Thuốc Qsymia: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Hiện nay, thuốc Qsymia thường được sử dụng phổ biến để giải quyết các tình trạng thừa cân hoặc béo phì – những vấn đề có thể làm tăng nguy cơ gây ra bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp hoặc giảm tuổi thọ. Nhằm đạt được tối ưu hiệu quả điều trị từ thuốc, bạn cần tuân thủ chặt chẽ những chỉ dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình dùng thuốc này.

1. Công dụng của thuốc Qsymia

Thuốc Qsymia có tác dụng gì? Hiện nay, thuốc Qsymia thường được chỉ định sử dụng cho những người đang trong tình trạng thừa cân, béo phì, hoặc có các vấn đề liên quan đến cân nặng. Loại thuốc này được chấp thuận sử dụng cho những người đang thực hiện lối sống thay đổi hành vi, tập luyện thể chất và áp dụng chương trình ăn kiêng giảm calo giúp giảm trọng lượng cơ thể.

Việc giảm cân và giữ cân nặng ở mức hợp lý có thể giúp bạn loại bỏ đáng kể được các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn đi kèm với béo phì, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao và giảm tuổi thọ.

Thuốc Qsymia hoạt động bằng cách làm giảm sự thèm ăn, đồng thời tăng năng lượng mà cơ thể bạn sử dụng hoặc tác động đến một số bộ phận của não. Loại thuốc này là sự kết hợp của topiramatephentermine. Trong đó, phentermine vốn là một chất ức chế sự thèm ăn và thuộc nhóm thuốc amin giao cảm. Mặt khác, topiramate được biết đến là một loại thuốc chống co giật hoặc chống động kinh.

2. Thuốc Qsymia được sử dụng như thế nào?

Do thuốc Qsymia có thể gây ra một số nguy cơ sức khỏe đối với thai nhi, do đó loại thuốc này chỉ được các bác sĩ hoặc nhà thuốc kê đơn và cấp phát trong một số trường hợp nhất định.

Trước khi bắt đầu sử dụng Qsymia, bạn cần tuân thủ chặt chẽ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và đọc kỹ tờ đơn thuốc. Loại thuốc này được sử dụng bằng đường uống, có thể kết hợp cùng với thức ăn và thường dùng một lần mỗi ngày vào buổi sáng. Bạn không nên dùng thuốc Qsymia vào cuối ngày vì nó có thể gây khó ngủ hoặc mất ngủ.

Khi uống thuốc, bạn cần nuốt toàn bộ viên nang thay vì nghiền nát hoặc nhai chúng. Điều này có thể giúp bạn tránh làm giải phóng tất cả thuốc cùng một lúc trong cơ thể và làm giảm nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.

Liều lượng sử dụng thuốc Qsymia sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như khả năng đáp ứng điều trị của bạn. Nhằm giúp làm giảm các nguy cơ gây ra các tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân sử dụng thuốc ban đầu với liều thấp và sau đó tăng dần. Trong quá trình uống thuốc, hãy tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận.

Thuốc Qsymia có thể làm hình thành sỏi thận, do đó để ngăn ngừa nguy cơ này, bạn nên uống nhiều nước và các chất lỏng khác trong khi sử dụng thuốc. Nếu đột ngột ngừng uống Qsymia, bạn có thể gặp phải các triệu chứng của cai nghiện, chẳng hạn như co giật. Do đó, bạn nên giảm liều từ từ theo sự hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa tình trạng này. Ngoài ra, bạn cũng có nhiều khả năng mắc các triệu chứng của cai nghiện nếu bạn đã sử dụng thuốc này trong một thời gian dài hoặc với liều lượng cao.

Mặc dù thuốc Qsymia có thể đem lại lợi ích giảm cân cho nhiều người, tuy nhiên đôi khi nó cũng có thể gây nghiện. Nguy cơ này dường như cao hơn nếu bạn bị rối loạn sử dụng chất kích thích, chẳng hạn như lạm dụng hoặc nghiện rượu/ma tuý. Tốt nhất, bạn không nên tự ý tăng liều, dùng thường xuyên hơn hoặc sử dụng thuốc trong thời gian dài hơn so với quy định. Điều này không những không giúp bạn đạt được mục đích điều trị nhanh hơn mà còn làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, thuốc Qsymia có thể được hấp thụ qua da và phổi, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi, vì vậy phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ hoặc dự định mang thai nên tránh dùng thuốc này.

Phụ nữ béo phì giảm cân
Thuốc Qsymia thường được chỉ định sử dụng cho những người đang trong tình trạng thừa cân, béo phì

3. Các tác dụng phụ của thuốc Qsymia

Đôi khi, thuốc Qsymia có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng, mệt mỏi, khó ngủ, ngứa ran ở bàn tay/bàn chân, táo bón hoặc miệng có vị kim loại. Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này xảy ra trong thời gian dài mà không thuyên giảm, hoặc thậm chí trầm trọng hơn, bạn hãy báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, bạn cũng cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:

  • Mất tập trung tạm thời
  • Khó khăn khi ghi nhớ từ hoặc mọi thứ
  • Có các dấu hiệu của sỏi thận, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh, đi tiểu đau, nước tiểu màu hồng hoặc có máu.
  • Thở nhanh
  • Rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như tim đập nhanh/chậm hoặc không đều.
  • Đau xương hoặc gãy xương
  • Mất ý thức
  • Thay đổi khả năng hoặc ham muốn trong quan hệ tình dục
  • Bị chảy máu hoặc có các vết bầm tím bất thường trên cơ thể

Một số người đang sử dụng thuốc chống co giật có thể bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực hoặc có các vấn đề về tâm thần trong khi uống cả thuốc Qsymia. Bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy có bất kỳ thay đổi bất thường hoặc đột ngột nào trong tâm trạng, suy nghĩ cũng như hành vi của mình, bao gồm các dấu hiệu trầm cảm, ý định tự tử và suy nghĩ về việc làm hại bản thân.

Ngoài ra, thuốc Qsymia cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về mắt, thường trong vòng 1 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị, tuy nhiên tác dụng phụ này khá hiếm gặp. Nếu không được điều trị, vấn đề về mắt này có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Vì vậy, khi nhận thấy có các dấu hiệu như thay đổi thị lực đột ngột, mờ mắt, đau hoặc đỏ mắt trong quá trình sử dụng thuốc Qsymia, bạn cần tìm đến sự trợ giúp của y tế ngay lập tức.

Nếu bạn dùng Qsymia cùng với axit valproic, nó có thể gây ra các vấn đề trao đổi chất nghiêm trọng (lượng amoniac cao trong máu). Cần báo ngay cho bác sĩ biết nếu bạn cảm thấy mệt mỏi đột ngột hoặc không rõ nguyên nhân, bị nôn mửa, thay đổi tinh thần và giảm sự tỉnh táo.

Ngoài ra, các tác dụng phụ nguy hiểm tới tính mạng khác do sử dụng thuốc Qsymia đôi khi cũng có nguy cơ xảy ra (hiếm gặp) và cần được điều trị y tế càng sớm càng tốt, bao gồm khó nói, co giật, đau đầu dữ dội và suy nhược một bên cơ thể.

Thuốc này hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim hoặc phổi. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ tăng lên nếu bạn sử dụng thuốc Qsymia trong một thời gian dài và dùng kèm theo các sản phẩm thảo dược hoặc thuốc ức chế sự thèm ăn khác. Bạn cần ngừng uống thuốc này và tìm đến bác sĩ sớm nếu có bất kỳ triệu chứng nào, bao gồm đau ngực, khó thở khi tập thể dục, giảm khả năng vận động, ngất xỉu, phù chân/mắt cá chân hoặc bàn chân.

Đôi khi, một số người uống thuốc Qsymia cũng có thể gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng, với các triệu chứng đáng chú ý như phát ban, ngứa, sưng ở cổ họng / lưỡi / mặt, cảm thấy khó thở và chóng mặt. Khi xảy ra các triệu chứng trên, bạn cần tìm kiếm các giải pháp xử lý kịp thời hoặc nhờ đến sự trợ giúp từ y tế.

Lo lắng, sợ hãi kèm rối loạn giấc ngủ là bệnh gì?
Thuốc Qsymia có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn

4. Biện pháp phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc Qsymia

Trước khi sử dụng thuốc này, bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu bản thân có tiền sử bị dị ứng với bất kỳ amin cường giao cảm nào, bao gồm thuốc thông mũi (pseudoephedrine), chất kích thích (amphetamine), thuốc ức chế sự thèm ăn (diethylpropion), hoặc có bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác. Hơn nữa, thuốc Qsymia cũng có chứa một số thành phần không hoạt hoá, có thể làm tăng khả năng gây dị ứng và các tình trạng sức khoẻ khác.

Dưới đây là một số trường hợp cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng Qsymia nhằm ngăn ngừa và phòng tránh gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, bao gồm:

  • Bệnh nhân bị tăng nhãn áp
  • Người bị cao huyết áp
  • Người có tiền sử cá nhân và gia đình mắc chứng rối loạn sử dụng chất kích thích, chẳng hạn như lạm dụng hoặc nghiện ma tuý và rươu.
  • Mắc bệnh tim, chẳng hạn như đau tim, đau ngực, tiếng thổi ở tim, rối loạn nhịp tim và có các vấn đề về van tim.
  • Các vấn đề về tâm thần hoặc tâm trạng, chẳng hạn như kích động nặng, lo lắng, trầm cảm và có ý định tự tử.
  • Huyết áp cao trong phổi
  • Đột quỵ
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức
  • Động kinh
  • Bệnh thận, bao gồm cả sỏi thận
  • Bệnh gan
  • Nhiễm toan chuyển hoá
  • Chế độ ăn giàu chất béo nhưng ít carbohydrate ( chẳng hạn như chế độ ăn ketogenic).

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc Qsymia có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ hoặc làm mờ tầm nhìn. Do đó, để ngăn ngừa tác dụng phụ này, bạn không nên sử dụng rượu hoặc cần sa trong quá trình uống thuốc, đồng thời không nên lái xe cũng như sử dụng máy móc khi không tỉnh táo và tầm nhìn không rõ.

Thuốc này cũng có thể khiến bạn đổ ít mồ hôi hơn và dễ bị đột quỵ do nhiệt. Tốt nhất, bạn nên tránh làm những việc khiến cơ thể cảm thấy quá nóng, chẳng hạn như làm việc nặng, tập thể dục trong thời tiết nóng hoặc sử dụng bồn nước nóng. Khi thời tiết oi nóng, bạn nên uống nhiều nước và mặc quần áo thoải mái. Nếu cảm thấy quá nóng, bạn nên nhanh chóng tìm một nơi để hạ nhiệt và nghỉ ngơi. Trong trường hợp bị sốt không thuyên giảm, thay đổi tâm trạng và tinh thần, chóng mặt hoặc đau đầu, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nếu bạn bị bệnh tiểu đường trong khi sử dụng thuốc Qsymia, hãy kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thông qua kết quả xét nghiệm đường huyết, bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc tiểu đường của bạn trong quá trình điều trị bằng thuốc này.

Trẻ em và người lớn tuổi có thể nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc Qsymia, nhất là những người trưởng thành bị cao huyết áp và trẻ em chậm lớn. Những đối tượng này cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc để có thể hạn chế và ngăn ngừa các nguy cơ trên.

Ngoài ra, thuốc Qsymia cũng không nên sử dụng trong thời kỳ mang thai vì nó có khả năng cao ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, bạn cần thử thai cẩn thận hàng tháng trước và trong khi dùng thuốc này. Đối với phụ nữ đang cho con bú cũng nên tránh sử dụng thuốc Qsymia vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho trẻ sơ sinh.

Thuốc Qtern thường được chỉ định sử dụng cho những bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường trong khi sử dụng thuốc Qsymia, hãy kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên

5. Thuốc Qsymia có thể tương tác với các loại thuốc nào?

Sử dụng thuốc ức chế MAO cùng với Qsymia có thể gây ra tương tác thuốc nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Tốt nhất, bạn cần tránh dùng thuốc ức chế MAO (bao gồm linezolid, isocarboxazid, xanh methylen, phenelzine, moclobemide, rasagiline, procarbazine, safinamide, tranylcypromine và selegiline) trong khi điều trị bằng Qsymia. Hầu hết các chất ức chế MAO không nên sử dụng trong vòng 2 tuần trước khi bạn uống thuốc Qsymia.

Ngoài ra, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc ức chế sự thèm ăn khác trong năm qua, chẳng hạn như ma hoàng hoặc diethylpropion, bạn cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng Qsymia với những loại thuốc này nhằm tránh sự tương tác thuốc.

Một số sản phẩm khác cũng có thể tương tác với thuốc Qsymia, bao gồm orlistat hoặc các chất kích thích như cocaine, thuốc lắc, methylphenidate và amphetamine.

Trong trường hợp bạn đang sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố cùng với thuốc Qsymia, chẳng hạn như thuốc viên hoặc miếng dán, bạn cần báo cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ vết chảy máu mới hoặc ra máu đột ngột nào khác.

Caffeine cũng có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc Qsymia, vì vậy bạn nên tránh tiêu thụ một lượng lớn đồ uống có chứa caffeine (như cà phê, co ca hoặc trà), sôcôla hoặc dùng các sản phẩm không kê đơn có chứa caffeine.

Mặt khác, việc sử dụng thuốc Qsymia cũng có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bạn, bao gồm cả quét não giúp phát hiện bệnh Parkinson. Do đó, trước khi thực hiện xét nghiệm, bạn nên báo cho bác sĩ biết nếu đang sử dụng loại thuốc này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan