Viên ngậm Flurbiprofen (biệt dược Strepsils Maxpro): công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng?

Bài viết của Dược sĩ Huỳnh Xuân Lộc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Viên ngậm flurbiprofen, tên biệt dược thường gặp là Strepsils Maxpro, là thuốc cho tác dụng giảm đau kháng viêm tại chỗ. Thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroid (non-steroidal anti-inflammatory drugs – NSAID) giúp điều chỉnh đáp ứng đau của cơ thể đồng thời giảm sưng viêm và nóng rát tại chỗ. Viên ngậm này được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn để làm giảm triệu chứng của viêm họng như đau rát họng ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.

1. Lưu ý khi sử dụng viên ngậm flurbiprofen (biệt dược Strepsils Maxpro)

Strepsil Maxpro hay viên ngậm chứa flurbiprofen là thuốc không kê đơn nên người bệnh có thể mua thuốc mà không cần phải có đơn thuốc của bác sĩ. Tuy nhiên, cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và tuân thủ liều lượng khuyến cáo của thuốc.

Thuốc có vị ngọt thanh do có thành phần mật ong và được dùng bằng cách ngậm và mút viên thuốc đến khi tan hoàn toàn. Nên đảo viên thuốc quanh miệng khi dùng để tránh kích ứng khi giữ viên thuốc quá lâu tại một chỗ.

Nên dùng số viên thấp nhất có hiệu quả, trung bình là 1 viên trong 3 – 6 giờ và tối đa 5 viên/ngày. Không nên lạm dụng thuốc kéo dài quá 3 ngày trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ.

Thuốc chỉ có tác dụng giảm triệu chứng nên nếu sau 3 ngày dùng thuốc mà các triệu chứng viêm họng vẫn còn hoặc tăng nặng hơn, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị phù hợp.

Người bệnh cũng cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết các bệnh lý đang mắc phải như hen phế quản, tiền sử dị ứng, các vấn đề về tim, thận, gan, hoặc tiền sử đột quỵ, viêm ruột, bệnh tự miễn khác ... để được tư vấn phù hợp. Người lớn tuổi cũng cần phải thận trọng khi dùng viên ngậm flurbiprofen do có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ hơn những đối tượng khác.

Dùng thuốc quá liều có thể khiến người dùng tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng có hại như ngủ gà hoặc buồn nôn. Cần đến các cơ sở y tế hoặc liên hệ với bác sĩ điều trị để có phương án xử trí kịp thời.

Không dùng viên ngậm flurbiprofen nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với dược chất hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc (mật ong, hương chanh, tinh dầu bạc hà ...). Ngoài ra người bệnh có tiền sử dị ứng với aspirin hoặc NSAID khác làm xuất hiện triệu chứng hen, khò khè hoặc khó thở, chảy mũi, phù mặt hoặc nổi mề đay ... cũng không nên dùng thuốc này.

Bên cạnh đó, viên ngậm flurbiprofen không nên sử dụng cho những người đang mắc phải hoặc có tiền sử bệnh loét dạ dày, tá tràng hoặc xuất huyết tiêu hóa tái phát (hai hoặc nhiều đợt loét hoặc xuất huyết rõ rệt). Ngoài ra nếu đã từng bị xuất huyết hoặc thủng dạ dày-ruột, hoặc viêm ruột do tác dụng phụ của NSAIDs cũng không nên dùng thuốc này.

Nếu người bệnh quên dùng thuốc, không dùng gấp đôi thuốc đề bù vào liều thuốc đã quên.

Không dùng thuốc nếu người bệnh đang mang thai 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu mang thai trong 6 tháng đầu thai kỳ, việc sử dụng cần phải có ý kiến của bác sĩ để hạn chế các ảnh hưởng cho mẹ và bé.

Thuốc thuộc nhóm NSAID nên không nên dùng đồng thời với các NSAID khác (như celecoxib, ibuprofen, diclofenac, piroxicam...) hoặc aspirin liều cao (trên 75mg/ngày) nhằm hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ có hại. Những người bệnh suy tim nặng, suy thận hoặc suy gan nặng cũng không được khuyến cáo sử dụng viên ngậm flurbiprofen.

viên ngậm flurbprofen
Người bệnh nên dùng viên ngậm flurbprofen theo hướng dẫn của bác sĩ

2. Các tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng viên ngậm flurbprofen

Như mọi loại thuốc, viên ngậm flurbprofen có thể gây một số tác dụng phụ.

Cần lưu ý phản ứng dị ứng với thuốc biểu hiện bằng triệu chứng như phù mặt, phù lưỡi, họng gây khó thở, khó khè, tăng nhịp tim hoặc nặng hơn là tụt huyết áp. Các triệu chứng ngoài da cũng có thể xảy ra như phát ban, nổi mẩn ngứa hoặc bong da, tróc vẩy. Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Các tác dụng phụ khác thường gặp hơn bao gồm chóng mặt, đau đầu, kích ứng cổ họng, loét hoặc đau miệng, dị cảm hoặc kích ứng niêm mạc miệng, buồn nôn hoặc tiêu chảy, cảm giác ngứa ngáy trên da... Ở những trường hợp này, cần thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ tư vấn để có hướng xử trí phù hợp.

3. Các tương tác thuốc đáng lưu ý của viên ngậm flurbiprofen

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng những thuốc sau do có nguy cơ tương tác với flubiprofen:

  • Aspirin liều thấp (đến 75mg/ngày);
  • Thuốc nhóm NSAID (celecoxib, meloxicam, ibuprofen,...) hoặc corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon ...);
  • Các thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc suy tim (glycoside tim);
  • Các thuốc lợi tiểu;
  • Các thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc kháng đông máu khác;
  • Thuốc gây sảy thai như mifepristone;
  • Kháng sinh nhóm quinolone như ciprofloxacin;
  • Các thuốc điều trị bệnh tự miễn hoặc ức chế miễn dịch như tacrolimus, methotrexate, cyclosporine;
  • Thuốc điều trị động kinh như phenytoin;
  • Các thuốc điều trị đái tháo đường dùng đường uống;
  • Thuốc điều trị HIV như zidovudine;
  • Thuốc điều trị bệnh gout như probenecid, sulfinpyrazole.

Việc kết hợp các thuốc trên với flurbiprofen có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả điều trị hoặc gia tăng độc tính của thuốc do đó cần phải có sự cân nhắc và tư vấn phù hợp của bác sĩ điều trị trong từng trường hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan