Công dụng thuốc Ciospan

Thuốc Ciospan thường được dùng theo đơn của bác sĩ, nhằm điều trị các triệu chứng như ho hoặc có đờm ở bệnh nhân bị viêm phế quản. Thuốc Ciospan sẽ phát huy công dụng điều trị tối ưu nhất khi người bệnh sử dụng đúng cách và đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

1. Ciospan là thuốc gì?

Ciospan là thuốc có tác dụng trên đường hô hấp, được nghiên cứu và sản xuất bởi Công ty TNHH sản xuất Thương mại Dược phẩm Ðông Nam. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang, mỗi hộp đóng gói 10 vỉ x 10 viên. Thuốc Ciospan thường được sử dụng chủ yếu trong các trường hợp có triệu chứng ho hoặc có đờm ở bệnh nhân bị viêm phế quản cấp/ mãn tính.

Thành phần hoạt chất chính trong thuốc Ciospan là Codeine base và Terpin hydrate. Ngoài ra, mỗi viên nang Ciospan còn có sự kết hợp của một số tá dược phụ trợ khác được nhà sản xuất bổ sung nhằm làm tăng công hiệu của thuốc.

2. Thuốc Ciospan có tác dụng gì?

Sự kết hợp của 2 hoạt chất Codeine base và Terpin hydrate trong công thức thuốc Ciospan giúp mang lại hiệu quả trị ho và long đờm rất tốt cho những người bị viêm phế quản, cụ thể:

  • Codeine base: Đóng vai trò là một Methylmorphin thay thế vị trí của Hydro ở nhóm Hydroxyl gắn kết với nhân thơm tại phân tử Morphin. Nhờ vậy, Codeine có tác dụng giảm ho và giảm đau hiệu quả. Khi dùng bằng đường uống, Codeine có khả năng hấp thu tốt, ít gây co thắt mật và táo bón hơn so với Morphin. Thông thường, Codeine được bác sĩ chỉ định sử dụng nhằm giảm đau cho các trường hợp có cơn đau nhẹ - trung bình. Mặt khác, hoạt chất này còn là thuốc trấn ho dành cho những tình trạng ho khan gây mất ngủ. Tuy nhiên, nó không đủ hiệu lực để làm giảm cơn ho nặng.
  • Terpin hydrate: Có tác dụng làm lỏng dịch tiết nhờ cơ chế kích thích trực tiếp vào các tế bào xuất tiết. Điều này giúp làm tăng sự bài tiết các chất tiết phế quản. Từ đó giúp hỗ trợ loại bỏ tốt dễ dàng hơn các chất đàm thông qua phản xạ ho của bệnh nhân. Thông thường, Terpin hydrat sẽ được dùng phối hợp với Codein nhằm điều trị cơn ho do viêm phế quản, đồng thời chưa viêm loét các niêm mạc ở đường hô hấp.

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Ciospan

Hiện nay, thuốc Ciospan được bác sĩ kê đơn sử dụng để đẩy lùi cơn ho và làm long đờm cho những trường hợp mắc viêm phế quản cấp hoặc mãn tính. Tuy nhiên, không nên tự ý dùng thuốc Ciospan khi chưa có chỉ định của bác sĩ đối với những bệnh nhân sau:

  • Người bị dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với các hoạt chất Codeine base, Terpin hydrate hay bất kỳ tá dược nào trong thuốc.
  • Bệnh nhi dưới 5 tuổi.
  • Người bị ho do hen suyễn hoặc bị suy hô hấp.
  • Phụ nữ có thai hoặc người mẹ nuôi con bú.

4. Nên dùng thuốc Ciospan như thế nào cho an toàn và hiệu quả?

Thuốc Ciospan được bào chế dưới dạng viên nang, nên dùng bằng đường uống. Khi uống thuốc, người bệnh cần tránh bẻ, nghiền nát hoặc nhai thuốc. Ngoài ra, không nên uống Ciospan cùng với các loại nước như nước ngọt, rượu, cà phê, nước có gas hay bất kỳ chất kích thích nào khác.

Thông thường, thuốc Ciospan sẽ được dùng với liều lượng khuyến cáo sau:

  • Người lớn: Uống liều 1 viên x 3 lần/ ngày.
  • Trẻ em trên 5 tuổi: Uống liều 1 viên x 1 - 2 lần/ ngày.

Nhằm đảm bảo an toàn và sớm đạt hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ mọi chỉ dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình dùng thuốc Ciospan. Việc tự ý sử dụng, điều chỉnh liều lượng hoặc kéo dài thời gian uống thuốc Ciospan có thể dẫn đến những tác dụng phụ ngoại ý.

5. Những tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Ciospan

Khi điều trị các triệu chứng viêm phế quản bằng thuốc Ciospan, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ dưới đây:

  • Buồn ngủ.
  • Biếng ăn.
  • Choáng váng.
  • Buồn nôn hoặc có cảm giác khó chịu ở dạ dày.
  • Táo bón.
  • Ngủ gật.
  • Co thắt phế quản.
  • Ức chế hô hấp.
  • Dị ứng da.
  • Nguy cơ lệ thuộc thuốc khi dùng quá liều.
  • Hội chứng cai nghiện khi ngừng dùng thuốc đột ngột.

Nhìn chung, những tác dụng phụ ngoại ý do thuốc Ciospan ở mức nhẹ và chỉ thoáng qua, có thể dần biết mất khi người bệnh giảm liều và ngừng điều trị. Nếu muốn tránh cảm giác choáng váng sau khi đứng dậy ở tư thế nằm hoặc ngồi, người bệnh nên đứng dậy từ từ. Ngoài ra, thông báo ngay cho bác sĩ biết nếu gặp phải những tác dụng phụ khác như lú lẫn tinh thần, mạch chậm, thay đổi tâm trạng, phát ban ở da hoặc mắc vấn đề về hô hấp.

6. Một số điều cần thận trọng trong quá trình dùng thuốc Ciospan

Ciospan sẽ phát huy tác dụng điều trị các triệu chứng viêm phế quản tốt nhất khi người bệnh dùng thuốc đúng cách. Dưới đây là một số khuyến cáo quan trọng mà người bệnh cần nắm rõ trước và trong suốt quá trình sử dụng Ciospan:

  • Kiêng rượu khi điều trị bằng Ciospan.
  • Tránh dùng thuốc Ciospan chung với các chất đối kháng Morphin.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cùng với các dẫn chất khác của Morphin hoặc chất ức chế thần kinh trung ương.
  • Hàm lượng, nồng độ và hoạt chất trong thuốc Ciospan có thể bị ảnh hưởng khi người bệnh bảo quản thuốc không chu đáo hoặc đã quá hạn dùng. Do đó, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, cách bảo quản và hạn sử dụng được ghi trên bao bì sản phẩm hoặc trong tờ đơn hướng dẫn kèm theo hộp thuốc trước khi bắt đầu điều trị.
  • Bảo quản thuốc Ciospan tại nhiệt độ phòng, tránh nơi có ánh sáng trực tiếp hoặc độ ẩm cao.
  • Nếu Ciospan đã quá hạn thì hãy vứt bỏ thuốc theo đúng hướng dẫn của người phụ trách y khoa.
  • Nếu viên thuốc có dấu hiệu chuyển màu, thay đổi hình dáng hoặc nấm mốc thì người bệnh cần ngưng sử dụng ngay lập tức.
  • Không tự ý dùng thuốc cho phụ nữ đang có thai hoặc người mẹ đang nuôi con bú khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi thuốc có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như sức khoẻ của thai nhi và trẻ bú mẹ.
  • Tránh dùng thuốc Ciospan khi đang lái xe hoặc điều khiển máy móc và các thiết bị khác. Bởi thuốc có nguy cơ gây choáng váng, buồn ngủ và ngủ gật,...
  • Báo cho bác sĩ biết các loại thuốc khác mà người bệnh đang sử dụng, bao gồm cả thuốc bổ, thực phẩm chức năng, vitamin và thảo dược. Bác sĩ sẽ cân nhắc rủi ro tương tác giữa các thuốc, từ đó đưa ra lời khuyên điều chỉnh liều hoặc thay thế thuốc khác phù hợp hơn cho bệnh nhân.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Ciospan, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Ciospan điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

77 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan