Vì sao ung thư có thể gây xuất huyết tiêu hóa?

Xuất huyết tiêu hóa do ung thư là một cấp cứu nội ngoại khoa do tổn thương mạch máu các khối u đường tiêu hóa, đường mật hoặc gan. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nên một hội chứng mất máu cấp tính và thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

1. Vì sao ung thư có thể gây xuất huyết tiêu hóa?

Xuất huyết tiêu hóa bao gồm xuất huyết tiêu hóa cao và thấp, do ung thư như ung thư thực quản, ung thư dạ dày-ruột, ung thư hậu môn, ung thư đại-trực tràng,... Đây là một cấp cứu nội ngoại khoa mà nguyên nhân gây xuất huyết là do tổn thương mạch máu các khối u đường tiêu hóa hay đường mật, gan gây nên hội chứng mất máu cấp tính trên lâm sàng. Nếu bệnh nhân không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong trong bệnh cảnh shock giảm thể tích tuần hoàn. Vì vậy, phương pháp điều trị cần phải phối hợp giữa hồi sức tích cực, điều trị cầm máu và điều trị nguyên nhân.

Bệnh nhân sẽ có những biểu hiện bao gồm:

  • Bệnh nhân nôn ra máu đỏ tươi trong trường hợp mới chảy máu, nôn máu đen đối với trường hợp chảy máu đã lâu.
  • Đi ngoài phân đen: thường gặp ở bệnh nhân chảy máu tiêu hóa dưới do ung thư đường mật, ung thư dạ dày ruột, ung thư gan có xơ gan gây giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.
  • Đi ngoài phân máu đỏ tươi hay đỏ thẫm: nguyên nhân do ung thư tiêu hóa thấp như ung thư đại trực tràng, ung thư ống hậu môn...
  • Đau bụng: liên tục hoặc từng cơn.
  • Biểu hiện toàn thân ở bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ mất máu như da xanh, niêm mạc nhợt.
  • Đặt sonde dạ dày thấy có xuất hiện máu tươi theo sonde ra ngoài.
  • Thăm trực tràng: phân có máu, phân đen.
  • Trong trường hợp mất máu cấp tính với số lượng nhiều, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng shock mất máu với biểu hiện như: chóng mặt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, ngất, huyết áp tụt thậm chí không đo được, suy hô hấp,...

Cần tiến hành đặt sonde dạ dày để kiểm tra, tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp không có máu, cần thăm trực tràng sớm tìm phân đen, đôi khi phải nội soi dạ dày - tá tràng cấp để xác định trong một số trường hợp mất máu cấp mà không có nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.

Ung thư gây xuất huyết tiêu hóa và đau bụng
Ung thư gây xuất huyết tiêu hóa và đau bụng

2. Phương pháp chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do ung thư

2.1 Cận lâm sàng

Các phương pháp cận lâm sàng được sử dụng trong chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do ung thư bao gồm:

  • Nội soi dạ dày - tá tràng cấp: là biện pháp cho ra hình ảnh trực tiếp vị trí tổn thương và nguyên nhân chảy máu, đồng thời có thể phối hợp cầm máu.
  • Nội soi đại trực tràng nhằm tìm ra tổn thương xuất huyết
  • Tình trạng thiếu máu: hồng cầu giảm, huyết sắc tố (Hb) giảm, hematocrit (Hct) giảm. Bên cạnh đó, có thể có rối loạn đông máu kèm theo giảm tiểu cầu, giảm PT,...
  • Suy chức năng thận: creatinin máu và ure máu tăng cao trong trường hợp mất máu nặng.
  • Chụp CT scan vùng ổ bụng, cộng hưởng từ hoặc PET/CT để xác định nguyên nhân và các tổn thương di căn.
  • Các xét nghiệm khác bao gồm: nhóm máu, HIV, HbsAg...

2.2. Chẩn đoán phân biệt

Cần thực hiện chẩn đoán phân biệt xuất huyết tiêu hóa đối với những trường hợp sau:

  • Chảy máu chân răng.
  • Chảy máu vùng hầu - họng, ho ra máu: có thể người bệnh ho ra máu sau đó nuốt vào rồi lại nôn ra.
  • Các trường hợp sử dụng thuốc có chứa sắt, cam thảo gây ra biểu hiện đi ngoài phân đen, hay uống thuốc rifampicin gây đi ngoài phân đỏ,...

2.3. Chẩn đoán nguyên nhân

Nhiều loại ung thư có thể gây ra xuất huyết tiêu hóa, vì vậy cần thực hiện chẩn đoán để tìm nguyên nhân gây bệnh:

  • Ung thư thực quản.
  • Ung thư dạ dày-ruột.
  • Ung thư đường mật.
  • Ung thư gan có giãn hoặc vỡ tĩnh mạch thực quản.
  • Ung thư đại - trực tràng.
  • Ung thư ống hậu môn.
Xuất huyết tiêu hóa do ung thư thực quản
Xuất huyết tiêu hóa do ung thư thực quản

2.4. Xác định mức độ mất máu nặng nhanh

  • Huyết động không ổn định: các biểu hiện bao gồm đầu chi lạnh, da xanh niêm mạc nhợt rõ, hạ huyết áp tư thế, shock mất máu (huyết áp tâm thu <90mmHg hoặc giảm trên 40mmHg so với huyết áp tâm thu ở người tăng huyết áp), thiểu niệu nước tiểu <30ml/giờ, kích thích vật vã thậm chí hôn mê do thiếu máu não).
  • Lượng máu mất ước tính trên 500ml hoặc phải truyền >5 đơn vị máu trong 24 giờ để đảm bảo huyết động.
  • Bệnh nhân chảy máu đỏ tươi khi đặt sonde dạ dày hoặc đi ngoài nước máu đỏ là dấu hiệu nặng.
  • Hematocrit <0,2L/L, hồng cầu <2,0T/L, huyết sắc tố <70G/L. Một số yếu tố làm tăng mức độ nặng: >60 tuổi, suy tim

Tóm lại, xuất huyết tiêu hóa bao gồm xuất huyết tiêu hóa cao và thấp do ung thư như ung thư thực quản, ung thư dạ dày-ruột, ung thư hậu môn, ung thư đại-trực tràng,... Đây là một cấp cứu nội ngoại khoa, nguyên nhân dẫn tới xuất huyết là do tổn thương mạch máu các khối u đường tiêu hóa hay đường mật, gan gây nên một hội chứng mất máu cấp tính trên lâm sàng. Nếu không được xử trí kịp thời bệnh nhân có thể dẫn đến tử vong trong bệnh cảnh shock giảm thể tích tuần hoàn.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan