Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung sẽ giúp mỗi người có biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn.

1. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư cổ tử cung

Yếu tố nguy cơ là bất cứ yếu tố gì ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh. Các ung thư khác nhau có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Ví dụ, để da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời là một yếu tố nguy cơ gây ung thư da. Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ cho nhiều bệnh ung thư. Nhưng có một yếu tố nguy cơ, hoặc thậm chí một số, không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh.

Một vài yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc ung thư cổ tử cung. Phụ nữ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào hiếm khi bị ung thư cổ tử cung. Mặc dù các yếu tố nguy cơ này có thể làm tăng tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung nhưng nhiều phụ nữ có những nguy cơ này lại không mắc bệnh.

Khi bạn nghĩ về các yếu tố nguy cơ, nó sẽ giúp bạn tập trung vào những điều bạn có thể thay đổi hoặc tránh (như hút thuốc hoặc nhiễm papillomavirus ở người), hơn là những điều bạn không thể thay đổi (như tuổi và tiền sử gia đình). Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết về các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, bởi vì những phụ nữ có các yếu tố này cần được kiểm tra sàng lọc thường xuyên để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

1.1. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi

1.1.1 Nhiễm papillomavirus ở người (HPV)

Nhiễm papillomavirus ở người (HPV) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư cổ tử cung. HPV là một nhóm gồm hơn 150 loại virus liên quan. Một số trong số chúng gây ra u nhú, thường biết đến nhiều nhất là mụn cóc.

  • HPV có thể lây nhiễm các tế bào trên bề mặt da, và những tế bào lót bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng và cổ họng, nhưng không lây nhiễm trong máu hoặc các cơ quan nội tạng như tim hoặc phổi.
  • HPV có thể lây lan từ người này sang người khác trong quá trình tiếp xúc da kề da. Một cách lây lan HPV là thông qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và thậm chí bằng miệng.
  • Các loại HPV khác nhau gây ra mụn cóc trên các bộ phận khác nhau của cơ thể. Mụn cóc thường gặp ở tay và chân; một số khác có xu hướng bị mụn cóc trên môi hoặc lưỡi.

Một số loại HPV có thể gây ra mụn cóc trên hoặc xung quanh cơ quan sinh dục nữ và nam và ở vùng hậu môn. Chúng được gọi là các loại HPV nguy cơ thấp vì chúng hiếm khi liên quan đến ung thư.

Các loại HPV khác được gọi là loại HPV nguy cơ cao vì chúng có liên quan chặt chẽ với ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung, âm hộ và âm đạo ở phụ nữ, ung thư dương vật ở nam giới và ung thư hậu môn, miệng và cổ họng ở cả nam giới và nữ giới.

Nhiễm HPV là phổ biến và ở hầu hết mọi người, cơ thể có thể tự đào thải. Tuy nhiên, đôi khi, nhiễm virus không mất đi và trở thành mãn tính. Nhiễm bệnh mãn tính, đặc biệt là khi nó do một số loại HPV nguy cơ cao gây ra, có thể là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư, như ung thư cổ tử cung.

Mặc dù hiện nay không có cách chữa trị nhiễm HPV, nhưng có nhiều cách để điều trị mụn cóc và sự phát triển tế bào bất thường mà HPV gây ra. Ngoài ra, vắc-xin ngừa HPV có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm một số loại HPV và một số bệnh ung thư liên quan đến các loại đó.

1.1.2 Tiền sử tình dục

Một số yếu tố liên quan đến tiền sử tình dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Nguy cơ này rất có thể bị ảnh hưởng bởi tăng khả năng tiếp xúc với HPV.

  • Quan hệ tình dục ở độ tuổi trẻ (đặc biệt là dưới 18 tuổi)
  • Có nhiều bạn tình
  • Có một bạn tình có nguy cơ cao (người bị nhiễm HPV hoặc có nhiều bạn tình)
moi-lien-he-giua-virus-hpv-va-ung-thu-am-ho-2
Bệnh tình nhiễm HPV dẫn đến nguy cơ gây bệnh ung thư cổ tử cung

1.1.3 Hút thuốc

Khi ai đó hút thuốc, họ và những người xung quanh bị phơi nhiễm với nhiều hóa chất gây ung thư ảnh hưởng đến các cơ quan khác ngoài phổi. Những chất có hại này được hấp thụ qua phổi và theo máu đi khắp cơ thể.

Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp đôi so với người không hút thuốc. Sản phẩm từ thuốc lá đã được tìm thấy trong chất nhầy cổ tử cung của phụ nữ hút thuốc. Các nhà nghiên cứu tin rằng những chất này phá hủy DNA của các tế bào cổ tử cung và có thể góp phần gây ra ung thư cổ tử cung. Hút thuốc cũng làm cho hệ thống miễn dịch kém hiệu quả trong việc chống lại lây nhiễm HPV.

1.1.4 Hệ thống miễn dịch suy yếu

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), loại virus gây ra AIDS, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến cơ thể có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn.

Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư và làm chậm sự phát triển và lây lan của chúng. Ở phụ nữ nhiễm HIV, tổn thương tiền ung thư cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư xâm lấn nhanh hơn bình thường.

Một nhóm phụ nữ khác có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung là những người dùng thuốc ức chế đáp ứng miễn dịch, chẳng hạn như những người đang điều trị bệnh tự miễn (bệnh mà hệ thống miễn dịch xem các mô của cơ thể mình là vật lạ và tấn công chúng, xem chúng như là mầm bệnh ) hoặc những người đã được cấy ghép nội tạng.

1.1.5 Nhiễm Chlamydia

Chlamydia là một loại vi khuẩn tương đối phổ biến có thể lây nhiễm qua hệ thống sinh dục, do quan hệ tình dục. Phụ nữ bị nhiễm Chlamydia thường không có triệu chứng và họ có thể không biết họ bị nhiễm bệnh trừ khi được kiểm tra khi khám phụ khoa. Nhiễm Chlamydia có thể gây viêm vùng chậu, dẫn đến vô sinh.

Một số nghiên cứu đã cho thấy nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn ở những phụ nữ có xét nghiệm máu và chất nhầy cổ tử cung có bằng chứng về nhiễm Chlamydia (trong quá khứ hoặc hiện tại). Một số nghiên cứu chỉ ra rằng vi khuẩn Chlamydia có thể giúp HPV phát triển và sống trong cổ tử cung và có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

1.1.6 Sử dụng lâu dài thuốc tránh thai đường uống

Có bằng chứng cho thấy dùng thuốc tránh thai đường uống (OCs) trong một thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng lên ở những phụ nữ sử dụng OCs kéo dài. Phụ nữ cùng với bác sĩ nên thảo luận về việc lợi ích của việc sử dụng OCs có cao hơn những nguy cơ tiềm ẩn hay không.

1.1.7 Mang thai nhiều lần

Phụ nữ đã mang thai đủ 3 lần trở lên có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn. Người ta cho rằng điều này có lẽ là do sự gia tăng phơi nhiễm HPV với hoạt động tình dục. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra những thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể khiến phụ nữ dễ bị nhiễm HPV hoặc hình thành ung thư. Số khác nghĩ rằng phụ nữ mang thai có thể có hệ thống miễn dịch yếu hơn, tạo điều kiện cho phơi nhiễm HPV và phát triển ung thư.

1.1.8 Tuổi mang thai trẻ

Phụ nữ dưới 20 tuổi khi mang thai đủ tháng lần đầu tiên có khả năng bị ung thư cổ tử cung hơn so với những phụ nữ mang thai từ 25 tuổi trở lên.

1.1.9 Tình trạng kinh tế

Nhiều phụ nữ có thu nhập thấp không dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ, bao gồm sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV. Điều này có nghĩa là họ có thể không được sàng lọc hoặc điều trị ung thư cổ tử cung.

1.1.20 Chế độ ăn ít trái cây và rau quả

Phụ nữ có chế độ ăn kiêng không đủ trái cây và rau quả có thể tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Hoa quả trái cây
Ăn ít trái cây khiến phụ nữ có thể bị ung thư cổ tử cung.

1.2. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

  • Diethylstilbestrol (DES)

- DES là một loại thuốc nội tiết được dùng cho một số phụ nữ trong khoảng thời gian từ 1938 đến 1971 để ngừa sảy thai. Phụ nữ có mẹ sử dụng DES (khi mang thai) có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào sáng (clear-cell adenocarcinoma) của âm đạo hoặc cổ tử cung hơn. Những loại ung thư này cực kỳ hiếm gặp ở những phụ nữ không phơi nhiễm với DES. Có khoảng 1 trường hợp ung thư biểu mô tế bào sáng âm đạo hoặc cổ tử cung trong mỗi 1.000 phụ nữ có mẹ đã sử dụng DES trong khi mang thai. Điều này có nghĩa là khoảng 99,9% "con gái DES" không mắc các ung thư này.

- Ung thư biểu mô tế bào sáng liên quan đến DES thường gặp ở âm đạo hơn cổ tử cung. Nguy cơ dường như là lớn nhất ở những phụ nữ có mẹ dùng thuốc trong 16 tuần đầu tiên của thai kỳ. Độ tuổi trung bình của phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tế bào sáng liên quan đến DES là 19 tuổi. Kể từ khi việc sử dụng DES trong khi mang thai đã bị FDA cấm vào năm 1971, ngay cả những cô con gái nhỏ tuổi nhất cũng đã gần 50 tuổi - đã qua tuổi có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, không có giới hạn về tuổi tác khi những phụ nữ này cảm thấy an toàn về ung thư liên quan đến DES. Các bác sĩ không biết chính xác những phụ nữ này sẽ còn có nguy cơ bao lâu.

- “Con gái DES” cũng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tế bào gai và tiền ung thư cổ tử cung liên quan đến HPV.

  • Có tiền sử gia đình bị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở một số gia đình. Nếu mẹ hoặc chị gái bạn bị ung thư cổ tử cung, khả năng bạn mắc bệnh sẽ cao hơn nếu không có ai trong gia đình mắc bệnh. Một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng một số trường hợp hiếm gặp có xu hướng gia đình này là do một tình trạng di truyền khiến một số phụ nữ ít có khả năng chống lại nhiễm HPV hơn những người khác. Trong các trường hợp khác, phụ nữ trong cùng một gia đình với bệnh nhân đã được chẩn đoán có thể có nhiều khả năng có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ không di truyền khác.

1.3. Các yếu tố có thể làm giảm nguy cơ

  • Sử dụng dụng cụ tử cung (DCTC)

Một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ đã từng sử dụng dụng cụ tử cung (DCTC) có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung thấp hơn. Điều này được thấy ngay cả ở những phụ nữ sử dụng vòng tránh thai dưới một năm và hiệu quả bảo vệ vẫn còn sau khi không dùng vòng tránh thai.

IUDs có một số rủi ro, phụ nữ quan tâm đến việc sử dụng DCTC trước tiên nên thảo luận với bác sỹ về những nguy cơ và lợi ích mà nó mang lại. Bởi vì, một phụ nữ có nhiều bạn tình nên sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho dù cô ấy có sử dụng hình thức tránh thai nào khác.

2. Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn ung thư. Nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ. 2 điều quan trọng nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là tiêm vắc-xin HPV nếu bạn đủ điều kiện và được xét nghiệm theo khuyến cáo của các chuyên gia.

Dạng ung thư cổ tử cung phổ biến nhất bắt nguồn từ những thay đổi tiền ung thư và có nhiều cách để ngăn chặn chúng phát triển. Cách đầu tiên là tìm và điều trị tổn thương tiền ung thư trước khi chúng phát triển thành ung thư xâm lấn, và cách thứ hai là ngăn ngừa tiền ung thư.

2.1. Phát hiện tiền ung thư cổ tử cung

Một cách rõ ràng để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là làm xét nghiệm sàng lọc. Sàng lọc là các xét nghiệm để tìm ra các tình trạng có thể dẫn đến ung thư và tìm tổn thương tiền ung thư trước khi chúng có thể trở thành ung thư xâm lấn. Xét nghiệm Pap (hoặc Pap smear) và xét nghiệm papillomavirus ở người (HPV) là các xét nghiệm đặc hiệu được sử dụng trong quá trình sàng lọc ung thư cổ tử cung. Nếu phát hiện tiền ung thư, nó có thể được điều trị, giữ cho nó không trở thành ung thư cổ tử cung.

  • Xét nghiệm Pap hoặc phết tế bào là một phương pháp được sử dụng để thu thập các tế bào từ cổ tử cung, chúng được phân tích kỹ lưỡng bằng kính hiển vi trong phòng thí nghiệm để tìm ung thư và tiền ung thư. Điều quan trọng cần biết là hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung xâm lấn được tìm thấy ở những phụ nữ không được xét nghiệm Pap thường xuyên. Xét nghiệm Pap có thể được thực hiện trong khi khám phụ khoa, nhưng không phải tất cả các xét nghiệm phụ khoa đều bao gồm xét nghiệm Pap.
  • Xét nghiệm HPV có thể được thực hiện đồng thời khi lấy mẫu làm xét nghiệm Pap. Xét nghiệm HPV kiểm tra xem có nhiễm HPV hay không, là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tiền ung thư.
Xét nghiệm Pap smear
Xét nghiệm PAP giúp hát hiện tiền ung thư cổ tử cung

2.2. Những điều cần làm để ngăn ngừa tiền ung thư và ung thư

Dựa vào tuổi tác, sức khỏe tổng thể và nguy cơ cá nhân đối với ung thư cổ tử cung, có một số điều có thể được thực hiện để ngăn ngừa tiền ung thư và các tình trạng dẫn đến tiền ung thư.

  • Tiêm vắc-xin HPV

Vắc-xin có thể bảo vệ những người trẻ tuổi chống lại một số lây nhiễm HPV. Những loại vắc-xin này bảo vệ chống lây nhiễm các nhóm HPV phổ biến nhất liên quan đến ung thư, cũng như một số loại có thể gây ra mụn cóc sinh dục và hậu môn.

Những loại vắc-xin này chỉ có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm HPV – mà không điều trị lây nhiễm đã có sẵn. Đó là lý do tại sao, để có hiệu quả nhất, nên tiêm vắc-xin trước khi tiếp xúc với HPV (như quan hệ tình dục). Những vắc-xin này giúp ngăn ngừa tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Một số vắc-xin HPV cũng được phê duyệt để giúp ngăn ngừa các loại ung thư khác và mụn cóc sinh dục và hậu môn.

Các vắc-xin này cần một số các mũi tiêm, tác dụng phụ thường nhẹ. Phổ biến nhất là đỏ, sưng và đau nhức thời gian ngắn tại chỗ tiêm. Hiếm khi, ở người trẻ tuổi có thể bị ngất ngay sau khi tiêm.

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật khuyến nghị:

  • Tiêm vắc-xin HPV bắt đầu khi 11 hoặc 12 tuổi (hoặc có thể được tiêm sớm khi 9 tuổi).
  • Nếu chưa được tiêm phòng, mọi người đều có thể chủng ngừa trong vòng 26 tuổi. Điều quan trọng cần biết là tiêm vắc-xin khi lớn tuổi sẽ ít hiệu quả hơn trong việc giảm nguy cơ ung thư.
  • Tiêm vắc-xin không được khuyến cáo cho những người trên 26 tuổi. Tuy nhiên, một số người trưởng thành từ 27 đến 45 tuổi chưa được tiêm vắc-xin có thể quyết định tiêm vắc-xin HPV sau khi nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về nguy cơ nhiễm HPV mới và lợi ích có thể của việc tiêm phòng. Tiêm vắc-xin HPV trong độ tuổi này có ít lợi ích hơn.

Điều quan trọng cần biết là không có loại vắc-xin nào bảo vệ hoàn toàn chống lại tất cả các chủng HPV gây ung thư, vì vậy vẫn cần sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.

  • Hạn chế tiếp xúc với HPV

HPV được truyền từ người này sang người khác trong quá trình tiếp xúc da kề da với vùng bị nhiễm bệnh trên cơ thể, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và qua miệng. Thậm chí có khả năng nhiễm trùng bộ phận sinh dục lây lan qua tiếp xúc tay với bộ phận sinh dục.

Ngoài ra, nhiễm HPV dường như có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác. Điều này có nghĩa là nhiễm HPV có thể bắt đầu ở cổ tử cung và sau đó lan sang âm đạo và âm hộ.

Có thể rất khó để không tiếp xúc với HPV. Có thể ngăn ngừa nhiễm HPV bằng cách không cho phép người khác tiếp xúc với khu vực hậu môn hoặc bộ phận sinh dục, nhưng thậm chí sau đó bạn bị nhiễm bệnh mà không rõ vì sao.

Hạn chế số lượng bạn tình và tránh quan hệ tình dục với những người đã có nhiều bạn tình khác có thể làm giảm nguy cơ tiếp xúc với HPV. Hãy nhớ rằng HPV rất phổ biến, và ai đó có thể bị nhiễm HPV trong nhiều năm và vẫn không có triệu chứng. Vì vậy, có khả năng những người này mang HPV và lây truyền nó mà không biết.

  • Sử dụng bao cao su

Bao cao su giúp bảo vệ chống lại HPV nhưng chúng không thể ngăn ngừa hoàn toàn lây nhiễm, lý do là vì chúng không bao phủ tất cả các khu vực bị nhiễm HPV, chẳng hạn như da của bộ phận sinh dục hoặc vùng hậu môn. Tuy nhiên, bao cao su giúp bảo vệ chống HPV và chúng cũng bảo vệ lây nhiễm HIV và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Dùng bao cao su có an toàn không?
Hãy sử dụng bao cao để chống lại HPV

  • Không hút thuốc

Không hút thuốc là cần thiết để giảm nguy cơ tiền ung thư và ung thư cổ tử cung.

Để đáp ứng nhu cầu khám sàng lọc ung thư phụ khoa của chị em phụ nữ, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec hiện có cung cấp gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa, giúp phát hiện sớm 4 bệnh: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng.

Những đối tượng nên sử dụng Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa bao gồm:

  • Những khách hàng nữ, trên 40 tuổi
  • Khách hàng có nhu cầu có thể sàng lọc bệnh lý về ung thư vú- phụ khoa (cổ tử cung, tử cung, buồng trứng)
  • Khách hàng có nguy cơ cao mắc các bệnh về ung thư – đặc biệt là khách hàng tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư vú, phụ khoa
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh và mãn kinh
  • Phụ nữ đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú, phụ khoa như : đau ở vú, có cục u ở vú, chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt, đau vùng bụng, vv...

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan