Công dụng thuốc Azap 1gm

Azap 1gm là thuốc kháng sinh điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn. Thuốc có thành phần chính là Cefazolin. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Azap 1gm sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Azap 1gm là thuốc gì?

Thành phần có trong 1 viên thuốc Azap 1gm bao gồm:

  • Azap 1gm: Hàm lượng 1g.
  • Tá dược vừa đủ khác.
  • Dạng bào chế: Thuốc Azap 1gm được bào chế dưới dạng bột pha tiêm.
  • Đóng gói: hộp 1 lọ.

Dược lực của thuốc Azap 1gm:

  • Cefazolin, thành phần chính trong thuốc Azap 1gm là kháng sinh nhóm Cephalosporin "thế hệ 1", tác động kìm hãm sự phát triển và phân chia vi khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp vỏ tế bào vi khuẩn.
  • Thuốc Azap 1gm có tác dụng mạnh trong các bệnh nhiễm khuẩn Gram dương do Staphylococcus aureus Staphylococcus epidermidis, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus beta - haemolyticus nhóm A, và các chủng Streptococcus khác (nhiều chủng Enterococcus kháng Cefazolin).
  • Azap 1gm cũng có tác dụng trên một số ít trực khuẩn Gram âm ưa khí như: Escherichia coli, Klebsiella sp., Proteus mirabilis và Haemophilus influenzae.
  • Thuốc Azap 1gm không có tác dụng với Enterococcus faecalis.
  • Hầu hết các Cephalosporin thế hệ 1 đều không có tác dụng với các vi khuẩn Gram âm ưa khí như Serratia, Enterobacter hoặc Pseudomonas.

Dược động học của thuốc Azap 1gm:

  • Hấp thu: Thuốc Azap 1gm ít hấp thu qua đường tiêu hoá, thuốc thường dùng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Phân bố: Azap 1gm được phân bố rộng khắp cơ thể, thuốc qua nhau thai và sữa mẹ, nhưng ít đi qua dịch não tuỷ.
  • Chuyển hoá: Thuốc azap 1gm hầu như không chuyển hoá trong cơ thể.
  • Thải trừ: Thuốc Azap 1gm thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, thời gian bán thải trung bình từ 1- 1,5h và kéo dài ở trẻ sơ sinh và người suy thận.

2. Chỉ định dùng thuốc Azap 1gm

Thuốc kháng sinh Azap 1gm được chỉ định dùng trong các trường hợp:

  • Viêm mũi họng
  • Viêm phế quản
  • Viêm phổi
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu-sinh dục
  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Nhiễm khuẩn răng miệng: viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh cuống,...
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm
  • Nhiễm trùng đường mật
  • Viêm nội tâm mạc và viêm màng trong tim
  • Ðiều trị dự phòng trong phẫu thuật có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn hậu phẫu.

3.Liều lượng - Cách dùng thuốc Azap 1gm

Azap 1gm được dùng để tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.

  • Liều dùng khuyến cáo cho người lớn là từ 0,5 - 1g, 6 - 12 giờ/lần, liều tối đa thường dùng là 6g/ngày chia 2 -3 lần, trong trường hợp nhiễm khuẩn rất nặng đe dọa tính mạng có thể dùng đến 12g/ngày.
  • Liều dùng khuyến cáo cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là từ 20mg/kg cân nặng, 8 - 12 giờ/lần. Vì tính an toàn của thuốc Azap 1g đối với trẻ sinh non dưới 1 tháng tuổi chưa được nghiên cứu nên không khuyến cáo sử dụng hoạt chất Cefazolin cho đối tượng này.
  • Liều dùng khuyến cáo cho trẻ em trên 1 tháng tuổi có thể dùng liều từ 25 - 50mg/kg cân nặng/ngày chia làm 3 hoặc 4 lần/ngày; trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể tăng liều lên tối đa 100mg/kg thể trọng/ngày và chia làm 4 lần/ngày.
  • Liều dùng dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật: tiêm liều 1g trước khi phẫu thuật 30 phút - 1 giờ. Ðối với phẫu thuật kéo dài, tiêm liều tiếp theo 0,5 - 1 g trong khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật tiêm liều Azap 1gm 0,5 - 1 g, 6 - 8 giờ/lần trong 24 giờ hoặc trong 5 ngày.
  • Với bệnh nhân suy thận khi dùng Azap 1gm cần giảm liều.

Lọ 1g chỉ nên pha loãng với nước cất tiêm. Lắc mạnh thuốc Azap 1gm tiêm khi pha với dung môi.

Khi dùng Azap 1gm tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch: Pha thuốc theo hướng dẫn. Tiêm truyền tĩnh mạch liên tục hay gián đoạn: Pha loãng tiếp Azap 1gm đã pha với 50 - 100ml dung môi.

Phác đồ điều trị cụ thể:

  • Viêm túi mật cấp: Azap 1gm tiêm bắp 500mg - 1g, 8 giờ/lần. Chú ý: Cefazolin không tác dụng với vi khuẩn Enterococcus faecalis. Hoặc Amoxicillin hay Ampicillin tiêm tĩnh mạch chậm 1g, 4 - 6 giờ/lần, cùng với Gentamicin tiêm tĩnh mạch 4 - 5mg/kg/ngày, liều duy nhất.
  • Phẫu thuật đại tràng - trực tràng và cắt bỏ ruột thừa: Dùng Metronidazol qua trực tràng 1g, 2 - 4 giờ/lần trước phẫu thuật cùng với Azap 1gm 1g, tiêm bắp 1 giờ trước phẫu thuật hoặc tiêm tĩnh mạch khi gây tiền mê.
  • Chấn thương cơ, xương và da, mô mềm, vết thương: tác nhân gây nhiễm rất có thể là Clostridium perfringens và trực khuẩn Gram âm ưa khí, Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes. Dùng Azap 1gm (Cefazolin), tiêm tĩnh mạch 1g, 6 giờ/lần cùng với Metronidazol 500mg, 12 giờ/lần. Hoặc dùng Flucloxacillin tiêm tĩnh mạch 1g, 4 giờ/lần, cùng với Gentamicin tiêm tĩnh mạch 4 - 5mg/kg thể trọng/ngày, tiêm 1 lần (người lớn) hoặc chia 12 giờ/lần x 02 lần/ngày, cùng với Metronidazol tiêm tĩnh mạch 500mg, 12 giờ/lần.
  • Cắt bỏ tử cung và triệt sản: Azap 1gm (Cefazolin) tiêm tĩnh mạch 1g vào thời gian gây tiền mê với Tinidazole, uống 2g, 6 - 12 giờ trước phẫu thuật hoặc dùng Metronidazol qua trực tràng 1g, 2 - 4 giờ trước phẫu thuật.
  • Mổ lấy thai: Cefazolin tiêm tĩnh mạch 1g vào thời gian tiền mê với Metronidazol tiêm tĩnh mạch 500mg, 30 phút trước phẫu thuật. Vì trường hợp này có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

4. Chống chỉ định dùng thuốc Azap 1gm

  • Chống chỉ định dùng Azap 1gm cho bệnh nhân có dị ứng hay mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc, đặc biệt là nhóm Cephalosporin và thuốc gây tê tại chỗ.

5. Tương tác thuốc Azap 1gm với thuốc khác

Tương tác thuốc Azap 1gm có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ.

Vì vậy bạn hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tất cả các loại thuốc theo đơn và thuốc không kê đơn, vitamin, khoáng chất, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thảo dược và các loại thuốc do các bác sĩ khác kê đơn để có thể nhận được tư vấn và chỉ định chính xác.

Ngoài ra, thức ăn, rượu bia và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng chúng khi dùng thuốc Azap 1gm.

6. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Azap 1gm

Trong quá trình dùng thuốc Azap 1gm, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn hay gặp như:

  • Ban mụn mủ
  • Dị ứng
  • Thiếu máu tan huyết
  • Giảm bạch cầu
  • Giảm tiểu cầu
  • Suy thận
  • Rối loạn tiêu hóa.

Xử trí: Bệnh nhân cần được theo dõi chức năng thận và công thức máu, nhất là khi điều trị Azap 1gm liều cao và dài ngày. Nếu người bệnh bị phản ứng dị ứng hoặc quá mẫn nghiêm trọng, phải ngừng sử dụng Azap 1gm và tiến hành các biện pháp hỗ trợ: Duy trì thông khí và sử dụng Epinephrin, Oxygen, tiêm tĩnh mạch steroid.

Trong quá trình sử dụng thuốc Azap 1gm bạn có thể bị viêm đại tràng màng giả thể nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc là hết. Các trường hợp thể vừa và nặng tăng lên, cần lưu ý cho bệnh nhân dùng các dịch truyền hoặc chất điện giải, bổ sung protein và điều trị bằng một kháng sinh có tác dụng lâm sàng điều trị viêm đại tràng do Clostridium difficile.

7. Những lưu ý khi dùng thuốc Azap 1gm

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Azap 1gm, bác sĩ phải hỏi kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với Cephalosporin, Penicillin hoặc thuốc khác.
  • Nên tránh dùng Cephalosporin cho người bệnh có tiền sử bị phản vệ do Penicilin hoặc bị phản ứng trầm trọng khác qua trung gian globulin miễn dịch IgE. Vì đã có dấu hiệu cho thấy có dị ứng chéo một phần giữa Penicilin và Cephalosporin.
  • Nếu có phản ứng dị ứng với Azap 1gm (Cefazolin), phải ngừng thuốc và người bệnh cần được xử lý bằng phác đồ chống sốc phản vệ các thuốc thường dùng như: Adrenalin hoặc các amin co mạch, kháng histamin hoặc corticosteroid.
  • Những người có bệnh sử về dạ dày ruột, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng cần thận trọng khi kê đơn các kháng sinh phổ rộng cho đối tượng này.
  • Khi dùng Azap 1gm (Cefazolin) cho người bệnh suy chức năng thận cần giảm liều sử dụng hàng ngày.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Azap 1gm, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Azap 1gm là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

41 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan