Trẻ sơ sinh khó ngủ, hay khóc vào ban đêm có sao không?

Trẻ sơ sinh khó ngủ

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bé nhà em được 1 tháng 20 ngày. Trong 1 tuần này, bé hay khó ngủ, nếu ngủ thì mẹ phải bồng trên tay ngủ được nhưng bỏ xuống giường bé lại thức giấc kèm theo khóc thét. Khi bé đang ngủ sâu rồi cũng khóc thét. Vậy bác sĩ cho em hỏi trẻ sơ sinh khó ngủ, hay khóc vào ban đêm có sao không? Tình trạng này của bé có giảm về sau không? Em cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (1995)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng Tiến - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Trẻ sơ sinh khó ngủ, hay khóc vào ban đêm có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Trẻ mới sinh cho đến một tháng tuổi gần như ngủ suốt ngày đêm và chỉ thức dậy để bú (2 - 3 giờ/ lần). Vì chưa phân biệt được ngày đêm nên bé có thể ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm (8 - 9 giờ vào ban ngày và khoảng 8 giờ vào ban đêm).

Đối với trẻ từ 3 tháng tuổi (6 - 8 giờ) mà không thức giấc. Khi đó, cha mẹ không cần phải đánh thức trẻ sơ sinh dậy để cho bú nhưng cần lưu ý không nên để bé ngủ quá 3 giờ mà không cho bú. Tập thói quen ngủ ngoan cho trẻ

Trong 8 tuần đầu sau sinh, trẻ không thể thức hơn 2 giờ liên tục vì sau đó trẻ sẽ quá mệt mỏi và trở nên khó ngủ. Các dấu hiệu buồn ngủ của trẻ như chớp mắt liên tục, lim dim, kéo dài, ngáp hay quầng thâm dưới mắt sẽ giúp phụ huynh cho trẻ đi ngủ để đảm bảo giấc ngủ cho trẻ

Một số trẻ sơ sinh có thói quen thức đêm ngay từ trong bụng mẹ và khi ra đời cũng duy trì thói quen như vậy. Trong vài ngày đầu sau sinh không thể thay đổi thói quen của trẻ ngay được mà chỉ có thể bắt đầu dạy khi trẻ được 2 tuần tuổi.

Ban ngày khi trẻ còn thức cần chơi với trẻ càng nhiều càng tốt, nói chuyện và hát cho trẻ nghe vào các cữ bú ban ngày, đảm bảo ánh sáng trong phòng ngủ và không cần loại bỏ các tiếng ồn thông thường ban ngày như tiếng tivi, radio,...nhẹ nhàng đánh thức trẻ dậy khi trẻ thiu thiu ngủ. Khi về đêm cần giữ yên lặng và nói khẽ khi trẻ bú cữ đêm, giữ phòng tối và yên tĩnh.

Khi trẻ được 6 - 8 tuần tuổi có thể bắt đầu dạy trẻ tự ngủ. Bạn nên đặt trẻ vào nôi hay giường khi trẻ buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Cách thức dỗ trẻ trong 8 tuần đầu sau sinh rất quan trọng vì sẽ tạo thành thói quen cho trẻ cho nên cần lựa chọn hình thức khả thi với bản thân như: Hát ru, nghe nhạc, vỗ nhẹ mông, gãi nhẹ đầu,...Bạn không nên cho trẻ ngủ trên tay rồi mới đặt xuống giường vì sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ.

Việc chuẩn bị tốt giấc ngủ cho trẻ rất quan trọng để giúp trẻ ngủ ngoan và sâu giấc. Có 7 bước chuẩn bị như sau:

  • Cho trẻ ăn no trước khi đi ngủ: Cần đảm bảo trẻ đã được ăn no để lại trừ nguyên nhân do ăn uống khiến trẻ “mất ngủ” trong đêm.
  • Tạo không khí bình yên giúp trẻ đến với giấc ngủ.
  • Cho trẻ ngủ sớm: Cho trẻ ngủ vào khoảng 8 giờ tối để tạo thành nếp tốt, thuận lợi cho trẻ khi đến tuổi đi học.
  • Dỗ giấc ngủ cho trẻ theo từng độ tuổi.
  • Tránh tạo sự kích thích quá mức lên giác quan khi cho trẻ ngủ: Không gian yên tĩnh, thoáng mát với ánh sáng và bày trí nhẹ sẽ tạo sự bình yên giúp hệ thần kinh trẻ được ổn định khi ngủ.
  • Sắp xếp giường ngủ cho trẻ với chăn và gối thật êm: Trẻ sẽ được ngủ trong môi trường mềm mại, êm ái và cảm giác an toàn như trong bụng mẹ đồng thời giúp giữ ấm cho trẻ suốt đêm, đó cũng là vật cản giúp trẻ không bị rơi xuống đất trong quá trình “xoay chuyển” khi ngủ.
  • Tạo sự thoải mái cho bé trước khi đi ngủ: Bạn cần đặt trẻ vào không gian có ánh sáng mờ và nhiệt độ phù hợp, tắt tivi và giảm âm lượng nhạc, điện thoại để tạo sự thoải mái cho trẻ.

Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ sơ sinh khó ngủ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

362 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan