Nguyên nhân gây bệnh rối loạn chuyển hóa là gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Xin cho em hỏi về bệnh rối loạn chuyển hóa. Theo thông tin trên trang web, rối loạn chuyển hóa là tập hợp một nhóm các yếu tố nguy cơ bao gồm huyết áp cao, mỡ bụng, mức đường huyết và cholesterol cao trong máu xảy ra đồng thời trong cơ thể và làm tăng khả năng mắc các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh tim, đột quỵ. Như vậy, nếu bệnh nhân mắc đồng thời các bệnh huyết áp cao, mỡ máu, tiểu đường thì mới gọi là bệnh rối loạn chuyển hóa. Khi chỉ mắc 1 bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin thì có xem là bệnh rối loạn chuyển hóa không? Nguyên nhân gây bệnh rối loạn chuyển hóa là gì ạ?

Nguyễn Thị Hải Yến (1980)

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nguyên nhân gây bệnh rối loạn chuyển hóa là gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các yếu tố nguy cơ tập hợp lại trên cùng một người bệnh, bao gồm:

  • Tình trạng béo bụng
  • Hội chứng rối loạn chuyển hóa lipid
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn dung nạp glucose
  • Tình trạng tiền đông máu
  • Tình trạng tiền viêm

Rối loạn chuyển hóa có liên quan chặt chẽ tới bệnh béo phì hoặc ít vận động cơ thể. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác có thể dẫn tới tình trạng này là kháng insulin - hormone được tạo ra bởi tuyến tụy, có chức năng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ở những người bị kháng insulin, các tế bào phản ứng bất thường với insulin, vì vậy cơ thể sẽ không dụng nạp được glucose. Kết quả là lượng đường trong máu tăng ngay cả khi cơ thể cố gắng tiết ra nhiều insulin để giảm lượng đường huyết.

Bên cạnh nguyên nhân chính trên, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa, bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa càng tăng.
  • Chủng tộc: Người gốc Tây Ban Nha, đặc biệt là phụ nữ của nước này thường có nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa cao hơn so với các nước khác.
  • Béo phì: chỉ số BMI lớn hơn 23, đặc biệt gia tăng kích thước mỡ bụng cũng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa.
  • Bệnh tiểu đường: Bạn sẽ có khả năng cao mắc rối loạn chuyển hóa nếu bị tiểu đường thai kỳ hoặc trong gia đình có tiền sử bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Các bệnh lý khác: Nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa sẽ cao hơn nếu bạn từng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tăng huyết áp, hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc buồng trứng đa nang.

Hội chứng chuyển hóa ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe, làm tăng biến cố tim mạch. Do đó, để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ này, bạn cần phải khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Đi đôi với đó, bạn cần có một chế độ ăn uống, tập luyện khoa học, đặc biệt bạn đang có bệnh lý đi kèm cần được thăm khám và điều trị tích cực.

Chế độ ăn uống hợp lý, khoa học: Bạn cần ăn đủ thực phẩm gồm 4 nhóm chất: đạm (thịt, cá, trứng, sữa...); bột đường (cơm, cháo, phở, bún, bánh mì, bánh ngọt...); béo: Chất béo trong cá tôm cua, hải sản, dầu thực vật); vitamin và khoáng chất: Rau, củ, quả các loại. Tránh hoặc hạn chế uống rượu bia.

Điều trị tích cực các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Tập thể dục đều đặn từ 30-45 phút mỗi ngày với cường độ vừa sức. Đi bộ hoặc chạy bộ là một trong những lựa chọn phù hợp. Loại bỏ các yếu tố gây xơ vữa động mạch như: tránh béo phì; bỏ hút thuốc lá, thuốc lào; tránh mọi căng thẳng; phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn.

Nếu bạn còn thắc mắc về rối loạn chuyển hóa, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan