Công dụng thuốc Suxathepharm

Suxamethonium là 1 trong các loại thuốc chẹn thần kinh cơ khử cực và cần được sử dụng bởi bác sĩ chuyên khoa. Cùng tìm hiểu công dụng thuốc Suxathepharm trong bài viết sau đây.

1. Thuốc Suxathepharm có tác dụng gì?

Thuốc Suxathepharm có số đăng ký VD-23787-15, được sản xuất tại Công ty cổ phần dược-vật tư y tế Thanh Hoá. Thuốc Suxathepharm có chứa thành phần chính là Suxamethonium clorid 100mg/2ml và được sản xuất dưới dạng dung dịch tiêm.

Suxathepharm là 1 trong các thuốc chẹn thần kinh cơ khử cực cạnh tranh với acetylcholin ở thụ thể cholinergic tại bản vận động. Cũng như acetylcholin, chúng gắn vào một số thụ thể đó gây nên khử cực. Thuốc Suxamethonium được sử dụng chủ yếu để gây giãn cơ trong thủ thuật ngắn.

2. Chỉ định sử dụng thuốc Suxathepharm

Thuốc Suxathepharm được chỉ định sử dụng theo đơn của bác sỹ trong gây mê, thông khí bằng máy khi đặt ống nội khí quản. Thuốc Suxathepharm được sử dụng rộng rãi trong một số phẫu thuật ngoại khoa và sản khoa.

Bên cạnh đó, thuốc Suxathepharm được dùng để giảm cường độ co cơ trong liệu pháp gây sốc bằng điện hoặc bằng thuốc.

3. Chống chỉ định sử dụng Suxathepharm

Thuốc Suxamethonium chống chỉ định với một số đối tượng cụ thể sau:

  • Người mẫn cảm với thuốc Suxathepharm và bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Bản thân hoặc gia đình có tiền sử sốt cao ác tính, bệnh cơ kèm tăng creatin kinase huyết thanh (CK/CPK) hoặc glaucom góc đóng;
  • Người bị chấn thương xuyên thấu mắt;
  • Người bệnh mắc rối loạn di truyền cholinesterase huyết tương;
  • Bệnh nhân mới bị bỏng nặng hoặc đa chấn thương, cắt rộng dây thần kinh cơ xương/chấn thương hoặc tổn thương nơron vận động tại vỏ não và tăng kali máu.

Chống chỉ định của Suxathepharm được hiểu là chống chỉ định tuyệt đối, tức là không vì lý do nào đó mà trường hợp chống chỉ định lại linh động được đồng ý sử dụng thuốc.

4. Liều dùng và cách dùng thuốc Suxamethonium

4.1 Cách dùng thuốc Suxamethonium

Suxamethonium thường đưa vào cơ thể người bệnh qua đường tiêm tĩnh mạch. Đối với trẻ em hoặc một số đối tượng khó tiêm tĩnh mạch, thuốc Suxamethonium có thể được chỉ định tiêm bắp sâu, ở phía cao trong cơ delta.

Cần cân nhắc khi sử dụng Suxamethonium cùng với rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn hoặc lên men. Những tác nhân này có thể làm thay đổi thành phần có trong Suxamethonium.

4.2 Liều lượng sử dụng Suxamethonium

Người lớn:

  • Với phẫu thuật ngắn: Tiêm tĩnh mạch 0,6mg (khoảng 0,3 - 1,1mg/ kg), tiêm trong thời gian 10 - 30 giây. Có thể tiêm nhắc lại, liều phụ thuộc đáp ứng của liều Suxamethonium đầu tiên.
  • Hoặc tiêm bắp 3 đến 4mg/ kg, không quá tổng liều 150mg.
  • Với phẫu thuật kéo dài: Tiêm tĩnh mạch liều từ 0,6mg - 1,1mg/ kg. Liều tiếp theo tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân khác nhau, nhằm duy trì mức độ giãn cơ cần thiết.

Trẻ em:

  • Để đặt nội khí quản: Liều tiêm bắp lên 2,5mg/ kg, không vượt quá tổng liều 150mg. Tiêm tĩnh mạch 1 - 2 mg/ kg.
  • Có thể tiêm nhắc lại trong trường hợp cần thiết, liều nhắc lại dựa trên đáp ứng của bệnh nhân với liều tiêm đầu tiên.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Suxamethonium

Tác dụng phụ của Suxamethonium xảy ra chủ yếu là tác dụng dược lý quá mức của thuốc. Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Đau và cứng cơ hậu phẫu, có thể do giật bó cơ xảy ra ngay lập tức sau khi tiêm và tăng nhãn áp.
  • Ít gặp: Loạn nhịp tim, nhịp tim chậm hoặc nhịp tim nhanh, to tuyến nước bọt và tăng áp lực dạ dày.
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, suy tuần hoàn, quá mẫn, phù, ban đỏ, cơn sốt cao ác tính, co thắt phế quản, ban đỏ, ngứa, phát ban, myoglobin niệu, tăng kali máu, tăng áp lực nội sọ, tăng hoặc giảm huyết áp.

Thông thường những tác dụng ngoài ý muốn nêu trên sẽ mất đi khi ngưng dùng thuốc Suxathepharm. Bạn có thể thông báo ngay cho bác sĩ nếu thấy nghi ngờ về các tác dụng phụ của thuốc Suxathepharm.

6. Những lưu ý, thận trọng khi sử dụng thuốc Suxathepharm

Những đối tượng cần lưu ý trước khi dùng thuốc Suxathepharm gồm:

  • Người cao tuổi;
  • Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú;
  • Trẻ em dưới 15 tuổi;
  • Người đang gặp tình trạng suy gan, suy thận;
  • Người bị nhược cơ, hôn mê gan hoặc viêm loét dạ dày.

7. Quá liều Suxathepharm và cách xử trí

Biểu hiện quá liều Suxathepharm gồm: Tác dụng chẹn thần kinh - cơ bị kéo dài, yếu cơ xương, giảm dự trữ hô hấp, giảm thể tích lưu thông, ngừng thở quá thời gian phẫu thuật hoặc gây mê.

Hướng dẫn xử trí:

  • Duy trì hô hấp đầy đủ và làm hô hấp nhân tạo hoặc cho thở máy cho đến khi bảo đảm hồi phục hô hấp bình thường cho người bệnh.
  • Trường hợp chẹn thần kinh - cơ không khử cực chuyển dần sang chẹn thần kinh - cơ khử cực, có thể trung hòa bằng các liều nhỏ thuốc kháng cholinesterase.
  • Atropin được sử dụng trước hoặc cùng lúc với chất đối kháng có tác dụng làm mất tác dụng phụ cholinergic của nó.

Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ ít nhất 1 tiếng sau khi tác dụng chẹn thần kinh - cơ không khử cực đã hết với mục đích tránh tái giãn cơ.

Trên đây là những thông tin chia sẻ về thành phần, liều dùng, cách sử dụng và những lưu ý khi điều trị bệnh bằng thuốc Suxathepharm. Tuy nhiên, những thông tin được chia sẻ trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, bạn hãy dùng thuốc Suxathepharm theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

65 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan