Decolgen là thuốc gì?

Thuốc decolgen là dạng kết hợp giữa nhiều thành phần, khá thông dụng trong điều trị cảm cúm, viêm mũi dị ứng. Với mỗi dạng bào chế thì thành phần hoạt chất có đôi chút thay đổi và cách sử dụng khác nhau.

1. Decolgen là thuốc gì?

Decolgen là thuốc không kê đơn, được dùng để điều trị triệu chứng trong một số bệnh lý đường hô hấp. Decolgen thông thường chứa các thành phần bao gồm:

  • Paracetamol (acetaminophen): Đây là thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt. Thuốc có tác dụng làm tăng ngưỡng chịu đau vừa và nhẹ. Giúp giảm các triệu chứng như nhức đầu, đau cơ, đau khớp và các triệu chứng khác thường đi kèm với cảm.
  • Phenylephrine: Đây là thuốc có tác động trực tiếp trên các thụ thể α-adrenergic của hệ adrenergic trên niêm mạc đường hô hấp. Giúp co mạch cuốn mũi đang bị sưng nề, giảm phù nề, xung huyết mô, xung huyết mũi và làm tăng thông khí qua mũi, giảm nghẹt mũi đặc biệt ở các vùng mà thuốc xịt, thuốc nhỏ giọt hoặc các dạng thuốc tác dụng tại chỗ không thể vào đến được.
  • Chlorpheniramine: Thuộc nhóm thuốc kháng histamin thế hệ 1, thuốc có tác dụng ngăn chặn các biểu hiện dị ứng của đường hô hấp trên như sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt. Chlorpheniramine maleate tác động hiệp lực với phenylephrine cho ra tác dụng giảm xung huyết hiệu quả và kéo dài hơn. Khi giảm được triệu chứng ngạt mũi, các chất tiết sẽ thoát ra ngoài dễ dàng hơn, hạn chế nguy cơ biến chứng do ứ đọng chất tiết như viêm tai giữa, nhiễm trùng thứ phát... Tuy nhiên, một tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng histamin đó là nó thường gây ra buồn ngủ. Chính vì vậy có một dạng bào chế mà trong thành phần của decolgen không chứa thành phần này, để hạn chế tác dụng phụ gây buồn ngủ.

Decolgen có 3 dạng bào chế chính, mỗi dạng có sự khác biệt về thành phần và hàm lượng các thành phần hoạt chất, bao gồm:

  • Decolgen Forte: mỗi viên nén bao gồm các thành phần
    • Paracetamol...............500mg
    • Phenylephrine hydrochloride.....10mg
    • Chlorpheniramine maleate...........2mg
  • Decolgen ND hay decolgen không gây buồn ngủ: Mỗi viên nén bao gồm các thành phần
    • Paracetamol...............500mg
    • Phenylephrine hydrochloride.....10mg
  • Decolgen dạng siro: Trong mỗi 5ml có chứa
    • Paracetamol................100mg
    • Phenylephrine hydrochloride......2,5mg
    • Chlorpheniramine maleate............0,33mg.
Decolgen
Decolgen dùng để điều trị triệu chứng trong một số bệnh lý đường hô hấp.

2. Công dụng của thuốc decolgen

Thuốc Decolgen được dùng để điều trị các tình trạng sau:

  • Decolgen trị cảm cúm,giảm các triệu chứng thông thường như nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi;
  • Viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, viêm màng nhầy xuất tiết do cảm cúm gây ra;
  • Viêm mũi xoang dị ứng;
  • Các rối loạn của đường hô hấp trên khác.

Một số trường hợp chống chỉ định dùng thuốc bao gồm:

  • Tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc;
  • Nghiện rượu, bị suy gan hay suy thận nặng. Viêm gan do virus đang tiến triển;
  • Đối với thành phần paracetamol không dùng cho người bệnh thiếu hụt men G6PD (glucose - 6 - phosphate dehydrogenase);
  • Phenylephrine: Không được dùng thuốc khi không có hướng dẫn của bác sĩ trong các trường hợp mắc các bệnh lý bao gồm bệnh tuyến giáp, hen phế quản đang tiến triển, đái tháo đường, cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác, tiểu tiện khó do phì đại tiền liệt tuyến.

3. Liều dùng của thuốc decolgen

Liều dùng thuốc thường được theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Liều dùng dưới đây có thể tham khảo:

  • Đối với thuốc dạng viên nén:
    • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi dùng từ 1−2 viên/lần, 3−4 lần/ngày. Tối đa không dùng quá 6 viên trên 24h.
    • Trẻ từ 7−12 tuổi: 1/2−1 viên mỗi lần/ngày. Không dùng quá 3 viên trên 24h.
    • Trẻ em từ 2−6 tuổi: 1/2 viên/ lần. Mỗi ngày khoảng 3 lần. Không dùng quá 1,5 viên trên 24h
    • Với trường hợp trẻ dưới 2 tuổi, không khuyến cáo sử dụng. Trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ.
  • Đối với thuốc dạng siro:
    • Người lớn dùng mỗi lần 30ml, khoảng 3−4 lần/ngày.
    • Từ 7−12 tuổi: uống 15ml/lần, 3−4 lần/ngày.
    • Từ 2−6 tuổi: uống 5−10ml/lần, 3−4 lần/ngày.
    • Trẻ dưới 2 tuổi nếu sử dụng cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Lưu ý thời gian giữa các lần dùng trong ngày cần cách nhau ít nhất 4 đến 6 giờ.

4. Tác dụng phụ của thuốc decolgen

  • Thành phần paracetamol trong decolgen tương đối an toàn và không độc nếu dùng đúng ở liều điều trị. Một số ít trường hợp có thể có những tác dụng phụ như phát ban da, thiếu máu, bệnh lý thận hay phản ứng quá mẫn như sốc phản vệ. Nếu dùng quá liều có thể gây suy gan cấp.
  • Phenylephrine: Có thể gây ra bồn chồn, lo lắng, căng thẳng, suy nhược cơ thể, chóng mặt, đau ngực, run, suy hô hấp, gây tím tái...
  • Một số phản ứng trên da nghiêm trọng hiếm gặp như hội chứng Steven-Johnson, Lyell, hoại tử da nhiễm độc cũng có thể xảy ra.
  • Thuốc có thể gây kích thích thần kinh trung ương, đặc biệt ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với các tác động của các loại thuốc cường giao cảm.
  • Tác dụng gây buồn ngủ ở những người dùng decolgen Forte và dạng siro có thể thay đổi từ ngủ gà đến ngủ sâu có thể xảy ra, nhưng biểu hiện này sẽ giảm sau vài ngày.
Decolgen
Chóng mặt là một trong những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Decolgen

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc decolgen

Khi sử dụng thuốc decolgen cần lưu ý như sau:

  • Thuốc này có thể gây kích thích thần kinh trung ương nhẹ hoặc buồn ngủ. Nếu bị ảnh hưởng bởi những tác động này người bệnh không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.
  • Trường hợp phải lái xe hay vận hành máy móc nên chọn loại decolgen không buồn ngủ. Để tránh tác dụng phụ gây ra những tai nạn không đáng có trong quá trình đi lại hay sử dụng máy móc.
  • Thời kỳ mang thai: Việc sử dụng thuốc trong khi mang thai chưa được chứng minh mang lại an toàn. Cho nên không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai.
  • Thời kỳ cho con bú: Thuốc decolgen có thể đi vào sữa mẹ do đó không sử dụng cho những phụ nữ đang cho con bú. Bởi trẻ sơ sinh có thể quá nhạy cảm với tác động của thuốc.
  • Uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ độc tính trên gan của paracetamol (acetaminophen). Cần lưu ý các dấu hiệu bất thường như chán ăn, vàng da... và nên dùng thuốc với liều phù hợp.
  • Dùng đồng thời thành phần chlorpheniramine có trong thuốc decolgen với rượu hoặc các thuốc an thần gây ngủ có thể tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương của các thuốc này, tăng tác dụng gây ngủ. Nên cần lưu ý liều dùng.
  • Ngưng dùng thuốc nếu thấy các dấu hiệu như nhịp tim nhanh, hồi hộp trống ngực, khó thở, phát ban trên da, vàng da, mệt mỏi... nếu các dấu hiệu nặng cần tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Decolgen trị cảm cúm là loại thuốc phổ biến và không kê đơn nên có thể mua dễ dàng. Tuy nhiên, bạn không nên dùng kéo dài các thuốc điều trị triệu trứng để tránh nguy cơ gây hại cho cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

523.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan