Công dụng thuốc Dobdia

Thuốc Dobdia thuộc nhóm thuốc hướng thần được chỉ định trong bệnh lý trầm cảm. Vậy cơ chế tác dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?

1. Dobdia là thuốc gì?

Dobdia có thành phần chính là Mirtazapine - là chất đối kháng thụ thể alpha 2 tiền synap có hoạt tính trung ương có tác dụng làm tăng dẫn truyền thần kinh qua trung gian serotoninnoradrenalin. Từ đó cải thiện, điều trị các triệu chứng u sầu, lo lắng, ức chế tâm thần vận động, rối loạn giấc ngủ, mất quan tâm, thay đổi khí sắc, ý nghĩ tự tử,... ở những bệnh nhân trầm cảm.

Cơ chế tác dụng của thuốc thông qua hoạt tính đối kháng histamin H1 tác dụng an thần và một số kích thích thần kinh khác. Thành phần Mirtazapin của thuốc hầu như không có hoạt tính kháng cholinergic, với liều điều trị thông thường không có tác dụng trên hệ tim mạch.

Dobdia hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 2 giờ uống thuốc; gắn với các protein huyết tương khoảng 85%. Cuối cùng thuốc bài tiết qua nước tiểu trong vài ngày dưới dạng các chất chuyển hóa.

2. Chỉ định của thuốc Dobdia

Thuốc Dobdia được chỉ định điều trị trong bệnh lý trầm cảm và giai đoạn trầm cảm của các bệnh lý tâm thần kinh khác.

3. Chống chỉ định của thuốc Dobdia

Không sử dụng Dobdia trong các trường hợp bệnh lý sau

  • Người bệnh bị ứng với thành phần Mirtazapine hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không có chỉ định dùng thuốc Dobdia.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan nặng không sử dụng thuốc do tăng nguy cơ độc tính trên gan thận.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Dobdia

  • Trong quá trình điều trị thuốc có thể ức chế tủy xương gây giảm hoặc mất bạch cầu hạt, vì vậy người bệnh cần kiểm tra công thức máu thường xuyên để theo dõi.
  • Tùy vào cơ địa từng bệnh nhân mà thuốc phát huy tác dụng nhanh hay chậm. Thông thường, các triệu chứng cải thiện sau 2-4 tuần sử dụng.
  • Chưa chứng minh được tính an toàn của Dobdia trên phụ nữ mang thai, cân nhắc lợi ích trước khi sử dụng cho đối tượng này.
  • Thuốc có thể bài tiết một lượng nhỏ qua sữa mẹ, vì vậy phụ nữ cho con bú không khuyến cáo sử dụng thuốc. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì nên ngừng cho trẻ bú.

4. Tương tác thuốc của Dobdia

Các tương tác thuốc có thể gặp khi phối hợp Dobdia với các thuốc khác như sau:

  • Dobdia tăng cường tác dụng ức chế thần kinh trung ương của rượu bia hay các thực phẩm chứa cồn.
  • Ngưng các thuốc ức chế MAO trước 2 tuần khi bắt đầu sử dụng Dobdia.
  • Các thuốc an thần nhóm Benzodiazepin khi dùng chung sẽ làm tăng các tác dụng lên hệ thần kinh trung ương.
  • Một số tương tác khác của thuốc Dobdia chưa được biết rõ, vì vậy trước khi điều trị nên thông báo với bác sĩ tất cả các thuốc đang điều trị.

5. Liều dùng và cách dùng thuốc Dobdia

5.1. Cách dùng

  • Dobdia được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, uống nguyên viên thuốc với nước lọc vừa đủ, không tách rời vỏ ngoài hay nghiền nát viên thuốc.
  • Thời gian dùng thuốc tốt nhất là 1 lần vào ban đêm trước khi đi ngủ do thuốc có tác dụng an thần và gây buồn ngủ.
  • Sử dụng thuốc trong thời gian kéo dài đến khi không còn triệu chứng trong 4-6 tháng. Ngừng thuốc từ từ, giảm dần liều, tránh cắt thuốc đột ngột.

5.2. Liều dùng

  • Người lớn: Liều khởi đầu 15mg/ ngày; tăng dần liều đến khi có đáp ứng điều trị. Liều tối đa 45mg/ ngày.
  • Người già: Liều ở người cao tuổi giống với liều của người lớn, tuy nhiên ở những bệnh nhân có chức năng gan thận suy giảm cần theo dõi cẩn thận và hiệu chỉnh liều phù hợp.
  • Nếu sử dụng quá liều Dobdia chưa ghi nhận các độc tính trên hệ tim mạch nhưng có thể gặp các triệu chứng an thần thái quá, mệt mỏi,... Khi gặp các biểu hiện trên cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
  • Nếu quên một liều thì dùng bổ sung ngay khi nhớ ra, trường hợp sắp tới thời gian dùng liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống thuốc theo chỉ định. Không dùng gấp đôi liều Dobdia đã quên.

6. Tác dụng phụ của thuốc Dobdia

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Dobdia:

  • Tăng cân, ăn nhiều do tăng cảm giác ngon miệng.
  • Buồn ngủ, ngủ nhiều (thường xảy ra trong những tuần đầu tiên dùng thuốc, không nên giảm liều sẽ làm giảm hiệu quả chống trầm cảm của thuốc).
  • Chóng mặt, mệt mỏi, hạ huyết áp tư thế.
  • Đau đầu, khô miệng.
  • Xuất hiện cơn hưng cảm, có thể co giật kèm run rẩy, rung giật cơ.
  • Phù mặt, phù ngoại biên.
  • Gây ức chế tủy xương cấp, tăng bạch cầu ái toan, giảm hoặc mất bạch cầu hạt, thiếu máu tán huyết.
  • Tăng hoạt tính các enzym transaminase huyết thanh.
  • Phản ứng dị ứng, phát ban, ngứa, nổi mẩn đỏ.

Như vậy, Dobdiathuốc chống trầm cảm được kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ chuyên khoa. Ngoài cải thiện các triệu chứng của trầm cảm thuốc còn gây ra hàng loạt các tác dụng không mong muốn cho cơ thể. Vì vậy, cần thận trọng, tuân thủ đúng các chỉ định về liều dùng và thời gian dùng thuốc.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan