Mối liên quan giữa helicobacter pylori và ung thư dạ dày

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương- Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân, yếu tố làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Theo đó, nhiễm helicobacter pylori được đánh giá là có khả năng cao. Vì thế việc tầm soát, theo dõi nội soi phát hiện vi khuẩn helicobacter pylori là việc làm cần thiết, nhất là với người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày.

1. Ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trên thế giới

Ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, sau bệnh tim mạch và bệnh nhiễm khuẩn. Năm 2002, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến hàng thứ tư trên thế giới, với hơn 900.000 ca bệnh mới và gần hai phần ba số trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, ung thư dạ dày không có sự phân bố theo địa lý rõ rệt. Thật vậy, những nước có tỉ lệ thấp (như Ấn Độ) cũng là nước ở trong khu vực có nguy cơ cao nhất (tức châu Á). Tương tự, trong quần thể nguy cơ thấp, cũng có những phân nhóm có nguy cơ cao hơn (ví dụ người Hàn Quốc sống ở Mỹ).
Trừ Nhật Bản, nơi mà các chương trình tầm soát đại trà đã làm tăng tỉ lệ sống sót 5 năm lên khoảng 60%, ở phần lớn các nơi khác trên thế giới chỉ có 20% số bệnh nhân ung thư dạ dày là còn sống sau 5 năm. Tỉ lệ tử vong chịu ảnh hưởng của một số yếu tố: xuất độ ung thư, giai đoạn bệnh lúc chẩn đoán, các yếu tố sinh học và đáp ứng cá nhân đối với điều trị đang dùng. Do đó, mọi can thiệp nhằm làm giảm xuất độ ung thư (tức loại trừ/thay đổi những yếu tố nguy cơ tiềm năng và/hoặc khuyến khích các yếu tố bảo vệ), chẩn đoán sớm (tức nhận diện và theo dõi những bệnh nhân tăng nguy cơ) hoặc cải thiện sự tiếp cận chăm sóc sức khỏe, sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong ung thư. Các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày.

Một số yếu tố nguy cơ đã được nhận diện đối với ung thư dạ dày ngoài tâm vị như: nhiễm Helicobacter pylori, tình trạng kinh tế xã hội thấp, hút thuốc, ăn thức ăn ướp muối và xông khói, ít dùng rau quả và tiền sử gia đình có bệnh ung thư dạ dày.

2. Khi nào thì nhiễm H. pylori cần được điều trị?

Tỷ lệ nhiễm H. pylori thay đổi theo từng nước, từng giai đoạn, và chỉ định điều trị cũng thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau. Theo đồng thuận của các hội nghị tiêu hóa ở Việt Nam và trên thế giới nhiều năm qua, chỉ định điều trị tiệt trừ H. pylori được coi là cần thiết cho trẻ em và người lớn bị viêm loét dạ dày-tá tràng với H. pylori dương tính và cho những người H. pylori dương tính trong gia đình có người bị ung thư dạ dày. Trong hội nghị Tuần lễ bệnh Tiêu hóa châu Á-Thái Bình Dương năm 2015 tại Đài Loan, một số tác giả đề nghị điều trị tiệt trừ cho tất cả mọi người trong các gia đình có người bị nhiễm H. pylori dù chưa có triệu chứng, để tránh lây nhiễm H. pylori qua đường ăn uống, đây là vấn đề còn cần trao đổi thêm. Điều trị tiệt trừ H. pylori thành công, theo các nghiên cứu trên thế giới đáng chú ý là các nghiên cứu ở Nhật Bản và Trung Quốc từ hơn 10 năm trước, cho thấy tỷ lệ ung thư dạ dày giảm có ý nghĩa so với những người điều trị tiệt trừ nhưng thất bại. Như vậy, phòng ngừa tránh lây nhiễm và điều trị tiệt trừ H. pylori liệu có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ em kể cả bệnh ung thư dạ dày khi đến tuổi trưởng thành? Đây là vấn đề cần được nghiên cứu, theo dõi lâu dài để làm sáng tỏ thêm.

nhiễm H. pylori
Nhiễm H. pylori là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày-tá tràng

3. Tiền sử gia đình và các hội chứng di truyền

Khoảng 10% số bệnh nhân ung thư dạ dày có thân nhân mắc bệnh này trong tiền sử gia đình và ung thư dạ dày di truyền chỉ chiếm 1%-3% số trường hợp [Yaghoobi M và cs, 2010; Palli D và cs, 1994]. Nhiều nghiên cứu báo cáo sự gia tăng nguy cơ phát bệnh cao gấp 1,5 đến 3,5 lần trên thân nhân bậc một của bệnh nhân ung thư dạ dày [Dicken BJ và cs, 2005]. Hơn nữa, trong nghiên cứu của Brenner và cộng sự được công bố năm 2000, tiền sử gia đình ung thư dạ dày cho thấy một nguy cơ tương đối là 2,9 (KTC 95%: 1,3-6,5) và sự phát triển bệnh cũng kết hợp với tỉ lệ nhiễm H. pylori tăng cao. Đáng lưu ý là sự hiện diện của cả hai yếu tố (tiền sử gia đình ung thư dạ dày và nhiễm H. pylori) làm tăng nguy cơ phát bệnh gấp 8 lần. Có khi ung thư dạ dày được mô tả là một phần của một số hội chứng ung thư di truyền như bệnh polyp u tuyến gia đình, hội chứng Peutz-Jeghers và hội chứng ung thư đại tràng gia đình không phải bệnh polyp.
Năm 1998, Guilford và cộng sự đã báo cáo những trường hợp đầu tiên của ung thư dạ dày lan tỏa di truyền (HDGC) [Caldas C và cs, 1999]. Các tác giả giới thiệu ba gia đình có ung thư dạ dày lan tỏa khởi phát sớm ở nhiều thế hệ. Ở cấp độ phân tử, các đột biến giao tử ở gen E-cadherin (CDH1) được tìm thấy ở những gia đình này. Vì vậy, trong những gia đình có ít nhất hai người bị ung thư dạ dày lan tỏa và ít nhất là một trường hợp khởi phát sớm (được chẩn đoán trước 50 tuổi), nên khuyến nghị xét nghiệm đột biến [Brooks-Wilson AR và cs, 2004]. Sau cùng, trên các đối tượng mang những đột biến gen CDH1 có hại, việc theo dõi nội soi tích cực không có gì bảo đảm và cách điều trị tiệt căn được đề nghị hiện nay là cắt bỏ dạ dày dự phòng để tránh sự phát triển căn bệnh chết người này.

Hẹp môn vị là bệnh lý có liên quan đến yếu tố gia đình và di truyền
Người bệnh tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày nếu có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này

4. Điều trị Helicobacter pylori và nguy cơ ung thư dạ dày

Nhiễm H. pylori rõ ràng có sự tương quan với cơ chế bệnh sinh ung thư dạ dày. Bằng chứng ủng hộ mạnh nhất cho mối liên kết giữa nhiễm H. pylori và sự phát triển ung thư dạ dày là từ các nghiên cứu thuần tập tiền cứu. Một phân tích gộp các dữ liệu từ 12 nghiên cứu thuần tập tiền cứu cho thấy nguy cơ tăng gấp 6 lần sau 10 năm theo dõi.
Tuy vậy, vẫn chưa khẳng định chắc chắn là liệu thanh toán H. pylori có phải là một chiến lược hóa dự phòng hữu hiệu để giảm nguy cơ ung thư dạ dày hay không. Đặc biệt, chỉ có hai nghiên cứu can thiệp, ngẫu nhiên, đối chứng [Wong BC và cs, 2004; Fukase K và cs, 2008] trong đó sự phát triển ung thư dạ dày là số đo kết cục chính. Hai nghiên cứu này đều được thực hiện ở vùng có nguy cơ cao ung thư dạ dày là Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, hai nghiên cứu ấy có thiết kế khác nhau. Nghiên cứu của Wong và cộng sự là nghiên cứu đối chứng giả dược và thu nhận bệnh nhân có hoặc không có tổn thương tiền ung thư ở dạ dày (ví dụ teo, dị sản hoặc loạn sản ruột), nhưng bệnh nhân có ung thư dạ dày giai đoạn đầu bị loại ra (Bảng 2). Trái lại, nghiên cứu của Fukase và cộng sự là nghiên cứu mở, thu nhận bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn đầu, mới được chẩn đoán hoặc được sắp xếp điều trị nội soi hoặc đang được theo dõi sau mổ cắt dạ dày. Trong nghiên cứu của Wong và cộng sự [2004], có 1630 bệnh nhân nhiễm H. pylori được được thu nhận và trong 7 năm theo dõi, có 7 trên 817 (0,9%) đối tượng ở nhóm thanh toán vi khuẩn và 11 trên 813 (1,3%) đối tượng nhóm giả dược phát bệnh ung thư dạ dày (P = 0,33). Tuy nhiên, phát hiện đáng quan tâm nhất là từ một phân tích hậu nghiệm. Ở nhóm điều trị thuốc có hoạt tính, không có bệnh nhân nào xét nghiệm mô học ban đầu cho thấy không có tổn thương tiền ung thư bị phát bệnh ung thư. Trái lại, tất cả bệnh nhân bị phát bệnh ung thư dạ dày đều có tổn thương tiền ung thư khi nhận vào nghiên cứu. Wong và cộng sự kết luận rằng điều trị thanh toán vi khuẩn nhằm mục đích dự phòng chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của quá trình sinh ung thư, trước khi phát triển các tổn thương tiền ung thư, và họ gợi ý một “điểm bất khả hồi (“ point of no return”) trong chuỗi sự kiện dẫn đến ung thư dạ dày.
Trong một nghiên cứu đa trung tâm, Fukase và cộng sự [2008] đã thu nhận 544 bệnh nhân và sau 3 năm theo dõi thấy có 9 trên 272 bệnh nhân ở nhóm điều trị tiệt trừ vi khuẩn và 24 trên 272 bệnh nhân ở nhóm không điều trị bị phát bệnh ung thư dạ dày. Điều trị thanh toán vi khuẩn làm giảm có ý nghĩa nguy cơ phát triển ung thư sau điều trị nội soi, với OR = 0,353 (KTC 95%: 0,161-0,775, P = 0,009). Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng về tác dụng dự phòng của điều trị thanh toán H. pylori thậm chí trong các giai đoạn sau của quá trình sinh ung thư, hoàn toàn trái ngược với kết luận của Wong và cộng sự. Có nhiều lý do có thể giải thích cho sự khác biệt này: thiết kế nghiên cứu, cỡ mẫu, kỹ thuật đánh giá nội soi, định nghĩa mô học và thời gian theo dõi.

Bỏ thuốc lá
Từ bỏ thuốc lá giúp phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày

Trong tương lai, việc sử dụng thường quy hệ thống phân giai đoạn mô học mới được đề xuất (ví dụ như OLGA) [Fuccio L và cs, 2008; Fuccio L và cs, 2007] và việc nhận diện rõ hơn những yếu tố nguy cơ trên ký chủ và vi khuẩn có thể giúp phân loại chính xác hơn những bệnh nhân cần theo dõi nội soi.
Mặc dù xuất độ ung thư dạ dày đang giảm, nhưng còn quá sớm để cho rằng đây là bệnh ung thư hiếm gặp và tỉ lệ tử vong trên thế giới vẫn cao. Dự phòng cấp một là chiến lược khả thi vì phần lớn các yếu tố nguy cơ đều có thể loại bỏ được.

Tuy nhiên, ung thư dạ dày là một bệnh do nhiều yếu tố nên việc giải quyết một yếu tố (ví dụ nhiễm H. pylori) không đề phòng được tất cả các trường hợp. Theo dõi nội soi vẫn cần thiết, đặc biệt là trên các đối tượng có nguy cơ cao. Dù định nghĩa bệnh nhân nguy cơ cao chưa được xác định rõ, nhưng sẽ hợp lý khi xem những bệnh nhân có tiền sử gia đình ung thư dạ dày, bệnh nhân có tổn thương tiền ung thư và bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư dạ dày từ trước là người có nguy cơ cao. Tất cả các yếu tố nguy cơ dễ xử trí, như bỏ thuốc lá, ăn nhiều rau quả và điều trị tiệt trừ H. pylori, cần được xem như là chiến lược phòng bệnh. Định nghĩa bệnh nhân nguy cơ cao, cũng như việc tìm ra một chiến lược giám sát tốt nhất cho những bệnh nhân ấy. là sự thách thức trong tương lai.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý viêm dạ dày, tá tràng... Cùng với đó, tại Vinmec, việc thực hiện chẩn đoán thông qua nội soi dạ dày tá tràng với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương viêm loét ở ống tiêu hóa. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi đại trực tràng tại đây.

Khách hàng quan tâm tới dịch vụ chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa và có mong muốn tầm soát và phát hiện sớm ung thư thực quản dạ dày từ khi chưa có triệu chứng có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

509 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan