Cần uống thuốc lao trước hay sau khi ăn?

Lao là căn bệnh thế kỷ với khả năng tàn phế hô hấp kinh khủng. Phác đồ điều trị lao hiện nay có thể giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết liệu uống thuốc lao trước hay sau bữa ăn?

1. Tổng quan về các thuốc điều trị lao

Nhiều bệnh nhân thắc mắc uống thuốc lao trước khi ăn sáng hay uống thuốc lao sau khi ăn sáng, trước khi tìm câu trả lời chúng ta cần có những kiến thức cơ bản về những loại thuốc này. Theo khuyến cáo hiện nay, phác đồ điều trị lao kéo dài ít nhất 6 đến 9 tháng và một số trường hợp đặc biệt đôi khi kéo dài lên đến 2 năm. Thời gian sử dụng thuốc kháng lao phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:

  • Bộ phận nhiễm vi khuẩn lao:
    • Với lao màng phổi, phổi, màng bụng: Ít nhất 6 tháng;
    • Lao hạch: Ít nhất 12 tháng;
  • Mức độ nguy hiểm của biến thể lao:
    • Lao mới nhiễm: Điều trị trong 6 tháng;
    • Lao tái phát: Điều trị ít nhất 12 tháng;
  • Mức độ nhạy cảm thuốc của vi khuẩn lao:
    • Lao thông thường: Ít nhất 6 tháng;
    • Lao kháng thuốc: Điều trị liên tục trong 18 đến 24 tháng;
  • Tiến triển bệnh của bệnh nhân: Thông thường, những trường hợp lao tiến triển chậm cần thời gian điều trị tại nhà kéo dài hơn.

Mục đích của việc sử dụng thuốc kháng lao bao gồm:

  • Ngăn ngừa vi khuẩn lao tiềm ẩn (nhiễm nhưng không triệu chứng) tiến triển thành thể hoạt động trong tương lai;
  • Loại bỏ tồn tại vi khuẩn lao trong cơ thể;
  • Kiểm soát khả năng lây nhiễm vi khuẩn lao cho người khác.

Hiện nay, phương pháp duy nhất và cũng mang lại hiệu quả nhất để loại bỏ vi khuẩn lao là sử dụng theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Các thuốc kháng lao hiện nay bao gồm nhiều loại, chủ yếu là các kháng sinh như Isoniazid, Rifampicin, PyrazinamideEthambutol.

Bên cạnh vấn đề uống thuốc lao trước hay sau khi ăn, một vấn đề khác mà bệnh nhân cần nhớ là không được bỏ sót bất kỳ liều nào trong thời gian điều trị. Việc bỏ quên một liều thuốc kháng lao hay uống sai liều lượng đều có nguy cơ dẫn đến điều trị thất bại. Do đó, bệnh nhân nên uống thuốc kháng lao cùng một khung giờ mỗi ngày trong suốt quá trình điều trị. Những hậu quả có thể xảy ra khi bệnh nhân điều trị lao không đúng chỉ định, bỏ quên liều hoặc ngừng thuốc sớm bao gồm:

  • Hình thành chủng vi khuẩn lao kháng thuốc, qua đó sẽ khó điều trị hơn;
  • Tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ và giảm hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn lao;
  • Tăng khả năng lây bệnh cho người khác, đặc biệt là người thân trong gia đình.

2. Uống thuốc lao trước hay sau khi ăn?

Theo phác đồ điều trị lao hiện hành, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định phối hợp các thuốc chống lao đường uống, có loại dùng mỗi ngày và có loại dùng 3 lần mỗi tuần với liều lượng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân. Vấn đề cần quan tâm hơn và cũng quan trọng hơn là bệnh nhân nên sử dụng tất cả các thuốc kháng lao theo một lịch trình cố định mỗi ngày, tránh việc uống tùy ý, nhớ lúc nào uống lúc ấy vì sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Vậy, bệnh nhân nên uống thuốc lao trước hay sau khi ăn và vào thời điểm nào là tốt nhất?

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân nên uống thuốc lao khi dạ dày rỗng (bụng đói) nhằm hỗ trợ quá trình hấp thu tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ. Điều này đồng nghĩa là bệnh nhân có thể uống trước bữa ăn ít nhất 1 giờ hoặc uống sau bữa ăn tối thiểu 2 giờ, đặc biệt như đã nhắc ở trên thì các thuốc lao nên được uống cùng một thời điểm mỗi ngày để giảm khả năng quên thuốc.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân thắc mắc nên uống thuốc lao trước khi ăn sáng hay uống thuốc lao sau khi ăn sáng. Câu hỏi trước hay sau bữa ăn đã được giải đáp, vấn đề còn lại là tại sao nên uống các thuốc này buổi sáng? Theo lý giải của bác sĩ, buổi sáng là thời điểm bụng đang đói nên bệnh nhân có thể uống thuốc lao cùng với một ly nước đầy trước khi ăn sáng tối thiểu 1 tiếng để thuốc phát huy hiệu quả tối đa, đồng thời còn thuận tiện với nhiều người bận rộn (hạn chế được việc quên thuốc).

3. Một số nguyên tắc khác khi uống thuốc kháng lao

Thời điểm uống thuốc kháng lao lúc nào, trước hay sau ăn đã được giải đáp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ một số nguyên tắc sử dụng thuốc lao sau đây:

3.1. Phối hợp thuốc

Mỗi loại thuốc kháng lao sẽ tác động khác nhau đến vi khuẩn lao, có loại diệt khuẩn và có loại kìm khuẩn. Do đó, để tăng hiệu quả kiểm soát bệnh, bệnh nhân phải phối hợp nhiều loại thuốc chống lao với nhau. Với chủng vi khuẩn lao nhạy cảm với thuốc cần phối hợp ít nhất 3 thuốc chống lao giai đoạn tấn công và ít nhất 2 trong giai đoạn duy trì. Riêng với thể lao đa kháng, bệnh nhân cẩn phối hợp ít nhất 5 thuốc có hiệu lực hiệp đồng.

3.2. Uống thuốc đúng liều

Mỗi loại thuốc chống lao sẽ có tác dụng khác nhau, khi phối hợp sẽ bổ trợ cho nhau và dĩ nhiên ứng với mỗi thuốc sẽ cần một nồng độ tác dụng nhất định trong máu. Việc sử dụng liều thấp sẽ không có hiệu quả với vi khuẩn lao, đồng thời còn làm tăng khả năng hình thành chủng lao kháng thuốc. Ngược lại nếu dùng liều cao thì dễ gây quá liều vì hầu hết thuốc kháng lao đều độc với gan và thận. Do đó, một trong những vấn đề quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng do bác sĩ chỉ định.

3.3. Dùng thuốc đều đặn

Các thuốc chống lao phải được uống cùng một thời điểm nhất định trong ngày và cần cách xa bữa ăn ít nhất 1 tiếng để đạt hiệu quả hấp thu tối đa.

3.4. Điều trị đủ và đúng tương ứng với 2 giai đoạn bệnh

  • Giai đoạn tấn công: Thời gian khoảng 2, 3 tháng đầu tiên, các thuốc kháng lao cần phải tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn lao có trong các vùng tổn thương nhằm mục đích ngăn vi khuẩn lao sản sinh và đột biến kháng thuốc;
  • Giai đoạn duy trì: Kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để hạn chế bệnh tái phát. Với mỗi cá nhân bệnh nhân, các thuốc vẫn có thể thay đổi cả về thời gian sử dụng và loại thuốc dựa theo kết quả kháng sinh đồ, tiền sử điều trị và khả năng dung nạp thuốc.

4. Chế độ dinh dưỡng khi uống thuốc kháng lao

Đề kháng và miễn dịch của bệnh nhân lao thường đã suy yếu rất nhiều. Hầu hết bệnh nhân lao rất dễ bị chán ăn, các chất dinh dưỡng hấp thu kém, dẫn đến quá trình chuyển hóa và trao đổi chất thay đổi. Hậu quả là bệnh nhân sụt cân và thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết. Do đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ hỗ trợ tăng hiệu quả điều trị lao và giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.

Đối với người bị lao, lượng năng lượng nạp vào cơ thể mỗi ngày còn tùy thuộc cơ địa riêng. Nếu bệnh nhân quá gầy cần ăn nhiều hơn để đạt chỉ số BMI trên 18.5. Nếu thể trạng bình thường thì số lượng năng lượng nạp vào không thay đổi.

Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân lao cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm chính là đường, đạm, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất.

Những vitamin và khoáng chất cần ưu tiên bổ sung cho bệnh nhân lao đó là:

  • Kẽm: Các thuốc điều trị lao dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt kẽm, dẫn đến chán ăn và suy giảm hệ miễn dịch. Người bệnh nên chọn thực phẩm giàu kẽm như sò, hàu, hến, củ cải, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc...;
  • Vitamin A, C, E: Đây là những dưỡng chất quan trọng hỗ trợ sức khỏe hệ miễn dịch, đồng thời bảo vệ niêm mạc, chống oxy hóa và suy dinh dưỡng. Bệnh nhân cần tăng cường bổ sung các loại vitamin trên thông qua tiêu thụ rau tươi có màu xanh đậm, quả chín màu vàng đỏ như cam, xoài, đu đủ, cà chua..., gan, các loại thịt đỏ;
  • Sắt: Bệnh lao có thể gây thiếu máu do thiếu sắt, đặc biệt rất dễ dẫn đến các bệnh lý về nhiễm khuẩn, tim mạch...;
  • Vitamin B6 và K: Bệnh nhân lao thường hấp thu thức ăn kém và dễ bị rối loạn tiêu hóa nên khả năng tổng hợp vitamin K đã suy giảm. Vitamin K có nhiều trong thực phẩm như gan, các rau màu xanh đậm. Người bệnh có thể bổ sung vitamin B6 thông qua các thực phẩm như thịt lợn nạc, thịt gà, đậu, đỗ các loại, khoai tây, ngũ cốc nguyên hạt...

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về việc cần uống thuốc lao trước hay sau khi ăn để từ đó có cách dùng thuốc hiệu quả, hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan