Công dụng thuốc Liapom

Liapom là thuốc được chỉ định trong việc giúp người bệnh giảm nguy cơ đột quỵ, đau tim hoặc các biến chứng bệnh tim chuyển hóa khác. Thuộc nhóm thuốc kê đơn nên để đảm bảo hiệu quả sử dụng Liapom, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Liapom là gì?

1.1. Thuốc Liapom là thuốc gì?

Thuốc Liapom thuộc nhóm thuốc tim mạch, có số đăng ký VN-16679-13, do công ty M/s Bio Labs (Pvt) Ltd – Pakistan sản xuất, nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam bởi Công ty TNHH Dược phẩm DOHA. Với thành phần hoạt chất chính là Atorvastatin (dưới dạng Atorvastatin calcium) hàm lượng 10mg.

Thuốc Liapom được bào chế dưới dạng viên nén bao phin, vỉ 10 viên, hộp 3 vỉ.

Thuốc Liapom khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành và trẻ em từ 10 tuổi trở lên.

1.2. Thuốc Liapom có tác dụng gì?

Thuốc Liapom được sử dụng để giảm mức cholesterol "xấu" trong máu (lipoprotein mật độ thấp hoặc LDL), tăng mức cholesterol "tốt" (lipoprotein mật độ cao hoặc HD), giảm chất béo trung tính và điều trị các triệu chứng của cholesterol cao (tăng lipid máu). Với hoạt chất Atorvastatin trong thuốc Liapom làm thay đổi lipid máu chỉ nên là một phần của sự can thiệp đa yếu tố nguy cơ ở những người có nguy cơ mắc bệnh mạch máu do xơ vữa động mạch mà nguyên nhân tăng cholesterol máu đáng kể.

Thuốc Liapom được kê đơn chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

  • Làm giảm chỉ số cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, triglycerid và apolipoprotein B; tăng chỉ số HDL-cholesterol ở những bệnh nhân có tăng cholesterol máu nguyên phát.
  • Bệnh nhân mắc chứng rối loạn betalipoprotein máu không đáp ứng đầy đủ với chế độ ăn kiêng hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol.
  • Ở những bệnh nhân trưởng thành không có biểu hiện bệnh tim mạch rõ ràng về mặt lâm sàng, nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như bệnh võng mạc, albumin niệu, hút thuốc hoặc tăng huyết áp,
  • Ở những bệnh nhân trưởng thành bị bệnh mạch vành có biểu hiện lâm sàng: Liapom giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim không gây tử vong, giảm nguy cơ đột quỵ gây tử vong và không gây tử vong, giảm nguy cơ nhập viện vì CHF, giảm nguy cơ đau thắt ngực.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Atorvastatin, thuốc ức chế men khử HMG-CoA hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị bệnh gan tiến triển hoặc tăng transaminase huyết thanh liên tục mà không tìm được nguyên nhân.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Trẻ em dưới 10 tuổi.

2. Cách sử dụng thuốc Liapom

2.1. Cách dùng thuốc Liapom

  • Thuốc Liapom dùng đường uống, có thể dùng bất cứ lúc nào trong ngày, không liên quan đến bữa ăn.
  • Uống nguyên viên thuốc với nước lọc, không bẻ vụn hay nghiền nát và trộn với bất kỳ dung dịch hay hỗn hợp nào để uống.
  • Tuân thủ đúng theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất.

2.2. Liều dùng của thuốc Liapom

Người lớn:

  • Điều trị tăng cholesterol máu (có hoặc không có tính gia đình) và rối loạn lipid máu hỗn hợp: Liều khởi đầu được khuyến cáo là 10 hoặc 20mg x 1 lần trong ngày. Những bệnh nhân cần giảm chỉ số LDL cholesterol nhiều (khoảng trên 45%) có thể bắt đầu với liều 40mg, 1 lần trong ngày. Khoảng liều điều trị của thuốc Liapom là 10 - 80mg uống 1 lần mỗi ngày. Cần đánh giá các chỉ số lipid máu trong vòng 2 đến 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị hoặc tăng liều Liapom để có thể điều chỉnh liều cho thích hợp.
  • Điều trị tăng nồng độ cholesterol trong máu có tính chất gia đình đồng hợp tử: 10-80mg mỗi ngày. Cần phối hợp Liapom với những biện pháp hạ lipid khác.
  • Điều trị phối hợp: Liapom có thể được điều trị phối hợp với Resin nhằm tăng hiệu quả điều trị.
  • Liều dùng của Liapom ở người suy thận: Không cần điều chỉnh liều.

Trẻ em:

  • Điều trị tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử ở bệnh nhi (từ 10 tuổi đến 17 tuổi): Liều khởi đầu khuyến cáo của Liapom là 10mg/ ngày; phạm vi liều thông thường là 10 - 20mg uống 1 lần mỗi ngày. Ở những trường hợp đáp ứng thuốc tốt có thể tăng liều đến 80mg.
  • Liều dùng cho trẻ nên được cá nhân hoá để đạt được hiệu quả điều trị.

Xử lý khi quên liều:

  • Vì thuốc chỉ dùng một lần trong ngày nên chọn thời điểm cố định nào đó để uống nhằm hạn chế việc quên liều.
  • Trong trường hợp lỡ quên 1 liều thuốc thì cần uống ngay khi nhớ ra, ngày hôm sau nên uống vào thời điểm mà hôm nay bạn uống.

Xử trí khi quá liều:

  • Không có phác đồ điều trị cụ thể cho việc dùng quá liều Atorvastatin, hướng điều trị chủ yếu dựa theo tình trạng của bệnh nhân.
  • Cần thực hiện các xét nghiệm sinh hoá máu kiểm tra chức năng gan và theo dõi nồng độ CK huyết thanh.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Liapom

  • Trước khi điều trị với Liapom cần chú ý loại trừ các nguyên nhân gây rối loạn lipid máu thứ phát và kiểm tra định kỳ định lượng các chỉ số lipid, nên tiến hành kiểm tra dưới 4 tuần.
  • Dùng Liapom thận trọng ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan, bệnh nhân uống nhiều rượu.
  • Trong quá trình điều trị với Liapom bệnh nhân vẫn cần có chế độ ăn kiêng hợp lý giống như trước khi điều trị với thuốc.
  • Nếu bạn đang dùng Liapom và phát hiện mình có thai thì cần dừng thuốc ngay.
  • Thận trọng khi sử dụng Liapom cho những bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết hoặc nhồi máu tuyến lệ trước đó, do nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ xuất huyết.
  • Trong một số trường hợp hiếm gặp, hoạt chất Atorvastatin có thể ảnh hưởng đến cơ xương gây đau cơ, viêm cơ và có thể tiến triển thành tiêu cơ vân - tình trạng nguy hiểm có khả năng đe dọa tính mạng đặc trưng bởi nồng độ creatine kinase (CK) tăng cao rõ rệt (gấp 10 lần ULN), myoglobin niệu và myoglobinaemia có thể dẫn đến suy thận.

4. Tác dụng phụ của thuốc Liapom

Về cơ bản Atorvastatin được dung nạp tốt, tác dụng phụ thường ở mức độ nhẹ và thoáng qua.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của Liapom bao gồm:

  • Đau khớp;
  • Nghẹt mũi;
  • Đau họng;
  • Buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy.

Liapom có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Đau hoặc rát khi bạn đi tiểu;
  • Đau bụng trên;
  • Cảm thấy mệt, yếu đuối;
  • Ăn mất ngon;
  • Nước tiểu đậm, ít hoặc không đi tiểu;
  • Vàng da hoặc mắt;
  • Sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân của bạn;
  • Hụt hơi.

5. Tương tác thuốc Liapom

  • Thuốc chống đông, Indandione phối hợp với Liapom sẽ làm tăng thời gian chảy máu hoặc thời gian prothrombin. Cần theo dõi chặt chẽ thời gian prothrombin ở các bệnh nhân có dùng phối hợp với thuốc chống đông.
  • Digoxin: Dùng phối hợp với Liapom gây tăng nhẹ nồng độ digoxin trong huyết thanh.
  • Sử dụng đồng thời Liapom và thuốc tránh thai đường uống làm tăng nồng độ Norethindrone và Ethinyl estradiol trong huyết tương.
  • Nồng độ Atorvastatin trong huyết tương tăng lên đáng kể khi dùng đồng thời Liapom với các thuốc kháng nấm nhóm Azole hoặc kháng sinh nhóm Macrolid chọn lọc.
  • Cân nhắc xem lợi ích của việc sử dụng liều lượng điều chỉnh lipid của Niacin đồng thời với Liapom có lớn hơn nguy cơ tăng bệnh cơ và tiêu cơ vân hay không. Nếu vẫn quyết định sử dụng đồng thời, cần theo các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cơ, đặc biệt là trong thời gian bắt đầu điều trị bằng Liapom và trong quá trình chuẩn độ liều trở lên của 1 trong 2 loại thuốc. Lưu ý tương tự với các thuốc Cyclosporine, Gemfibrozil, Erythromycin, thuốc ức chế miễn dịch.

6. Cách bảo quản thuốc Liapom

  • Thời gian bảo quản thuốc Liapom là 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
  • Nên để thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, hay những nơi quá ẩm thấp như nhà tắm, tủ lạnh.
  • Nhiệt độ bảo quản hợp lý là dưới 30 độ C.
  • Cách xa tầm với của trẻ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Liapom, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Liapom là thuốc kê đơn, bạn cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

36 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan