Công dụng thuốc Ceftazidim

Ceftazidime là thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

1.Thông tin chung về thuốc Ceftazidime

Ceftazidime được xếp vào kháng sinh nhóm cephalosporin. Hoạt động của thuốc này là ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Thuốc Ceftazidime được bào chế dưới dạng thuốc tiêm và thuốc bột pha tiêm với các hàm lượng:

  • Thuốc tiêm: Ceftazidime 500mg và 100 mg/mL, 170 mg/mL, 280 mg/mL;
  • Thuốc bột pha tiêm: Ceftazidime 1g, Ceftazidime 2g.

2. Công dụng của thuốc Ceftazidime

Do có khả năng ức chế các enzym tổng hợp vách tế bào vi khuẩn nên Ceftazidime có tác dụng diệt khuẩn. Thuốc Ceftazidime bền vững với hầu hết các beta - lactamase của vi khuẩn trừ enzym của Bacteroides. Thuốc Ceftazidime nhạy cảm với nhiều vi khuẩn gram âm đã kháng aminoglycosid và các vi khuẩn gram dương đã kháng ampicilin và các cephalosporin khác.

Khả năng phổ kháng khuẩn:

  • Thuốc tác dụng tốt với: Vi khuẩn gram âm ưa khí bao gồm Pseudomonas, E.coli, Proteus, Klebsiella, Shigella, Salmonella, Haemophilus influenza... và một số chủng Pneumococcus, Moraxella catarrhalis và Streptococcus tan máu beta và Streptococcus viridans. Bên cạnh, thuốc còn nhạy cảm với nhiều chủng gram dương kỵ khí, staphylococcus aureus nhạy cảm vừa phải với Ceftazidime.
  • Kháng thuốc: Kháng thuốc có thể xuất hiện trong quá trình điều trị do mất tác dụng ức chế các beta - lactamase qua trung gian nhiễm sắc thể. Đặc biệt đối với Pseudomonas spp, Enterobacter và Klebsiella. Thuốc Ceftazidime không có tác dụng với Staphylococcus aureus kháng methicillin, Enterococcus, Listeria monocytogenes, Bacteroides fragilis, Campylobacter spp., Clostridium difficile.

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Ceftazidime

3.1. Chỉ định

  • Trường hợp bị nhiễm độc huyết, nhiễm khuẩn huyết, mắc viêm màng não, viêm phổi, áp xe phổi, giãn phế quản, viêm tiểu phế quản, người bị xơ nang tụy tạng bị nhiễm trùng phổi, viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm xoang cánh mũi;
  • Nhiễm trùng trong các bệnh nặng khác như viêm thận - bể thận, viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, viêm quầng, áp xe, viêm mô tế bào;
  • Các nhiễm trùng thứ cấp trong phỏng (bỏng) hay vết thương ngoài da;
  • Viêm vú, viêm đường mật, viêm túi mật có mủ, áp xe trong màng bụng, viêm phúc mạc, viêm túi thừa, viêm ruột - đại tràng;
  • Nhiễm trùng chậu hông, viêm xương, viêm tủy, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm túi thanh mạc có nhiễm trùng.

Ngoài ra, thuốc Ceftazidime còn được chỉ định trong việc điều trị các bệnh nặng như:

  • Người bệnh bị suy giảm chức năng miễn dịch do máu bị nhiễm trùng nặng;
  • Các nhiễm trùng nặng như nhiễm trùng trong phỏng (bỏng);
  • Nhiễm trùng kết hợp với thẩm phân phúc mạc hay với thẩm phân phúc mạc liên tục ngoại trú (CAPD).

3.2.Chống chỉ định

Thuốc Ceftazidime không được chỉ định sử dụng ở tất cả những người mẫn cảm với ceftazidime hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc, bao gồm cả cephalosporin khác. Đặc biệt, người có tiền sử sốc phản vệ với các penicillin tuyệt đối không được sử dụng.

4. Liều dùng và cách dùng thuốc Ceftazidime

Ceftazidime được dùng bằng đường tiêm như tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch hay tiêm bắp sâu. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ có liều dùng tương thích, tính nhạy cảm, đường tiêm truyền và phụ thuộc độ tuổi, cân nặng và chức năng thận của người bệnh.

Với dung dịch Natri bicarbonat, Ceftazidime kém bền vững hơn so với các dung dịch tiêm khác. Do đó, thuốc không được khuyến cáo sử dụng dung dịch Natri bicarbonat làm dung dịch pha tiêm.

Liều dùng đối với người lớn

  • Thông thường sẽ được hướng dẫn sử dụng theo liều là 0,5g - 2g (thuốc có hiệu lực), tần suất 2 hay 3 lần mỗi ngày, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp.
  • Liều dùng 500mg hay 1g mỗi 12 giờ tùy từng trường hợp, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp được chỉ định điều trị trong nhiễm trùng đường niệu và trong các nhiễm trùng không trầm trọng;
  • Sử dụng liều Ceftazidime 1g (thuốc có hiệu lực) mỗi 8 giờ hay 2g (thuốc có hiệu lực) mỗi 12 giờ, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp trong hầu hết các trường hợp bị nhiễm trùng;
  • Ở người bị suy giảm chức năng miễn dịch, bao gồm những người bị giảm bạch cầu trung tính sử dụng Ceftazidime 2g (thuốc có hiệu lực) mỗi 8 hay 12 giờ hay 3g (thuốc có hiệu lực) mỗi 12 giờ, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp khi bị nhiễm trùng nghiêm trọng;
  • Ở người xơ nang tụy tạng với chức năng thận bình thường, nếu bị nhiễm trùng phổi do Pseudomonas, cần sử dụng liều cao từ 100 đến 150mg (thuốc có hiệu lực)/kg/ngày, chia làm 3 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp. Ðã từng ghi nhận trường hợp sử dụng thuốc với liều 9g (thuốc có hiệu lực)/ngày ở người có chức năng thận bình thường.

Liều dùng đối với trẻ em

  • Thông thường trẻ em trên 2 tháng tuổi sẽ có liều dùng là 30- 100mg (thuốc có hiệu lực)/kg/ngày, chia làm 2 hay 3 lần;
  • Trẻ em mắc bệnh suy giảm chức năng miễn dịch hay xơ nang tụy tạng nếu bị nhiễm trùng, hay đối với trẻ em bị viêm màng não, liều dùng điều trị có thể lên đến 150mg (thuốc có hiệu lực)/kg/ngày (tối đa là 6g (thuốc có hiệu lực)/ngày).

Liều dùng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi

  • Thuốc Ceftazidime đã được chứng minh là có hiệu quả ở liều dùng từ 25 đến 60mg (thuốc có hiệu lực)/kg/ngày chia làm 2 lần. Ở trẻ sơ sinh, thời gian bán hủy của ceftazidime trong huyết thanh có thể kéo dài gấp 3 - 4 lần so với người lớn.

Liều dùng đối với người lớn tuổi

Liều dùng đối với người lớn tuổi thông thường là tối đa 3g (thuốc có hiệu lực), đặc biệt là đối với người trên 80 tuổi.

Liều dùng đối với người bị suy giảm chức năng thận

  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận, thuốc Ceftazidime được đào thải chậm hơn so với người bình thường. Vì vậy, người bệnh sử dụng liều dùng được giảm sao cho phù hợp, trừ khi bệnh nhân chỉ bị suy thận nhẹ, hệ số thanh thải tiểu cầu thận trên 50ml/ phút.
  • Nếu nghi ngờ chức năng thận bị suy giảm, liều bắt đầu có thể dùng là 1g (thuốc có hiệu lực). Nhóm bệnh nhân này nên được tiến hành đánh giá hệ số thanh tiểu cầu thận để quyết định liều duy trì thích hợp.

5. Tác dụng phụ của thuốc Ceftazidime

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Kích ứng tại chỗ;
  • Viêm tắc tĩnh mạch;
  • Dị ứng và gặp phản ứng đường tiêu hóa; Ngứa,
  • Ban dát sần,

Tác dụng phụ ít gặp hơn:

  • Bị nhức đầu, cảm thấy chóng mặt, sốt, phù Quincke, phản ứng phản vệ;
  • Xét nghiệm máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, tiểu cầu và bạch cầu giảm, bạch cầu trung tính giảm, tăng lympho bào, phản ứng Coombs dương tính;
  • Loạn cảm, loạn vị giác; đặc biệt ở người bệnh suy thận điều trị không đúng liều có thể co giật, bệnh não, run, kích thích thần kinh cơ;
  • Rối loạn hệ tiêu hóa với triệu chứng buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Tác dụng phụ hiếm khi xảy ra:

  • Xét nghiệm máu: Mất bạch cầu hạt và bị thiếu máu tan huyết;
  • Viêm đại tràng màng giả;
  • Ban đỏ đa dạng trên da, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử da nhiễm độc;
  • Tình trạng tăng transaminase, tăng phosphatase kiềm;
  • Tốc độ lọc tiểu cầu thận giảm, tăng ure và creatinin huyết tương;
  • Nguy cơ bị bội nhiễm Enterococci và Candida.

6. Thận trọng trước khi sử dụng thuốc Ceftazidime

  • Báo với bác sĩ điều trị nếu có tiền sử dị ứng với bất kỳ các loại thuốc nào.
  • Những loại thuốc đang hoặc dự định dùng bao gồm các loại vitamin, thực phẩm chức năng, thảo dược;
  • Có tiền sử dị ứng, mắc bệnh thận, bệnh gan, viêm đại tràng hoặc các vấn đề về dạ dày, tiểu đường, suy tim sung huyết, ung thư, suy dinh dưỡng hoặc vừa trải qua phẫu thuật hoặc phải đi cấp cứu;
  • Đang mang thai hoặc có dự định mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Đây là thuốc thuộc nhóm B đối với thai kỳ, vì vậy, người dùng cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng thuốc.

Ceftazidime là thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

53.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan