Công dụng thuốc Lamostad 100

Lamostad 100 là thuốc thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, có thành phần chính là Lamotrigine, hàm lượng 100mg, được bào chế dưới dạng viên nén. Lamostad 100 được dùng trong điều trị bệnh động kinh và phòng ngừa trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực. Để hiểu rõ hơn về thuốc Lamostad 100 hãy theo dõi thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Lamostad 100 là thuốc gì?

Lamostad 100 có thành phần chính là Lamotrigine, hàm lượng 100g, được bào chế dưới dạng viên nén. Cơ chế tác dụng của thuốc Lamostad 100 trên thực nghiệm và lâm sàng cho thấy có 2 kiểu tác dụng: Tác dụng trực tiếp liên quan đến nồng độ valproate trong huyết tương và trong não. Tác dụng gián tiếp bằng cách tác động lên các chất trung gian dẫn truyền thần kinh hoặc tác dụng trực tiếp trên màng tế bào thông qua các chất chuyển hóa.

2. Thuốc Lamostad 100 có tác dụng gì?

Lamostad 100 được dùng để điều trị phối hợp động kinh ở người lớn và trẻ em, điều trị rối loạn lưỡng cực.

Điều trị động kinh:

  • Ở người lớn và ở trẻ em trên 12 tuổi: Thuốc có tác dụng điều trị đơn trị liệu hoặc hỗ trợ điều trị động kinh cục bộ và toàn thể, bao gồm động kinh co cứng-co giật. Động kinh có liên quan đến hội chứng Lennox-Gastaut.
  • Ở trẻ em từ 2 – 12 tuổi: Thuốc có tác dụng điều trị hỗ trợ động kinh cục bộ và toàn thể, bao gồm động kinh co cứng-co giật và động kinh có liên quan đến hội chứng Lennox-Gastaut. Tác dụng đơn trị liệu động kinh cơn vắng ý thức cục bộ.

Điều trị rối loạn lưỡng cực

  • Ở người lớn từ 18 tuổi trở lên: Thuốc có tác dụng phòng ngừa các đợt trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực I, chủ yếu bị các đợt trầm cảm.

3. Chống chỉ định của thuốc Lamostad 100

  • Không dùng thuốc Lamostad khi quá mẫn với Lamotrigine hay bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc quá mẫn với valproate sodium.
  • Lamostad không được dùng trong các trường hợp mắc các bệnh lý: Viêm gan cấp, Viêm gan mạn, người có tiền sử gia đình có viêm gan nặng, đặc biệt là viêm gan do thuốc, bệnh Porphyria.

4. Liều dùng của thuốc Lamostad 100

Thuốc Lamostad 100 được dùng theo chỉ định của bác sĩ, tuỳ theo đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân, có thể tham khảo liều dùng dưới đây:

Điều trị động kinh

  • Điều trị đơn trị liệu:

Với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Bắt đầu bằng liều 25mg, 1 lần/ngày trong 2 tuần đầu. Tiếp theo là liều 50 mg, 1 lần/ngày trong 2 tuần tiếp theo. Sau đó tăng liều tối đa 50 – 100 mg mỗi 1 – 2 tuần đến khi đạt được đáp ứng. Liều duy trì: 100 – 200 mg/ngày, chia 1 - 2 lần/ngày.

  • Điều trị hỗ trợ:

Ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:

  • Ở bệnh nhân đang uống valproate cùng hoặc không cùng thuốc chống động kinh nào khác: Trong 2 tuần đầu, Khởi đầu bằng liều 25 mg, dùng cách ngày; Trong 2 tuần tiếp theo dùng liều 25 mg, 1 lần/ngày; Sau đó nên tăng liều lên tối đa 25 – 50 mg mỗi 1 – 2 tuần đến khi đạt được đáp ứng; Liều duy trì: 100 – 200 mg/ngày, chia 1- 2 lần/ngày.
  • Ở người đang sử dụng đồng thời thuốc chống động kinh khác hoặc thuốc khác cảm ứng sự glucuronide hóa lamotrigine cùng hoặc không cùng thuốc chống động kinh khác trừ valproate: Trong 2 tuần đầu bắt đầu bằng liều 50 mg/lần/ngày; Trong 2 tuần tiếp theo 100 mg/2 lần/ngày; Sau đó tăng liều, tối đa 100 mg mỗi 1 – 2 tuần; Liều duy trì: 200 – 400 mg/2 lần/ngày.
  • Ở người đang dùng oxcarbazepine không dùng với bất kỳ thuốc ức chế hoặc cảm ứng sự glucuronide hóa lamotrigine nào khác: Trong 2 tuần đầu, liều khởi đầu: 25 mg, 1 lần/ngày; 2 tuần tiếp theo dùng liều 50 mg, 1 lần/ngày; Sau đó tăng liều, tối đa 50 – 100 mg mỗi 1 – 2 tuần; Liều duy trì: 100 – 200 mg/ngày, chia 1 - 2 lần/ngày.

Ở trẻ em 2 – 12 tuổi:

  • Ở trẻ đang uống valproate cùng hoặc không cùng thuốc chống động kinh khác: 2 tuần đầu, bắt đầu bằng liều 0,15 mg/kg, 1 lần/ngày; 2 tuần tiếp theo 0,3 mg/kg, 1 lần/ngày; Sau đó tăng liều, tối đa 0,3 mg/kg mỗi 1 – 2 tuần; Liều duy trì: 1 – 5 mg/kg, chia 1 - 2 lần/ngày.
  • Ở trẻ đang dùng đồng thời thuốc chống động kinh khác hoặc thuốc khác cảm ứng sự glucuronide hóa lamotrigine cùng hoặc không cùng thuốc chống động kinh khác trừ valproate: Trong 2 tuần đầu, liều khởi đầu là 0,6 mg/kg, chia 2 lần/ngày; 2 tuần tiếp theo 1,2 mg/ kg, chia 2 lần/ngày; Sau đó tăng liều, tối đa 1,2 mg/kg mỗi 1 – 2 tuần; Liều duy trì: 5 – 15 mg/kg, chia 2 lần/ngày.
  • Ở trẻ đang dùng oxcarbazepine, không dùng với bất kỳ thuốc ức chế hoặc cảm ứng sự glucuronide hóa lamotrigine nào khác: 2 tuần đầu khởi đầu bằng liều 0,3 mg/kg, chia 1- 2 lần/ngày; Trong 2 tuần tiếp theo 0,6 mg/ kg, chia 1 - 2 lần/ngày; Sau đó tăng liều, tối đa 0,6 mg/kg mỗi 1 – 2 tuần; Liều duy trì: 1 – 10 mg/kg, chia 1- 2 lần/ngày, tối đa đạt 200 mg/ngày.

Điều trị rối loạn lưỡng cực

  • Điều trị đơn trị liệu với lamotrigine hoặc điều trị hỗ trợ không có thuốc valproate và các thuốc gây cảm ứng sự glucuronide hóa lamotrigine: Trong 2 tuần đầu, khởi đầu liều 25 mg, 1 lần/ngày; Trong 2 tuần tiếp theo 50 mg, chia 1- 2 lần/ngày; Tuần 5 tăng liều đến 100 mg, chia 1- 2 lần/ngày; Trong tuần 6, liều ổn định là 200 mg, chia 1-2 lần/ngày.
  • Điều trị kết hợp với valproate: 2 tuần đầu, liều khởi đầu 25 mg, dùng cách ngày; 2 tuần tiếp theo 25 mg, 1 lần/ngày; Tuần 5, liều 50 mg, chia 1- 2 lần/ngày; Tuần 6, liều ổn định là 100 mg, chia 1- 2 lần/ngày; liều tối đa có thể là 200 mg/ngày tùy đáp ứng.
  • Điều trị hỗ trợ không có thuốc valproate và có các thuốc cảm ứng sự glucuronide hóa lamotrigine: 2 tuần đầu, liều khởi đầu 50 mg, 1 lần/ngày; 2 tuần tiếp theo 100 mg, chia 2 lần/ngày; Tuần 5, liều 200 mg, chia 2 lần/ngày; Tuần 6, liều ổn định là 300 mg, chia 2 lần/ngày, có thể thay đổi liều thuốc tùy đáp ứng; Tuần 7, liều đạt đáp ứng tối ưu là 400 mg/ngày, chia 2 lần/ngày.

Điều chỉnh liều Lamostad khi bắt đầu sử dụng thêm thuốc cảm ứng glucuronide hóa lamotrigine:

  • Với liều mục tiêu đã dùng 200 mg/ngày: Tuần 1, liều 200 mg/ngày; Tuần 2, liều 300 mg/ngày; Từ tuần 3 trở đi, liều 400 mg/ngày.
  • Với liều mục tiêu đã dùng 150 mg/ngày: Tuần 1, liều 150 mg/ngày, Tuần 2, liều 225 mg/ngày; Từ tuần 3 trở đi, liều 300 mg/ngày.
  • Với liều mục tiêu đã dùng là 100 mg/ngày: Tuần 1, liều 100 mg/ngày; Tuần 2 liều 150 mg/ngày; Từ tuần 3 trở đi, liều 200 mg/ngày.

Điều chỉnh liều Lamostad khi bắt đầu ngưng sử dụng thuốc cảm ứng glucuronide hóa lamotrigine:

  • Với liều mục tiêu đã dùng 400 mg/ngày: Tuần 1, liều 400 mg/ngày, Tuần 2, liều 300 mg/ngày; Từ tuần 3 trở đi, liều 200 mg/ngày (có thể lên đến 400 mg).
  • Với liều mục tiêu đã dùng 300 mg/ngày: Tuần 1, liều 300 mg/ngày, Tuần 2, liều 225 mg/ngày; Từ tuần 3 trở đi, liều 150 mg/ngày (có thể lên đến 400 mg).
  • Với liều mục tiêu đã dùng 200 mg/ngày: Tuần 1, liều 200 mg/ngày, Tuần 2, liều 150 mg/ngày; Từ tuần 3 trở đi, liều 100 mg/ngày (có thể lên đến 400 mg).

Ở bệnh nhân bị suy gan vừa-nặng: giảm liều Lamostad 50 – 75%.

Ở người bệnh bị suy thận giai đoạn cuối: giảm liều Lamostad duy trì.

Cách dùng thuốc Lamostad 100: Thuốc Lamostad được làm dưới dạng viên nén, dùng thuốc bằng đường uống. Người bệnh cần uống nguyên viên với nước lọc, không bẻ thuốc, không nhai thuốc.

5. Những thận trọng khi dùng thuốc Lamostad 100

Những thận trọng khi dùng thuốc Lamostad 100

  • Đột tử không rõ nguyên nhân trong cơn động kinh, có báo cáo 20 trên 4700 trường hợp dùng thuốc điều trị hỗ trợ đột tử không rõ nguyên nhân. Bằng chứng này không thể chứng minh, có thể là do đối tượng điều trị hơn là do thuốc.
  • Tình trạng động kinh: có một số báo cáo về sự gia tăng các cơn động kinh có tính chất khác nhau
  • Hành vi tự tử: Có báo cáo về ý định và hành vi tự tử ở những bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc chống động kinh khi dùng cho nhiều chỉ định. Do đó, nên theo dõi hành vi của bệnh nhân, bác sĩ nên tư vấn cho bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.
  • Ban da: Có báo cáo về tác dụng phụ ở da khi dùng Lamotrigine trong những tuần đầu, phần lớn là phát ban nhẹ, hiếm gặp phát ban nặng phải nhập viện và ngưng dùng thuốc.
  • Cẩn trọng khi điều trị cho người có tiền sử dị ứng hoặc phát ban với các thuốc chống động kinh khác. Nên xác định và ngưng sử dụng Lamotrigine ngay ở tất cả các bệnh nhân có phát ban, trừ khi phát ban không liên quan đến thuốc. Không nên sử dụng lại lamotrigine ở những người đã bị quá mẫn trước đó.
  • Dùng thuốc tránh thai nội tiết sẽ làm tăng độ thanh thải của thuốc Lamotrigine dẫn đến mất kiểm soát cơn động kinh và có thể bị giảm tác dụng của thuốc tránh thai. Bác sĩ nên hướng dẫn biện pháp tránh thai đặc biệt và khuyến khích phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai không thuộc nội tiết tố.
  • Cần thận trọng khi khi ngừng thuốc, việc ngưng Lamotrigine đột ngột có thể kích thích cơn động kinh quay trở lại, cần phải giảm từ từ liều dùng, trừ trường hợp bắt buộc phải ngưng thuốc ngay.
  • Trong thai kỳ, nếu cần thiết điều trị với Lamotrigine, nên dùng liều thấp nhất có thể. Phải đảm bảo kiểm soát trong suốt quá trình điều trị với Lamotrigine. Cần phải cân nhắc giữa lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ với nguy cơ trẻ có thể xảy ra tác dụng không mong muốn.
  • Do tác dụng phụ của thuốc lên hệ thần kinh có thể gây chóng mặt, run, kích thích, nên cần chú ý phản ứng của cơ thể với thuốc trước khi lái xe hay vận hành máy móc.

6. Tương tác thuốc Lamostad 100

Thuốc Lamotrigine tương tác với thuốc chống động kinh khác có chuyển hóa ở gan.

7. Tác dụng phụ của thuốc Lamostad 100

Tác dụng phụ của thuốc Lamostad 100 có thể xảy ra với tần suất như sau:

  • Tác dụng phụ rất thường gặp: đau đầu, ban da.
  • Tác dụng phụ thường gặp: Hung hăng, kích thích, ngủ lơ mơ, chóng mặt, run, mất ngủ, kích động, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, khô miệng, đau, đau lưng, đau khớp.
  • Tác dụng phụ ít gặp: mất điều hoà cơ, nhìn đôi, nhìn mờ.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: rung giật nhãn cầu, viêm kết mạc, viêm màng não vô khuẩn, hội chứng Stevens-Jonhson.

Thuốc Lamostad 100 là thuốc được dùng trong điều trị bệnh động kinh và phòng ngừa trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, thuốc Lamostad 100 có nhiều tác dụng phụ, nhiều lưu ý khi dùng thuốc, nên khi dùng cần phải tuân thủ đúng theo y lệnh của bác sĩ để điều trị hiệu quả và an toàn cho người bệnh. Bạn có thể hỏi ngay bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc gì về thuốc.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

182 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan