Công dụng thuốc Glucophage 1000mg

Glucophage 1000mg là thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại 2, có tác dụng hạ đường huyết và kiểm soát lượng đường trong máu tốt. Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tham khảo kỹ những chỉ dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc sao cho đúng và phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình.

1. Glucophage 1000mg là thuốc gì?

Thuốc Glucophage 1000mg thường được sử dụng chủ yếu để điều trị cho các tình trạng mắc tiểu đường loại 2 không phụ thuộc insulin, nhất là ở những bệnh nhân bị béo phì áp dụng chế độ tập luyện và ăn kiêng không đáp ứng nhu cầu kiểm soát đường huyết. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén phóng thích kéo dài bao phim, có hình bầu dục, 2 mặt lồi có khắc rãnh, trong đó một mặt dập số “1000”.

Thuốc Glucophage 1000mg được sản xuất bởi công ty Dược Merck Sante, đóng gói theo quy cách hộp 2 vỉ x 15 viên, có chứa các thành phần sau:

  • Thành phần chính: Hoạt chất metformin hydrochloride tương đương 1000mg.
  • Các tá dược khác: Magnesium stearate, hypromellose (hydroxypropyl methylcellulose 2208), carmellose sodium (sodium carboxymethylcellulose).

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Glucophage 1000mg

2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Glucophage 1000mg

Thuốc Glucophage 1000mg thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Hỗ trợ điều trị cho những đối tượng mắc bệnh tiểu đường loại 2, có thể sử dụng phối hợp cùng chế độ tập luyện thể thao và ăn kiêng hợp lý.
  • Được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cùng insulin, các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác cho người mắc tiểu đường loại 2 từ 10 tuổi trở lên.
  • Được xem là phương pháp điều trị khi áp dụng chế độ ăn kiêng không mang lại hiệu quả như mong muốn, giúp những người mắc tiểu đường loại 2 cải thiện và giảm thiểu đáng kể các biến chứng.

2.2. Công dụng thuốc Glucophage 1000mg

Hoạt chất metformin hydrochloride trong thuốc Glucophage 1000mg là một biguanide, giúp làm giảm lượng đường huyết bằng cách giảm sự hấp thu đường ở ruột, đồng thời hỗ trợ tăng tổng hợp glycogen ở gan, ngăn chặn quá trình tân tạo đường và thúc đẩy tăng hoạt tính của insulin. Nhờ đó, lượng đường huyết được giảm đáng kể và ít gây tai biến.

Ngoài ra, hoạt chất metformin cũng tác động đến các tế bào tăng tổng hợp glycogen. Bên cạnh tác dụng hạ nồng độ glucose trong máu, hoạt chất này còn hỗ trợ quá trình chuyển hoá lipid trong cơ thể diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn.

Tốc độ hấp thu của metformin trong cơ thể tương đối chậm và có thể bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Thuốc được phân bổ nhanh vào các dịch và mô trong cơ thể với một lượng nhỏ vào hồng cầu. Metformin được bài tiết chủ yếu qua đường nước tiểu ở dạng không chuyển hoá. Độ thanh thải thận của metformin thường lớn hơn 400ml / phút, tuy nhiên có thể bị giảm ở những bệnh nhân suy thận.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Glucophage 1000mg

3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Glucophage 1000mg

Nhìn chung, không có một chế độ phân liều cố định nào về việc sử dụng thuốc Glucophage 1000mg cho bệnh nhân đái tháo đường loại 2. Liều dùng Glucophage XR sẽ được xác định dựa trên tình trạng bệnh cũng như sự dung nạp thuốc của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, không được dùng vượt quá liều tối đa được khuyến cáo mỗi ngày là 2000mg.

Người bệnh cũng nên sử dụng thuốc Glucophage 1000mg mỗi ngày một lần cùng với bữa tối. Nên bắt đầu uống với liều thấp trước, sau đó tăng dần liều từ từ nhằm làm giảm tác dụng phụ trên dạ dày, đồng thời giúp xác định được liều thuốc tối thiểu đủ để kiểm soát tốt lượng đường huyết. Dưới đây là liều thuốc Glucophage 100mg cụ thể cho mỗi đối tượng:

  • Liều khởi đầu thông thường cho người trưởng thành: Uống 850mg / liều, uống từ 2 – 3 lần / ngày, không nên uống > 3g / ngày.
  • Liều khởi đầu thông thường cho trẻ từ 10 – 17 tuổi: Uống 500 hoặc 850mg / liều, uống 1 lần / ngày, không nên uống > 2g / ngày.

Trong trường hợp sử dụng phối hợp Glucophage 1000mg cùng insulin để kiểm soát đường huyết, người bệnh có thể dùng thuốc theo liều khuyến nghị sau:

  • Liều khởi đầu thông thường dành cho Glucophage là 500mg / lần / ngày (vào bữa tối).
  • Điều chỉnh liều insulin phù hợp dựa trên kết quả đo đường huyết của bệnh nhân.
  • Tăng liều Glucophage lên 1000mg / lần / ngày sau khi điều chỉnh liều insulin.

Để có thể xác định được đáp ứng điều trị của thuốc Glucophage 1000mg cũng như liều dùng tối thiểu mang lại hiệu quả cho người mắc tiểu đường loại 2, khi bắt đầu điều trị và điều chỉnh liều cần kiểm tra lượng đường huyết lúc đói. Người bệnh cần được đo nồng độ HbA1C khoảng 3 tháng / lần. Việc điều trị riêng lẻ bằng Glucophage liều thấp hoặc kết hợp với insulin và sulfonylurea có thể giúp giảm chỉ số HbA1C và cả đường huyết lúc đói về mức bình thường.

Ngoài ra, việc theo dõi HbA1C hoặc đường huyết cũng giúp bác sĩ phát hiện thất bại tiên phát (dùng liều tối đa khuyến cáo không đủ để hạ đường huyết) và thất bại thứ phát (không đáp ứng mục tiêu kiểm soát đường huyết sau khoảng thời gian điều trị ban đầu có hiệu quả).

3.2. Cách sử dụng thuốc Glucophage 1000mg

Do thuốc Glucophage 1000mg được bào chế dưới dạng viên nén, vì vậy người bệnh nên sử dụng thuốc bằng đường uống trong hoặc cuối bữa ăn tối. Đối với liều chỉ định sử dụng thuốc là 2 lần / ngày, người bệnh có thể chia liều thành sáng và tối.

Khi uống, tuyệt đối không nên nhai mà cần nuốt toàn bộ viên thuốc cùng nước, điều này có thể giúp người bệnh làm giảm hoặc tránh được sự khó chịu ở đường tiêu hoá. Ngoài ra, thuốc Glucophage cần được sử dụng đều đặn hằng ngày, tránh ngắt quãng hoặc tự ý ngừng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

4. Cách xử trí khi uống quá liều hoặc quên liều thuốc Glucophage 1000mg

4.1. Cách xử trí khi uống quá liều thuốc Glucophage 1000mg

Khi uống quá 85g metformin có thể dẫn đến tình trạng nhiễm toan lactic. Đây là một biến chứng về chuyển hoá nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiễm toan acid lactic xảy ra khi một lượng lớn metformin tích tụ trong cơ thể do bệnh nhân dùng quá liều thuốc quy định. Theo thống kê, những ca bệnh gặp biến chứng chuyển hoá này thường gặp phải ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 bị suy thận.

Khi bị nhiễm toan acid lactic, người bệnh thường có triệu chứng điển hình như hạ thân nhiệt, khó thở, đau bụng và hôn mê. Kết quả chẩn đoán cho thấy, chỉ số pH máu của bệnh nhân có xu hướng giảm, tăng chênh lệch anion, tăng tỷ lệ lactate / pyruvate và nồng độ lactate huyết tượng > 5mmol / lít. Do có tính chất nguy hiểm cao, nên khi nhận thấy các triệu chứng nhiễm toan acid lactic, người bệnh cần lập tức dừng thuốc và đến bệnh viện sớm nhất có thể. Phương pháp điều trị quá liều metformin và nhiễm toan acid lactic hiệu quả nhất là thẩm tách máu.

4.2. Cách xử trí khi quên một liều thuốc Glucophage 1000mg

Trong trường hợp trót quên uống một liều thuốc Glucophage 1000mg, bệnh nhân cần dùng thuốc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu đã quá sát thời gian dùng liều kế tiếp, bạn cần bỏ qua liều đã lỡ và tiếp tục uống thuốc theo thời gian thường lệ. Lưu ý không nên uống bù liều hoặc gấp đôi liều nhằm tránh nguy cơ tích tụ metformin trong cơ thể.

5. Chống chỉ định sử dụng thuốc Glucophage 1000mg

Dưới đây là một số trường hợp không nên sử dụng thuốc Glucophage 1000mg, bao gồm:

  • Người bị dị ứng với metformin hydrochloride hoặc quá mẫn với bất kỳ tá dược nào của thuốc.
  • Người có biểu hiện của nhiễm toan thể ceton hoặc tiền hôn mê do đái tháo đường.
  • Bệnh nhân bị suy thận giai đoạn 3b (mức độ trung bình), giai đoạn nặng hoặc bị rối loạn chức năng thận (tốc độ lọc cầu thận dưới 45mL / phút / 1,73m2) hoặc độ thanh thải creatinin dưới 45mL / phút).
  • Mắc các trường hợp cấp tính có nguy cơ làm biến đổi chức năng thận, chẳng hạn như sốc, nhiễm trùng nặng hoặc mất nước.
  • Người bệnh tiêm tĩnh mạch chất cản quang có chứa iod.
  • Người mắc các bệnh có thể dẫn đến tình trạng giảm oxy huyết mô (biến chứng của bệnh mạn tính hoặc bệnh cấp tính), chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, sốc, suy hô hấp hoặc suy tim mất bù.
  • Người bị suy gan, nghiện rượu hoặc nhiễm độc rượu cấp tính.
  • Phụ nữ đang trong thai kỳ bị tiểu đường loại 2 chỉ được phép điều trị bằng insulin, không sử dụng metformin.

6. Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Glucophage 1000mg

Trong quá trình dùng thuốc Glucophage 1000mg, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn (ADR) sau đây:

  • ADR rất thường gặp: Người bệnh có thể gặp phải triệu chứng rối loạn dạ dày ruột, bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, ăn không ngon miệng hoặc đau dạ dày. Những tác dụng phụ này có thể xuất hiện khi bắt đầu điều trị bằng Glucophage 1000mg và sẽ tự mất đi sau đó. Để tránh những triệu chứng dạ dày ruột này, người bệnh nên dùng thuốc trong hoặc sau bữa ăn khoảng 2 – 3 liều đơn. Việc tăng liều chậm cũng góp phần giúp cải thiện sự dung nạp thuốc của dạ dày ruột.
  • ADR thường gặp: Xuất hiện các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh, rối loạn vị giác.
  • ADR hiếm gặp: Trong trường hợp hiếm gặp, thuốc Glucophage 1000mg có thể gây ra các vấn đề chuyển hóa và rối loạn dinh dưỡng như nhiễm toan acid lactic, giảm nồng độ huyết thanh hoặc giảm tỷ lệ hấp thu vitamin B12 của cơ thể khi dùng thuốc lâu dài. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng rối loạn và chuyển hoá dưới da như nổi mề đay, phát ban đỏ và ngứa. Đôi khi, các rối loạn gan mật cũng có thể xuất hiện, chẳng hạn như viêm gan không kèm theo vàng da hoặc chức năng gan bất thường.

Khi nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi sử dụng thuốc Glucophage 1000mg, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa hoặc đến trung tâm y tế để được chẩn đoán và có biện pháp xử trí đúng đắn.

7. Thuốc Glucophage 1000mg tương tác với những thuốc nào?

Khi sử dụng Glucophage 100mg với những loại thuốc khác có thể xảy ra sự tương tác hoặc hiện tượng cạnh tranh. Cụ thể:

  • Cồn: Làm tăng nguy cơ bị nhiễm toan lactic trong trường hợp ngộ độc cồn cấp tính, nhất là ở những bệnh nhân bị suy gan, suy dinh dưỡng hoặc áp dụng chế độ ăn kiêng.
  • Chất cản quang có chứa iod: Gây suy thận, tích luỹ metformin và làm tăng rủi ro nhiễm toan acid lactic.
  • Một số loại thuốc có tác dụng làm tăng đường huyết nội tại: Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh calci khi dùng phối hợp với Glucophage 1000mg có thể dẫn đến rối loạn đường huyết trong cơ thể.
  • Thuốc gây hạ đường huyết: Dẫn đến tình trạng hạ đường huyết quá mức, gây ra các triệu chứng như hạ huyết áp, choáng váng và ngất xỉu.
  • Các chất ức chế men chuyển: Gây giảm mức đường huyết.

Nhằm tránh nguy cơ tương tác giữa các loại thuốc với nhau, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chất hoặc thuốc khác để điều trị cùng với Glucophage 1000mg.

8. Một số điều cần lưu ý và cách bảo quản thuốc Glucophage 1000mg

8.1. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Glucophage 1000mg

Trước và trong khi sử dụng thuốc Glucophage 1000mg, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc cũng như bao bì và chất lượng viên thuốc trước khi bắt đầu dùng.
  • Luôn tuân thủ theo liều lượng khuyến cáo của bác sĩ, tránh tự ý tăng / giảm liều khi chưa có sự chỉ định.
  • Thực hiện đầy đủ và đúng theo kế hoạch của một đợt điều trị, không tự ý ngưng thuốc giữa chừng.
  • Những người vận hành máy móc hoặc điều khiển phương tiện cần thận trọng khi dùng Glucophage do tác dụng hạ đường huyết khi dùng kết hợp với những thuốc khác như insulin, repaglinide hoặc sulphonylureas.
  • Không sử dụng metformin điều trị đái tháo đường loại 2 cho phụ nữ có kế hoạch mang thai hoặc đang trong thời gian thai kỳ. Thay vào đó sử dụng insulin để duy trì mức đường trong máu gần nhất với mức bình thường nhằm làm giảm nguy cơ dị tật thai nhi.
  • Phụ nữ cho con bú không nên điều trị bằng metformin do thuốc được bài tiết trong sữa mẹ. Quyết định ngừng sử dụng thuốc hoặc ngưng cho con bú sẽ được xác định dựa trên mức độ quan trọng của thuốc đối với tình trạng sức khoẻ của người mẹ.

8.2. Cách bảo quản thuốc Glucophage 1000mg

Thuốc Glucophage 1000mg cần được bảo quản ở nơi khô ráo, nhiệt độ < 30 độ C và tránh ánh sáng trực tiếp. Thuốc nên được cất ở vị trí cao, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ và vật nuôi trong gia đình. Ngoài ra, xử lý thuốc hết hạn hoặc hư hỏng ở đúng nơi quy định theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh vứt thuốc bừa bãi ở toilet hoặc cống rãnh.

Glucophage 1000mg là thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại 2, có tác dụng hạ đường huyết và kiểm soát lượng đường trong máu tốt. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan