Công dụng thuốc Macxicin

Thuốc Macxicin được bào chế dưới dạng bột pha dung dịch tiêm, có thành phần chính là Ceftazidim. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm với thuốc.

1. Macxicin là thuốc gì?

Một hộp thuốc Macxicin có chứa:

  • 1 lọ chứa hỗn hợp Ceftazidim và natri carbonat vô khuẩn tương đương 2g Ceftazidim;
  • 1 ống nước cất pha tiêm có chứa 5ml nước vô khuẩn pha tiêm.

Ceftazidimkháng sinh beta - lactam phổ rộng, bán tổng hợp và được dùng đường tiêm. Ceftazidim là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, có tác động diệt khuẩn bằng cách ức chế enzyme tổng hợp màng tế bào vi khuẩn. Nhiều vi khuẩn gram âm nhạy cảm với Ceftazidim, bao gồm cả những chủng vi khuẩn đề kháng với Gentamycin và một số aminoglycosid khác. Bên cạnh đó, Ceftazidim cũng có hoạt tính đối với các chủng vi khuẩn gram dương. Đồng thời, thuốc cũng có hoạt tính đối với nhiều chủng vi khuẩn đề kháng với ampicillin và các cephalosporin khác.

Chỉ định sử dụng thuốc Macxicin: Điều trị ở các bệnh nhân nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc trong các bệnh sau:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới;
  • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da;
  • Nhiễm khuẩn đường niệu biến chứng/không biến chứng;
  • Nhiễm khuẩn máu;
  • Nhiễm khuẩn xương khớp;
  • Nhiễm khuẩn phụ khoa: Gồm viêm nội mạc tử cung, nhiễm khuẩn sinh dục, viêm tế bào khung chậu;
  • Nhiễm khuẩn trong ổ bụng: Gồm viêm phúc mạc và đa nhiễm khuẩn;
  • Nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, bao gồm viêm màng não.

Ceftazidim có thể được sử dụng đơn độc trong trường hợp nghi ngờ hoặc xác định nhiễm khuẩn huyết. Thuốc được sử dụng thành công trong các thử nghiệm lâm sàng sử dụng đồng thời nhiều loại kháng sinh. Ceftazidim có thể dùng đồng thời với các loại kháng sinh khác như kháng sinh aminoglycosid, clindamycin, vancomycin trong các trường hợp nhiễm trùng nặng đe dọa tới tính mạng hoặc trong những bệnh nhân bị tổn thương miễn dịch. Liều dùng sẽ tùy chỉnh theo mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn và tình trạng của bệnh nhân.

Để giảm sự phát triển của các loại vi khuẩn kháng thuốc và duy trì hiệu quả của Ceftazidim hay các thuốc kháng khuẩn khác, chỉ sử dụng Ceftazidim để điều trị hoặc ngăn ngừa các nhiễm khuẩn đã được xác định là gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm. Khi đã có thông tin về việc nuôi cấy vi khuẩn và tính nhạy cảm, nên xem xét về lựa chọn điều trị sao cho phù hợp.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Macxicin:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với thuốc hoặc kháng sinh nhóm Cephalosporin.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Macxicin

2.1. Cách dùng thuốc Macxicin

Thuốc Macxicin được dùng tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sâu. Bệnh nhân thường được tiêm vào góc phần tư phía trên của mông hoặc vào phần bên của bắp đùi.

Cách pha, chỉ định các loại dung dịch tiêm truyền:

  • Tiêm bắp: Để tiêm bắp, nên pha Ceftazidim với 1 trong các dung môi sau: Nước kìm khuẩn pha tiêm, nước vô khuẩn dùng để pha tiêm hoặc thuốc tiêm Lidocain Hydrochloride 0,5% và 1%;
  • Tiêm tĩnh mạch: Tiêm tĩnh mạch thường được sử dụng cho người bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng rất nặng khác, có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Ngoài ra, tiêm tĩnh mạch cũng được chỉ định cho người bệnh có nguy cơ gặp các tai biến nặng do sức đề kháng thấp vì suy nhược như suy dinh dưỡng, phẫu thuật, chấn thương, tiểu đường, suy tim, có khối u ác tính;
  • Tiêm truyền tĩnh mạch: Pha lọ thuốc 1g hoặc 2g với 100ml nước vô khuẩn pha tiêm hoặc dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dextrose 5%. Ngoài ra, có thể hòa tan bột thuốc trong lọ 500mg, 1g hoặc 2g rồi lấy lượng dung dịch thích hợp cho vào bình đựng của một trong các dung dịch tiêm tĩnh mạch tương thích.

2.2. Liều dùng thuốc Macxicin

Liều dùng thuốc Macxicin tùy thuộc mức độ trầm trọng, vị trí, tính nhạy cảm, loại nhiễm khuẩn, cân nặng, tuổi tác và chức năng thận của bệnh nhân. Trong đa số trường hợp nhiễm khuẩn: Dùng 1g mỗi 8 giờ hoặc 1g mỗi 12 giờ. Trường hợp nhiễm khuẩn rất nặng: Dùng 2g mỗi 12 giờ.

Cụ thể:

  • Người lớn: Dùng liều 1 - 6g/ngày, chia làm 2 - 3 lần;
  • Trẻ em từ trên 1 tháng - 12 tuổi: Dùng liều 30 - 50mg/kg cân nặng mỗi 8 giờ;
  • Trẻ sơ sinh tới 1 tháng tuổi: Dùng liều 30mg/kg cân nặng mỗi 12 giờ;
  • Người cao tuổi: Liều thông thường không vượt quá 3g/ngày, đặc biệt ở những bệnh nhân trên 70 tuổi;
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận: Ceftazidim được đào thải qua thận (chủ yếu bằng sự lọc cầu thận) nên ở bệnh nhân suy thận (tốc độ suy thận dưới 50ml/phút) thì nên giảm liều Ceftazidim để bù đắp vào sự đào thải chậm của nó. Ở những bệnh nhân nghi ngờ có suy thận, có thể sử dụng liều tấn công 1g Ceftazidim. Đồng thời, nên kiểm tra tốc độ lọc cầu thận của bệnh nhân để xác định liều thuốc duy trì phù hợp. Liều khuyến cáo cho người bệnh suy thận như sau:
    • Độ thanh thải creatinin 31 - 50ml/phút: Dùng liều 1g/lần mỗi 12 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 16 - 30ml/phút: Dùng liều 1g/lần mỗi 24 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 6 - 15ml/phút: Dùng liều 500mg/lần mỗi 24 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin dưới 5ml/phút: Dùng liều 500mg/lần mỗi 48 giờ.

Quá liều: Việc sử dụng Ceftazidim quá liều thường xảy ra ở bệnh nhân suy thận. Các phản ứng bao gồm bệnh não, run, cơn co giật, tăng kích thích thần kinh cơ và hôn mê. Người bệnh quá liều cấp tính nên được theo dõi sức khỏe cẩn thận và được điều trị hỗ trợ. Trong trường hợp bệnh nhân bị thiểu năng thận, có thể thẩm phân máu hoặc thẩm phân màng bụng để loại bỏ Ceftazidim ra khỏi cơ thể.

3. Tác dụng phụ của thuốc Macxicin

Thông thường, Ceftazidim được dung nạp khá tốt, tỷ lệ xảy ra phản ứng có hại khá thấp. Khi sử dụng thuốc Macxicin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Phản ứng tại chỗ: Viêm tĩnh mạch và viêm tại vị trí tiêm thuốc;
  • Phản ứng quá mẫn: Ngứa, phát ban, sốt, hoại tử da gây độc, ban đỏ da, hội chứng Stevens - Johnson, phù mạch, sốc phản vệ (co thắt phế quản, hạ huyết áp);
  • Triệu chứng đường tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, viêm ruột màng giả (xuất hiện trong hoặc sau điều trị);
  • Phản ứng thần kinh trung ương: Chóng mặt, đau đầu, dị cảm, co giật, bệnh não, run, hôn mê, tăng kích thích thần kinh cơ;
  • Huyết học: Thiếu máu huyết giải;
  • Thay đổi xét nghiệm: Chứng tăng bạch cầu ưa eosin/ tiểu cầu; thử nghiệm Coombs dương tính không có huyết giải; tăng nhẹ một vài enzyme gan như AST, ALT, LDH, GGT và alkaline phosphatase; tăng tạm thời ure máu/ nitơ ure máu/ creatinin huyết thanh/ lympho bào; giảm bạch cầu trung tính/ bạch cầu/ tiểu cầu; mất bạch cầu hạt.
  • Phản ứng khác: Bệnh Candida (kể cả tưa lưỡi), viêm âm đạo.

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Macxicin để nhận được lời khuyên về cách xử lý thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Macxicin

Trước và trong khi dùng thuốc Macxicin, người bệnh cần lưu ý:

  • Trước khi bắt đầu điều trị với Ceftazidim, cần xác định xem người bệnh có gặp phản ứng quá mẫn với Ceftazidim, Cephalosporin, Penicillin hay các thuốc khác không. Nếu thuốc được sử dụng cho bệnh nhân nhạy cảm với Penicillin thì cần thận trọng vì có nguy cơ nhạy cảm chéo giữa beta - lactam và Ceftazidim (ở 10% bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Penicillin). Nếu xảy ra phản ứng dị ứng với Ceftazidim thì cần ngừng dùng thuốc ngay. Khi người bệnh gặp các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng với Ceftazidim thì nên dùng Epinephrine hoặc các thuốc cấp cứu khác như oxy, dịch truyền, thuốc kháng histamin tiêm tĩnh mạch, corticosteroid, amin gây co mạch và thông khí theo chỉ định lâm sàng;
  • Đã có trường hợp sử dụng Ceftazidim bị viêm ruột kết màng giả với mức độ từ nhẹ tới đe dọa tính mạng. Do vậy, nên cân nhắc chẩn đoán cho người bệnh tiêu chảy sau khi dùng thuốc Macxicin;
  • Điều trị bằng thuốc kháng khuẩn nói chung, Ceftazidim nói riêng làm thay đổi hệ vi khuẩn bình thường trong đường ruột, làm phát triển quá mức Clostridium difficile - nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm ruột do kháng sinh;
  • Sau khi được chẩn đoán mắc viêm ruột màng giả, người bệnh cần được điều trị thích hợp. Với trường hợp viêm ruột màng giả nhẹ thường đáp ứng bằng việc ngưng dùng thuốc. Với trường hợp trung bình tới nặng, nên bổ sung chất điện giải, nước, protein và điều trị kết hợp với các kháng sinh có tác dụng lâm sàng đối với bệnh viêm ruột do Clostridium difficile;
  • Tình trạng tăng nồng độ của Ceftazidim trong huyết tương ở bệnh nhân suy thận có thể dẫn tới co giật, run, bệnh não, hôn mê, tăng kích thích thần kinh cơ. Nên giảm tổng liều dùng thuốc hằng ngày nếu sử dụng ở bệnh nhân suy thận. Chỉ nên tiếp tục liều dùng thuốc nếu đã xác định rõ mức độ suy thận, mức độ nhiễm trùng, sự nhạy cảm của vi khuẩn;
  • Sử dụng kéo dài Ceftazidim có thể làm tăng trưởng quá mức các chủng vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc. Nên đánh giá lại tình trạng của bệnh nhân, nếu xảy ra bội nhiễm trong quá trình điều trị thì cần áp dụng biện pháp thích hợp;
  • Sự đề kháng với b - lactamase type 1 đã được ghi nhận ở một vài chủng vi khuẩn (Pseudomonas spp, Enterobacter spp, Serratia spp,...) khi dùng thuốc Ceftazidim. Sự đề kháng có thể phát triển trong quá trình điều trị, dẫn tới thất bại trong một số trường hợp. Khi điều trị nhiễm khuẩn do các loại vi khuẩn này, nên định kỳ kiểm tra tính nhạy cảm trên lâm sàng. Nếu người bệnh không đáp ứng với đơn trị liệu thì có thể cân nhắc dùng thêm kháng sinh Aminoglycosid hoặc một loại kháng sinh tương tự;
  • Ceftazidim có thể dẫn tới làm giảm hoạt tính của prothrombin. Những trường hợp có nguy cơ cao gồm bệnh nhân suy gan, suy thận, dinh dưỡng kém, người đang dùng liệu trình kháng sinh kéo dài. Nên kiểm soát thời gian prothrombin ở những bệnh nhân có nguy cơ, nếu cần thì chỉ định sử dụng thêm vitamin K;
  • Nên thận trọng khi chỉ định thuốc Ceftazidim cho người bệnh có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm ruột kết;
  • Có nguy cơ hoại tử ống lượn xa khi tiêm Ceftazidim vào động mạch;
  • Người bệnh cần được nhắc nhở về việc kháng sinh Ceftazidim chỉ được dùng để điều trị nhiễm khuẩn, không dùng để trị nhiễm virus. Mặc dù khi mới điều trị, người bệnh sẽ nhận thấy thuốc có hiệu quả khá tốt nhưng cần dùng đúng và đủ liều thuốc. Nếu bỏ liều hoặc dùng thuốc không đủ thời gian theo liệu trình thì có thể làm giảm hiệu quả điều trị, tăng khả năng vi khuẩn đề kháng dẫn tới trong tương lai thuốc Ceftazidim có thể không còn tác dụng điều trị;
  • Sử dụng thuốc Ceftazidim có thể gây phản ứng dương tính giả với glucose trong nước tiểu nếu dùng dung dịch Benedict, Fehling hoặc viên Clinitest;
  • Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Ceftazidim không làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu được thực hiện đầy đủ ở phụ nữ có thai nên chỉ dùng thuốc Macxicin trong thai kỳ khi thực sự cần thiết;
  • Ceftazidim bài tiết vào sữa mẹ nên cần cân nhắc khi dùng thuốc Macxicin ở phụ nữ đang cho con bú;
  • Thuốc Macxicin có thể gây đau đầu, co giật, chóng mặt, dị cảm,... nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc,...

5. Tương tác thuốc Macxicin

Tương tác thuốc có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động của thuốc, hiệu quả điều trị bệnh hoặc làm gia tăng tác dụng phụ. Do vậy, lời khuyên quan trọng mà bệnh nhân cần nắm được là không tự ý bắt đầu dùng 1 loại thuốc mới, ngưng dùng thuốc hoặc thay đổi liều dùng bất kỳ thuốc nào khi chưa được bác sĩ đồng ý. Đồng thời, người bệnh nên chia sẻ với bác sĩ về các loại thuốc mình đang/mới dùng, tiền sử bệnh lý của bản thân để có sự điều chỉnh phù hợp nhất.

Một số tương tác thuốc của Macxicin gồm:

  • Khi điều trị chung thuốc cephalosporin (gồm cả Ceftazidim) với các Aminoglycosid và thuốc lợi tiểu mạnh như Furosemid thì có thể gây độc cho thận. Nên theo dõi chức năng thận cẩn thận, đặc biệt là khi sử dụng Aminoglycosid liều cao hoặc kéo dài (do tác dụng độc thận và độc tai của aminoglycosid). Khi sử dụng Ceftazidim riêng lẻ trong thử nghiệm lâm sàng, không thấy có tình trạng độc thận và độc tai;
  • Chloramphenicol đối kháng với nhóm kháng sinh beta - lactam như Ceftazidim. Do khả năng đối kháng, đặc biệt khi cần tác dụng diệt khuẩn nên cần tránh sự phối hợp thuốc này.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Macxicin, bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn chi tiết của bác sĩ điều trị. Việc này sẽ giúp đảm bảo hiệu quả điều trị diệt khuẩn, giảm nguy cơ kháng thuốc trong tương lai và hạn chế được khả năng phát sinh các tác dụng phụ nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

50 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan