Điều trị thoát vị khe hoành phần 3: Phẫu thuật Robot và phẫu thuật nội soi

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Kể từ khi trường hợp phẫu thuật điều trị thoát vị khe hoành qua nội soi đầu tiên năm 1991, đã có những tranh luận về cách tiếp cận tốt nhất để điều trị thoát vị khe hoành. Người ta đề nghị rằng, tiếp cận qua nội soi, với nhiều loại phẫu thuật, có tỉ lệ đau sau mổ thấp, thời gian phục hồi nhanh.

1. Triển vọng của phẫu thuật điều trị thoát vị khe hoành - phẫu thuật robot

Phẫu thuật dưới sự hỗ trợ của robot có sự phát triển nhanh từ nhiều thập niên gần đây. Năm 1985, tại bệnh viện Memorial (Los Angeles), Kwoh và cs. đã sử dụng robot PUMA 200 để hỗ trợ sinh thiết não dưới hướng dẫn của CT scan và điều khiển tia laser trong khi can thiệp phẫu thuật. Từ đó đến nay, song song với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi hỗ trợ bằng robot đã có những bước tiến nhảy vọt, được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của ngoại khoa. Ba đặc điểm chính của phẫu thuật nội soi bằng robot bao gồm: phẫu thuật từ xa, xâm hại tối thiểu, không dùng trực tiếp bàn tay của phẫu thuật viên. Phẫu thuật nội soi bằng robot vẫn giữ được lợi điểm chính của phẫu thuật nội soi bao gồm: tính chính xác, gọn nhẹ, đường mổ nhỏ, giảm lượng máu mất, giảm đau hậu phẫu, thời gian hồi phục sau mổ nhanh. Hơn nữa, sử dụng robot hỗ trợ giúp phẫu thuật viên thao tác thoải mái hơn dưới hình ảnh trực tiếp 3 chiều.

Gần đây, phẫu thuật nội soi bằng robot đã được sử dụng để điều trị thoát vị khe hoành bởi WA. Draaisma và IAMJ. Broeders. Tác giả nhận thấy phương pháp này vẫn còn gặp nhiều thử thách như: khó khăn về trang thiết bị, nhân lực, chi phí, việc khó khăn trong bóc tách túi thoát vị, tỉ lệ tái phát cao (12,5%), chưa có nhiều báo cáo về phương pháp mổ này để so sánh. Phương pháp này đang được nghiên cứu sâu hơn, việc khắc phục những nhược điểm trên sẽ mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho điều trị thoát vị khe hoành.

Hình 12: Hệ thống phẫu thuật Robot
Hình 12: Hệ thống phẫu thuật Robot

2. Tai biến, biến chứng phẫu thuật điều trị thoát vị khe hoành:

Đây là một phẫu thuật lớn nên có rất nhiều tai biến, biến chứng hậu phẫu có thể gặp:

  • Các tai biến trong mổ: chảy máu, thủng thực quản, thủng dạ dày, thủng ruột non, tràn khí màng phổi, tổn thương cấu trúc xung quanh như gan, lách,...
  • Các biến chứng sớm sau mổ: chảy máu sau mổ, tụ máu quanh thực quản, các biến chứng tim mạch, biến chứng hô hấp, dò sau phẫu thuật như dò thực quản, dò dạ dày, tắc ruột sớm sau mổ, nhiễm trùng vết mổ...

3. Tính khả thi của phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị khe hoành

Kể từ khi trường hợp phẫu thuật điều trị thoát vị khe hoành qua nội soi đầu tiên năm 1991, đã có những tranh luận về cách tiếp cận tốt nhất để điều trị thoát vị khe hoành. Người ta đề nghị rằng, tiếp cận qua nội soi, với nhiều loại phẫu thuật, có tỉ lệ đau sau mổ thấp, thời gian phục hồi nhanh.

Ngày nay, phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị khe hoành hầu như đã thay thế hoàn toàn cho phẫu thuật mổ mở qua đường bụng hoặc ngực trái. Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị khe hoành là một phẫu thuật đòi hỏi cao về phẫu thuật, nhưng đây là một kỹ thuật khả thi và an toàn, liên quan với việc thuyên giảm triệu chứng sau mổ, giảm đau sau mổ, thời gian trở lại sinh hoạt bình thường nhanh.

Tuy nhiên phẫu thuật nội soi cũng có một số nhược điểm: đây là một kỹ thuật phẫu thuật khó, cần được thực hiện tại trung tâm chuyên khoa với phẫu thuật viên có kinh nghiệm về phẫu thuật nội soi, nắm vững những kiến thức về sinh lý và bệnh học thực quản. Nhiều loại tai biến, biến chứng có thể gặp trong và sau mổ cũng là một trở ngại, mà trước đây, khi phương pháp phẫu thuật nội soi mới ra đời, nhiều ý kiến đã không ủng hộ phương pháp này.

Phẫu thuật nội soi lấy sỏi
Hình 13: Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị khe hoành hầu như đã thay thế hoàn toàn cho phẫu thuật mổ mở qua đường bụng hoặc ngực trái

4. Tái phát sau mổ thoát vị khe hoành:

Trong thập niên 80, tỉ lệ tái phát được báo cáo là 24 - 42%. Nếu bệnh nhân có đặt mảnh ghép, tỉ lệ này là 0 - 9%. Có nhiều định nghĩa khác nhau về thời gian tái phát sớm và tái phát muộn. Thời gian theo dõi càng lâu thì việc đánh giá tái phát càng có ý nghĩa.Theo Robert J Wiechmann, tái phát sớm được định nghĩa là trong vòng 2 tháng đầu sau phẫu thuật. Đối với tái phát muộn, thời gian được xác định có thể là 2 hoặc 3 năm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thoát vị khe hoành...Cùng với đó, tại Bệnh viện Vinmec, việc nội soi chẩn đoán được thực hiện thông qua nội soi dạ dày với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương thoát vị nhỏ. Bệnh viện Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi dạ dày, thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

174 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan