Vì sao có nguy cơ loãng xương sau điều trị ung thư vú?

Các phương pháp điều trị ung thư vú, chẳng hạn như xạ trị, hoá trị và phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ gây mất mật độ xương và dẫn đến loãng xương. Do đó, việc tầm soát loãng xương sớm có thể giúp phụ nữ ngăn ngừa hiệu quả căn bệnh này cũng như những vấn đề về xương khác.

1. Đôi nét về bệnh ung thư vú

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư da. Mặc dù tình trạng này có thể xảy ra ở cả nam giới, tuy nhiên rất hiếm gặp.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh ung thư vú vẫn chưa được biết rõ, nhưng dường như nguy cơ phát triển căn bệnh này có xu hướng tăng lên theo tuổi tác. Nhìn chung, khả năng mắc ung thư vú đặc biệt cao ở những phụ nữ trên 60 tuổi. Chính vì có tỷ lệ mắc bệnh khi tuổi tác ngày một cao, cho nên những phụ nữ này sẽ dễ gặp phải tình trạng loãng xương do ung thư vú.

2. Sự thật về bệnh loãng xương

Loãng xương là tình trạng xương trở nên mỏng và dễ bị gãy hơn. Gãy xương do loãng xương có thể khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, thậm chí gây mất khả năng vận động và tàn tật nếu không được điều trị đúng cách. Những yếu tố nguy cơ chính thúc đẩy sự phát triển của bệnh loãng xương, bao gồm:

  • Xương mỏng và khung xương nhỏ.
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương hoặc gãy xương.
  • Phụ nữ sau mãn kinh, nhất là bị mãn kinh sớm.
  • Phụ nữ đột nhiên bị mất kinh.
  • Sử dụng kéo dài một số loại thuốc điều trị các tình trạng bệnh như hen suyễn, lupus, động kinh và thiểu năng tuyến giáp.
  • Hút thuốc lá thường xuyên.
  • Ít hoạt động thể chất.
  • Lượng canxi thấp trong cơ thể.
  • Uống rượu quá mức.

Thực tế, tình trạng loãng xương có thể ngăn ngừa được thông qua các biện pháp như sử dụng thuốc hoặc thay đổi lối sống. Sở dĩ, đây là một căn bệnh có diễn tiến thầm lặng theo thời gian, do đó nếu không tầm soát loãng xương sớm, tình trạng mất xương sẽ trở nên trầm trọng hơn và làm tăng nguy cơ bị gãy xương.

Tình trạng loãng xương có thể phát triển ngay trong thời thơ ấu và để lại hậu quả khi về già. Do đó, việc xây dựng một hệ xương khỏe mạnh ngay từ khi còn trẻ là một bước quan trọng, giúp ngăn ngừa loãng xương và gãy xương trong tương lai.

Tầm soát loãng xương
Tình trạng loãng xương do ung thư vú có xu hướng tăng lên theo tuổi tác

3. Mối liên hệ giữa điều trị ung thư vú và bệnh loãng xương

Nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng những phụ nữ từng điều trị ung thư có nguy cơ mắc bệnh loãng xương và gãy xương cao hơn so với những người khác. Thông thường, nồng độ estrogen trong cơ thể có tác dụng xây dựng và bảo vệ một hệ xương chắc khỏe. Tuy nhiên, sự thiếu hụt estrogen có thể thúc đẩy quá trình mất mật độ xương diễn ra nhanh hơn, từ đó làm tăng tỷ lệ loãng xương.

Ngoài ra, các phương pháp điều trị ung thư vú, chẳng hạn như sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật cũng có thể khiến những người sống sót sau ung thư bị mất chức năng buồng trứng và suy giảm nồng độ estrogen. Cụ thể:

Phương pháp hoá trị

Nhìn chung, tình trạng ung thư vú gây loãng xương có thể xảy ra do quá trình điều trị bệnh bằng phương pháp hoá trị liệu. Thuốc hoá trị sẽ gây tác động lớn đến chức năng của buồng trứng, khiến một số phụ nữ bị mãn kinh sớm. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt estrogen và làm giảm mật độ xương.

Ngoài ra, một số thử nghiệm khoa học cũng cho thấy, phụ nữ sau mãn kinh khi điều trị ung thư vú bằng hoá trị thường có khối lượng xương thấp hơn nhiều so với khi không áp dụng phương pháp này. Do đó, tỷ lệ mắc bệnh loãng xương của họ cũng cao hơn so với các bệnh nhân ung thư vú khác.

Điều trị ung thư vú bằng thuốc nội tiết bậc 1 (Tamoxifen)

Thuốc Tamoxifen thường được chỉ định nhằm giúp ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư vú. Loại thuốc này chủ yếu được sử dụng cho những phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh và sau mãn kinh mắc bệnh ung thư vú.

Nhìn chung, khi sử dụng Tamoxifen để điều trị ung thư vú, nồng độ hormone estrogen trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, cụ thể:

  • Ở phụ nữ tiền mãn kinh: Làm giảm nhẹ mật độ xương và có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương, đặc biệt là người ở độ tuổi 45 trở xuống và đã bị mất kinh trong vòng ít nhất 1 năm.
  • Ở phụ nữ sau mãn kinh: Không gây suy giảm mật độ xương và ít có nguy cơ mắc bệnh loãng xương hơn.

Sử dụng thuốc nội tiết bậc 2 (chất ức chế Aromatase)

Khi điều trị ung thư vú bằng các chất ức chế Aromatase cho phụ nữ sau mãn kinh có thể làm suy giảm khối lượng xương. Một số loại thuốc nội tiết bậc 2 được sử dụng phổ biến, bao gồm letrozole, anastrozole hoặc exemestane. Tuy nhiên, khả năng phát triển bệnh loãng xương có thể phụ thuộc vào tình trạng chắc khỏe của xương trước khi người bệnh điều trị ung thư vú.

Các liệu pháp ức chế buồng trứng

Việc thực hiện những liệu pháp ức chế buồng trứng, chẳng hạn như phẫu thuật, liệu pháp nội tiết hoặc xạ trị, có thể làm giảm đáng kể mật độ xương. Phương pháp ức chế buồng trứng được chỉ định chủ yếu nhằm giúp làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư bằng cách ngừng tạm thời hoặc vĩnh viễn chức năng buồng trứng.

Điều trị ung thư vú
Ung thư vú gây loãng xương có thể xảy ra trong quá trình hóa trị liệu

4. Các chiến lược giúp bảo vệ xương chắc khỏe khi mắc ung thư vú

Mặc dù tình trạng ung thư vú gây loãng xương có thể xảy ra đối với bất kỳ phụ nữ nào, tuy nhiên việc thực hiện các chiến lược đúng đắn sẽ giúp bảo vệ hệ xương khớp luôn chắc khỏe và ngăn ngừa những vấn đề về xương khác. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn làm giảm tình trạng loãng xương khi mắc bệnh ung thư vú, bao gồm:

Tuân theo một chế độ dinh dưỡng cân bằng

Một số nghiên cứu gần đây đã tìm thấy mối tương quan giữa chế độ ăn uống và căn bệnh ung thư vú. Theo các chuyên gia, những người mắc bệnh ung thư vú nên bổ sung nhiều các thực phẩm giàu canxi và vitamin D vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình để tăng cường sức khỏe cho xương.

Các nguồn cung cấp canxi mà bạn nên lựa chọn, bao gồm rau xanh lá đậm, sữa ít béo, thực phẩm hoặc đồ uống tăng cường canxi. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, lượng canxi khuyến nghị hàng ngày đối với phụ nữ dưới 50 tuổi là 1000mg / ngày và trên 50 tuổi là 1200mg / ngày.

Ngoài canxi, vitamin D cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình hấp thụ canxi cho cơ thể và xương khớp. Bạn có thể bổ sung nguồn vitamin D thông qua các thực phẩm như các nước mặn, gan động vật và lòng đỏ trứng. Những người phụ nữ lớn tuổi mắc ung thư vú cần bổ sung lượng vitamin D theo khuyến nghị từ 600 – 800 IU mỗi ngày.

Lựa chọn những bài tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khoẻ

Giống như cơ bắp, xương cũng cần được luyện tập hàng ngày để trở nên chắc khoẻ hơn. Những người đang điều trị ung thư vú nên thực hiện các bài tập thể dục giúp tăng cường sức đề kháng và nâng cao sức chịu đựng trọng lượng để ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, bao gồm: Đi bộ, khiêu vũ, leo cầu thang và nâng tạ.

Từ bỏ những thói quen xấu

Theo nghiên cứu cho biết, hút thuốc lá đặc biệt có hại cho xương tương tự như đối với phổi và tim. Những phụ nữ mắc ung thư vú có thói quen thường xuyên hút thuốc thường có xu hướng trải qua thời kỳ mãn kinh sớm và dẫn đến thiếu hụt estrogen. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển của bệnh loãng xương.

Ngoài ra, những phụ nữ hút nhiều thuốc lá và lạm dụng bia rượu cũng có khả năng hấp thụ canxi ít hơn từ chế độ dinh dưỡng, đồng thời có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn so với những người khác. Do đó, việc từ bỏ sớm những thói quen sống kém lành mạnh này là một bước vô cùng cần thiết.

Tầm soát loãng xương bằng xét nghiệm đo mật độ xương

Xét nghiệm mật độ khoáng xương (BMD) giúp đo khối lượng xương ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Phương pháp này có thể giúp bạn tầm soát loãng xương sớm và dự đoán nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Xét nghiệm BMD cũng giúp bác sĩ đưa ra các lựa chọn về sử dụng thuốc cho người bệnh. Đặc biệt, đối với người vừa trải qua điều trị ung thư vú cũng nên trao đổi với bác sĩ về việc thực hiện xét nghiệm kiểm tra mật độ xương.

Sử dụng thuốc

Mặc dù không có bất kỳ biện pháp cụ thể nào giúp điều trị dứt điểm bệnh loãng xương. Tuy nhiên, những người sau khi điều trị ung thư vú có thể sử dụng một số loại thuốc như bisphosphonates và raloxifene (chất điều biến thụ thể estrogen chọn lọc) để làm giảm nguy cơ mất mật độ xương và gãy xương do loãng xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: bones.nih.gov, breast-cancer-research.biomedcentral.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

360 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan