Công dụng thuốc Daewondexmin

Daewondexmin được sử dụng trong điều trị các bệnh rối loạn thấp khớp, viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống; bệnh ngoài da như viêm da, vảy nến và tình trạng dị ứng như hen suyễn, phù mạch.

1. Thuốc Daewondexmin có tác dụng gì?

Daewondexmin có thành phần chính là BetamethasoneDexchlorpheniramine, thuộc nhóm thuốc chống dị ứng, dùng trong các trường hợp quá mẫn. Daewondexmin được bác sĩ chỉ định sử dụng trong việc điều trị các bệnh như:

  • Bệnh khớp với các triệu chứng như thấp khớp, viêm bao hoạt dịch khớp, viêm cơ, viêm khớp vảy nến...
  • Dị ứng toàn thân với các triệu chứng như lupus ban đỏ, xơ cứng bì,...
  • Daewondexmin được sử dụng trong điều trị bệnh dị ứng nặng như viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc dai dẳng, dị ứng kèm theo triệu chứng như hen phế quản, polyp mũi, viêm da tiếp xúc, hen phế quản, viêm da dị ứng (viêm da thần kinh).
  • Bệnh da liễu khi gặp tình trạng vảy nến, lupus ban đỏ dạng đĩa...
  • Rối loạn nội tiết tố với biểu hiện thiểu năng vỏ thượng thận sơ cấp hoặc thứ cấp, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tăng calci huyết nguyên nhân do mắc bệnh ung thư, viêm tuyến giáp không mưng mủ.
  • Điều trị bệnh về hô hấp: Hội chứng Loeffler trong trường hợp không được kiểm soát bằng các phương pháp khác, xơ hóa phổi, bệnh sarcọdose có triệu chứng; ngộ độc berylium; phối hợp với hóa trị liệu trong điều trị bệnh lao phổi cấp và lan tỏa; tràn khí màng phổi.
  • Điều trị các bệnh về mắt như viêm kết mạc dị ứng, viêm mống mắt, viêm giác mạc, loét mép giác mạc dị ứng, herpes zona ở mắt, viêm hắc võng mạc, viêm mống mắt thể mi, viêm dây thần kinh mắt, viêm mắt giao cảm, viêm võng mạc trung tâm, viêm thần kinh sau nhãn cầu, viêm màng mạch nho và viêm mạch mạc trước lan tỏa ra sau.
  • Điều trị các bệnh về máu: Giảm tiểu cầu tự phát và thứ phát ở người lớn; thiếu máu tán huyết tự miễn dịch; giảm nguyên hồng cầu và thiếu máu nguyên nhân do di truyền.
  • Sử dụng trong điều trị bệnh ung thư: Daewondexmin điều trị tạm thời ung thư máu cấp tính ở trẻ em và u bạch huyết bào ở người lớn.
  • Tình trạng phù: Với các triệu chứng như phù mạch, lợi tiểu hoặc làm giảm protein niệu không gây tăng urê huyết trong hội chứng thận hư nguyên phát hoặc do lupus ban đỏ.

Cơ chế tác động:

Thành phần thuốc Betamethason có trong Daewondexmin là một corticosteroid tổng hợp, có tác dụng glucocorticoid rất mạnh, Betamethasone có công dụng hiệu quả trong việc chống viêm khớp và kháng dị ứng, kháng viêm mạnh, được dùng điều trị những rối loạn có đáp ứng với corticosteroid.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Daewondexmin

Cách dùng: Daewondexmin được bào chế dưới dạng viên nén, sử dụng qua được uống.

Liều dùng:

Liều lượng thuốc ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, bệnh lý, cơ địa và mức độ hấp thụ thuốc của cơ thể. Việc dùng thuốc Daewondexmin cần phải tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh có thể tham khảo liều thuốc sau:

  • Liều thuốc cho người lớn và trẻ trên 15 tuổi dùng từ 1-2 viên, ngày 3-4 lần.
  • Với trẻ 8 từ 14 tuổi sử dụng liều khởi đầu là nửa viên cho đến 1 viên x ngày 3-4 lần.
  • Với trẻ từ 3-7 tuổi, liều điều trị ban đầu là 1⁄4 đến 1/2 viên, ngày 2-3 lần.

Chống chỉ định:

  • Không dùng thuốc Daewondexmin với các trường hợp người bệnh bị nhiễm nấm toàn thân, phản ứng nhạy cảm với Betamethasone hoặc dị ứng với các thuốc nhóm corticoid khác hay bất cứ thành phần nào của Daewondexmin.
  • Không dùng thuốc với trẻ sơ sinh và trẻ thiếu tháng, bệnh nhân đang dùng thuốc IMAO.
  • Tuyệt đối tránh dùng Daewondexmin với người bị tâm thần, mắc bệnh tiểu đường, loét dạ dày và hành tá tràng trong nhiễm khuẩn, nhiễm virus.

3. Tác dụng phụ của thuốc Daewondexmin

  • Một số phản ứng thường thấy khi người bệnh sử dụng thuốc, các phản ứng này nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào liều lượng và thời gian điều trị như: Chóng mặt hay buồn nôn, ợ chua, khô miệng, suy yếu, ăn không ngon miệng, nhức đầu, lo âu, đa niệu, vã mồ hôi, tiểu khó, viêm da.
  • Ảnh hưởng trên da: Làm chậm quá trình lành vết thương; có đốm xuất huyết và mảng bầm máu; xuất hiện hồng ban ở mặt; tăng tiết mồ hôi; thay đổi các kết quả xét nghiệm da; viêm da dị ứng, nổi mề đay; phù mạch thần kinh.
  • Tác động trên hệ thần kinh: Co giật; tăng áp lực nội sọ sau khi điều trị; chóng mặt; nhức đầu.
  • Ảnh hưởng đến thị giác: Gây đục thủy tinh thể dưới bao, tăng nhãn áp, glaucoma, chứng lồi mắt.
  • Rối loạn nước điện giải với biểu hiện như máu giảm kali, mất kali, kiềm, giữ nước, suy tim sung huyết trên những bệnh nhân nhạy cảm, cao huyết áp.
  • Tác động trên hệ tiêu hóa: Nguy cơ gây viêm tụy và loét dạ dày với triệu chứng thủng hoặc xuất huyết, chướng bụng, viêm loét thực quản.
  • Ảnh hưởng đến tâm thần: Các triệu chứng thường gặp bao gồm xuất hiện cảm giác lâng lâng; các biểu hiện suy giảm tâm lý trầm trọng; thay đổi nhân cách; mất ngủ.
  • Tác động trên hệ cơ xương: Gây suy yếu cơ và các bệnh lý cơ do corticosteroid, làm nặng thêm triệu chứng nhược cơ, giảm khối lượng cơ, gãy xương dài bệnh lý, gãy lún cột sống, loãng xương, hoại tử vô trùng đầu xương đùi và đầu xương cánh tay, đứt dây chằng.
  • Ảnh hưởng nội tiết: Gây rối loạn kinh nguyệt; hội chứng giống Cushing; mất đáp ứng tuyến yên và thượng thận thứ phát, đặc biệt trong thời gian bị stress; làm giảm dung nạp carbohydrate; các biểu hiện của bệnh đái tháo đường tiềm ẩn, gây tăng nhu cầu về insulin hoặc các tác nhân hạ đường huyết trong điều trị bệnh đái tháo đường.
  • Các tác dụng phụ khác bao gồm sốc phản vệ hoặc phản ứng tăng mẫn cảm.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Daewondexmin

  • Do thuốc có công dụng trong ức chế miễn dịch do đó nếu sử dụng thuốc nhóm corticoid ở liều cao hơn mức cần thiết thường sẽ làm tăng tính dễ cảm thụ với nhiễm khuẩn. Corticoid có thể làm mất đi các dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng và bội nhiễm có thể xuất hiện trong quá trình điều trị.
  • Nên điều chỉnh liều lượng thuốc khi bệnh đã có tiến triển tốt hơn và giảm liều thuốc theo đáp ứng riêng biệt của từng bệnh nhân. Trước khi ngừng thuốc nên giảm liều từ từ, không nên giảm thuốc một cách đột ngột.
  • Cần cẩn trọng sử dụng thuốc Daewondexmin cho những trường hợp người bệnh đang gặp các vấn đề như mất cân bằng về xúc cảm hay khuynh hướng loạn tâm thần; viêm loét kết tràng không đặc hiệu, nếu có khả năng tiến tới thủng, apxe hay những nhiễm trùng sinh mủ khác.
  • Thận trọng dùng thuốc trong trường hợp người bệnh bị suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim mới mắc, tăng huyết áp, động kinh, suy gan, glocom, thiểu năng tuyến giáp, loãng xương.
  • Cần cẩn trọng sử dụng thuốc ở trẻ em vì trường hợp này dễ gặp phản ứng phụ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
  • Trong trường hợp người bệnh dùng thuốc Daewondexmin với thời gian dài thì cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên, khi cần thiết nên giảm lượng natri và bổ sung thêm calci, kali.
  • Sử dụng nhóm thuốc corticoid, trong đó có Daewondexmin kéo dài có thể dẫn đến đục thủy tinh thể (đặc biệt hay gặp ở trẻ em), hội chứng glocom làm tổn thương dây thần kinh thị giác và có thể thúc đẩy nhiễm trùng thứ phát ở mắt do nấm hoặc do virus tấn công.
  • Cần kiểm tra chất lượng thuốc trước khi dùng, người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc quá hạn sử dụng hoặc thuốc có vấn đề như ướt, thay đổi màu sắc.
  • Với phụ nữ đang có thai và cho con bú: Sử dụng Daewondexmin cho phụ nữ mang thai và mẹ đang trong thời gian cho con bú, người bệnh nên cân nhắc giữa lợi ích điều trị và các tác dụng phụ gây nguy hiểm cho thai nhi hay trẻ sơ sinh. Do thuốc có khả năng bài tiết qua nhau thai và tồn tại trong sữa mẹ. Hiện nay cũng đã có những nghiên cứu chứng minh thuốc có thể ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ sơ sinh khi người mẹ sử dụng thuốc dài ngày trong thời kỳ mang thai.
  • Không sử dụng thuốc cho người lái xe và vận hành máy móc: Do thuốc gây buồn ngủ và ngủ gà, ảnh hưởng đến khả năng làm việc.

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của thuốc hoặc làm gia tăng các phản ứng phụ có hại đến sức khỏe người bệnh. Do đó mà trong quá trình điều trị người bệnh cần thông báo với với bác sĩ hoặc dược sĩ các loại thuốc đã và đang sử dụng trong thời gian gần đây. Dưới đây là một số thuốc khi kết hợp với Daewondexmin sẽ gây ra tương tác:

  • Khi dùng kết hợp với các loại thuốc kháng viêm không steroid, thuốc lợi tiểu làm mất kali, Phenobarbital, thuốc chống đông thuộc loại coumarin, Phenytoin, Rifampin, Ephedrin, glycosid tim: Làm tăng nguy cơ gặp các phản ứng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
  • Abametapir: Nồng độ trong huyết thanh của thuốc có thể được tăng lên khi nó được kết hợp với Abametapir.
  • Abatacept: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ có thể tăng lên khi thuốc được kết hợp với Abatacept.
  • Abemaciclib, Acalabrutinib: Sự chuyển hóa của 2 loại thuốc này có thể được tăng lên khi kết hợp với thành phần Betamethasone.
  • Acarbose: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của tăng đường huyết có thể tăng lên khi Betamethasone được kết hợp với Acarbose.
  • Aceclofenac: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của kích ứng đường tiêu hóa có thể tăng lên khi Betamethasone được kết hợp với Aceclofenac.
  • Aminophenazone: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của kích ứng đường tiêu hóa có thể tăng lên khi Betamethasone được kết hợp với Aminophenazone.
  • Acenocoumarol: Betamethasone có thể làm tăng hoạt tính chống đông máu của Acenocoumarol.
  • Acipimox: Tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh cơ, tiêu cơ vân và myoglobin niệu khi Betamethasone được kết hợp với Acipimox.
  • Alclofenac: Tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của kích ứng đường tiêu hóa có thể tăng lên khi Betamethasone được kết hợp với Alclofenac.
  • Aldesleukin: Hiệu quả điều trị của Aldesleukin có thể giảm khi dùng kết hợp với Betamethason.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Daewondexmin. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh không tự ý mua thuốc Daewondexmin về nhà điều trị khi chưa có chỉ định và đơn kê của bác sĩ/ dược sĩ.

173 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan