bác sĩ biết những gì đang xảy ra với bạn. Tái khám đúng hẹn để có thể được kiểm tra đầy đủ và đúng thời điểm nhất để xác định được các bước điều trị tiếp theo.

  • Có thể kết nối với các nhóm hỗ trợ hay những người cùng mắc bệnh

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ hai (không tính ung thư da). Tìm kiếm những nhóm hỗ trợ và các nguồn trực tuyến có thể giúp đỡ bạn vượt qua được cảm xúc tiêu cực hoặc có thể giúp bạn tiếp xúc với những người khác cũng đang sống chung với căn bệnh này. Những nhóm hỗ trợ này thường có hiểu biết nhất định về bệnh ung thư phổi và họ có thể cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi của bạn, giúp bạn cảm thấy rằng bản thân không đơn độc.

Ung thư phổi là một bệnh nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ sống trên 5 năm là trên 50%. Ngoài ra, khi mắc bệnh có thể kết hợp các biện trên để giúp bản thân sống vui vẻ và sống khỏe hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

890 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan