Hướng dẫn trực quan về ung thư thận

Ung thư thận là một bệnh lý nguy hiểm và được ví như “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh thường tiến triển âm thầm và chỉ được phát hiện ở giai đoạn nặng. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên đi khám càng sớm càng tốt để chẩn đoán và đánh giá tiên lượng ung thư thận điều trị bệnh kịp thời.

1. Ung thư thận là gì?

Công việc chính của thận là lọc chất thải từ máu và bài xuất ra nước tiểu. Đồng thời, nó cũng giúp kiểm soát huyết áp và tham gia vào quá trình tạo hồng cầu nhờ tiết erythropoietin (có vai trò kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu). Ung thư thận, còn được gọi là ung thư biểu mô tế bào thận, xảy ra khi các tế bào ở một hoặc cả hai quả thận bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành một khối u ác tính ở thận gây chèn ép các tế bào khỏe mạnh. Bệnh lý này là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở cả nam và nữ

Hầu hết, những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thận đều từ 50 đến 70 tuổi. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới từ 2 đến 3 lần và người Mỹ gốc Phi có cơ hội mắc bệnh cao hơn các nhóm khác. Huyết áp cao, bệnh thận và một số vấn đề về gen, như bệnh von Hippel-Lindau, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

2. Những nguy cơ dẫn đến ung thư thận là gì?

Nhiều người thắc mắc rằng ung thư thận có lây không? Thực tế, ung thư thận không phải là một bệnh lý truyền nhiễm và không thể lây lan từ người này sang người khác. Bệnh nhân có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư thận nếu có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Hút thuốc: hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh. Nó được cho là nguyên nhân gây ra 30% ca ung thư thận ở nam giới và 25% ở nữ giới.
  • Thừa cân: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư tế bào biểu mô thận cao gần gấp đôi.
  • Tiếp xúc với một số chất tại nơi làm việc như cadmium hoặc trichloroethylene.
Thừa cân khiến nguy cơ mắc ung thư thận và u ác tính ở thận cao hơn bình thường
Thừa cân khiến nguy cơ mắc ung thư thận và u ác tính ở thận cao hơn bình thường

3. Triệu chứng của ung thư thận

Nếu bệnh nhân chỉ có một khối u nhỏ, bệnh nhân có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào, nhưng những khối u lớn hơn có thể gây ra những vấn đề sau:

  • Máu trong nước tiểu
  • Một khối u ở bên hông hoặc lưng
  • Đau lưng dưới
  • Cảm thấy mệt
  • Giảm cân không có lý do
  • Sốt

4. Chẩn đoán ung thư thận như thế nào?

4.1 Xét nghiệm máu và nước tiểu

Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn có thể bị ung thư thận, họ có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu để phát hiện các bất thường. Xét nghiệm máu nhằm đánh giá công thức máu và đảm bảo bệnh nhân có số lượng tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu khỏe mạnh. Những người bị ung thư thận thường bị thiếu máu.

4.2 Chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp để xem xét kỹ hơn thận của bệnh nhân:

  • Siêu âm: Dùng sóng âm thanh tạo ra hình ảnh đen trắng trên màn hình máy tính.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Các tia X từ các góc độ khác nhau được ghép lại với nhau để tạo ra hình ảnh hoàn chỉnh hơn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nam châm và sóng vô tuyến sẽ giúp tạo ra hình ảnh chi tiết.

4.3 Sinh thiết

Với bệnh ung thư thận, sinh thiết hiếm khi cần thiết và chỉ được thực hiện trong những trường hợp rất hiếm. Nếu bác sĩ quyết định sinh thiết là cần thiết, họ sẽ đề nghị phẫu thuật để lấy một mẫu nhỏ từ khối u bằng kim và đem đi xét nghiệm. Trong trường hợp này, sinh thiết được sử dụng để biết chắc chắn liệu bạn mắc bệnh ung thư hay không.

Một số phương pháp giúp bác sĩ đưa ra tiên lượng ung thư thận
Một số phương pháp giúp bác sĩ đưa ra tiên lượng ung thư thận

5. Giai đoạn của ung thư thận

Bác sĩ có thể tiên lượng ung thư thận dựa trên mức độ của các tế bào ung thư. Các tế bào được phân thành từng cấp tùy vào mức độ khác biệt so với tế bào bình thường. Ung thư thận có thể là các tế bào cấp 1, 2, 3 hoặc 4 (tế bào cấp 4 trông rất khác so với những tế bào bình thường và có xu hướng phát triển nhanh nhất). Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra mức độ di căn của ung thư, đó có thể là giai đoạn I, II, III hoặc IV. Ung thư giai đoạn I chỉ ở thận, trong khi giai đoạn IV đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

6. Điều trị ung thư thận

Bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị điều trị dựa trên loại ung thư thận, tuổi, giai đoạn của ung thư cùng các vấn đề sức khỏe khác mà bệnh nhân có thể mắc phải. Trong trường hợp khối u nhỏ, bác sĩ có thể đề xuất bệnh nhân theo dõi và kiểm tra thường xuyên để xem liệu nó có bắt đầu phát triển lớn hơn hay không. Nếu khối u phát triển to hơn bác sĩ có thể chỉ định các liệu pháp điều trị sau đây:

6.1 Phẫu thuật

Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Bác sĩ có thể chỉ lấy phần thận nơi có khối u và để phần khỏe mạnh tiếp tục hoạt động. Trong các trường hợp khác, có thể cần phải phải loại bỏ cả phần tế bào khỏe mạnh lân cận.

6.2 Tiêu diệt khối u

Nếu không thể phẫu thuật để loại bỏ khối u, bác sĩ có thể cố gắng tiêu diệt khối u bằng cách sử dụng sóng vô tuyến để làm nóng khối u hoặc khí lạnh để làm đông cứng khối u. Những chất này có thể tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm tổn thương thận. Nếu bệnh ung thư gây chảy máu quá nhiều, chúng có thể làm tắc động mạch đưa máu đến thận và có thể gây hại cho thận.

6.3 Liệu pháp nhắm trúng đích

Các khối u thận tạo ra mạng lưới mạch máu để phát triển. Một loại thuốc mới nhắm vào các mạch máu này nhưng không ảnh hưởng các mạch máu bình thường. Nếu không có máu, khối u ngừng phát triển hoặc thậm chí thu nhỏ. Liệu pháp nhắm trúng đích được sử dụng để điều trị ung thư tế bào thận tiến triển. Các liệu pháp nhắm mục tiêu khác ngăn chặn một loại protein gọi là mTOR giúp tế bào ung thư phát triển.

6.4 Liệu pháp miễn dịch

Ý tưởng của liệu pháp này là tăng cường hệ thống miễn dịch để nó có thể chống lại hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư. Dựa vào tiên lượng ung thư thận, bác sĩ có thể đề xuất phương pháp này nếu liệu pháp nhắm trúng đích không hiệu quả hoặc cũng có thể khuyên bệnh nhân nên sử dụng cả hai liệu pháp cùng lúc.

6.5 Hóa trị

Hóa trị là sự kết hợp của các loại thuốc mạnh được sử dụng để tiêu diệt các tế bào đang phát triển nhanh. Liệu pháp này có thể không hoạt động tốt trong việc chống lại ung thư thận, nhưng bác sĩ vẫn có thể thử nếu các phương pháp điều trị khác mà tiên lượng ung thư thận không tốt sau điều trị hoặc không hiệu quả.

6.6 Xạ trị

Phương pháp điều trị này sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc thu nhỏ khối u. Nhưng ung thư thận không nhạy cảm với bức xạ, vì vậy xạ trị không được chỉ định thường xuyên. Tuy nhiên, dựa trên tiên lượng ung thư thận, bác sĩ có thể đề xuất xạ trị nếu không thể phẫu thuật hoặc để giúp giảm các triệu chứng như đau hoặc chảy máu. Bạn cũng có thể xạ trị nếu ung thư di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như xương hoặc não.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu để tìm ra phương pháp điều trị mới nhằm cải thiện tiên lượng ung thư thận. Nếu bệnh nhân tình nguyện tham gia các thử nghiệm lâm sàng, bệnh nhân có thể được điều trị với các liệu pháp tiên tiến đang được nghiên cứu phát triển. Đây là một hướng bệnh nhân có thể cân nhắc khi điều trị ung thư thận.

Xạ trị là một trong các phương pháp xử trí khối u ác tính ở thận
Xạ trị là một trong các phương pháp xử trí khối u ác tính ở thận

7. Ung thư thận nên ăn gì?

Nhiều bệnh nhân ung thư thận kiêng khem quá mức dẫn đến không đủ sức khỏe và thể lực để chiến đấu với bệnh. Người bệnh cần có chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng, đảm bảo các thực phẩm thuộc các nhóm chất đạm, bột, béo, vitamin và khoáng chất. Mặc dù, chế độ ăn uống không có tác dụng điều trị bệnh nhưng nó lại đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tăng cường sức khoẻ và hỗ trợ trị liệu. Dưới đây là một số lưu ý về dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư thận:

  • Bệnh nhân nên tăng cường chất bột đường từ mật ong, miến dong, khoai lang, bột sắn dây
  • Lượng chất béo nên sử dụng là 30-35g/ngày. Bệnh nhân không nên sử dụng chất béo có nguồn gốc từ động vật
  • Chất đạm: Lượng đạm bổ sung tùy thuộc vào cân nặng của mỗi bệnh nhân và nên lựa chọn đạm từ động vật như sữa, cá, trứng,...
  • Tăng cường bổ sung rau củ quả. Nên dùng các loại rau quả ít đạm, các quả ngọt, hàm lượng kali thấp.
  • Bệnh nhân ung thư thận nên kiêng hẳn các loại dưa, cà, mắm tôm, cá mắm,... Trong quá trình chế biến đồ ăn cũng nên hạn chế muối, mì chính, tránh dùng nội tạng động vật như tim, gan, óc.
  • Bệnh nhân ung thư thận nên dùng nước đun sôi để nguội, nước rau luộc hoặc nước hoa quả. Lượng nước uống mỗi ngày được tính bằng lượng nước tiểu cộng thêm khoảng 200-300ml.
  • Đặc biệt cần không được hút thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác

Nhờ sự tiến bộ của y học, ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư thận được phát hiện sớm và điều trị thành công. Do đó, khi có những dấu hiệu bất thường gợi ý ung thư thận, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan