Mỡ máu hạ có nên uống thuốc nữa không?

Mỡ máu cao hay rối loạn lipid máu trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng gây ra nhiều biến chứng bệnh nguy hiểm như tim mạch, béo phì, tiểu đường. Do đó, việc điều trị đúng và kịp thời là rất cần thiết. Vậy khi mỡ máu hạ có nên uống thuốc nữa không? Hãy theo dõi bài viết sau đây để có câu trả lời.

1. Mỡ máu hạ có nên uống thuốc nữa không?

Trước hết, bạn đã đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị mỡ máu cao thì cần tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Cũng như các loại thuốc điều trị những bệnh lý khác, thuốc có tác dụng hạ mỡ máu nhưng cũng có thể gây ra các phản ứng phụ. Do đó, trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn làm các xét nghiệm máu. Nếu mỡ máu cao hơn định mức bình thường một chút thì chưa phải điều trị bằng thuốc ngay. Thay vào đó, các bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng chế độ ăn uống, tăng cường vận động... và tái khám theo lịch hẹn, để bác sĩ đánh giá có cải thiện được tình trạng mỡ máu cao của bạn hay không. Trường hợp phương pháp trên không hiệu quả, mới phải điều trị bằng thuốc.

Mặt khác, đa số bệnh nhân không tăng mỡ máu toàn phần mà chỉ tăng chất mỡ độc hại triglyceride nên dễ mắc các bệnh lý khác như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp. Triglyceride là chất béo có nguồn gốc từ gan tổng hợp từ phản ứng sai lệch (thậm chí do bệnh nhân nhịn ăn thái quá dẫn đến thiếu năng lượng). Do đó, khi bạn càng nhịn ăn nhiều thì càng dễ làm tăng triglyceride hoặc có giảm cũng chỉ mang tính chất tạm thời, sau đó lại tăng trở lại.

Do vậy, việc chỉ định điều trị bệnh với thuốc hạ mỡ máu là cần thiết (sau khi có kết quả siêu âm và các thông số trong kết quả xét nghiệm máu). Bác sĩ điều trị sẽ không kê đơn thuốc hạ mỡ máu cho bạn khi các chỉ số trong định mức bình thường.

Bạn cần chú ý không nên sử dụng lại một loại thuốc trong thời gian dài khác mà không tái khám định kỳ. Việc tái khám có vai trò quan trọng để bác sĩ kiểm tra lại tình trạng của bệnh sau một thời gian dùng thuốc. Đồng thời, bác sĩ điều trị sẽ có biện pháp điều chỉnh thuốc và liều thuốc phù hợp theo tình trạng bệnh của bạn để hạ mỡ máu hiệu quả.

2. Cách uống thuốc hạ mỡ máu hiệu quả đúng chuẩn

Khi bạn đang gặp tình trạng rối loạn mỡ máu nhẹ, không mắc kèm theo các bệnh lý tiểu đường, bệnh mạch vành, tăng huyết áp... thì chưa cần sử dụng thuốc hạ mỡ máu ngay mà cần thay đổi thói quen sinh hoạt, lối sống, bằng cách:

  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng hàng ngày theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế;
  • Tăng cường vận động thể lực;
  • Cố gắng bỏ các thói quen gây hại (hút thuốc lá, uống rượu bia...).

Sau khi thực hiện chế độ ăn kiêng và vận động thể lực trong một thời gian nhưng kết quả xét nghiệm mỡ máu cao vẫn không hạ tới mức mong muốn thì bạn cần sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Cách dùng các loại thuốc điều trị mỡ máu cao như sau:

  • Nhóm fibrate nên sử dụng trong hoặc sau bữa ăn chính.
  • Nhóm thuốc statin nên uống vào thời điểm trước hoặc sau ăn.
  • Khi đang điều trị với thuốc hạ mỡ máu vẫn nên duy trì nghiêm túc chế độ ăn và vận động hàng ngày theo khuyến cáo.
  • Cần hạn chế tiêu thụ mỡ động vật và những thực phẩm có chứa nhiều cholesterol; nên ăn bổ sung thêm nhiều loại rau xanh, trái cây, dầu olive, ngũ cốc nguyên cám, các loại quả hạch, các loại đậu đỗ và cá...
  • Không nên ăn bưởi khi đang uống thuốc nhóm statin, vì nước bưởi có chứa một chất hóa học có thể liên kết với các enzyme phá vỡ statin trong hệ thống tiêu hóa.
  • Các loại thuốc như clarithromycin, amiodarone, cyclosporine, itraconazole, gemfibrozil, saquinavir, ritonavir... có thể gây ra tương tác với thuốc nhóm statin, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ không mong muốn.

3. Một số lưu ý khác khi sử dụng thuốc hạ mỡ máu

  • Khi đang sử dụng thuốc, bạn có thể cảm thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường như đau mỏi cơ bắp , yếu cơ (do tác dụng phụ tiêu cơ vân, đặc biệt, người chơi thể thao dễ gặp các dấu hiệu triệu chứng này). Bên cạnh đó, bạn có thể gặp tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau, co cứng ở vùng gân nào đó, đặc biệt gân gót (do tác dụng phụ tổn thương gân mới phát hiện thì ngưng sử dụng thuốc và đến bác sĩ khám.
  • Do các thuốc giảm mỡ máu đều có tác dụng phụ, người mới nghi ngờ bị mỡ máu nhẹ không nên tự ý mua thuốc về điều trị để tránh xảy ra các tai biến.
  • Chỉ nên sử dụng thuốc điều trị mỡ máu cao sau khi đã được bác sĩ khám, chẩn đoán xác định và ghi đơn cho dùng.
  • Nếu có gì bất thường xảy ra trong quá trình sử dụng với thuốc điều trị mỡ máu cao, người bệnh nên tái khám. Chỉ khi bác sĩ điều trị có chỉ định ngưng sử dụng thuốc thì mới được ngừng.

Với thắc mắc mỡ máu hạ có nên uống thuốc nữa không? Câu trả lời là người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng lịch hẹn. Trong trường hợp mỡ máu hạ đúng về chỉ số bình thường, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh ngừng thuốc và xây dựng chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất lành mạnh để bảo vệ sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan