Thông tin cần biết về thuốc Lytgobi

Thuốc Lytgobi thường được bác sĩ kê đơn để điều trị cho những bệnh nhân mắc ung thư đường mật trong gan dạng tiến triển hoặc không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật. Nhằm đảm bảo sử dụng Lytgobi an toàn và đạt hiệu quả tối ưu, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ về liều lượng cũng như tần suất dùng thuốc.

1. Thuốc Lytgobi là thuốc gì?

Lytgobi được biết đến là thuốc kê toa dùng trong điều trị bệnh ung thư ống mật (hay ung thư đường mật trong gan) ở người trưởng thành có cấu trúc gen FGFR2 bất thường. Thuốc Lytgobi được chỉ định cho những bệnh nhân ung thư ống mật đã lan rộng hoặc không thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ. Hiện nay, Lytgobi cũng được nghiên cứu để điều trị cho một số loại ung thư khác.

Nhìn chung, Lytgobi đóng vai trò là chất ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi – một loại protein có tên là FGFR. Nhờ vậy, thuốc mang lại tác dụng ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển và nhân lên, đồng thời tiêu diệt chúng.

Trong mỗi viên thuốc Lytgobi có chứa các thành phần hoạt chất sau:

  • Hoạt chất chính: Futibatinib hàm lượng 4mg.
  • Các tá dược phụ trợ: Magnesi stearat, Titan dioxit, Hypromellose, Polyetylen glycol, Hydroxypropyl cellulose, tinh bột ngô, Crospovidone, Mannitol, Monohydrat lactose, Natri lauryl sulfat và Cellulose vi tinh thể.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Lytgobi

Thuốc Lytgobi thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho những trường hợp dưới đây:

  • Người trưởng thành mắc bệnh ung thư đường mật trong gan đã tiến hành điều trị trước đó và khối u có loại gen FGFR2 bất thường.
  • Người mắc ung thư ống mật đã di căn hoặc không thể loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật.

Tuy nhiên, không sử dụng thuốc Lytgobi cho những đối tượng bệnh nhân sau khi chưa có chỉ định cụ thể:

  • Người bị dị ứng hoặc có quá mẫn với thuốc Lytgobi.
  • Chống chỉ định sử dụng Lytgobi đối với trẻ em do chưa có đủ nghiên cứu chứng minh tính an toàn cũng như mức độ hiệu quả.
  • Không dùng Lytgobi cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang nuôi con bú.
  • Không dùng Lytgobi cho những bệnh nhân bị suy thận hoặc suy gan cấp độ nặng.

3. Trước khi sử dụng Lytgobi cần lưu ý điều gì?

Theo khuyến nghị của bác sĩ, trước khi dùng Lytgobi thuốc điều trị ung thư ống mật, bệnh nhân cần báo rõ những tình trạng sức khỏe hiện có, đặc biệt:

  • Vấn đề về mắt hoặc thị lực.
  • Có dự định mang thai hoặc đang có thai. Bởi thuốc Lytgobi có thể gây hại cho thai nhi và dẫn đến tình trạng sảy thai. Do đó, không khuyến cáo sử dụng thuốc Lytgobi trong giai đoạn nhạy cảm này. Nếu nghi ngờ có thai, bệnh nhân nên thử thai trước khi bắt đầu điều trị bằng Lytgobi. Ngoài ra, bệnh nhân nên áp dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả trong suốt quá trình trị liệu và ít nhất một tuần sau khi dùng liều thuốc cuối cùng.
  • Cần báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân đang nuôi con bú bởi không rõ liệu Lytgobi có đi vào đường sữa mẹ hay không. Tốt nhất, nên tránh cho con bú trong thời gian trị liệu và ít nhất một tuần sau khi dùng liều thuốc cuối cùng.

4. Hướng dẫn cách sử dụng và liều dùng thuốc Lytgobi

Liều Lytgobi thông thường dành cho người lớn bị ung thư đường mật là 20mg / lần / ngày (tương đương 5 viên 4mg). Nên tiếp tục cho bệnh nhân dùng thuốc tới khi bệnh tiến triển hoặc xuất hiện vấn đề độc tính khó kiểm soát. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần làm xét nghiệm để xác nhận sự hiện diện của tình trạng dung hợp gen FGFR2, hợp nhất gen hay bất kỳ sự sắp xếp nào khác trước khi tiến hành điều trị.

Dưới đây là cách sử dụng thuốc Lytgobi đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ:

  • Thuốc Lytgobi được dùng bằng đường uống theo đúng liều lượng đã được bác sĩ khuyến nghị.
  • Thuốc Lytgobi nên uống một lần mỗi ngày cùng / không cùng thức ăn vào một thời điểm nhất định trong ngày.
  • Khi uống, bệnh nhân nên nuốt nguyên viên, tránh nhai, tách, nghiền nát hay hoà tan viên thuốc. Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc nuốt thuốc, hãy báo cho bác sĩ để có cách xử lý.
  • Tránh uống hoặc ăn các sản phẩm làm từ bưởi trong suốt quá trình trị liệu.
  • Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào, bác sĩ có thể chỉ định thay đổi liều lượng, ngừng tạm thời hoặc hoàn toàn để xử lý các triệu chứng bất lợi trước.
  • Nếu bệnh nhân trót quên một liều, nên dùng liều đã bỏ lỡ trong vòng 12 giờ cùng ngày. Nếu đã quá thời gian trên, tốt nhân người bệnh không nên bù liều hoặc uống gấp đôi liều cùng lúc.
  • Không dùng quá hàm lượng Lytgobi cho phép vì nguy cơ gặp phải các triệu chứng quá liều có thể xảy ra.
  • Trong trường hợp bệnh nhân bị nôn sau khi uống thuốc, tránh dùng liều khác ngay sau đó.

5. Thuốc Lytgobi gây ra các tác dụng phụ gì?

Trong quá trình sử dụng thuốc Lytgobi điều trị ung thư ống mật, bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ phổ biến nhất sau đây:

  • Tăng lượng đường huyết bất thường.
  • Sự thay đổi trong kết quả xét nghiệm máu và chức năng thận.
  • Giảm bớt số lượng các tế bào tiểu cầu, hồng cầu hoặc bạch cầu.
  • Tăng lượng canxi trong máu.
  • Giảm nồng độ phốt phát và natri trong máu.
  • Thay đổi bất thường kết quả trong xét nghiệm chức năng gan.
  • Biến đổi màu sắc của móng tay hay móng chân.
  • Táo bón, tiêu chảy, yếu hoặc mệt mỏi.
  • Đau nhức cơ, khô miệng, giảm protein trong máu hoặc rụng tóc.
  • Đau dạ dày, lở miệng, khô da hoặc đau khớp.
  • Giảm lượng kali và glucose trong máu.
  • Thay đổi vị giác, buồn nôn, khô mắt, mất cảm giác ngon miệng.
  • Sưng đỏ, đau hoặc bong tróc bàn chân / bàn tay.
  • Nôn mửa hoặc buồn nôn.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.

Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể gặp phải những phản ứng nghiêm trọng sau khi điều trị ung thư đường mật với thuốc Lytgobi:

  • Mắc vấn đề về mắt như khô mắt, viêm giác mạc, viêm mắt, rối loạn võng mạc, tăng tiết nước mắt, loé sáng, nhìn mờ hoặc thấy các đốm đen.
  • Nồng độ phốt pho cao trong máu dẫn đến tích tụ khoáng chất trong các mô khác của cơ thể.
  • Sốt, cổ trướng hoặc xuất huyết tiêu hoá.
  • Đau cơ xương.
  • Tắc nghẽn ống mật.

Nếu mắc phải một trong số bất kỳ tác dụng phụ được đề cập ở trên, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để có phương pháp trị liệu. Những triệu chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ nếu không phát hiện kịp thời, do đó bệnh nhân cần theo dõi kỹ cơ thể trong suốt quá trình điều trị.

6. Những loại thuốc tương tác với Lytgobi

Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc hiện đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê / không kê toa, thảo dược bổ sung hoặc vitamin. Việc dùng chung Lytgobi với những loại thuốc khác có thể xảy ra phản ứng tương tác bất lợi, gây ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của mỗi loại và tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác khi dùng cùng lúc với Lytgobi:

  • Clarithromycin.
  • Ketoconazole.
  • Posaconazole.
  • Itraconazole.
  • Carbamazepin.
  • Cobicistat / đồng dạng chứa Cobicistat.
  • Fosphenytoin và Phenytoin.
  • Ritonavir / đồng dạng chứa Ritonavir.
  • Tucatinib.
  • Rifampin / chế phẩm chứa Rifampin.
  • Levoketoconazole.
  • Apalutamid.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Lytgobi, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Lytgobi là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn tham khảo: cancer.gov, drugs.com, lytgobi.com

42 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan