Công dụng thuốc Antiheb

Thuốc Antiheb thường được dùng theo đơn của bác sĩ, để điều trị cho các tình trạng viêm gan siêu vi B mãn tính, xơ gan, bệnh gan mất bù, ghép gan hơajc nhiễm HIV,... Để dùng thuốc Antiheb hiệu quả và ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ bất lợi, bạn nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian và cách sử dụng.

1. Antiheb là thuốc gì?

Antiheb thuộc nhóm thuốc kháng vi rút, được sử dụng trong những trường hợp bị nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) ở cả trẻ em và người lớn. Hiện nay, thuốc Antiheb được nghiên cứu phát triển và sản xuất bởi Xí nghiệp Dược phẩm & Sinh học Y tế (MEBIPHAR) TP Hồ Chí Minh – Việt Nam dưới dạng bào chế viên nén, mỗi hộp thuốc bao gồm 3 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Antiheb có chứa các hoạt chất sau:

  • Hoạt chất chính: Lamivudine hàm lượng 100mg.
  • Các tá dược phụ trợ: Silicon dioxide dạng keo, Cellulose vi tinh thể, bột Talc, PVP và Magnesium stearat.

Nhìn chung, thuốc Antiheb được đánh giá là 1 giải pháp hữu ích đối với những bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính, xơ gan, ghép gan hoặc tổn thương hệ miễn dịch. Để dùng thuốc Antiheb hiệu quả và an toàn, bạn cần sử dụng thuốc theo đúng phác đồ mà bác sĩ đã chỉ định.

2. Thuốc Antiheb có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Lamivudine

Hoạt chất Lamivudine là 1 loại thuốc kháng vi rút có tác động tích cực đối với vi rút gây viêm gan B ở mọi dòng tế bào thử nghiệm. Thông thường, Lamivudine sẽ được chuyển hoá thành dạng dẫn xuất Triphosphat (TP) bởi cả tế bào nhiễm khuẩn và không bị nhiễm khuẩn. Ước tính, nội tế bào của Triphosphat sẽ mất khoảng từ 17 – 19 tiếng để bán huỷ trong gan.

Lamivudine và Triphosphat giữ vai trò như chất nền đối với Polymerase của vi rút viêm gan B. Khi các hoạt chất này sát nhập vào chuỗi DNA sẽ ngăn chặn lại quá trình hình thành tiếp theo trong DNA của vi rút. Đa phần Lamivudine sẽ ức chế tốt polymerase DNA beta và alpha của cơ thể.

Sau khi uống, Lamivudine sẽ được hấp thu nhanh chóng qua hệ tiêu hoá, với mức sinh khả dụng từ 80 – 85% ở người lớn. Hoạt chất này thường thải trừ chủ yếu qua thận ở dạng không thay đổi. Tuy nhiên, khả năng gắn với của Lamivudine với protein huyết tương là khá thấp. Trung bình, độ thanh thải toàn thân của Lamivudine đạt khoảng 0,3l / giờ / kg và thời gian bán thải sẽ mất từ 5 – 7 tiếng.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Antiheb

Hiện nay, thuốc Antiheb được dùng theo đơn của bác sĩ để điều trị cho các tình trạng sau:

  • Viêm gan siêu vi B mãn tính.
  • Bệnh xơ gan hoặc gan mất bù.
  • Viêm gan hoại tử trên sinh thiết.
  • Tổn thương hệ miễn dịch.
  • Ghép gan.
  • Phối hợp thuốc Antiheb cùng với các thuốc kháng vi rút khác để điều trị tình trạng nhiễm HIV.

Tuy vậy, cần tránh tự ý sử dụng thuốc Antiheb cho các đối tượng bệnh nhân dưới đây:

  • Người có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với hoạt chất Lamivudine hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Bệnh nhi dưới 3 tuổi.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc Antiheb cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Hướng dẫn về liều dùng và cách sử dụng thuốc Antiheb hiệu quả

Thuốc Antiheb được bào chế dưới dạng viên nén, dùng bằng đường uống. Bạn nên uống nguyên viên thuốc với cốc nước lọc khoảng 240ml, tránh uống cùng các đồ uống chứa chất kích thích, nước có gas, rượu, nước ngọt, cà phê hoặc bia. Ngoài ra, bạn cũng cần tuân thủ chặt chẽ liều lượng dùng thuốc Antiheb mà bác sĩ khuyến cáo để đảm bảo an toàn khi điều trị.

Dưới đây là liều thuốc Antiheb dành cho từng đối tượng bệnh nhân cụ thể:

  • Liều cho người lớn và bệnh nhi trên 12 tuổi: Uống 100mg/ lần/ ngày.
  • Liều cho bệnh nhi từ 3 – 12 tuổi: Uống 3mg/ kg thể trọng/ lần/ ngày.

Thuốc Antiheb có thể kết hợp với các thuốc kháng vi rút khác để điều trị hiệu quả tình trạng nhiễm HIV:

  • Liều cho người lớn và bệnh nhi trên 16 tuổi có cân nặng > 50kg: Uống Lamivudine (150mg) kết hợp với Zidovudine (300mg)/ lần/ 12 giờ.
  • Liều cho người lớn và bệnh nhi trên 16 tuổi có cân nặng < 50kg: Uống Lamivudine (2mg/ kg thể trọng) và Zidovudine (4mg/ kg thể trọng)/ lần/ 12 giờ.
  • Liều cho bệnh nhi từ 12 – 16 tuổi có trọng lượng > 50kg: Uống Lamivudine (150mg) và Zidovudine (300mg)/ lần/ 12 giờ.
  • Liều cho bệnh nhi từ 12 – 16 tuổi có trọng lượng < 50kg: Dùng liều thuốc Lamivudine và Zidovudine theo khuyến cáo của bác sĩ.
  • Liều cho bệnh nhân suy thận (mức thanh thải creatinin < 30ml/ phút): Giảm liều thuốc Lamivudine và Zidovudine theo chỉ định của bác sĩ.

Trước cũng như trong suốt thời gian điều trị bằng thuốc Antiheb, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc tuân theo lời khuyên của bác sĩ. Tránh tự ý áp dụng, điều chỉnh liều hoặc thay đổi thời gian dùng thuốc khi chưa được chấp thuận.

4. Thuốc Antiheb gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Antiheb, bạn có thể vô tình gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý sau:

  • Phản ứng bất lợi thường gặp: Buồn nôn, nôn ói, đau bụng, đau đầu, tiêu chảy, nổi mẩn, sốt, mất ngủ, khó thở, rụng tóc, đau khớp, đau cơ xương, ho hoặc có các triệu chứng ở mũi. Ngoài ra, người bệnh đang sử dụng thuốc Antiheb để điều trị tình trạng viêm gan siêu vi B mãn tính cũng có thể gặp phải hiện tượng tăng nồng độ huyết thanh của Enzyme alanine aminotransferase hoặc Enzyme creatine phosphokinase.
  • Phản ứng bất lợi hiếm gặp: Viêm tuỵ, ly giải cơ vân, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, tăng các enzym gan, giảm tiểu cầu, viêm gan, nhiễm acid lactic, gan nhiễm mỡ nặng hoặc gan to nặng.

Bạn cần thông báo sớm cho bác sĩ biết về tình trạng sức khoẻ của mình sau khi sử dụng thuốc Antiheb. Một số tác dụng phụ của thuốc Antiheb có thể biến mất sau khi ngừng điều trị, tuy nhiên một vài trường hợp khác, các triệu chứng có nguy cơ tiến triển trầm trọng và gây ra nhiều hệ luỵ sức khoẻ nếu không được xử trí kịp thời.

5. Nên lưu ý những gì khi sử dụng thuốc Antiheb?

Nhằm đảm bảo dùng thuốc Antiheb an toàn và hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ, bạn cần cẩn trọng những khuyến cáo dưới đây:

  • Theo dõi chặt chẽ phản ứng của cơ thể khi sử dụng thuốc Antiheb, nếu nhận thấy có biểu hiện viêm tụy cần ngừng dùng thuốc ngay.
  • Thận trọng khi quyết định sử dụng thuốc Antiheb cho người mắc chứng gan to hoặc có một số yếu tố nguy cơ của bệnh gan.
  • Những người bị viêm gan B mãn tính cần được theo dõi chức năng gan thường xuyên. Ngoài ra, nguy cơ tái phát viêm gan có thể xảy ra khi bệnh nhân dừng uống thuốc.
  • Bệnh nhân bị suy thận mức nghiêm trọng cần cẩn thận khi dùng thuốc Antiheb, tránh dùng đơn liều.
  • Cân nhắc khả năng thuốc Antiheb có vượt qua hàng rào nhau thai và gây hại cho thai nhi không trước khi quyết định dùng thuốc cho mẹ bầu.
  • Phụ nữ cho con bú chỉ dùng Antiheb khi thực sự cần thiết và phải cân nhắc thời gian uống thuốc sao cho hàm lượng thuốc đi vào sữa mẹ ở mức thấp nhất. Theo khuyến cáo của bác sĩ, người mẹ nên uống Antiheb trước khi cho con bú khoảng 3 giờ.
  • Bảo quản thuốc Antiheb tại điều kiện khô thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp và không quá 30 độ C.
  • Kiểm tra hạn sử dụng, màu sắc và kết cấu của viên thuốc. Nếu đã quá hạn hoặc có các dấu hiệu thay đổi về màu sắc hay chảy nước thì bạn nên vứt bỏ thuốc theo đúng chỉ dẫn.
  • Tránh phối hợp cùng lúc thuốc Antiheb với những loại thuốc kháng vi rút như Zalcitabine, Ganciclovir, Zidovudine và Trimethoprim,...

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Antiheb, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

55 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan