Bé 2 tháng tuổi chích ngừa gì giúp phòng ngừa bệnh tật?

Tiêm chủng vắc-xin là cách phòng ngừa bệnh lý hiệu quả nhất cho trẻ. Ngoài các mũi tiêm sơ sinh, việc chích ngừa cho trẻ 2 tháng tuổi cần bổ sung thêm các mũi tiêm chủng khác. Vậy bé 2 tháng tuổi chích ngừa gì?

1. Những điều cần biết về trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi chích ngừa gì?

1.1.Tiêm mũi tăng cường viêm gan B (HepB)

Viêm gan B (HepB) là một bệnh gan do vi rút gây ra, có thể gây tăng men gan do viêm gan mạn tính, các đợt tổn thương gan cấp và nặng nề nhất là xơ gan hay ung thư gan.

Trẻ sẽ nhận được mũi tiêm vắc xin đầu tiên cho bệnh viêm gan B ngay sau khi trẻ được sinh ra. Sau đó, chích ngừa cho trẻ 2 tháng tuổi sẽ bao gồm mũi tiêm nhắc lại và liều cuối cùng sẽ được thực hiện khi trẻ từ 6 đến 18 tháng.

Theo các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), vắc xin chủng ngừa viêm gan B là tương đối an toàn. Mặc dù vậy, sau khi tiêm, trẻ có thể bị đau nhức tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ lên đến 38 ° C.

1.2.Bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTaP)

Vắc - xin chủng ngừa bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTaP) bao gồm nhiều bệnh trong một lần tiêm:

  • Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nghiêm trọng có thể gây ra một lớp chất nhầy dày ở phía sau cổ họng, khiến trẻ khó thở. Bệnh bạch hầu gây tử vong ở 1/5 trẻ em mắc bệnh.
  • Uốn ván là một căn bệnh nguy hiểm do một số vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và tiết ra độc tố. Chất độc có thể gây ra bất cứ điều gì từ cứng cơ hoặc co thắt cơ, sốt đến chuột rút ở hàm. Theo ước tính, 1/5 số người mắc bệnh uốn ván gây tử vong.
  • Ho gà là một bệnh nhiễm trùng hệ hô hấp nghiêm trọng và có thể gây ra những cơn ho không kiểm soát được và có thể kéo dài 10 tuần trở lên. Bệnh ho gà rất dễ lây lan và có thể gây chết người, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.

Liều vắc xin DTaP đầu tiên được tiêm cho trẻ khi chúng được 2 tháng tuổi. Các liều tăng cường sau đó được nhắc lại khi trẻ đạt 4 tháng, 6 tháng, từ 15 đến 18 tháng và từ 4 đến 6 năm.

Phần lớn các trẻ em không gặp các triệu chứng bất lợi sau khi tiêm. Một số trẻ có thể bị các phản ứng phụ nhẹ, bao gồm sốt, nôn mửa hoặc đau ở vết tiêm. Trong một số rất hiếm trường hợp, trẻ có thể bị sốt cao, co giật hoặc khóc kéo dài.

1.3. Bệnh liên cầu khuẩn (PCV13)

Vi khuẩn liên cầu khuẩn có thể gây nhiễm trùng tai và phổi của trẻ hay có thể lây lan theo đường máu đến não.

Thuốc chủng ngừa PCV13 có tác dụng tạo miễn dịch phòng chống cùng lúc 13 chủng vi khuẩn gây bệnh. Theo đó, việc chích ngừa cho trẻ 2 tháng tuổi sẽ bao gồm mũi liên cầu khuẩn đầu tiên trong chuỗi tiêm. Các mũi nhắc lại sẽ được tăng cường khi trẻ được 4 tháng, 6 tháng và đôi khi từ 12 đến 15 tháng.

Trong khi phần lớn các trẻ sau tiêm không gặp tác dụng phụ, một số ít sẽ bị sốt, bỏ bú, mệt mỏi hay có thể cáu kỉnh hơn bình thường. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị đau, đỏ và nóng xung quanh vết tiêm.

1.4. Haemophilus influenzae týp b (Hib)

Haemophilus influenzae týp b (Hib) là vi khuẩn có thể gây bệnh nghiêm trọng, nhất là viêm màng não và có thể để lại di chứng lâu dài. Mặt khác, bệnh Hib có thể gây tử vong ở 1 trong số 20 trẻ em mắc bệnh này.

Thuốc chủng ngừa Hib được chia thành ba hoặc bốn liều được tiêm vào lúc trẻ được 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng và đôi khi từ 12 đến 15 tháng. Mũi vắc xin Hib rất an toàn. Một số trẻ sau tiêm phòng có thể bị sốt và sưng, tấy đỏ, nóng hoặc khó chịu tại chỗ tiêm.

1.5. Bại liệt (IPV)

Bệnh bại liệt là bệnh do vi rút có ái tính với mô thần kinh. Khi ảnh hưởng đến tủy sống, vi rút có thể gây tê liệt tạm thời hoặc vĩnh viễn, thậm chí gây tử vong.

Vắc xin bại liệt được chỉ định theo bốn mũi tiêm. Lần đầu tiên đến vào lúc trẻ được 2 tháng, tiếp theo là mũi tăng cường khi trẻ được 4 tháng, từ 6 đến 18 tháng và một lần nữa khi trẻ từ 4 đến 6 tuổi.

Vắc xin này cũng an toàn và hiệu quả. Dù vậy, sau khi tiêm, trẻ có thể gặp các phản ứng nhẹ, như đau hoặc sưng tại chỗ tiêm.

1.6. Rotavirus (RV)

Rotavirus là một loại virus gây tiêu chảy rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Nếu tiêu chảy mức độ nghiêm trọng, trẻ có thể bị mất nước nặng và tử vong.

Tiêm chủng vắc xin rotavirus sẽ được thực hiện qua đường miệng dưới dạng thuốc nhỏ nước khi trẻ được 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng, hoặc khi trẻ được 2 tháng và 4 tháng.

Trẻ sơ sinh phần lớn không gặp tác dụng phụ sau tiêm rotavirus nhưng một số trẻ lại gặp phản ứng quấy khóc, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Trong một số trường hợp rất hiếm, trẻ có thể bị tắc ruột do lồng ruột và cần phẫu thuật can thiệp.

2. Các tác dụng phụ có thể gặp khi chích ngừa cho trẻ 2 tháng tuổi

Bác sĩ nhi khoa sẽ cung cấp cho cha mẹ thông tin về vắc xin để mang về nhà sau khi tiêm vắc xin cho con. Các tài liệu này trình bày chi tiết loại vắc xin nào mà con bạn đã nhận được và các tác dụng phụ có thể xảy ra với mỗi loại.

Mặc dù hầu hết trẻ sơ sinh không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, các phản ứng nhẹ là bình thường khi đi chích ngừa cho trẻ 2 tháng tuổi như phát ban trên da hoặc đau tại chỗ tiêm.

Ngoài ra, các tác dụng phụ tiềm ẩn khác cũng sẽ tùy thuộc vào mũi tiêm và có thể khiến trẻ cáu gắt, mệt mỏi và gặp các vấn đề về dạ dày, bao gồm nôn mửa và tiêu chảy, sốt nhẹ. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, quấy khóc hoặc co giật, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa để được hướng dẫn thêm.

3. Cách phòng tránh tác dụng phụ khi chích ngừa cho trẻ 2 tháng tuổi

Để giúp việc chích ngừa cho trẻ 2 tháng tuổi trở nên đơn giản hơn và hạn chế tác dụng phụ sau tiêm, cha mẹ cần cho trẻ bú hay uống dung dịch siro trước khi tiêm vắc xin. Vị ngọt có thể giúp trẻ giảm đau trong khi tiêm. Sau đó, cha mẹ có thể cho trẻ bú, nếu trẻ khóc hoặc cáu gắt, đồng thời dỗ dành để trẻ bình tĩnh trở lại. Mẹ cũng nên cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức thường xuyên để giữ cho trẻ luôn đủ nước, nhất là khi trẻ bị sốt.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể tham khảo một số cách khác để trẻ nhanh chóng vượt qua tác dụng phụ sau chích ngừa dưới đây:

  • Giảm khó chịu và đau nhức cho trẻ bằng một miếng vải ẩm và mát lên da sau khi tiêm.
  • Hạ sốt bằng cách lau người cho bé với nước ấm.
  • Yêu cầu bác sĩ nhi khoa kê đơn thuốc giảm đau (acetaminophen) và liều lượng phù hợp cho trẻ theo độ tuổi và cân nặng của chúng.

Các phản ứng sau tiêm thường khu trú trong những ngày đầu. Cha mẹ hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa trong vòng 24 giờ nếu các phản ứng nhẹ kéo dài hơn thời gian này để có thể xác định xem trẻ có cần được đi khám hay không hoặc nếu chúng mắc một căn bệnh khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Theo đó, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng dưới đây thì cha mẹ cần sớm liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời:

  • Trẻ bị sốt cao và không hạ sốt được
  • Khóc liên tục trong 3 giờ trở lên
  • Vết tiêm vẫn còn đỏ sau 48 giờ
  • Lừ đừ
  • Khó thở hoặc khó nuốt.
  • Bỏ bú

Tóm lại, tiêm chủng đầy đủ vắc xin có tác dụng bảo vệ cho trẻ khỏe mạnh và an toàn cũng như phòng tránh những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong 2 năm đầu tiên, trẻ sẽ được chỉ định tiêm chủng vắc-xin chống lại các căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ cần nắm được thông tin bé 2 tháng tuổi nên chích ngừa gì để tuân thủ đúng lịch trình tiêm phòng cho trẻ. Nếu lo lắng về các tác dụng phụ tiềm ẩn của vắc-xin, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để được hướng dẫn và xử trí phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:healthline.com, whattoexpect.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

810 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan