Hệ miễn dịch và vai trò của vắc - xin

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Tầm quan trọng của hệ miễn dịch được thể hiện thông qua vai trò bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh. Về bản chất việc tiêm chủng chính là sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó Sau khi được tiêm vắc - xin, hệ miễn dịch nhận diện đây là vật lạ nên tiêu diệt và "ghi nhớ" chúng. Sau này, khi tác nhân gây bệnh thật sự xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch đã ở tư thế sẵn sàng để nhận diện và tấn công một cách nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn.

Đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc-xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội.

1. Tầm quan trọng của hệ miễn dịch

Để hiểu cách thức hoạt động và vai trò của vắc - xin, trước tiên, chúng ta cần biết được cách cơ thể chiến đấu với bệnh tật như thế nào.

Khi tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như vi khuẩn hoặc virus, xâm nhập vào cơ thể, chúng bắt đầu nhân lên về số lượng và tấn công. Hiện tượng này được gọi là nhiễm trùng và là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu. Hệ thống miễn dịch sử dụng một số cơ chế để chống lại nhiễm trùng. Tế bào máu chứa các hồng cầu, để mang oxy đến các mô và hệ cơ quan, đồng thời chứa các tế bào bạch cầu hoặc tế bào miễn dịch, để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Những tế bào bạch cầu này bao gồm đại thực bào, tế bào lympho B và tế bào lympho T:

  • Đại thực bào là các tế bào bạch cầu kích thước lớn, có khả năng thu lấy và tiêu hóa vi trùng (tác nhân gây bệnh), cùng với các tế bào đã chết hoặc sắp chết. Sau đó, các đại thực bào để lại một phần của vi trùng xâm nhập, được gọi là kháng nguyên. Hệ miễn dịch nhận diện các kháng nguyên là “vật thể lạ”, có tính nguy hiểm, dẫn đến phản ứng kích thích các kháng thể tấn công chúng;
  • Tế bào lympho B là các tế bào bạch cầu phòng thủ. Chúng tạo ra các kháng thể tấn công các kháng nguyên do đại thực bào để lại;
  • Tế bào lympho T là một loại tế bào bạch cầu phòng thủ khác. Chúng tấn công các tế bào trong cơ thể đã bị nhiễm bệnh.

Trong lần đầu tiên cơ thể tiếp xúc với vi trùng, có thể phải mất vài ngày để hệ miễn dịch nhận diện và vượt qua nhiễm trùng. Sau khi bị nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch sẽ ghi nhớ những gì nó học được về cách bảo vệ cơ thể chống lại căn bệnh đó.

Một vài tế bào lympho T trong cơ thể được gọi là tế bào trí nhớ (memory cells) sẽ nhanh chóng hoạt động nếu cơ thể gặp lại những vi trùng tương tự đã gặp phải trước đây. Khi các kháng nguyên quen thuộc được phát hiện và nhận diện bởi hệ miễn dịch, các tế bào lympho B tạo ra các kháng thể đặc hiệu để tấn công chúng.

Hệ miễn dịch giúp chống lại ung thư
Có thể phải mất vài ngày để hệ miễn dịch nhận diện và vượt qua nhiễm trùng

2. Vai trò của vắc - xin trong việc bảo vệ cơ thể

Vắc - xin có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là những bệnh có khả năng biến chứng, để lại di chứng và gây tử vong. Tiêm vắc - xin làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng bằng cách phối hợp với hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể để hình thành nên khả năng miễn dịch với những tác nhân gây bệnh cụ thể một cách an toàn. Vai trò của vắc - xin là rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tạo ra khả năng miễn dịch.

Cơ chế hoạt động của vắc - xin khi phát triển khả năng miễn dịch là bắt chước một tác nhân gây nhiễm trùng. Nói cách khác, vắc - xin đóng vai trò như một vật thể lạ tương tự như vi trùng. Tuy nhiên, loại “vi trùng đặc biệt” này hầu như không có khả năng gây bệnh, nhưng nó giúp cho hệ thống miễn dịch sản xuất ra các tế bào lympho T và kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh tương ứng với loại vắc - xin được chủng ngừa. Đôi khi sau khi tiêm vắc - xin, biểu hiện nhiễm trùng nhẹ có thể xảy ra, chẳng hạn như sốt. Những triệu chứng nhẹ xuất hiện sau khi tiêm vắc - xin là hoàn toàn bình thường, hơn nữa đây còn được xem là dấu hiệu cơ thể đang có đáp ứng miễn dịch.

Một khi tình trạng nhiễm trùng nhẹ biến mất, trong cơ thể sẽ xuất hiện các tế bào lympho T trí nhớ, đồng thời các tế bào lympho B cũng sẽ ghi nhớ cách chống lại tác nhân gây bệnh tương tự như vậy trong tương lai. Tuy nhiên thông thường phải mất một vài tuần để cơ thể sản xuất đủ lượng tế bào lympho T và tế bào lympho B sau khi tiêm chủng. Do đó, một vài trường hợp có thể bị nhiễm bệnh ngay trước hoặc ngay sau khi tiêm vắc - xin vì hiệu quả bảo vệ chưa phát triển hoàn chỉnh.

Vai trò của vacxin
Vắc - xin có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm cho cơ thể con người

3. Cơ chế hoạt động của từng loại vắc - xin

Hiện nay có 5 loại vắc - xin chính mà trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường được tiêm ngừa:

  • Vắc - xin sống, giảm độc lực: Là vắc - xin có chứa virus gây bệnh, nhưng đã được làm yếu đi để không còn khả năng gây bệnh được nữa. Vì là vắc - xin sử dụng virus sống đã được làm yếu đi nên đáp ứng miễn dịch xuất hiện gần giống như miễn dịch tự nhiên của cơ thể khi bị nhiễm trùng thật sự. Ví dụ về các vắc - xin sống, giảm độc lực là vắc - xin ngừa sởi, quai bị, rubella, thủy đậu. Cần lưu ý, vì là vắc - xin sống nên những người đang bị suy giảm miễn dịch (trẻ em mắc bệnh, người đang hóa trị liệu) không nên tiêm loại vắc - xin này;
  • Vắc - xin bất hoạt: Là vắc - xin được bào chế từ vi sinh vật đã bị bất hoạt hay bị tiêu diệt, nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên. Ví dụ, vắc - xin ho gà, vắc - xin bại liệt. Vắc - xin chứa virus bị bất hoạt thường tạo ra đáp ứng miễn dịch khác với loại chứa virus sống nhưng giảm độc lực. Thông thường, cần phải tiêm nhiều liều để hình thành và duy trì khả năng miễn dịch.
  • Vắc - xin giải độc tố: Là vắc - xin được bào chế từ độc tố của vi khuẩn sau khi đã làm mất đi khả năng gây hại của nó nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên (được gọi là giải độc tố), chẳng hạn như vắc - xin giải độc tố uốn ván, vắc - xin giải độc tố bạch hầu (DTaP);
  • Vắc - xin tiểu đơn vị: Là vắc - xin chỉ chứa một bộ phận mang tính kháng nguyên của vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, sau khi đã loại trừ các phần khác không mang tính kháng nguyên. Do loại vắc - xin này chỉ chứa các kháng nguyên thiết yếu thay vì toàn bộ các phần tử gây bệnh nên tác hại gây ra sau khi tiêm vắc - xin sẽ ít hơn, ví dụ như vắc - xin ho gà vô bào (thuộc thành phần vắc - xin DTaP).
  • Vắc - xin cộng hợp: Nhắm đến một nhóm các vi khuẩn có chung đặc điểm cấu trúc là lớp áo ngoài chứa các phân tử đường polysaccharide. Lớp áo polysaccharide này đóng vai trò là “lớp ngụy trang” kháng nguyên vi khuẩn, do đó hệ miễn dịch non yếu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể nhận diện và tạo ra đáp ứng chống lại chúng. Vắc - xin cộng hợp sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Khi tạo ra vắc - xin cộng hợp, các nhà khoa học đã gắn kháng nguyên hoặc giải độc tố của vi khuẩn hoặc virus gây bệnh mà hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh có thể nhận biết với lớp polysaccharide. Điều này giúp hệ miễn dịch non yếu của trẻ có thể phản ứng lại với lớp vỏ polysaccharide và ngăn ngừa bệnh. Một ví dụ của vắc - xin cộng hợp là vắc - xin Haemophilus influenzae type B (Hib).

4. Tiêm vắc - xin có nguy hiểm không?

Tiêm vắc - xin là biện pháp an toàn và hiệu quả để bảo vệ cơ thể chống lại nhiều bệnh nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, một số người cho rằng khả năng miễn dịch mắc phải khi bị bệnh là tốt hơn so với miễn dịch chủ động do vắc - xin cung cấp. Trong khi đó, nhiễm trùng tự nhiên có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong. Điều này đúng ngay cả đối với các bệnh mà nhiều người cho là nhẹ, như thủy đậu.

Cũng tương tự như bất kỳ loại thuốc nào, vắc - xin cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Các tác dụng phụ nếu có xảy ra là tương đối nhẹ và chủ yếu liên quan đến đáp ứng miễn dịch. Mặt khác, nhiều triệu chứng bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc - xin có thể rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Như vậy, lợi ích của tiêm vắc - xin trong việc bảo vệ cơ thể là vượt trội so với nguy cơ tác dụng phụ.

Tiêm phòng vắc-xin Lao tại Vinmec
Tiêm vắc - xin tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cdc.gov; Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan