Phân biệt căng cơ - bong gân, hướng dẫn cách sơ cứu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha và Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bong gân và căng cơ có các triệu chứng gần giống nhau nên người bệnh rất hay nhầm lẫn. Vậy phân biệt chúng như thế nào và các phương pháp sơ cứu bong gân, căng cơ như thế nào?

1. Như thế nào là bong gân và căng cơ?

  • Bong gân là tình trạng các dây chằng - mô khớp nối hai hoặc nhiều xương với nhau bị chấn thương. Khi bị bong gân, một hoặc nhiều dây chằng sẽ bị dãn hoặc bị rách. Bong gân thường gặp nhất ở cổ chân, thỉnh thoảng gặp ở cổ tay.
  • Căng cơ là tình trạng các cơ căng giãn vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ. Căng cơ thường gặp nhất là cổ tay, cổ chân, thắt lưng, cổ, cơ bụng chân và cơ đùi.

2. Triệu chứng khi bị bong gân và căng cơ

  • Triệu chứng bong gân thường gặp là: Đau, sưng, bầm tím, không thể cử động được vùng khớp bị bong gân. Người bị bong gân có thể bị từ mức độ nhẹ đến nặng hoặc rất nặng.
  • Triệu chứng căng cơ thường gặp là: Đau, cơ bị co thắt, yếu, sưng, khó cử động, chuột rút. Nếu căng cơ mức độ nặng tức cơ hoặc gân bị đứt hoàn toàn thì người bệnh sẽ rất đau và không cử động được.
Bong gân và căng cơ
Bong gân và căng cơ khác nhau như thế nào?

3. Hướng dẫn cách sơ cứu khi bị bong gân và căng cơ

Khi bị bong gân và căng cơ, người bệnh cần dừng cử động và thực hiện các cách sơ cứu sau trong vòng 48 giờ:

  • Nghỉ ngơi: Hạn chế hoàn toàn các cử động để vùng bị thương nghỉ ngơi đến khi giảm đau.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh vùng bị thương ngay lập tức, thực hiện 4 - 8 lần/ngày và khoảng 10 - 15 phút/lần. Cách này sẽ giúp giảm sưng. Sau khoảng 2 ngày chườm lạnh thì chuyển sang ngâm nước ấm.
  • Cố định khớp: Sử dụng loại băng vải có độ đàn hồi cao băng vùng bị bong gân và căng cơ khoảng 2 ngày, lưu ý không nên băng quá chặt. Cách này giúp giảm sưng.
  • Nâng cao vùng bị thương: Nâng hoặc kê cao vùng bị thương so với tim để làm giảm tình trạng sưng phù.
Bong gân và căng cơ
Cách sơ cứu khi bị bong gân và căng cơ

4. Bị bong gân và căng cơ khi nào thì gọi bác sĩ?

Khi bị bong gân và căng cơ với các dấu hiệu sau, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế hoặc gọi bác sĩ:

  • Cảm thấy đau nhiều khi cử động hoặc chạm vào vùng bị thương.
  • Chỗ bị thương bị bầm tím với mức độ tăng dần.
  • Cảm thấy tê vùng bị chấn thương.
  • Xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng chỗ bị bong gân và căng cơ.
  • Phần xương, khớp bị thương có hiện tượng biến dạng hoặc cong.
  • Gặp vấn đề khi khuân vác vật nặng và kéo dài tình trạng.

Bong gân và căng cơ là những chấn thương thường gặp. Điểm khác biệt giữa bong gân và căng cơ đó là bong gân khiến vùng bị thương bầm tím. Khi gặp phải một trong hai tình trạng này, người bệnh cần được sơ cứu đúng cách để tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh nhân bị bong gân, căng cơ hay gặp các vấn đề về sức khỏe có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám, chẩn đoán và điều trị giúp phục hồi. Các bác sĩ Nội Cơ xương khớp giàu chuyên môn và kinh nghiệm tại Vinmec sẽ thực hiện các phương pháp chẩn đoán tiên tiến nhất hiện nay để đánh giá tình trạng khớp gối và chỉ định phác đồ điều trị cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

87.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan