Những điều cần biết về ung thư phổi

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Hà Thị Thu Hiên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ hai và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở cả nam và nữ, chiếm gần 25% tổng số ca tử vong do ung thư. Tuy nhiên, số ca ung thư phổi mới cũng đang tiếp tục giảm, một phần bởi vì mọi người từ bỏ thuốc lá và những tiến bộ trong phát hiện cũng như điều trị sớm.

1. Ung thư phổi là gì?

Phổi là 2 cơ quan giống như bọt biển trong lồng ngực. Phổi phải có 3 phần hay còn gọi là các thùy. Phổi trái có 2 thùy và nhỏ hơn vì tim chiếm một phần diện tích.

Khi hít vào, không khí đi vào miệng hoặc mũi và đi vào phổi qua khí quản. Khí quản chia thành các ống gọi là phế quản, đi vào phổi và phân chia thành các phế quản nhỏ hơn. Tại điểm cuối của các phế quản tạo thành các nhánh nhỏ hơn gọi là tiểu phế quản.

Ung thư phổi thường bắt đầu từ các tế bào lót phế quản và các bộ phận của phổi như các tiểu phế quản hoặc phế nang.

Có 2 loại ung thư phổi chính đó là:

  • Ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non-small cell lung cancer (NSCLC)

Khoảng 80% đến 85% trường hợp ung thư phổi là NSCLC. Các dưới típ chính của NSCLC là ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn. Dưới típ này, bắt đầu từ các loại tế bào phổi khác nhau được nhóm lại với nhau thành NSCLC vì điều trị và tiên lượng của chúng thường tương tự nhau.

Ung thư biểu mô tuyến bắt đầu từ các tế bào mà bình thường tiết ra các chất như chất nhầy. Loại ung thư phổi này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và có nhiều khả năng xảy ra ở những người trẻ tuổi hơn các loại ung thư phổi khác.

Ung thư biểu mô tế bào vảy bắt đầu xuất phát từ các tế bào vảy, là những tế bào phẳng lót bên trong đường dẫn khí trong phổi. Chúng thường được tìm thấy ở những người có tiền sử hút thuốc lá.

Ung thư biểu mô tế bào lớn có thể xuất hiện ở bất kỳ phần nào của phổi. Nó có xu hướng phát triển và xâm lấn nhanh chóng, có thể khó điều trị hơn. Một dưới típ của ung thư biểu mô tế bào lớn, được gọi là ung thư biểu mô tế bào thần kinh nội tiết lớn (large cellneuroendocrine carcinoma) phát triển nhanh giống với ung thư phổi tế bào nhỏ.

Một số dưới tip khác của NSCLC, chẳng hạn như ung thư biểu mô tuyến vảy (adenosquamous carcinoma) và ung thư biểu mô dạng sarcoma (sarcomatoid carcinoma) ít gặp hơn.

  • Ung thư phổi tế bào nhỏ (Small cell lung cancer)

Khoảng 10 - 15% tất cả các trường hợp ung thư phổi là ung thư phổi tế bào nhỏ và đôi khi nó được gọi là ung thư tế bào yến mạch.

Đây là loại ung thư phổi có xu hướng phát triển và lan rộng nhanh hơn ung thư phổi tế bào nhỏ. Khoảng 70% trong số những người bị ung thư phổi tế bào nhỏ đã có lan rộng vào thời điểm được chẩn đoán. Vì ung thư này phát triển nhanh chóng, nó có xu hướng đáp ứng tốt với hóa trị và xạ trị. Thật không may, đối với hầu hết mọi người, ung thư sẽ tái phát trở lại ở một số điểm.

Ung thư phổi tế bào nhỏ
Hình ảnh hiển vi của ung thư phổi tế bào nhỏ (Small cell lung cancer)

Cùng với các loại ung thư phổi chính hay gặp, các khối u khác có thể xuất hiện trong phổi như:

  • Các khối u carcinoid phổi
  • Các khối u phổi khác như ung thư biểu mô nang tuyến, u lympho và sarcoma, c khối u phổi lành tính hiếm gặp.
  • Ung thư di căn đến phổi như vú, tuyến tụy, thận hoặc da.

Ví dụ, ung thư bắt đầu ở vú và di căn đến phổi vẫn là ung thư vú, không phải ung thư phổi. Điều trị di căn ung thư phổi dựa trên nơi nó bắt đầu (vị trí ung thư xuất phát).

2. Ung thư phổi phổ biến như thế nào?

Ung thư phổi (cả tế bào nhỏ và không phải tế bào nhỏ) là loại ung thư phổ biến thứ hai ở cả nam và nữ. Ở nam giới, ung thư tuyến tiền liệt là phổ biến nhất, trong khi ở phụ nữ là ung thư vú.

Ước tính của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về ung thư phổi ở Hoa Kỳ năm 2021 là:

  • Khoảng 235.760 trường hợp ung thư phổi mới (119.100 ở nam và 116.660 ở nữ)
  • Khoảng 131.880 ca tử vong do ung thư phổi (69.410 ở nam và 62.470 ở nữ)

Ung thư phổi chủ yếu xảy ra ở những người lớn tuổi. Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi đều 65 tuổi trở lên; một số lượng rất nhỏ những người được chẩn đoán dưới 45 tuổi. Tuổi trung bình của mọi người khi được chẩn đoán là khoảng 70.

Hiện nay, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở cả nam và nữ, chiếm gần 25% tổng số ca tử vong do ung thư. Mỗi năm, nhiều người chết vì ung thư phổi hơn ung thư đại tràng, vú và tuyến tiền liệt.

Mặt tích cực, số ca ung thư phổi mới tiếp tục giảm, một phần bởi vì mọi người bỏ thuốc lá và những tiến bộ trong phát hiện cũng như điều trị sớm.

3. Khả năng mắc ung thư phổi trong đời của một người

Nhìn chung, khả năng mà một người đàn ông sẽ mắc ung thư phổi trong cuộc đời của mình là khoảng 1/15, đối với phụ nữ là khoảng 1/17. Những con số này bao gồm cả những người hút thuốc và người không hút thuốc lá.

Đối với những người hút thuốc nguy cơ cao hơn nhiều, trong khi đối với những người không hút thuốc thì nguy cơ này thấp hơn.

Đàn ông da đen có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn đàn ông da trắng khoảng 15%. Ở phụ nữ da đen thấp hơn phụ nữ da trắng khoảng 14%.

Phụ nữ da đen và da trắng có tỷ lệ ung thư thấp hơn nam giới, nhưng khoảng cách đang được thu hẹp. Tỷ lệ ung thư đã giảm ở nam giới trong vài thập kỷ qua, nhưng ở nữ giới chỉ giảm ở thập kỷ trước.

Mặc dù nguy cơ ung thư phổi nói chung của họ cao hơn, nhưng đàn ông da đen ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) hơn những người đàn ông da trắng.

Thống kê về khả năng sống sau chẩn đoán ở những người bị ung thư phổi khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư tại thời điểm chẩn đoán.

Mặc dù ung thư phổi có tiên lượng không tốt, tuy nhiên một số người bị ung thư phổi giai đoạn đầu vẫn được chữa khỏi.

chẩn đoán ung thư phổi
Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn

4. Chẩn đoán ung thư phổi

  • Nội soi phế quản huỳnh quang (Fluorescence bronchoscopy)

Còn được gọi là nội soi phế quản huỳnh quang tự động, kỹ thuật này có thể giúp các bác sĩ phát hiện một số bệnh ung thư phổi sớm hơn, dễ điều trị hơn. Đối với xét nghiệm này, bác sĩ đưa một ống nội soi qua miệng hoặc mũi vào phổi. Điểm cuối ống nội soi có gắn một ánh sáng huỳnh quang đặc biệt, thay vì ánh sáng bình thường (ánh sáng trắng).

  • Nội soi phế quản định vị điện từ (electromagnetic navigation bronchoscopy)

Các khối u phổi gần trung tâm có thể được sinh thiết trong quá trình nội soi phế quản, nhưng ống soi phế quản gặp khó khăn khi tiếp cận các khối u phần ngoại vi của phổi, vì vậy các khối u trong các khu vực này thường được sinh thiết bằng cách đưa kim qua da.

5. Điều trị ung thư phổi

  • Phẫu thuật

Các bác sĩ hiện nay sử dụng phương pháp phẫu thuật lồng ngực có hỗ trợ video (VATS) để điều trị một số khối u phổi nhỏ. Phương pháp này cho phép các bác sĩ loại bỏ khối u của phổi thông qua vết rạch nhỏ hơn, rút ngắn thời gian nằm viện và bệnh nhân ít đau đớn hơn. Phương pháp này cũng đang được nghiên cứu xem có thể được sử dụng cho các khối u phổi lớn hơn hay không.

Một tiếp cận mới hơn cho loại phẫu thuật này đó là bác sĩ phẫu thuật sử dụng bảng điều khiển bên trong phòng phẫu thuật để điều động các dụng cụ phẫu thuật dài bằng cách sử dụng cánh tay robot. Phương pháp này được gọi là phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot (robotic-assisted surgery), hiện đang được sử dụng trong một số trung tâm ung thư lớn hơn. Hiện tại vẫn chưa rõ phương pháp phẫu thuật này liệu có tốt hơn so với phương pháp phẫu thuật truyền thống hay không.

  • Hình ảnh thực của khối u

Các nhà nghiên cứu đang tìm cách sử dụng các kỹ thuật hình ảnh mới, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính 4D để giúp cải thiện điều trị. Trong kỹ thuật này, máy CT quét lồng ngực liên tục trong khoảng 30 giây. Nó cho thấy nơi có khối u liên quan đến các cấu trúc khác khi một người thở, trái ngược với việc chỉ đưa ra một 'ảnh chụp nhanh' của một thời điểm, giống như một CT tiêu chuẩn.

  • Thuốc điều trị đích

Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu thêm về hoạt động của các tế bào ung thư phổi để kiểm soát sự phát triển và lan tràn của chúng. Công việc này đã dẫn đến sự phát triển của các loại thuốc điều trị đích, nhiều loại đã được sử dụng để điều trị NSCLC. Thuốc điều trị đích được phê duyệt để sử dụng trong các loại ung thư khác hiện đang được nghiên cứu trong NSCLC có sự thay đổi trong gen RET. Những loại thuốc này bao gồm Sunitinib, Sorafenib, Vandetanib và Cabozantinib.

  • Xạ trị toàn bộ não trong trường hợp di căn não

Di căn não phổ biến ở những người bị ung thư phổi và thường dẫn đến kết quả xấu hơn. Xạ trị di căn não là phương pháp điều trị thông thường và có thể có một số tác dụng phụ lâu dài. Đối với những bệnh nhân ung thư phổi di căn đến não hạn chế, các kỹ thuật xạ trị mới hơn, như SRS chỉ xạ trị vào khối u và không xạ trị vào các phần còn lại của não. Phương pháp này có ít tác dụng phụ và vẫn có hiệu quả trong điều trị ung thư.

Xạ trị ung thư phổi
Xạ trị ung thư phổi giai đoạn di căn não

  • Điều trị duy trì

Đối với những người bị ung thư phổi giai đoạn cuối được hóa trị, kết hợp cả 2 thuốc hóa trị (đôi khi cùng với thuốc điều trị đích) thường được cho khoảng 4 đến 6 chu kỳ. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng với các bệnh ung thư NSCLC không trở nên xấu hơn khi điều trị, tiếp tục điều trị bằng một loại thuốc hóa trị đơn lẻ như pemetrexed hoặc với thuốc đích sau 4 đến 6 chu kỳ có thể giúp một số người sống lâu hơn.

Điều này được biết như liệu pháp duy trì. Một nhược điểm có thể xảy ra đối với phương pháp điều trị này là các tác dụng phụ của thuốc. Điều trị duy trì được đề xuất thường xuyên hơn, nhưng nó không phải là một lựa chọn cho một số người bị ung thư không được kiểm soát hoặc những người có sức khỏe kém.

  • Phương pháp điều trị miễn dịch

Các nhà nghiên cứu đang phát triển các loại thuốc trị liệu miễn dịch có thể giúp hệ thống miễn dịch của một người chống lại bệnh ung thư.

  • Các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch

Tế bào ung thư đôi khi có thể tránh bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng cách sử dụng một số "trạm kiểm soát" thường giữ lại sự kiểm tra của hệ thống miễn dịch. Ví dụ, các tế bào ung thư thường có rất nhiều protein được gọi là PD-L1 trên bề mặt của chúng giúp chúng trốn tránh hệ thống miễn dịch. Thuốc mới ngăn chặn protein PD-L1 hoặc protein PD-1 tương ứng trên các tế bào miễn dịch được gọi là tế bào T, có thể giúp hệ thống miễn dịch nhận ra các tế bào ung thư và tấn công chúng.

Một trong số các thuốc hiện đã được chấp thuận để sử dụng trong NSCLC tiến triển. Các nghiên cứu hiện nay đang xem xét liệu có dùng thuốc điều trị miễn dịch cùng với xạ trị hay không, liệu pháp này áp dụng cho những người không thể phẫu thuật, có thể làm cho khối u thu nhỏ lại, giúp mọi người sống lâu hơn.

6. Phòng ngừa ung thư phổi

Phòng ngừa mang lại cơ hội lớn nhất để chống lại bệnh ung thư phổi. Nhiều thập kỷ đã trôi qua vì mối liên hệ giữa hút thuốc và ung thư phổi đã trở nên rõ ràng, do đó các nghiên cứu đang tiếp tục:

  • Tìm cách để giúp đỡ mọi người bỏ thuốc lá và hút thuốc lá thụ động thông qua tư vấn, thay thế nicotine và các loại thuốc khác
  • Thuyết phục thanh niên không bao giờ hút thuốc
  • Sự khác biệt di truyền trong các gen có thể làm cho một số người có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư phổi nếu họ hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc của người khác (hút thuốc thụ động).

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng tiếp tục xem xét một số nguyên nhân khác của ung thư phổi, chẳng hạn như khi tiếp xúc với radon và khí thải diesel. Tìm những cách mới để hạn chế bớt sự phơi nhiễm này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Sử dụng vitamin hoặc thuốc để phòng ngừa ung thư phổi cho nhóm những người có nguy cơ cao, nhưng cho đến nay chưa có phương pháp nào được chứng minh là có thể giảm thiểu nguy cơ một cách rõ ràng. Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể bảo vệ cơ thể khỏi ung thư, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác nhận điều này. Trong khi bất kỳ tác dụng bảo vệ nào của trái cây và rau quả đối với nguy cơ ung thư phổi có thể nhỏ hơn nhiều so với nguy cơ từ hút thuốc lá, khuyến nghị về chế độ ăn uống của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (chẳng hạn như giữ cân nặng hợp lý và ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt) vẫn có thể hữu ích.

Sàng lọc bằng chụp CT xoắn ốc cho những người có nguy cơ cao bị ung thư phổi (do tiền sử hút thuốc) sẽ làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi, khi so sánh với chụp X-quang ngực.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

588 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan