Dưới 5 tuổi nên tiêm những loại vắc-xin nào

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Mỗi năm, vắc-xin giúp ngăn ngừa 2,5 triệu ca tử vong ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi Không chỉ vậy, tiêm vắc-xin cho trẻ còn giúp phòng ngừa nguy cơ tàn tật vĩnh viễn do bệnh truyền nhiễm cho hàng trăm ngàn trẻ em trên thế giới.

1. Trẻ dưới 5 tuổi tiêm những loại vắc-xin nào?

Trẻ nhỏ giai đoạn từ 0 - 5 tuổi chưa có hệ miễn dịch hoàn chỉnh. Trong khi đó, ước tính trung bình mỗi ngày trẻ sẽ tiếp xúc với khoảng 20 - 40 kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng,... Vì vậy, việc tiêm phòng cho độ tuổi này với đủ mũi tiêm, đúng lịch tiêm là là biện pháp an toàn, tiết kiệm nhất để giúp trẻ chủ động xây dựng hàng rào miễn dịch chống lại các bệnh nguy hiểm.

2. Những loại vắc-xin nên tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi gồm

2.1 Vắc-xin viêm gan B

Trong vòng 24 giờ sau sinh, trẻ cần được tiêm phòng mũi vắc-xin viêm gan B. Trong vòng 2 năm đầu đời, trẻ cần được tiêm đủ 4 mũi vắc-xin viêm gan B. Việc tiêm phòng viêm gan B giúp cơ thể của trẻ có khả năng chống lại được virus viêm gan B - căn bệnh lây truyền qua đường máu và các dịch tiết trong cơ thể.

2.2 Vắc-xin BCG phòng bệnh lao

Vắc-xin BCG được khuyến cáo tiêm càng sớm càng tốt cho trẻ trong vòng 30 ngày đầu sau sinh. Tỷ lệ nhiễm lao đặc biệt là lao kháng thuốc tại Việt Nam trong top cao. Việc tiêm phòng lao trong thời kỳ sơ sinh sẽ giúp trẻ có miễn dịch chống lại bệnh lao. Mũi Vắc-xin BCG chỉ cần tiêm 1 lần trong đời.

2.3 Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván-bại liệt-HiB

Đây là loại vắc-xin có tác dụng tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, giúp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và các bệnh do HIB gây nên cho trẻ từ 2 - 48 tháng tuổi. Vắc-xin phòng bệnh được sử dụng chủ yếu hiện nay là một trong các loại: 5 trong 1, 6 trong 1. Liệu trình cơ bản bắt đầu từ 6 đến 8 tuần tuổi, gồm 3 mũi cách nhau mỗi 1 tháng. Mũi thứ 4 sẽ tiêm nhắc vào năm tuổi thứ 2, cách mũi 3 ít nhất 6 tháng. 4 mũi vaccin này sẽ tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ trong 4 đến 5 năm đầu đời. Vào lúc trẻ được 4-6 tuổi cần tiêm nhắc mũi vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván-bại liệt.

2.4 Vắc xin phòng bệnh phế cầu

Phế cầu là vi khuẩn gây nên nhiều bệnh lý như: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não mủ...Vắc xin phòng bệnh phế cầu cần tiêm 4 liều: liều lúc 2, 3, 4 tháng và mũi nhắc lúc 12-15 tháng. Nếu trẻ tiêm sau 6 tháng thì sẽ gồm 3 mũi. Mũi 1 và 2 cách nhau 2 tháng. Mũi thứ 3 sẽ từ 12-15 tháng (cách mũi 2 ít nhất 3 tháng).

2.5 Uống vắc-xin ngừa Rotavirus

Rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy cấp - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Rotavirus chủ yếu lây truyền qua đường phân - miệng hoặc qua tiếp xúc với tay, vật dụng bị nhiễm virus. Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ bị lây nhiễm cao vì bé thường hay đưa tay lên miệng và chưa có ý thức chủ động giữ gìn vệ sinh.

Tổ chức Y tế Thế giới đã phê duyệt sử dụng 2 loại vắc-xin phòng ngừa Rotavirus là RotaTeq và Rotarix. Cả 2 loại vắc-xin này đều dùng đường uống với lịch uống khác nhau:

  • Rotateq: Uống 3 liều, mỗi liều 2ml. Liều đầu tiên uống khi trẻ 7,5 - 12 tuần tuổi, liều thứ 2 và thứ 3 cách liều trước đó tối thiểu 1 tháng. Lưu ý cần cho trẻ uống đủ 3 liều Rotateq trước khi được 8 tháng tuổi;
  • Rotarix: Uống 2 liều, mỗi liều 1,5ml. Liều đầu tiên uống khi trẻ được 1,5 tháng tuổi và liều thứ 2 cách liều đầu tiên tối thiểu 4 tuần. Lưu ý cần cho trẻ uống đủ 2 liều trước khi được 6 tháng tuổi.
vacxin rotavirus
Tổ chức Y tế Thế giới đã phê duyệt sử dụng 2 loại vắc-xin phòng ngừa Rotavirus là RotaTeq và Rotarix

2.6 Vắc-xin phòng cúm

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ nhiễm virus cúm, có nguy cơ gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Vì vậy, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin phòng cúm. Và do virus cúm thay đổi, đột biến rất nhanh nên vắc-xin phòng cúm cần được tiêm nhắc lại hằng năm hoặc vào đầu các mùa có nguy cơ bùng dịch.

Lịch tiêm vắc-xin cúm cho trẻ dưới 5 tuổi như sau:

  • Với trẻ từ 6 - 35 tháng tuổi: Tiêm vắc-xin cúm 0,25ml; khởi đầu bằng 2 liều cơ bản cách nhau 1 tháng. Sau đó nhắc lại hàng năm năm.
  • Với trẻ 3 - 5 tuổi: Tiêm một mũi vắc-xin cúm 0,5ml hàng năm.

Những trẻ lớn hơn và người lớn cũng được khuyến nghị nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm.

2.7 Vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu A, B C W-135 và Y

Có 2 loại vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu được khuyến cáo nên tiêm cho trẻ là vắc-xin ngừa viêm não mô cầu typ A, C,W-135 và Y, và vắc-xin ngừa viêm não mô cầu typ B, C.

Với trẻ ở giai đoạn từ 6 tháng tuổi nên tiêm vắc-xin não mô cầu BC, gồm 2 mũi cách nhau 6 đến 8 tuần. Trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên tiêm vắc-xin não mô cầu phòng các chủng não mô cầu A, C, Y, W-135, liệu trình gồm 2 mũi cách nhau 3 tháng. Nếu trẻ trên 2 tuổi mới bắt đầu tiêm thì chỉ cần tiêm 1 mũi.

2.8 Vắc-xin phòng bệnh sởi

Trẻ dưới 2 tuổi cần được tiêm đủ 2 liều vaccin sởi cách nhau 6 đến 9 tháng. Trong những năm dịch sởi diễn biến phức tạp, những trẻ sống trong vùng dịch có thể được khuyến cáo tiêm mũi sởi sớm từ 6 tháng. Lịch tiêm thường quy của sởi là: mũi sởi đơn lúc 9 tháng và mũi sởi kết hợp quai bị, rubella lúc 15 tháng hoặc sởi kết hợp rubella lúc 18 tháng. Nếu đến 1 tuổi trẻ chưa tiêm sởi đơn, thì lúc này sẽ tiêm mũi sởi-quai bị- rubella sau đó đến 18 tháng sẽ tiêm mũi sởi đơn.

2.9 Vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Khi xâm nhập vào cơ thể, virus viêm não Nhật Bản có khả năng làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, từ đó gây tổn thương não, thậm chí khiến người bệnh sống thực vật nếu tổn thương không thể phục hồi hoặc gây di chứng trẻ chậm phát triển trí tuệ,... hay tử vong. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc viêm não Nhật Bản, đặc biệt là nhóm trẻ 2 - 6 tuổi. Vì vậy, cần tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ.

Lịch tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ như sau:

Loại vaccin bất hoạt

  • Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 1 tuổi trở lên;
  • Mũi 2: Cách mũi đầu tiên từ 1 - 2 tuần;
  • Mũi 3: Cách mũi đầu tiên khoảng 1 năm.

Cứ sau 3 năm, nên cho trẻ đi tiêm mũi vắc-xin nhắc lại để duy trì miễn dịch phòng ngừa viêm não Nhật Bản. Cần đảm bảo tiêm chủng đủ liều và đúng lịch vì trẻ vẫn có thể mắc viêm não Nhật Bản nếu chỉ tiêm 1 - 2 mũi mà quên mũi thứ 3 hoặc không tiêm nhắc.

Loại vaccin sống giảm độc lực:

Mũi 1: 9 tháng tuổi.

Mũi 2: cách mũi 1 một năm.

Vắc-xin MMR
Tiêm vắc-xin giúp phòng ngừa hiệu quả các bệnh sởi - quai bị - rubella

2.10 Vắc-xin phòng bệnh viêm gan A

Viêm gan A là bệnh lây qua đường ăn uống. Vì trẻ dưới 5 tuổi có sức đề kháng yếu, dễ bị virus tấn công nên tiêm phòng viêm gan A là rất cần thiết. Thông thường, lịch tiêm vắc-xin viêm gan A cho trẻ là: mũi đầu tiên khi trẻ được 12 tháng tuổi trở lên và mũi nhắc lại cách mũi đầu tiên 6 - 18 tháng.

2.11 Vắc-xin phòng ngừa thủy đậu

Virus gây bệnh thủy đậu có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, tổn thương dây thần kinh trung ương, viêm cầu thận cấp, thậm chí tử vong. Vì vậy, cần chú ý tiêm phòng thủy đậu cho trẻ để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Lịch tiêm là: Liều tiêm duy nhất khi trẻ được 1 tuổi, có thể tiêm thêm mũi thứ 2 khi trẻ được 4 - 6 tuổi.

2.12 Vắc-xin phòng bệnh sởi - quai bị - rubella

Sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Virus sởi có thể gây các biến chứng nhiễm trùng tai, viêm phổi, động kinh, làm tổn thương não hoặc thậm chí tử vong. Bệnh quai bị có thể dẫn đến điếc, sưng đau tinh hoàn, thậm chí gây viêm tinh hoàn, dẫn tới vô sinh. Bệnh rubella có thể gây biến chứng viêm khớp, viêm não, xuất huyết,...

Tiêm vắc-xin giúp phòng ngừa hiệu quả các bệnh sởi - quai bị - rubella. Cần tiêm đúng lịch và đầy đủ mũi tiêm như sau: mũi đầu tiên tiêm khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi và mũi tiêm nhắc khi trẻ được 4- 6 tuổi.

2.13 Vắc-xin phòng bệnh thương hàn

Thương hàn là tình trạng nhiễm khuẩn huyết do trực khuẩn Salmonella typhi gây ra. Trực khuẩn này lây truyền qua đường tiêu hóa, gây sốt, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có thể tổn thương da, ảnh hưởng tới các cơ quan như gan, tim,... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến phức tạp, gây ra nhiều biến chứng khó lường, thậm chí cướp đi sinh mạng của trẻ.

Vì vậy, trẻ từ 2 tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin phòng bệnh sốt thương hàn với lịch tiêm: Mũi đầu tiên tiêm khi trẻ được 2 tuổi trở lên và tiêm nhắc lại sau mỗi 3 năm 1 lần.

3. Một số lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng

Ngoài việc tuân thủ đúng lịch tiêm và liều tiêm, cha mẹ cần chú ý tới những điều sau khi đưa trẻ đi tiêm chủng:

3.1 Lưu ý trước khi tiêm chủng

  • Vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ để tránh nguy cơ nhiễm trùng;
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng, thoải mái để các nhân viên y tế thao tác dễ dàng hơn trong quá trình tiêm chủng;
  • Không nên cho trẻ ăn quá no và cũng không nên để trẻ đói lả để tránh nguy cơ hạ đường huyết sau tiêm;
  • Cần mang theo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ và sổ tiêm chủng của bé để nhân viên y tế theo dõi lịch sử tiêm của trẻ;
  • Trao đổi kỹ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ như: Mắc bệnh cấp tính (sốt, viêm phổi, viêm phế quản,...), tiền sử dị ứng với vắc-xin, dị ứng với thành phần của thuốc hay dị ứng với các loại hóa chất, thức ăn,...
Khám bệnh trước tiêm phòng - tiêm chủng cho trẻ tiêm vacxin
Cha mẹ cần trao đổi kỹ càng với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ

3.2 Lưu ý sau khi tiêm chủng

  • Trẻ sau khi tiêm chủng cần ở lại điểm tiêm phòng 30 phút để theo dõi, đánh giá các phản ứng sau tiêm. Trong trường hợp trẻ không gặp bất cứ phản ứng nào, cha mẹ có thể đưa con về và theo dõi thêm tình trạng sốt, sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc,...;
  • Ở trẻ có cơ địa nhạy cảm, ở vị trí tiêm thường bị sưng đỏ. Hiện tượng này có thể tự hết sau 6 - 8 giờ.
  • Khi trẻ bị sốt nhẹ sau tiêm, khoảng 37 - 38°C, có thể dùng các biện pháp làm mát cho trẻ như chườm hoặc mặc quần áo thoáng mát. Nếu trẻ sốt trên 38°C thì cho trẻ dùng thuốc hạ sốt;
  • Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, phụ huynh nên liên hệ với cơ sở tiêm phòng để được bác sĩ hướng dẫn xử trí hoặc đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, can thiệp điều trị.

3.3 Không tiêm phòng cho trẻ khi

  • Có tiền sử phản ứng hoặc dị ứng nặng với vắc-xin trước đó;
  • Có biểu hiện viêm não trong vòng 7 ngày sau khi tiêm vắc-xin trước đó như bạch hầu, ho gà, uốn ván mà không phải do nguyên nhân nào khác thì không nên tiêm bổ sung vắc-xin có chứa thành phần ho gà;
  • Thận trọng khi tiêm các loại vắc-xin khi trẻ bị bệnh cấp tính, có hoặc không có sốt;
  • Không tiêm vắc-xin sống cho trẻ bị suy giảm miễn dịch.

Việc tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 5 tuổi với các loại vắc-xin được khuyến cáo trên đây sẽ giúp chủ động phòng bệnh hữu hiệu cho bé. Phụ huynh cần tuân thủ đúng lịch tiêm, liều tiêm, cách chăm sóc, theo dõi trẻ trước và sau tiêm để hạn chế tối đa những tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan