Các vấn đề nên được sàng lọc trước tiêm chủng cho người lớn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Theo nghị định 104/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng nêu rõ tại điều 5: mọi đối tượng tiêm chủng cần được khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm chủng. Đây là biện pháp phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin, ngay cả khi cùng một loại vắc-xin đã được sử dụng. Sàng lọc giúp bác sĩ cơ bản đánh giá về sức khỏe của người được tiêm chủng, đảm bảo đủ sức khỏe để tiêm vắc-xin, giúp ngăn ngừa các phản ứng bất lợi như sốc phản vệ. Dưới đây là danh sách kiểm tra sàng lọc trước tiêm chủng cho người lớn.

1. Bạn có bị ốm hay không?

Không có bằng chứng nào cho thấy bệnh cấp tính làm giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ của vắc-xin. Tuy nhiên, để phòng ngừa với bệnh cấp tính trung bình hoặc nặng, các loại vắc-xin nên được trì hoãn cho đến khi bệnh đã được cải thiện trừ tiêm vắc-xin phòng dại và uốn ván trong trường hợp bị phơi nhiễm với bệnh dại và uốn ván. Một số trường hợp bệnh nhẹ (ví dụ, nhiễm trùng đường hô hấp trên, tiêu chảy) KHÔNG chống chỉ định với vắc-xin. Một số trường hợp đang dùng thuốc kháng sinh vẫn có thể được tiêm phòng vắc-xin nếu sức khỏe ổn định. Vì vậy, trước khi tiêm chủng bạn cần được thăm khám sàng lọc (kiểm tra tim phổi, tai mũi họng...) để loại trừ bệnh lí cấp tính giúp cho việc tiêm phòng được hiệu quả và an toàn hơn.

2. Bạn có bị dị ứng với thuốc, thực phẩm hay thành phần nào của vắc - xin hoặc latex hay không?

Phản ứng phản vệ với latex là chống chỉ định với vắc-xin có chứa latex (ví dụ, nút lọ, ống tiêm pít tông...). Nếu một người bị sốc phản vệ sau khi ăn gelatin, không sử dụng vắc-xin có chứa gelatin. Dị ứng nặng với lòng đỏ trứng gà cũng hạn chế tiêm vắc-xin được nuôi cấy trên lòng đỏ trứng gà ví dụ như vắc-xin phòng cúm. Những trường hợp dị ứng với thành phần vắc-xin hoặc có phản ứng nặng với vắc-xin có cùng thành phần trong lần tiêm trước sẽ không được tiêm vắc-xin chứa thành phần đó.

Đối với những người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng như suy hô hấp, sốc phản vệ hoặc cần phải can thiệp y tế nên tiêm vắc-xin ở những cơ sở y tế đảm bảo cấp cứu suy hô hấp – ngừng tuần hoàn để có thể phản ứng kịp thời nếu tình trạng phản ứng sau tiêm nghiêm trọng xảy ra.

Vắc-xin
Trước khi tiêm phòng cần kiểm tra xem bản thân có dị ứng với thuốc, thực phẩm hay thành phần nào của vắc-xin không

3. Đã bao giờ gặp phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm chủng? Các lần tiêm vắc-xin trước có gặp phản ứng gì sau tiêm không?

Tiền sử phản ứng phản vệ với liều vắc-xin trước đó hoặc với một hay nhiều thành phần vắc-xin là một chống chỉ định cho các liều vắc-xin tiếp theo. Bình thường, đối với trường hợp này, tiêm vắc-xin có cùng thành phần sẽ được hoãn lại khi có biện pháp phòng ngừa. Trong một số trường hợp bất khả kháng cần phải tiêm vắc-xin (ví dụ như vắc-xin phòng dại...) thì việc tiêm vắc-xin cần phải được tiêm tại bệnh viện, có khả năng hồi sức và có thể tiêm theo phương pháp giải mẫn cảm.

4. Bạn có vấn đề về sức khỏe liên quan đến tim, phổi, thận hay các bệnh như tiểu đường, hen suyễn... Bạn có đang điều trị bằng aspirin trong thời gian dài?

Một số vắc-xin được khuyến cáo nên tiêm cho cho những người có các bệnh lí mạn tính như tiểu đường, COPD, hen phế quản, bệnh lí tim mạch, tim bẩm sinh...như vắc-xin phòng cúm, phòng viêm phổi, viêm màng não do phế cầu...

5. Bạn có đang bị ung thư hay nhiễm HIV/AIDS?

Vắc-xin sống giảm độc lực thường được chống chỉ định đối với những người bị suy giảm hệ miễn dịch nặng như HIV giai đoạn AIDS. Những bệnh nhân ung thư điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch cũng cần trì hoãn tiêm vắc-xin sống giảm độc lực có thể trong vòng 3 tháng sau điều trị. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như có thể tiêm vắc-xin sống giảm độc lực phòng sởi, quai bị, rubella (MMR) thủy đậu (Varivax), viêm não Nhật Bản - Imojev... cho những người mang virus HIV chưa phải giai đoạn suy giảm miễn dịch nặng.

6. Gia đình bạn có ai gặp vấn đề về hệ thống miễn dịch?

Không nên tiêm vắc-xin sống giảm độc lực (ví dụ MMR, Varivax..) cho những trường hợp xuất thân từ gia đình có tiền sử suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc di truyền ở người thân độ một (tức là cha mẹ và anh chị em), trừ khi khả năng miễn dịch của người cần tiêm vắc-xin đã được chứng minh lâm sàng hoặc xét nghiệm là có thể an toàn để sử dụng vắc-xin.

7. Trong 3 tháng qua, bạn đã uống thuốc ảnh hưởng đến miễn dịch hệ thống, chẳng hạn như cortisone, prednison, các steroid khác, hoặc thuốc chống ung thư; thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn hoặc bệnh vẩy nến?

Thuốc
Nên hoãn việc tiêm vắc-xin cho đến khi ảnh hưởng của các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch kết thúc

Việc tiêm vắc-xin sống giảm độc lực nên trì hoãn lại cho đến khi bạn thực hiện hóa trị liệu hoặc sử dụng liệu pháp steroid liều cao dài hạn kết thúc tối thiểu 14 ngày (tùy trường hợp có thể lâu hơn). Có thể sử dụng những vắc-xin này nếu liều corticoid tương ứng với prednisolone ≤ 2mg/kg/ngày.

8. Bạn bị động kinh hoặc gặp vấn đề liên quan đến hệ thần kinh không?

Vắc-xin phòng uốn ván, bạch hầu, ho gà chống chỉ định ở những người có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến hệ thần kinh. Đối với những người bị rối loạn thần kinh (động kinh) không liên quan đến tiêm chủng, hoặc cho những người có tiền sử gia đình bị động kinh, thực hiện tiêm phòng như bình thường. Nếu bạn có tiền sử mắc hội chứng Guillain-Barré (GBS) cần điều cần cân nhắc một số vấn đề trước khi tiêm vắc-xin phòng uốn ván, bạch hầu, ho gà.

9. Bạn đã từng được truyền máu hoặc tiêm globulin miễn dịch chưa?

Một số vắc-xin virus sống giảm độc lực (ví dụ: MMR, Varivax...) cần phải trì hoãn 3 tháng sau khi sử dụng globulin miễn dịch (trừ huyết thanh kháng viêm gan B). Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào một số yếu tố nhất định.

10. Có nên tiêm chủng cho phụ nữ đang mang thai hoặc chưa chắc chắn liệu bản thân có mang thai hay không?

Tiêm phòng vacxin HPV
Vắc-xin HPV không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai

Vắc-xin sống giảm độc lực thường chống chỉ định trong quá trình mang thai vì nguy cơ lây truyền virus đến thai nhi. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tránh mang thai sau khi tiêm các vắc-xin này ít nhất một tháng.

Vắc-xin phòng cúm bất hoạt có thể tiêm bất kì giai đoạn nào của thai kì hoặc tiêm trước khi mang thai mà không cần tránh thai. Vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván có thể sử dụng trong khi mang thai nhưng thời gian tốt để tiêm vắc-xin này thường ở tuần thứ 27 cho đến trước tuần thứ 36 thai kỳ (nên tiêm trước khi sinh tối thiểu 1 tháng nên thường chọn tiêm dưới 35 tuần thai). Vắc-xin phòng HPV không được khuyến cáo nếu bạn đang mang thai.

11. Trong 4 tuần qua, bạn đã được tiêm chủng chưa?

Đối với các vắc-xin sống giảm độc lực có thể tiêm cùng 1 ngày hoặc cách nhau ít nhất là 28 ngày. Đối với 2 loại vắc-xin bất hoạt hoặc vắc-xin sống giảm độc lực với vắc-xin bất hoạt có thể tiêm cùng 1 ngày hoặc cách nhau tối thiểu 1-2 tuần.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm phòng với đa dạng các loại vắc-xin, phục vụ nhu cầu tiêm phòng của nhiều đối tượng khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Hải Hà từng công tác nhiều năm tại Khoa Nhi – Sơ sinh Bệnh viện Thanh Nhàn – Hà Nội và Khoa sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City trước khi đảm nhiệm vị trí là Trưởng đơn nguyên vắc xin thuộc khoa Ngoại trú Nhi bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City như hiện nay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Immunize.org; Cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan