Ai có thể mắc bệnh bạch hầu?

Bạch hầu khá phổ biến ở trẻ em, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn chưa được tiêm phòng vắc-xin và không có miễn dịch với bệnh. Bệnh bạch hầu rất dễ lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của bệnh nhân khi ho, hắt hơi... dù là người lớn hay trẻ em.

1. Biểu hiện của bệnh bạch hầu là gì?

Biểu hiện của bệnh bạch hầu ban đầu là ho và sốt, nên dễ nhầm với nhiều căn bệnh khác. Bệnh có diễn biến cấp tính và có biến chứng đến tim, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Vì vậy, các bác sĩ hướng dẫn, khi có tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh, nếu phát hiện triệu chứng ho và sốt thì cần đến ngay cơ sở y tế.

Tại phòng khám, bác sĩ sẽ dễ dàng phân biệt bệnh bạch hầu nhờ quan sát giả mạc màu trắng hoặc xám ở thành họng. Nhóm người nghi nhiễm bạch hầu do có tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được uống vắc-xin dự phòng.

Trườm khăn ấm cho bé giúp hạ sốt
Sốt là một trong số những biểu hiện đầu tiên của bệnh bạch hầu

2. Những ai dễ mắc bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bạch hầu dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp, cụ thể là tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với giọt bắn dịch tiết của bệnh nhân hoặc người mang vi trùng khi ho, hắt hơi... Bệnh đặc biệt dễ lây lan trong khu vực dân cư đông đúc hoặc không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Danh sách những ai có thể mắc bệnh bạch hầu bao gồm:

  • Người lớn và trẻ em đều có khả năng mắc bệnh nếu chưa tiêm chủng vắc-xin bạch hầu, nhất là khi có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc du lịch đến vùng dịch.
  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng có miễn dịch thụ động từ mẹ nên sẽ không mắc bệnh. Trẻ từ 6 tháng trở lên sẽ biến mất khả năng này, vì thế cần được đưa đi tiêm phòng sớm để phòng ngừa nhiễm bạch hầu.
Chất béo đóng vai trò gì đối với trẻ em
Trẻ em trên 6 tháng tuổi tăng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu

  • Trẻ em dưới 15 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Theo lý giải của bác sĩ, nhóm trẻ nhỏ ít nhất cũng đã từng tiêm vài mũi vắc-xin, trong khi trẻ lớn lại tiêm từ lâu, nguy cơ cao hơn.
  • Người mắc bệnh mãn tính, người có sẵn bệnh nền khi mắc bạch hầu và các bệnh truyền nhiễm khác rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già.
  • Người đã nhiễm bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện miễn dịch cả đời. Tuy nhiên trường hợp suy giảm miễn dịch sẽ có tỷ lệ tái nhiễm bệnh bạch hầu khoảng 2 - 5%.
  • Hiệu quả vắc-xin bạch hầu đạt khoảng 97%, miễn dịch thường kéo dài lên đến 10 năm và nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế nếu không tiêm nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Hiện nay, nước ta xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Do đó, người dân cần hết sức cẩn trọng nếu chưa được tiêm phòng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, tiêm đã lâu (hơn 10 năm).

3. Ai phải tiêm phòng bạch hầu?

Để phòng bệnh bạch hầu, cần tiêm vắc-xin đủ mũi và đúng lịch cho trẻ. Trẻ em dưới 2 tuổi được tiêm miễn phí mũi vắc-xin 5 trong 1 có phòng bạch hầu, nhưng bạch hầu vẫn là bệnh lưu hành, khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ bị tác động lại là trẻ lớn.

Người dân trong ổ dịch, kể cả người lớn và trẻ em, đều cần uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin theo yêu cầu của cơ quan y tế. Người lớn ở ngoài vùng dịch cũng nên tiêm ngừa để phòng bệnh.

Mặc dù giai đoạn vừa qua đã có chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin TD ngừa bạch hầu và uốn ván, song chỉ mới triển khai được cho nhóm trẻ dưới 7 tuổi và tiến hành 30 tỉnh thành nguy cơ cao. Hiện các chuyên gia đề nghị mở rộng các tỉnh được tham gia chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung cho các bé đang bị thiếu mũi hoặc chưa tiêm. Đồng thời, cần thay mũi uốn ván đơn thành mũi TD cho cả trẻ em và phụ nữ chuẩn bị mang thai.

Trong khi các quốc gia khác đã tiêm ngừa vắc-xin có thành phần bạch hầu đến mũi thứ 6, chỉ định cho cả trẻ 14 - 15 tuổi thì nước ta mới tiêm đến mũi thứ 5 và lứa tuổi được chỉ định cũng nhỏ hơn.

Bên cạnh biện pháp chủng ngừa bằng vắc-xin, mọi người dân cũng phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho và hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể hàng ngày, cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh... Khi có dấu hiệu mắc bệnh phải cách ly và đến ngay cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời.

Cần rửa tay trước khi chăm sóc bé để đảm bảo an toàn cho trẻ
Rửa tay bằng xà phòng là một cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan