Công dụng thuốc Megaflazin

Thuốc Megaflazin được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền 150mg/15ml, có tác dụng điều trị các loại ung thư như: Ung thư buồng trứng, ung thư phổi, ung thư bàng quang, ung thư tinh hoàn, u Wilms... Thuốc tác động trực tiếp vào hệ miễn dịch và giúp chống lại ung thư. Tuy nhiên để điều trị an toàn, người bệnh cần nắm rõ những lưu ý về cách sử dụng, liều dùng và biến chứng khi dùng thuốc.

1. Thuốc Megaflazin công dụng là gì?

Megaflazin là thuốc tác động vào hệ miễn dịch và có công dụng chống ung thư. Thuốc có thành phần chính là Carboplatin và được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm 150mg/15ml.

Các chỉ định điều trị của thuốc Megaflazin bao gồm:

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Megaflazin

Cũng giống như các thuốc chống ung thư khác, chỉ cán bộ y tế đã được tập huấn mới được tiếp cận và thao tác với thuốc Megaflazin. Ngoài ra, quá trình chuẩn bị thuốc (pha tiêm) cũng cần được tiến hành ở nơi phù hợp (tốt nhất trong buồng an toàn có hệ thống dẫn lưu khí kiểu phiến). Cán bộ y tế phải mang áo choàng, khẩu trang, găng tay y tế và kính che mắt khi pha thuốc Megaflazin.

Nếu không may thuốc dính vào da và niêm mạc, cần rửa ngay tức thì với nhiều nước và xà bông. Phụ nữ mang thai không được thao tác với các hoạt chất gây độc tế bào như Carboplatin.

Thuốc Megaflazin có thể dùng theo 2 cách: Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

Để nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tối đa tác hại, liều dùng Megaflazin phải được tính toán kỹ lưỡng và chỉ định, theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên môn. Những gợi ý về liều dùng dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo:

  • Liều khởi đầu được tính toán dựa vào diện tích bề mặt cơ thể và chức năng thận. Liều thường dùng trong khoảng 300-450mg/m2;
  • Liều cao nhất có thể dùng tới 1.600mg/m2 chia liều dùng trong vài ngày, áp dụng trong hóa trị liệu liều cao kết hợp truyền tế bào gốc;
  • Ung thư buồng trứng tiến triển (giai đoạn 3 và 4): Liều khởi đầu 300mg/m2. Liều tiếp theo phải sau tối thiểu 4 tuần (hoặc lâu hơn) nếu độc tính trên máu phục hồi chậm và cần điều chỉnh liều tùy theo mức giảm huyết cầu từ lần điều trị trước;
  • Ung thư buồng trứng tái phát: Liều khởi đầu 360mg/m2. Liều tiếp theo sau tối thiểu 4 tuần.
  • Suy thận, suy tủy, chiếu tia: Dùng liều 300-320 mg/m2 da cơ thể;
  • Các loại ung thư khác cũng dùng liều tương tự với điều trị ung thư buồng trứng.

*Lưu ý:

  • Phải tiêm thuốc Megaflazin vào trong mạch máu, nếu tiêm ngoài mạch có thể bị hoại tử;
  • Nếu truyền tĩnh mạch, Carboplatin cần được truyền trong 15 phút hoặc lâu hơn (có thể truyền trong 24 giờ) hoặc tiêm màng bụng;
  • Phải điều chỉnh, giảm liều cho bệnh nhân suy thận;
  • Điều chỉnh liều dựa theo mức độ giảm huyết cầu của lần dùng trước;
  • Liều dùng lặp lại phải sau tối thiểu 4 tuần. Chỉ tiếp tục dùng thuốc khi các thông số huyết học đã phục hồi ở mức chấp nhận được. Đồng thời phải sẵn sàng chuẩn bị các phương tiện xử lý tai biến có thể xảy ra.

3. Tác dụng phụ của thuốc Megaflazin

Do có hiệu quả mạnh mẽ trong điều trị ung thư nên thuốc Megaflazin cũng thường gây ra các tai biến rất nặng. Điển hình như:

  • Suy tủy xương (nguy cơ cao ở những người đã dùng thuốc chống ung thư, xạ trị hoặc suy thận);
  • Giảm tiểu cầu, bạch cầu, thiếu máu;
  • Suy tim, nghẽn mạch, bệnh mạch máu não;
  • Suy thận, tăng creatinin máu, thoái hóa ống thận, phù kẽ;
  • Tăng axit uric máu, tăng bilirubin, phosphatase kiềm, AST;
  • Rối loạn điện giải (giảm natri máu, kali máu, canxi máu, magie máu);
  • Rối loạn thính giác (suy giảm thính lực, ù tai, điếc);
  • Bệnh thần kinh ngoại biên (dị cảm đầu chi, yếu cơ, rung giật cơ, chuột rút, mất vị giác, đau người, suy nhược);
  • Tăng suy gan;
  • Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn và nôn, đau bụng, táo bón, loét tiêu hóa);
  • Dị ứng (nổi mề đay, ngứa, ban da, mẫn cảm);
  • Rụng tóc (thường xảy ra khi phối hợp với Cyclophosphamide);
  • Sốt.

Phía trên là các tác dụng phụ khi dùng Carboplatin/ thuốc Megaflazin đơn độc. Khi dùng với các thuốc khác (ví dụ Cyclophosphamide) thì tỷ lệ và mức độ tai biến sẽ cao hơn. Khi gặp những tai biến nặng, có thể cần phải ngừng thuốc cho đến khi cơ thể phục hồi gần như bình thường mới được dùng thuốc trở lại.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Megaflazin

Chống chỉ định dùng thuốc Megaflazin cho các đối tượng sau:

  • Người mẫn cảm với hoạt chất Carboplatin và Platinum;
  • Người bệnh bị tổn thương thận nặng, suy thận nặng;
  • Người bị suy tủy nặng;
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Các lưu ý khác:

  • Đối với người cao tuổi (>65 tuổi), các biểu hiện độc thần kinh, suy tủy, suy thận dễ xảy ra hơn so với người trẻ;
  • Thuốc Megaflazin phải được dùng dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa ung thư.

5. Tương tác của thuốc Megaflazin

  • Dùng phối hợp Megaflazin với các thuốc khác cũng gây suy tủy hoặc điều trị tia xạ sẽ làm tăng độc tính trên máu. Do vậy, nếu người bệnh điều trị phối hợp phải theo dõi thật thận trọng. Liều dùng và thời gian dùng phải tính toán, điều chỉnh sao cho độc tính ở mức chấp nhận được. Ngoài ra, với những bệnh nhân đã dùng thuốc chống ung thư trước đó, độc tính trên máu cũng nghiêm trọng hơn. Khi phối hợp Megaflazin với Cyclophosphamide, độc tính trên máu (gây suy tuỷ), độc tính trên tiêu hoá, thần kinh, thị giác và thính giác đều tăng lên đáng kể.
  • Bản thân thành phần Carboplatin cũng gây độc với thận nhưng chỉ ở mức nhẹ đến vừa phải. Nếu phối hợp Megaflazin với Aminoglycosid hoặc các thuốc cũng gây độc cho thận sẽ làm tăng mạnh độc tính trên thận và thính giác. Do vậy cần đặc biệt thận trọng khi dùng phối hợp.
  • Khi phối hợp Megaflazin với các thuốc có tác dụng độc trên thính giác (Aminoglycosid, Ifosfamide, Furosemid) sẽ làm tăng tác dụng độc trên thính giác của Carboplatin. Trẻ em nếu dùng liều cao hơn liều khuyến cáo, lại phối hợp với thuốc gây độc với thính giác có thể dẫn đến điếc.
  • Dùng phối hợp Megaflazin với các thuốc khác gây nôn sẽ làm tăng nôn.
  • Warfarin: Tăng tác dụng dễ gây chảy máu khi phối hợp với Megaflazin.
  • Phenytoin: Nồng độ Phenytoin có thể giảm nếu dùng đồng thời với carboplatin.

Những thông tin về thuốc Megaflazin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Vì Megaflazin là thuốc kê đơn, được tiêm truyền và giám sát dưới sự thực hiện của bác sĩ/ nhân viên y tế, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định, tuyệt đối không được tự ý điều chỉnh liều dùng.

66 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan