Khái niệm dược động học, dược lực học (PK,PD) và ứng dụng

Các chỉ số dược động học, dược lực học của kháng sinh được thiết lập trên cơ sở nồng độ thuốc trong huyết tương và nồng độ ức chế tối thiểu, từ đó có thể phản ánh chính xác hơn hiệu quả của thuốc và khắc phục được hạn chế.

1. Dược động học, dược lực học là gì?

PK/PD là ký hiệu chỉ số liên kết đặc tính dược động học, dược lực học và áp dụng để nâng cao hiệu quả, an toàn khi sử dụng kháng sinh.

Dược lực học là quá trình tác dụng của thuốc lên cơ thể. Mô tả hiệu quả tác dụng của thuốc cũng như tác dụng phụ và cách tác động của thuốc... Tác dụng của thuốc có thể sẽ bị thay đổi do các thuốc khác dùng đồng thời hoặc do một số bệnh lý gây ra. Các hiện tượng cộng lực, đối kháng tác dụng, hiệp đồng và các hiện tượng khác liên quan đến tác dụng của thuốc đó đều được dược lực học miêu tả.

Dược động học chính là khái niệm để chỉ về nghiên cứu tác động của cơ thể trên thuốc. Tác động này sẽ thông qua quá trình hấp thụ phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc trong cơ thể người dùng.

Cụ thể, đối với thuốc kháng sinh, các chỉ số dược động học, dược lực học được thiết lập trên cơ sở nồng độ thuốc trong huyết tương và nồng độ ức chế tối thiểu, từ đó có thể phản ánh chính xác và hiệu quả của thuốc.

2. Ứng dụng dược động học, dược lực học

2.1 Ứng dụng dược động học, dược lực học để thiết kế chế độ liều điều trị

Để tối ưu hóa điều trị, tăng khả năng đạt chỉ số dược động học, dược lực học khuyến cáo, trong một số trường hợp, phải thay đổi liều của thuốc kháng sinh, một số những trường hợp được áp dụng bao gồm:

  • Người bệnh có thay đổi thông số dược động học của kháng sinh, ví dụ như điều trị ngoại khoa điều trị tích cực, người bệnh bỏng nặng, thừa cân béo phì, tiểu đường, người bị suy chức gan và thận, người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.... Nguyên nhân là do là những đối tượng này có thay đổi dược động học khiến nồng độ thuốc trong máu thay đổi. Do đó việc điều chỉnh liều của thuốc sẽ dựa vào những công thức hiệu chỉnh theo thông số dược động học của từng đối tượng hoặc dựa vào dược động học quần thể. Điều này cần phải giám sát điều trị thông qua theo dõi nồng độ thuốc trong máu.
  • Những người mắc phải bệnh lý nhiễm khuẩn nặng, nguyên nhân đến từ các chủng vi khuẩn kháng thuốc như nhiễm trùng máu do trực khuẩn mủ xanh, nhiễm khuẩn trên người bệnh có dụng cụ nhân tạo, viêm phổi bệnh viện do trực khuẩn Gram-âm.... Bởi các trường hợp này MIC tăng cao, do đó mức liều dùng thông thường không đáp ứng hiệu quả điều trị, vì vậy cần phải tăng liều điều trị. Việc tăng liều nhằm đạt chỉ số dược động học, dược lực học khuyến cáo.
dược lực học
Các chỉ số dược động học, dược lực học được thiết lập trên cơ sở nồng độ thuốc trong huyết tương và nồng độ ức chế tối thiểu

2.2. Ứng dụng dược động học, dược lực học để ngăn ngừa kháng thuốc

Để ngăn ngừa trong vấn đề đột biến kháng thuốc thì quan trọng là đảm bảo được nồng độ thuốc trong máu phù hợp để có được chỉ số Cpeak/MIC và AUC/MIC tốt nhất. Các giá trị dược lực học, dược động học cần chính xác để ngăn ngừa chủng đột biến thường cao hơn giá trị để đạt hiệu quả điều trị.

  • Về AUC/MIC: Tăng chỉ số AUC/MIC của kháng sinh nhóm quinolon có thể hạn chế kháng thuốc. Tuy nhiên, có một nghiên cứu khác cho thấy chỉ số AUC/MIC là 52 sẽ có thể làm gia tăng chủng kháng thuốc, nhưng nếu chỉ số AUC/MIC đạt giá trị 157 thì không xuất hiện chủng kháng thuốc. Một số nghiên cứu cũng cho thấy liều thấp kéo dài của vancomycin với AUC/MIC < 250 có mối liên quan đến sự phát triển đề kháng của các chủng S. aureus nhóm II không có gen điều hòa agr, tuy nhiên liều 750mg hoặc 1g tương ứng với tỷ số 38 AUC/MIC là 382 hoặc 510 thì sẽ không cho kết quả thay đổi trong tính kháng đối với tụ cầu này. Bên cạnh đó, có thể thấy khả năng tạo chủng đột biến nếu phải dùng liều thấp kéo dài vancomycin.
  • Về Cpeak/MIC: Chỉ số Cpeak/MIC < 8 đối với các quinolon thì sẽ là một yếu tố nguy cơ khiến cho các chủng vi khuẩn Gram-âm kháng kháng sinh phát triển thêm. Tuy nhiên, nếu khi chỉ số Cpeak/MIC >10 thì sẽ có khả năng gây ức chế quần thể đột biến kháng thuốc, đồng thời có thể ngăn ngừa tử vong do phát triển chủng kháng trong quá trình điều trị. Như vậy, chỉ số Cpeak/MIC đóng vai trò tác động đến việc kháng thuốc trong liệu trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, giá trị tối ưu của chỉ số Cpeak/MIC rất khác biệt giữa một số nhóm kháng sinh và tuỳ thuộc vào từng cặp kháng sinh điều trị vi khuẩn. Do vậy, cần làm rõ về mối liên quan của các cơ chế kháng khác nhau với các thông số dược động học của thuốc để áp dụng tối ưu các mô hình dược lực học.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan