Công dụng thuốc Fluostine 5mg

Fluostine 5mg là thuốc dùng trong điều trị đau nửa đầu và rối loạn tiền đình. Vậy dùng thuốc Fluostine như thế nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc này? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Fluostine 5mg qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Fluostine 5mg

Thuốc ngăn chặn sự quá tải canxi tế bào, bằng cách giảm canxi tràn vào quá mức qua màng tế bào. Flunarizine không tác động trên sự co bóp và dẫn truyền cơ tim.

1.1 Chỉ định

  • Dự phòng đau nửa đầu
  • Ðiều trị triệu chứng chóng mặt tiền đình do rối loạn chức năng hệ thống tiền đình.
  • Ðiều trị các triệu chứng do thiểu năng tuần hoàn não và suy giảm oxy tế bào não bao gồm: chóng mặt, nhức đầu nguyên nhân mạch máu, rối loạn kích thích, mất trí nhớ, kém tập trung và rối loạn giấc ngủ.

1.2 Cách dùng - Liều dùng của Fluostine 5Mg

Cách dùng:

Vì nguy cơ thuốc có thể gây buồn ngủ, tốt hơn là dùng thuốc buổi tối trước khi đi ngủ.

Liều dùng:

Người lớn ≤ 65 tuổi và người cao tuổi (> 65 tuổi):

  • 5 mg/ngày, uống vào buổi tối, duy trì trong 4 đến 8 tuần.
  • Trong thời gian điều trị, nếu xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, ngoại tháp hay các biến cố bất lợi nghiêm trọng khác, cần ngừng dùng thuốc.
  • Nếu sau 8 tuần điều trị không có sự cải thiện, bệnh nhân được xem như không đáp ứng với điều trị và nên ngừng dùng thuốc.
  • Thời gian điều trị không quá 6 tháng.
  • Khuyến cáo chỉ dành cho bệnh nhân < 65 tuổi: Nếu biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân cho thấy đáp ứng điều trị không đầy đủ, có thể tăng lên đến 10mg/ngày nhưng cần cân nhắc trong khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân.

Trẻ em:

  • Trẻ em ≥ 12 tuổi, đặc biệt trong trường hợp đau nửa đầu chưa được chẩn đoán xác định: 5mg/ngày, uống vào buổi tối. Thời gian điều trị không quá 6 tháng.
  • Trẻ em < 12 tuổi: chưa có bằng chứng đầy đủ về hiệu quả và độ an toàn của flunarizin trên đối tượng này. Không khuyến cáo sử dụng flunarizin cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

1.3 Quá liều - quên liều và xử trí

Quá liều:

Triệu chứng: một vài trường hợp quá liều cấp (liều dùng hơn 600 mg) đã được báo cáo. Các triệu chứng chủ yếu là buồn ngủ, nhịp tim nhanh, kích động.

Xử trí: sử dụng than hoạt, điều trị triệu chứng. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.

Tích cực theo dõi để có biện pháp xử trí kịp thời.

Quên liều:

Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.

2. Tác dụng phụ của Fluostine 5Mg

  • Tác dụng phụ trên hệ thần kinh: mệt mỏi, buồn ngủ, lo âu
  • Tác dụng phụ trên tiêu hóa: tăng cảm giác thèm ăn dẫn đến tăng cân, nôn mửa, đau dạ dày
  • Tác dụng phụ khác: rối loạn vận động, trầm cảm, phát ban,...

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nhận thấy xuất hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc thì bệnh nhân cần xin ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ điều trị để có thể xử trí kịp thời và chính xác.

3. Lưu ý khi sử dụng Fluostine 5Mg

Chống chỉ định:

Thuốc Fluostine chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với flunarizin hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Có triệu chứng của bệnh Parkinson từ trước khi điều trị.
  • Tiền sử có các triệu chứng ngoại tháp.
  • Bệnh trầm cảm hoặc tiền sử có hội chứng trầm cảm tái phát.

Lưu ý

Thận trọng khi dùng thuốc:

  • Flunarizin có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm, biểu hiện ngoại tháp và hội chứng Parkinson, đặc biệt ở người cao tuổi. Vì vậy cần thận trọng sử dụng thuốc ở đối tượng này.
  • Không sử dụng thuốc quá liều khuyến cáo. Cần theo dõi người bệnh thường xuyên, định kỳ, đặc biệt trong thời gian điều trị duy trì để phát hiện sớm các biểu hiện ngoại tháp, trầm cảm và ngừng điều trị kịp thời.
  • Thời gian khởi phát hội chứng ngoại tháp có thể chậm (khoảng 1 năm). Tình trạng này thường không nghiêm trọng nhưng có thể kéo dài suốt vài tháng sau khi ngừng dùng thuốc (thời gian hồi phục trung bình là 3 tháng).
  • Việc hồi phục có thể không hoàn toàn và tiến hành điều trị Parkinson bằng thuốc có thể cần thiết. Trong một số trường hợp, các triệu chứng vẫn có thể tồn tại mặc dù được điều trị.
  • Các trường hợp trầm cảm thường xuyên được báo cáo. Tình trạng này xuất hiện sau 5 đến 8 tháng dùng thuốc, thường không nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, sử dụng thuốc chống trầm cảm và/hoặc nhập viện được xem là cần thiết đối với bệnh nhân.
  • Flunarizin có thể gây tăng cân.
  • Một số trường hợp mệt mỏi với mức độ nặng tăng dần đã được ghi nhận khi sử dụng flunarizin. Nếu tình trạng này xảy ra, cần ngưng điều trị với flunarizin.
  • Thuốc có chứa lactose hydrate nên những bệnh nhân không dung nạp galactose, thiếu enzym lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.

Khả năng lái xe và vận hành máy móc

Cần đặc biệt chú ý, nhất là đối với người lái xe và vận hành máy móc, về nguy cơ buồn ngủ do thuốc gây ra, khi bắt đầu điều trị.

Thời kỳ mang thai

Không có bằng chứng cho thấy tác dụng gây quái thai trên động vật, người ta dự đoán được không có tác dụng này trên người. Thực tế, hiện nay các hợp chất bị cho là gây dị tật ở người đã được chứng minh có tác dụng gây quái thai trên hai loài động vật trong các nghiên cứu được thực hiện chặt chẽ. Vì vậy, để thận trọng, tốt hơn là tránh dùng flunarizin cho phụ nữ có thai.

Thời kỳ cho con bú

Hiện chưa xác định flunarizine có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy flunarizin được bài tiết vào sữa. Quyết định cho người mẹ ngưng cho con bú hay tiếp tục/ngừng điều trị bằng flunarizin phải dựa trên lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ nhỏ so với lợi ích của việc điều trị đối với người mẹ.

4. Tương tác thuốc

Phối hợp cần tránh

  • Rượu

Tăng tác dụng buồn ngủ do rượu. Sự giảm tỉnh táo có thể gây nguy hiểm khi đang lái tàu xe và vận hành máy móc. Tránh dùng thức uống có cồn và các thuốc có chứa cồn.

Phối hợp cần lưu ý

  • Các thuốc có tác dụng atropinic

Cần lưu ý các hoạt chất atropinic có thể làm tăng cường tác dụng không mong muốn của chúng và dễ dàng gây ra bí tiểu, cơn cấp của glaucom, táo bón, khô miệng,...

Các thuốc atropinic khác có thể là các thuốc chống trầm cảm nhóm imipramin, phần lớn các thuốc kháng histamin H1 atropinic, các thuốc điều trị Parkinson có tác dụng anticholinergic, các thuốc chống co thắt atropinic, disopyramid, các thuốc liệt thần nhóm phenothiazin va clozapin.

  • Các thuốc an thần

Cần lưu ý rất nhiều hoạt chất có thể làm tăng cường tác dụng ức chế thần kinh trung ương và góp phần làm giảm tỉnh táo. Đó là các dẫn xuất của morphin (thuốc giảm đau, giảm ho và điều trị cai nghiện), các thuốc liệt thần, các thuốc nhóm benzodiazepin, các thuốc giải lo âu khác benzodiazepin (như meprobamat), các thuốc an thần, các thuốc chống trầm cảm có tác dụng gây ngủ (amitriptylin, doxepin, mianserin, mirtazapin, trimipramin), các thuốc kháng histamin H1 gây buồn ngủ, các thuốc chống tăng huyết áp tác động trên thần kinh trung ương, baclofen va thalidomid.

Các trường hợp khác

  • Topiramat

Dược động học của flunarizin không bị ảnh hưởng bởi topiramat. Khi đang dùng flunarizin kết hợp với topiramat liều 50mg mỗi 12 giờ, nồng độ flunarizin trong máu ghi nhận được tăng 16% ở bệnh nhân đau nửa đầu so với 14% ở bệnh nhân chỉ dùng một thuốc là flunarizin. Flunarizin không ảnh hưởng trên dược động học của topiramat ở trạng thái ổn định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan