Mucosolvan là thuốc gì?

Thuốc Mucosolvan có thành phần Ambroxol hydroclorid 30mg được bào chế dưới dạng viên nén. Thuốc được chỉ định điều trị trong các trường hợp giúp làm loãng đờm của các bệnh phế quản phổi cấp và mãn tính, có liên quan đến sự tiết nhầy bất thường, hoặc có thể do sự vận chuyển chất nhầy bị suy giảm. Tuy nhiên, thuốc Mucosolvan có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như: Phù mạch, phát ban, mề đay,... Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc Mucosolvan người bệnh nên tìm hiểu kỹ lưỡng và nên tham khảo từ bác sĩ điều trị.

1. Cơ chế tác dụng của thuốc Mucosolvan

Mucosolvan là thuốc gì? Thuốc Mucosolvan có chứa ambroxol hydroclorid được chứng minh có khả năng làm tăng bài tiết đường hô hấp. Hợp chất này làm tăng quá trình sản xuất chất có hoạt tính bề mặt ở phổi và kích thích quá trình hoạt động của nhung mao.

Quá trình này làm cải thiện lưu lượng cũng như vận chuyển chất nhầy, có tác dụng thanh lọc chất nhầy của nhung mao. Sự cải thiện sự thanh thải chất nhầy của nhung mao đã được quan sát ở các nghiên cứu lâm sàng. Sự tăng tiết dịch và các tác dụng thanh thải chất nhầy của nhung mao giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc khạc đờm và làm dịu cơn ho.

Hơn nữa, hợp chất trong thuốc Mucosolvan có tác dụng gây tê tại chỗ và cũng được quan sát trên các mô hình mắt thỏ. Quá trình này có thể được giải thích bằng các đặc tính chẹn kênh natri. Điều này cho thấy trên in vitro, thành phần ambroxol trong thuốc Mucosolvan chẹn kênh natri thần kinh được nhân bản và sự gắn kết này có thể được hồi phụ, nhưng cũng phụ thuộc vào nồng độ của thuốc.

Trên invitro, các hợp chất ambroxol còn làm giảm đáng kể sự phóng thích cytokine từ máu và các tế bào đơn nhân hoặc đa nhân liên kết với mô.

Trong nghiên cứu lâm sàng ở những bệnh nhân bị đau họng thì thuốc Mucosolvan có tác dụng làm giảm đáng kể cơn đau và đỏ ở họng.

Những đặc tính dược lý của thuốc Mucosolvan có thể liên quan tới các quan sát trong nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của hợp chất ambroxol khi điều trị các triệu chứng đường hô hấp trên. Đồng thời kết quả cho thấy, thuốc giúp giảm đau nhanh chóng cũng như sự khó chịu liên quan đến các vùng đau khác như tai, mũi, khí quản.

Khi đưa thuốc Mucosolvan vào trong cơ thể thì thành phần ambroxol được nhanh chóng hấp thu và khuếch tán vào máu, từ đó đi đến các mô với nồng độ thuốc cao nhất trong phổi. Sinh khả dụng của thuốc chiếm khoảng 70% và nồng độ tối đa đạt được trong huyết tương khoảng từ 0.5 đến 3 giờ sau khi sử dụng thuốc.

Với liều điều trị, thuốc có thể liên kết với protein huyết tương xấp xỉ 90%, và nửa đời trong huyết tương khoảng từ 7 đến 12 giờ. Thuốc Mucosolvan được chuyển hoá ở gan và được đào thải qua thận khoảng 83%.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Mucosolvan

Thuốc Mucosolvan 30mg được chỉ định sử dụng trong trường hợp điều trị làm loãng đờm đối với các bệnh phế quản phổi cấp và mãn tính. Đồng thời, các bệnh này cũng có liên quan đến sự tiết chất nhầy bất thường hoặc sự vận chuyển chất nhầy bị suy giảm

Tuy nhiên, thuốc này cũng chống chỉ định với một số trường hợp như người bệnh có tiền sử mẫn cảm với các thành phần của thuốc đặc biệt là ambroxol hydroclorid hoặc các thành phần tá dược khác của thuốc, hoặc những người mắc bệnh di truyền hiếm gặp có thể tương kỵ với các thành phần tá dược trong thuốc.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Mucosolvan

Thuốc Mucosolvan được bào chế ở dạng viên nén và sử dụng bằng đường uống. Có thể sử dụng thuốc cùng hoặc không cùng với thức ăn hoặc trước/ sau bữa ăn và nên uống thuốc bằng nước với liều dùng điều trị cho người lớn 1 viên/ lần và ngày sử dụng 3 lần. Hiệu quả điều trị có thể được tăng lên nếu thay đổi cách sử dụng thuốc với liều 2 viên và dùng 2 lần mỗi ngày.

Thuốc Mucosolvan có thể sử dụng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.

Còn với trẻ từ 6 đến 12 tuổi nên sử dụng nửa viên, ngày từ 2 đến 3 lần.

Thuốc Mucosolvan viên nén không chỉ định sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Trong trường hợp chỉ định điều trị cho bệnh lý hô hấp cấp, nên khám kỹ lưỡng nếu các triệu chứng không được cải thiện hoặc thậm chí có thể xấu đi khi điều trị.

Liều lượng thuốc Mucosolvan trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.Vì vậy, nếu bạn sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng sức khoẻ thì cần tìm hiểu kỹ và tư vấn bởi bác sĩ.

Nếu bạn quên không sử dụng thuốc thì hãy sử dụng liều quên ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu liều Mucosolvan quên gần với liều kế tiếp thì bạn nên bỏ qua liều quên và sử dụng liều kế tiếp. Bạn nên lưu ý không được sử dụng gấp đôi liều Mucosolvan, bởi việc này có thể gây ra các triệu chứng xấu ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Trong trường hợp sử dụng thuốc quá liều cần ngưng sử dụng thuốc Mucosolvan và gặp bác sĩ để hỗ trợ kịp thời.

4. Tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc Mucosolvan

Thuốc Mucosolvan có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho người sử dụng như rối loạn hệ miễn dịch, các phản ứng phản vệ kể cả sốc phản vệ, phù mạch, phát ban, mày đay, ngứa hoặc các phản ứng mẫn cảm khác. Hoặc có thể xảy ra rối loạn hệ tiêu hoá, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng.

Nếu trong quá trình điều trị mà gặp các dấu hiệu bất thường thì người bệnh nên ngưng sử dụng thuốc và báo cho bác sĩ để có phương án điều trị kịp thời.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Mucosolvan:

  • Mặc dù có rất ít báo cáo về tình trạng tổn thương da nặng như hội chứng Stevens-Johnson hoặc hoại tử biểu bì nhiễm độc có liên quan đến sử dụng các loại thuốc long đờm. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể được lý giải do mức độ nặng của bệnh lý đang mắc phải hoặc thuốc sử dụng cùng.

Hơn nữa, trong giai đoạn sớm của hội chứng Stevens-Johnson, trước tiên người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện không đặc hiệu cùng với tình trạng sốt, đau người, viêm mũi, ho hoặc có thể kèm theo đau họng. Các biểu hiện không đặc hiệu này có thể dẫn đến điều trị không đúng với các triệu chứng bằng thuốc ho và thuốc cảm.

  • Nếu xuất hiện các tổn thương hoặc niêm mạc mới thì nên thận khi sử dụng thuốc vì có chứa thành phần ambroxol hydroclorid.
  • Sử dụng viên nén chưa 171mg lactose tương ứng với 684mg lactose cho liều điều trị tối đa mỗi ngày, những người bệnh có bệnh di truyền hiếm gặp không dung nạp được galactose, thiếu hụt Lapp lactase hoặc không hấp thụ glucose-galactose thì không nên sử dụng thuốc Mucosolvan.
  • Đối với phụ nữ mang thai khi sử dụng thuốc Mucosolvan thì thành phần ambroxol hydroclorid sẽ qua hàng rào nhau thai. Các nghiên cứu lâm sàng mặc dù không cho thấy tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp của thuốc tới quá trình mang thai hoặc sự phát triển của bào thai, quá trình sinh nở hoặc cả sự phát triển của trẻ khi sinh.

Theo kinh nghiệm lâm sàng sau 28 tuần mang thai không có bằng chứng về tác dụng có hại cho thai nhi. Mặc dù vậy, khi sử dụng thuốc Mucosolvan cho đối tượng này cũng cần thận trọng. Đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ không khuyến nghị sử dụng thuốc Mucosolvan.

  • Đối với phụ nữ đang cho con bú thì thành phần ambroxol hydroclorid có thể được tiết vào sữa mẹ vì vậy, thuốc Mucosolvan không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang nuôi con bú mặc dù không có những tác dụng bất lợi nào tác động đến trẻ.
  • Các nghiên cứu cận lâm sàng đối với tác dụng của thuốc cho thấy thuốc không có tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với khả năng sinh sản. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc cần tìm hiểu kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan