Các biện pháp điều trị nứt, gãy xương cổ chân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

Nứt, gãy xương cổ chân là một chấn thương thường gặp khi tai nạn giao thông hoặc tai nạn sinh hoạt. Các biện pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

1. Gãy xương cổ chân, nứt xương cổ chân là gì?

Cổ chân được tạo thành từ ba xương chính là xương chày, xương mác và xương sên. Xương chày và xương mác có các cấu trúc cụ thể tạo nên mắt cá chân trong, mắt cá chân sau và mắt cá chân ngoài. Hai khớp liên quan chặt chẽ đến xương cổ chân đó là khớp cổ chân và khớp bất động sợi. Khớp cổ chân là nơi gặp nhau của xương chày, xương mác và xương sên. Khớp bất động sợi là các dây chằng nối giữa xương chày và xương mác. Các dây chằng này giúp khớp cổ chân ổn định.

Nứt, gãy xương cổ chân là tình trạng một hoặc nhiều xương thuộc vùng cổ chân bị tổn thương. Có nhiều dạng nứt, gãy cổ chân như:

  • Đường gãy thông vào khớp hay còn gọi là gãy phạm khớp.
  • Đường gãy không thông vào khớp hay còn gọi là gãy không phạm khớp.
  • Nứt, gãy xương cổ chân từ một vết gãy đơn giản ở một xương hoặc từ nhiều vết gãy.
Xương cổ chân
Hình ảnh giải phẫu vùng cổ chân

Nứt, gãy xương cổ chân là một tổn thương thường gặp ở mọi lứa tuổi. Gãy xương cổ chân thường xảy ra ở mắt cá trong hoặc sau của xương chày và mắt cá ngoài của xương mác. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như do bị vấp ngã có lực vặn khớp cổ chân quá lớn, bị tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông,... Càng nhiều xương bị gãy thì cổ chân càng không ổn định. Tổn thương một vị trí ở vùng xương cổ chân cũng thường gây tổn thương thêm ở một vị trí khác. Như một xương bị gãy thì thường là một dây chằng cũng đứt theo. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, nứt gãy xương cổ chân sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới việc di chuyển, sinh hoạt.

2. Dấu hiệu gãy xương cổ chân là gì?

Các dấu hiệu gãy xương cổ chân thường gặp là sưng, đau nhức, bầm tím vùng bị tổn thương. Cổ chân bị giới hạn vận động, người bệnh không thể di chuyển hoặc di chuyển bị hạn chế. Trong các trường hợp tổn thương nhiều, vùng cổ chân có thể bị biến dạng.

Ngoài thăm khám lâm sàng, để chẩn đoán và định hướng điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp cộng hưởng từ (MRI),... Trong đó chụp X-quang là phương tiện được sử dụng phổ biến nhất do rẻ tiền và dễ thực hiện. Chụp X-quang giúp phát hiện được bao nhiêu xương bị gãy, gãy như thế nào, có bao nhiêu mảnh xương gãy,... từ đó giúp bác sĩ có phương hướng điều trị phù hợp. Chụp cắt lớp vi tính hữu ích trong đánh giá chấn thương mắt cá chân, đặc biệt khi gãy xương kiểu phạm khớp. Chụp cộng hưởng từ thường được chỉ định khi cần đánh giá tổn thương xương và mô mềm như dây chằng.

Gãy xương cổ chân
Chụp X-quang giúp chẩn đoán tình trạng gãy, nứt xương cổ chân

3. Điều trị gãy xương cổ chân, nứt xương cổ chân như thế nào?

Nếu tình trạng nứt xương cổ chân, gãy xương cổ chân không phức tạp, xương gãy vẫn nằm đúng vị trí hoặc di lệch không đáng kể, bác sĩ sẽ dùng các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật như bó bột hoặc nẹp cố định chân. Bệnh nhân thường được yêu cầu bất động cổ chân hoặc hạn chế vận động trong một thời gian nhất định, sau đó tái khám theo lịch hẹn. Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang để đánh giá kiểm tra sự liền xương.

Nếu gãy xương phức tạp gây mất vững cổ chân, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật hở nắn chỉnh kết hợp xương để đặt lại mảnh gãy, giúp liền xương đúng trục. Tùy theo vết gãy, các mảnh xương có thể được cố định bằng cách dùng nẹp vít và các vis xốp,đinh kirchner và chỉ thép hoặc cố định ngoàivới điều trị ngoại khoa, để hỗ trợ quá trình điều trị, bác sĩ sẽ kê đơn các thuốc giảm đau, chống viêm trong thời gian ngắn hạn. Các thuốc thường được sử dụng là paracetamol, thuốc giảm đau chống viêm nhóm NSAID như Diclofenac, Meloxicam, Celecoxib,...

Bó bột
Bó bột được chỉ định trong trường hợp nứt xương cổ chân, gãy xương cổ chân không phức tạp

4. Gãy xương cổ chân bao lâu thì lành?

Gãy xương cổ chân bao lâu thì lành phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng cụ thể của vết thương, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Những bệnh nhân có sức đề kháng yếu, mắc các bệnh mạn tính, bị loãng xương,... thì quá trình hồi phục sẽ chậm hơn. Để hỗ trợ quá trình điều trị, rút ngắn thời gian hồi phục người bệnh cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, đặc là tăng cường cung cấp canxi. Bác sĩ thường chỉ định bổ sung thêm canxi đường uống dạng viên uống để thúc đẩy nhanh quá trình lành xương. Bên cạnh đó, các dưỡng chất khác như protein, vitamin, khoáng chất cũng vô cùng quan trọng cho quá trình hồi phục. Khi tình trạng nứt, gãy xương cổ chân được cải thiện, vào thời điểm phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các bài tập vật lý trị liệu phù hợp với người bệnh để nhanh chóng khôi phục khả năng vận động.

Gãy xương cổ chân
Thời gian lành gãy xương cổ chân phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

40.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan