Hậu quả của rách sụn chêm

Một trong những vấn đề về khớp gối phổ biến nhất là bị rách sụn chêm. Rách sụn chêm gối có thể dẫn đến cảm giác đau đớn nặng nề cùng đầu gối, khiến người bệnh không thể cử động đầu gối bình thường hoặc đau đầu gối dai dẳng về sau.

1. Rách sụn chêm gối có thể tự lành được không?

Các sụn chêm là hai mảnh sụn hình chữ C dẻo dai, có tính đàn hồi như cao su giúp hấp thụ chấn động trong khớp gối. Đây là một chiếc đệm nhỏ cực kỳ hữu ích cho đầu gối, một khớp lớn nhất trên cơ thể, chịu trọng lượng nặng hơn một lần rưỡi trọng lượng cơ thể trên mỗi bước đi. Không có gì ngạc nhiên khi chấn thương sụn chêm có thể gây đau đớn và nếu không được điều trị đôi khi có thể dẫn đến nhiều vấn đề nặng nề hơn.

Trong thực tế, rách sụn chêm gối có thể tự lành nếu đó là những vết rách nhỏ. Đồng thời, khả năng tự lành của sụn chêm còn phụ thuộc vị trí vết rách nằm ở đâu là rất quan trọng.

Về mặt giải phẫu, sụn chêm gối là một sụn hình chữ C được chia thành 3 vùng và vị trí vết rách ở các vùng này sẽ xác định khả năng chữa lành khi bị rách. Một phần ba bên ngoài của sụn chêm có nhiều nguồn cung cấp máu, rất có thể tự chữa lành nếu bị rách ở đây. Một phần ba giữa của sụn chêm với lượng máu cung cấp tối thiểu. Khi bị rách, sụn chêm có thể tự chữa lành nhưng có thể phụ thuộc vào loại/ hình dạng của vết rách.

Phần ba trong cùng của sụn chêm không có nguồn cung cấp máu trực tiếp. Việc chữa lành rách sụn chêm gần như là không thể. Vì vậy, về cơ bản, rách sụn chêm gối khi càng sâu vào những vùng này, khả năng lành lại càng ít.

hậu quả rách sụn chêm
Rách sụn chêm gối có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng đi lại về lâu dài

2. Rách sụn chêm bao lâu thì khỏi mà không cần phẫu thuật?

Nói chung, vết rách sụn chêm mất 6-12 tuần để lành lại. Một số thậm chí lành nhanh hơn chỉ sau 4 tuần, tùy thuộc vào kích thước của vết rách và vị trí của nó.

Song song với việc có phẫu thuật hay lựa chọn phương pháp bảo tồn, bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các bài tập và giãn cơ để giúp mau chóng trở lại các hoạt động thường ngày của mình một cách an toàn và nhanh chóng, đồng thời giúp người bệnh cải thiện hậu quả của rách sụn chêm gối cũng như giảm nguy cơ tái phát chấn thương về sau.

Cụ thể, khi đã chẩn đoán rách sụn chêm, liệu pháp vật lý trị liệu ngoại trú thường là cách tiếp cận đầu tiên. Nếu bác sĩ xác định vết rách chưa cần can thiệp ngoại khoa, người bệnh có thể sẽ phải điều trị bảo tồn khớp trong khoảng 4 đến 6 tuần. Để có kết quả tốt nhất từ các bài tập ​​vật lý trị liệu phục hồi chức năng khớp gối, điều quan trọng là phải hoàn toàn tham gia, thực hiện các bài tập tại nhà theo quy định. Người bệnh có thể cần đến 8 tuần hoặc hơn để vết rách sụn chêm lành lặn trước khi trở lại các hoạt động bình thường.

hậu quả rách sụn chêm
Vết rách sụn chêm gối mất 6-12 tuần để lành lại

3. Hậu quả rách sụn chêm nếu không được điều trị

Có nhiều loại rách sụn chêm khác nhau và chúng có thể do những nguyên nhân khác nhau. Một số chấn thương sụn chêm là hệ quả của một sang chấn đột ngột trong khi một số vết rách xảy ra do sụn bị suy yếu hoặc thoái hóa khớp gối. Thông thường, rách sụn chêm xảy ra trong các hoạt động hàng ngày, nhất là khi chơi thể thao, trong các chuyển động liên quan đến ngồi xổm hoặc vặn người hay do tác động trực tiếp.

Ban đầu, việc đi lại bằng đầu gối bị rách sụn chêm vẫn thực hiện được nên có thể khiến nhiều người bỏ qua buổi khám bác sĩ. Tuy nhiên, trong vài ngày sau, đầu gối có thể trở nên tồi tệ hơn, trở nên cứng, sưng và đau. Các dấu hiệu khác của vết rách sụn chêm bao gồm cảm giác đầu gối bị “khóa chặt”, biến dạng hoặc có phạm vi cử động hạn chế.

Bởi vì đầu gối là một khớp phức tạp với nhiều bộ phận khác nhau, bất kỳ chấn thương đầu gối nào không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề khác. Mặt khác, một trong những lý do quan trọng để hỏi ý kiến bác sĩ về vết rách nghi ngờ tại sụn chêm là thường có thể xảy ra cùng với rách dây chằng chéo trước hoặc các chấn thương đầu gối nói chung.

Nếu không tìm cách điều trị vết rách sụn chêm, chấn thương có thể gây ra các vấn đề về đầu gối sau này. Một phần của sụn chêm bị rách có thể tự vỡ ra và nằm trong khớp gối, đôi khi gây ra các cơn đau khớp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động của đầu gối. Người bệnh sẽ bị cản trở chất lượng cuộc sống, cơn đau sẽ không chỉ bị giới hạn trong những môn thể thao và bài tập mà có thể làm hạn chế cả những hoạt động thiết yếu khác, chẳng hạn như đi bộ hoặc đi cầu thang. Lúc này, khớp gối sẽ đòi hỏi một cuộc phẫu thuật xâm lấn để tái cấu trúc hơn là sửa chữa hoặc điều trị rách sụn chêm tối thiểu ban đầu. Bên cạnh đó, phần sụn chêm bị rách không được điều trị cũng có thể kích thích sự phát triển sớm của viêm xương khớp ở đầu gối, gây thoái hóa khớp gối và hậu quả là tàn phế.

Mặc dù đây có thể là một chấn thương gối có vẻ ngoài đơn giản, nhưng nếu không bảo tồn đúng cách, hậu quả rách sụn chêm ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng đi lại về lâu dài. Ở những bệnh nhân bị rách sụn chêm không được điều trị, vết rách sẽ ngày càng to ra và xơ hóa khớp, gây thoái hóa khớp gối là rất phổ biến. Ở những bệnh nhân phẫu thuật cắt một phần sụn, cứng khớp cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Vì vậy, nếu có bất cứ chấn thương đầu gối, người bệnh nên đi khám bác sĩ và trao đổi về các lựa chọn điều trị của mình, phòng tránh các hậu quả rách sụn chêm đáng tiếc về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

259 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan