Thuốc tiêm khớp: Có những loại nào? Khi nào có chỉ định?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tiêm nội khớp là thủ thuật dùng kim nhỏ đưa thuốc vào ổ khớp hoặc các phần mềm cạnh khớp để điều trị tại chỗ một số bệnh lý về khớp, thủ thuật thường được sử dụng cho bệnh nhân mắc các bệnh lý về khớp.

1. Khi nào được chỉ định tiêm khớp?

Do tính đặc thù của thủ thuật nên việc thực hiện tiêm nội khớp sẽ mang lại một số lợi ích như:

  • Khi tiêm nội khớp thuốc được đưa vào trong khớp, hạn chế tác dụng lên toàn bộ cơ thể theo đường truyền máu do đó công dụng của thuốc sẽ được phát huy tối đa trên vùng khớp cần được điều trị.
  • Tiêm nội khớp nhằm làm giảm phản ứng viêm, giảm tăng sinh màng hoạt dịch và bổ sung chất nhầy trong điều trị thoái hóa khớp.

Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm nội khớp cho bệnh nhân trong một số trường hợp như: Thoái hóa khớp, viêm các điểm bám gân, viêm bao khớp, viêm khớp không nhiễm khuẩn trong một số bệnh khớp mãn tính (như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,..)

thoái hóa khớp
Tiêm khớp được dùng trong điều trị thoái hóa khớp gối

2. Một số loại thuốc tiêm nội khớp

Các loại thuốc tiêm nội khớp có tác dụng là giảm viêm và đau ở vùng khớp, có tác dụng làm giảm các triệu chứng gây khó chịu và bất tiện cho người bệnh, tùy theo cơ địa từng người mà thuốc có thể có tác dụng trong một vài tháng.

2.1 Thuốc tiêm khớp hyalgan

2.1.1 Tác dụng

Thuốc tiêm khớp hyalgan có tác dụng trong việc điều trị các bệnh khớp cho chấn thương gây ra, các bệnh về thoái hóa khớp từ mức độ trung bình đến nặng với mục đích giúp các hoạt động của khớp được trơn tru hơn.

Khi bệnh nhân mắc các bệnh lý về khớp mà không thể sử dụng các phương pháp điều trị nội khoa hay không thể dung nạp các thuốc kháng viêm không steroid thì thuốc tiêm khớp hyalgan được xem là một phương án khả thi và hữu hiệu.

Bên cạnh đó, thuốc tiêm khớp hyalgan còn được sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình, một số chuyên gia cho rằng loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn, bảo vệ tình trạng thoái hóa sụn khớp và tái tạo tế bào sụn hư hỏng.

Thuốc tiêm khớp hyalgan
Hình ảnh thuốc tiêm khớp hyalgan

2.1.2 Chỉ định và liều lượng

Thuốc tiêm khớp hyalgan thường được chỉ định trong các trường hợp cụ thể sau:

  • Bệnh nhân bị khô khớp do chấn thương
  • Bệnh nhân bị thoái hóa các khớp vai và khớp gối
  • Bệnh nhân phẫu thuật chỉnh hình

Liều lượng khi tiêm nội khớp hyalgan:

  • Tùy vào tình trạng và thể trạng người bệnh mà thuốc được tiêm liều lượng khác nhau.
  • Liều thông thường được chỉ định là 2ml/lần/tuần đối với người lớn
  • Duy trì sử dụng thuốc tiêm khớp hyalgan trong 3-5 tuần, lặp lại sau khoảng 6 tháng.
  • Hiện nay chưa có nghiên cứu công bố liều dùng an toàn cho trẻ em.

2.1.3 Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tiêm khớp hyalgan

Dưới đây là một số tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc tiêm khớp hyalgan:

  • Tình trạng da sưng đỏ, tấy mủ do kích ứng tại vị trí tiêm, nếu nặng có thể gây tràn dịch.
  • Xuất hiện các triệu chứng viêm màng hoạt dịch, ngứa rát, nóng đỏ,..
  • Nghiêm trọng nhất là tình trạng sốc thuốc đột ngột có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Đau khớp gối
Thuốc tiêm khớp hyalgan có thể gây tác dụng phụ là da sưng đỏ, tấy mủ

2.2 Thuốc tiêm khớp diprospan

2.2.1 Tác dụng

Thuốc tiêm khớp diprospan là một tập hợp các este của betamethasone, các este này tan hoặc tan yếu trong nước giúp tác động tức thời đến việc điều trị kháng viêm, thấp và dị ứng nặng trong việc điều trị các bệnh đáp ứng với corticoid.

Thuốc tiêm khớp diprospan
Thuốc tiêm khớp diprospan có tác động tức thời đến việc điều trị kháng viêm

2.2.2 Chỉ định và liều lượng

Thuốc tiêm khớp diprospan được chỉ định trong điều trị rất nhiều bệnh lý( cơ xương và mô mềm, dị ứng, viêm da, tân sản, một số bệnh lý liên quan đến thượng thận,...), đối với các bệnh lý về khớp thì sử dụng trong các trường hợp cụ thể sau:

  • Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp hoặc viêm xương khớp
  • Bệnh nhân viêm bao hoạt dịch
  • Các bệnh như viêm cứng đốt sống, viêm mỏm lồi cầu, đau xương cụt,..

Đối với tiêm nội khớp, thuốc tiêm khớp diprospan thường được chỉ định tiêm với liều lượng như sau:

  • 1-2 ml với các khớp lớn như gối, háng, vai.
  • 0,5-1 ml với các khớp vừa như khuỷu tay, vùng cổ tay hoặc cổ chân.
  • 0,25-0,5 ml với khớp nhỏ bàn chân, bàn tay, ngực.

2.2.1 Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tiêm khớp diprospan

Thuốc tiêm khớp diprospan có thể gây ra một số tác dụng phụ cho hệ cơ xương như:

  • Các bệnh về cơ: nhược cơ và gia tăng các triệu chứng nhược cơ, giảm khối cơ.
  • Gây ra hiện tượng không ổn định khớp do việc tiêm lặp đi lặp lại nhiều lần vào ổ khớp
  • Gây loãng xương, bong gân, gãy lún cột sống, gây hoại tử vô khuẩn ở một số vị trí như đầu xương đùi và xương cánh tay,...
  • Tình trạng sốc phản vệ.

Ngoài ra, do tính tan tốt của thuốc nên khi tiêm nội khớp, thuốc tiêm khớp diprospan có thể lan đến khắp cơ thể và gây ra các tác dụng phụ đến dạ dày, làm rối loạn nước và các chất điện giải, các bệnh về da, thần kinh, mắt,..

Phân biệt loãng xương với thiếu xương
Thuốc tiêm khớp diprospan có thể gây loãng xương

3. Những lưu ý khi thực hiện tiêm nội khớp

Để đạt hiệu quả và tránh gặp phải những hiện tượng không mong muốn khi tiêm nội khớp, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chỉ tiêm nội khớp khi các phương pháp nội khoa được áp dụng nhưng không cho hiệu quả, đồng thời có chỉ định của bác sĩ.
  • Tiêm nội khớp đòi hỏi điều kiện phòng phải được đảm bảo vô trùng, thủ thuật phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế hoặc bác sĩ đúng chuyên ngành tại các cơ sở y tế chuyên khoa
  • Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc tiêm nội khớp để tự tiêm vào khớp gối hoặc tiêm tĩnh mạch,...
  • Những người mẫn cảm hoặc dị ứng với thành phần của thuốc tiêm nội khớp phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện tiêm.
  • Sau khi tiêm nội khớp nếu gặp các triệu chứng bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan