Công dụng thuốc Natafree

Thuốc Natafree là thuốc kê đơn được sử dụng trong trường hợp sau chấn thương não, phục hồi hậu phẫu não bộ, tai biến mạch máu não, lão suy, suy giảm nhận thức, điều trị chứng khó đọc ở trẻ... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Natafree, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Natafree trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Natafree là gì?

1.1. Thuốc Natafree là thuốc gì?

Thuốc Natafree thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần được bào chế dưới dạng dung dịch uống nhỏ giọt, lọ 15ml, hộp 1 lọ, với thành phần hoạt chất chính là Piracetam 333mg/ml. Thuốc Natafree khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.

1.2. Thuốc Natafree có tác dụng gì?

Hoạt chất Piracetam tác động làm thay đổi sự dẫn truyền thần kinh và góp phần cải thiện môi trường chuyển hoá giúp cho các tế bào thần kinh hoạt động tốt, có tác dụng tốt lên sự hình thành trí nhớ, giảm khả năng kết tụ tiểu cầu, chống rung giật cơ... nhưng không có tác dụng an thần, gây ngủ, hồi sức, giảm đau.

Thuốc Natafree được chỉ định kê đơn cho các trường hợp:

  • Các bệnh do tổn thương não, điều trị triệu chứng giai đoạn hậu phẫu não và chấn thương não: đột quỵ, loạn tâm thần, liệt nửa người, thiếu máu cục bộ.
  • Các bệnh do rối loạn thần kinh ngoại biên và trung khu não bộ: nhức đầu, chóng mặt, mê sảng nặng.
  • Các bệnh do các rối loạn trong não: hôn mê, rối loạn ý thức, các triệu chứng của tình trạng lão suy.
  • Các biến chứng của tai biến về mạch máu não, điều trị triệu chứng và di chứng nhiễm độc carbon monoxide.
  • Suy giảm chức năng thần kinh cảm giác chức năng nhận thức mãn tính ở người già.
  • Điều trị rung giật cơ, nghiện rượu mãn tính, chứng khó học ở trẻ.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Piracetam hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc Natafree.
  • Trẻ em < 6 tuổi.
  • Phụ nữ trong nhóm đang có thai và đang cho con bú.
  • Bệnh nhân bị suy thận nặng.
  • Bệnh nhân xuất huyết não, mắc chứng Huntington's Chorea

2. Cách sử dụng của thuốc Natafree

2.1. Cách dùng thuốc Natafree

  • Thuốc Natafree dùng đường uống, có thể uống thuốc vào lúc đói hay lúc no đều được.
  • Thuốc dạng dung dịch uống nên sử dụng dụng cụ chia liều đi kèm với lọ thuốc để định liều chính xác, uống hết phần thuốc đã lấy vào dụng cụ chia liều, nếu lấy dư thì phải bỏ, không đổ phần thừ vào lại chai thuốc.
  • Có thể pha với một chút nước lọc cho dễ uống, nhưng lưu ý không pha quá nhiều mà không uống hết sẽ khiến bạn không uống đủ liều chỉ định.
  • Người bệnh cần tuân thủ chính xác liều chỉ định của bác sĩ, không tùy tiện thêm bớt, không bỏ dở giữa chừng mà không được sự đồng ý của bác sĩ.

2.2. Liều dùng của thuốc Natafree

Liều thường dùng 30 – 160 mg/kg cân nặng/ngày, chia đều 2 đến 4 lần/ngày tuỳ theo từng mặt bệnh và từng bệnh nhân cụ thể.

  • Điều trị dài ngày với các hội chứng tâm thần thực thể ở đối tượng người cao tuổi: 1,2 – 2,4 g/ngày (tương đương 4 đến 8 giọt). Liều cao có thể tới 4,8 g/ngày trong những tuần đầu (tương đương 12 giọt).
  • Điều trị nghiện rượu: 12g/ngày trong giai đoạn đầu của thời gian cai rượu (giai đoạn này nên dùng dạng bào chế khác chẳng hạn như viên nén). Điều trị duy trì: Uống 2,4 g một ngày (tương đương 8 giọt).
  • Điều trị suy giảm nhận thức sau chấn thương não: Liều ban đầu 9 đến 12 g/ngày (giai đoạn này nên dùng dạng bào chế khác chẳng hạn như viên nén), liều duy trì: 2,4 g một ngày (tương đương 8 giọt), uống ít nhất trong vòng 3 tuần.
  • Điều trị thiếu máu hồng cầu liềm: khuyến cáo 160 mg/kg cân nặng/ngày, chia làm 4 lần uống.
  • Điều trị giật rung cơ (trường hợp này nên dùng dạng bào chế khác chẳng hạn như viên nén): 7,2 g/ngày, chia làm 2 đến 3 lần. Tuỳ theo đáp ứng của bệnh nhân cứ 3 – 4 ngày uống 1 lần, có thể tăng thêm 4,8 g/ngày cho tới liều tối đa là 20 g một ngày.

Bệnh nhân suy thận

Liều hàng ngày phải được cá nhân hóa theo chức năng thận:

  • Bình thường (Độ thanh thải creatinin > 80) áp dụng liều thông thường hàng ngày, chia làm 2 đến 3 lần
  • Suy thận nhẹ (Độ thanh thải creatinin 50-79): 2/3 liều thông thường hàng ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần
  • Suy thận vừa (Độ thanh thải creatinin 30-49): 1/3 liều thông thường hàng ngày, chia làm 2 lần
  • Suy thận nặng (Độ thanh thải creatinin < 30): 1/6 liều hàng ngày thông thường, 1 lần uống.
  • Suy thận giai đoạn cuối: chống chỉ định.

Xử lý khi quên liều: Nếu bạn lỡ quên dùng một liều Natafree đúng thời gian, ngay khi nhớ ra hãy uống càng sớm càng tốt, sau đó điều chỉnh lại thời gian cho liều cuối cùng. Nhưng nếu đã quá gần với liều uống tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống luôn liều tiếp theo. Không được dùng cùng một lúc hai liều.

Xử trí khi quá liều: Hiện nay, mới ghi nhận trường hợp quá liều khi sử dụng Piracetam với liều cao nhất là 75 gam một ngày. Còn với đa phần bệnh nhân thuốc không gây tác dụng ngoại ý khi dùng quá liều. Trường hợp cần thiết có thể gây nôn, rửa dạ dày.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Natafree

Lưu ý khi dùng thuốc Natafree trong quá trình sử dụng như sau:

  • Không dùng thuốc Natafree khi đã quá hạn sử dụng trên bao bì, niêm phong lọ thuốc bị hở, thuốc bị đổi màu, có mùi lạ, nhận thấy có dấu hiệu của sự rò rỉ.
  • Khuyến cáo điều chỉnh liều Natafree ở bệnh nhân cao tuổi có tổn thương chức năng thận. Để điều trị lâu dài ở nhóm đối tượng này, cần đánh giá thường xuyên độ thanh thải creatinin để điều chỉnh liều uống phù hợp nếu cần.
  • Do tác dụng của piracetam trên kết tập tiểu cầu, nên thận trọng ở những bệnh nhân có xuất huyết nặng, bệnh nhân có rối loạn cầm máu cơ bản, bệnh nhân có nguy cơ chảy máu như loét đường tiêu hóa, bệnh nhân có tiền sử xuất huyết mạch máu não (CVA), bệnh nhân từng trải qua cuộc phẫu thuật lớn, bao gồm cả phẫu thuật nha khoa và bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu bao gồm cả axit acetylsalicylic liều thấp.
  • Nên tránh ngừng điều trị đột ngột, vì điều này có thể gây ra co giật cơ hoặc co giật toàn thân ở một số bệnh nhân suy nhược cơ.
  • Tác dụng phụ của thuốc Natafree có thể gây buồn ngủ, mất tập trung nên không vận hành máy hay lái xe khi nhận thấy các tác dụng phụ trong khi dùng thuốc.

4. Tác dụng phụ của thuốc Natafree

Thuốc có thể gây một số kích thích nhẹ, tăng vận động, tăng trọng lượng với một vài bệnh nhân và các triệu chứng sẽ hết khi giảm liều.

Rất hiếm gặp:

  • Rối loạn xuất huyết
  • Phản ứng phản vệ, quá mẫn
  • Trầm cảm
  • Lo lắng, kích động, nhầm lẫn, ảo giác
  • Mất điều hòa, suy giảm thăng bằng, chứng động kinh trầm trọng hơn, nhức đầu, mất ngủ,
  • Chóng mặt
  • Phù mạch, viêm da, ngứa, mày đay
  • Có thể có đau bụng trên, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

5. Tương tác thuốc Natafree

  • Uống đồng thời Natafree với rượu không ảnh hưởng đến nồng độ của piracetam trong huyết thanh và nồng độ rượu không bị thay đổi bởi liều uống 1,6 g piracetam.
  • Thuốc chống động kinh: Với liều 20 g piracetam hàng ngày trong 4 tuần không làm thay đổi nồng độ đỉnh và đáy huyết thanh của các thuốc chống động kinh (phenytoin, carbamazepine, phenobarbitone, valproate) ở bệnh nhân bị động kinh đang dùng liều ổn định.
  • Dùng chung Natafree với các hormon tuyến giáp đã có ghi nhận cảm giác khó chịu, lú lẫn, rối loạn giấc ngủ ở một số bệnh nhân.

Thời gian bảo quản thuốc Natafree là 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Lọ thuốc sau khi được mở nắp, nên uống hết trong một đợt điều trị, kết thúc điều trị nên bỏ đi không để uống cho lần sau. Bảo quản sản phẩm thuốc ở nhiệt độ phòng phù hợp dưới 30 độ C, không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, các vị trí có nguồn nhiệt cao như cạnh bên tủ lạnh, máy sưởi hoặc tivi dễ dẫn đến việc viên thuốc bị biến đổi. Tránh xa khỏi tầm với của trẻ đề phòng đổ vỡ hay trẻ uống nhầm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

88 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan