Nguyên nhân của rối loạn nhu động đường tiêu hóa

Trong hệ tiêu hóa, thức ăn được di chuyển qua đường tiêu hóa nhờ vào sự co bóp nhịp nhàng của ống tiêu hoá, giúp thức ăn di chuyển trong lòng ruột và được gọi là “nhu động tiêu hoá”. Khi bị rối loạn nhu động tiêu hóa, những cơn co bóp này không hoạt động theo đúng nhiệm vụ và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa cho người bệnh. Vậy nguyên nhân gây rối loạn nhu động đường tiêu hóa là gì?

1. Ống tiêu hoá và nhu động tiêu hoá

1.1 Ống tiêu hoá là gì?

Hệ tiêu hóa ở người bao gồm ống tiêu hoá và cơ quan phụ trợ tiêu hóa (lưỡi, tuyến nước bọt, tụy, gan và túi mật). Trong hệ thống này, quá trình tiêu hóa có nhiều giai đoạn, thức ăn đầu tiên được đưa vào khoang miệng. Ở đây, quá trình tiêu hóa liên quan đến sự phân hủy thức ăn thành các thành phần nhỏ hơn mà có thể hấp thụ và đồng hóa vào cơ thể. Ở khoang miệng, nước bọt giúp thức ăn có thể nuốt được để vượt qua thực quản và tiến vào dạ dày.

Quá trình tiêu hoá sau đó tiếp tục diễn ra, phân hủy những phân tử lớn thức ăn thành những phân tử nhỏ hơn. Các chất dinh dưỡng được hấp thụ thông qua niêm mạc đường tiêu hoá, quá trình này chủ yếu diễn ra ở ruột non vào máu. Tuy vậy, quá trình tiêu hóa xảy ra ở tất cả vị trí đường tiêu hóa, trải dài từ miệng đến hậu môn.

1.2. Nhu động tiêu hoá là gì?

Những phần của đường tiêu hóa có các chức năng chuyên biệt, nhưng tất cả đều được tạo bằng cùng những lớp mô cơ bản giống nhau. Thành của ống từ trong ra ngoài: niêm mạc, dưới niêm mạc, lớp cơ và lớp thanh mạc. Chính vì có đặc điểm giống nhau cơ bản về cấu trúc giải phẫu, đặc biệt là sự xuất hiện của lớp cơ tạo nên sự nhu động của ống tiêu hoá.

Sự nhu động là sự co bóp lượn sóng đi dọc theo đường tiêu hoá. Trong điều kiện bình thường, lớp cơ này co lại và giãn ra theo kiểu phối hợp, nhịp nhàng đẩy thức ăn từ thực quản đến dạ dày và qua ruột đến hậu môn.

Ở ruột, sự co bóp này giúp trộn thức ăn và đẩy chúng dọc theo ruột. Chúng được tạo ra do sự co rút và thư giãn luân phiên, lan truyền một cách nhịp nhàng và liên tục của cơ trơn trong ống tiêu hóa nhằm đẩy thức ăn từ trên xuống, làm quá trình hấp thu thức ăn dễ dàng hơn.

Nhu động ruột
Cách hoạt động của nhu động tiêu hóa

Ở người trưởng thành, nhu động ruột bình thường dao động từ 4 - 32 lần một phút. Vị trí nghe âm ruột tại 4 góc phần tư bụng, nhưng nghe rõ nhất là ở góc phần tư phải, dưới rốn (vùng hồi manh tràng). Âm nhu động ruột bình thường có các đặc trưng: hơi ùng ục như nước chảy, rì rào giống tiếng thổi, hơi ngân như tiếng chuông.

2. Nguyên nhân gây rối loạn nhu động ruột

Khi tính nhịp nhàng của nhu động ruột bị phá vỡ với sự hiện diện của rối loạn vận động, những cơn co thắt này không xảy ra theo sự phối hợp đồng bộ. Điều này có thể dẫn đến thực phẩm không đi qua ruột đúng cách, gây nên những triệu chứng của đường tiêu hoá như tiêu chảy hoặc táo bón.

Rối loạn nhu động đường tiêu hóa có thể gây ra một loạt các triệu chứng tiêu hóa, bao gồm khó nuốt, bệnh trào ngược dạ dày (Gastrointestinal reflux disease - GERD), chướng bụng, táo bón nặng, tiêu chảy, đau bụng, nôn và đầy hơi.

Những vấn đề với rối loạn nhu động tiêu hóa có thể là do một trong hai nguyên nhân:

  • Rối loạn tại cơ tiêu hoá trong việc kiểm soát nhu động
  • Rối loạn tại dây thần kinh hoặc hormone chi phối các cơn cơ trơn của ống tiêu hoá

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra vấn đề trên, nguyên nhân do rối loạn cơ trơn tiêu hoá hoặc các dây thần kinh kiểm soát chúng. Nếu bạn có triệu chứng rối loạn nhu động tiêu hóa, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để có chẩn đoán chính xác, vì việc điều trị sẽ thay đổi tùy theo nguyên nhân gây ra vấn đề của bạn.

3. Một số rối loạn nhu động đường tiêu hoá

Có nhiều tình trạng do nguyên nhân tiêu hóa và không do nguyên nhân từ đường tiêu hóa khác nhau có liên quan đến rối loạn nhu động tiêu hóa. Dưới đây là 8 nguyên nhân thường gặp.

3.1. Liệt dạ dày (Gastroparesis)

Liệt dạ dày (Gastroparesis) còn được gọi là “chậm làm trống dạ dày" (nói cách khác, dạ dày bị chậm trong việc tự làm rỗng). Ở người, khi tiêu hoá thức ăn, cơ dạ dày cũng góp phần tham gia vào việc chi phối sự chuyển động của thức ăn được tiêu hóa một phần qua dạ dày để đi xuống ruột non.

Khi dây thần kinh điều khiển cơ dạ dày bị tổn thương, thức ăn sẽ di chuyển rất chậm vào ruột. Điều này sẽ gây các triệu chứng như buồn nôn, ợ hơi, đầy hơi, ợ nóng, khó tiêu, nôn mửa.

Ở một số người, triệu chứng duy nhất của gastroparesis sẽ cảm thấy no sau khi ăn chỉ một vài miếng. Trong hầu hết các trường hợp, liệt dạ dày không tìm được nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Liệt dạ dày
Hình ảnh dạ dày bình thường và liệt dạ dày

3.2. Đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hoá toàn thân vì vậy mà nó cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa của bạn. Trên thực tế, có đến 20 - 50 phần trăm những người mắc bệnh tiểu đường cũng bị viêm dạ dày. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất được biết đến gây nên tình trạng rối loạn nhu động dạ dày (biến chứng liệt dạ dày do đái tháo đường). Lượng đường trong máu cao có thể là nguyên nhân của gây nên rối loạn này.

Trước kia, người ta cho rằng ở bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh tự động của ruột thuộc vào biến chứng thoái hóa nên không thể quay trở lại bình thường được. Nhưng những quan sát trên lâm sàng và thực nghiệm đo đạc cho thấy rằng đường máu tăng cao một cách đột ngột cũng gây ra những rối loạn hoạt động của hệ tiêu hóa. Rất nhiều bệnh nhân đã khỏi những triệu chứng tiêu chảy nhiều lần khi đường máu được điều chỉnh về gần giá trị bình thường.

Do đó, việc điều trị các biến chứng này có nguyên tắc chung là giữ đường máu ổn định tốt sẽ phòng ngừa được rối loạn tiêu hóa.

3.3. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) được coi là một tình trạng tiêu hóa "chức năng", có nghĩa là nó ảnh hưởng đến cách hoạt động của hệ tiêu hóa nhưng không làm tổn thương các cơ quan tiêu hoá.

Khi bạn bị IBS, khả năng tiêu hóa của bạn bị thay đổi, thức ăn di chuyển quá nhanh hoặc quá chậm dẫn đến các triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón tương ứng. Khi nhu động ruột bị kích thích và gia tăng tần số cũng gây nên triệu chứng đau bụng đáng kể.

3.4. Co thắt thực quản

Thực quản là ống dẫn thức ăn của bạn từ miệng xuống đến dạ dày. Co thắt thực quản là những cơn co thắt bất thường của các cơ trong thực quản. Nguyên nhân của những cơn co thắt bất thường này vẫn chưa được biết rõ, mặc dù, ở một số người, thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh có thể kích hoạt chúng.

Co thắt thực quản nghiêm trọng có thể gây đau ngực, nhịp tim nhanh và đau lan đến cổ và cánh tay, tương tự như đau thắt ngực. Khi xuất hiện tình trạng này, bạn cần đến gặp bác sĩ để loại trừ các bệnh lý tại tim trước khi được chẩn đoán là do co thắt thực quản.

3.5. Bệnh Hirschsprung

Bệnh Hirschsprung là một rối loạn bẩm sinh, trong đó nhu động tiêu hóa kém gây ra tắc nghẽn trong ruột già. Trong bệnh Hirschsprung, do bệnh nhân thiếu các hạch phó giao cảm nên luồng thần kinh kích thích của phó giao cảm bị cắt đứt và đưa đến hậu quả là đoạn đại tràng bệnh lý (đoạn vô hạch) bị mất nhu động và ngày càng teo nhỏ lại (vì không hoạt động) còn đại tràng bên trên do hậu quả tắc ở bên dưới sẽ cố gắng co bóp và ngày càng giãn to ra, những trường hợp bệnh nhi đến muộn đại tràng sẽ giãn gần như toàn bộ tạo thành bệnh lý megacolon thường gặp ở trên lâm sàng.

Bệnh Hirschsprung
Bệnh Hirschsprung ở trẻ gây giãn đại tràng

Bệnh thường phổ biến hơn nhiều ở trẻ trai so với trẻ gái và đôi khi nó liên quan đến các tình trạng di truyền chính khác, chẳng hạn như hội chứng Down.

3.6. Tắc ruột giả mạn tính

Tắc nghẽn đường ruột giả mãn tính là một tình trạng hiếm gặp với các triệu chứng khiến như ruột già bị tắc, mặc dù không có tình trạng tắc thật sự xảy ra. Thay vào đó, nguyên nhân là do các dây thần kinh kiểm soát cơ trơn tiêu hóa tại ruột già bị rối loạn và gây nên triệu chứng như tắc ruột.

Nó xảy ra khi có sự mất cân bằng khu trú tại một phần của đoạn đại tràng mà nguyên nhân có thể là do sự cường quá mức của hệ thần kinh giao cảm ảnh hưởng trực tiếp trên đoạn đại tràng này. Bệnh nhân thường là người cao tuổi với nhiều căn bệnh kèm theo .

Hệ giao cảm cho những nhánh chi phối phần lớn nhu động ở ruột non, và hệ đối giao cảm cho những nhánh chi phối nhu động phần đại tràng phải tới đại tràng góc lách, ở đoạn đại tràng trái và manh tràng sự chi phối của hệ giao cảm và đối giao cảm là tương đối đồng đều nên nếu xảy ra sự mất cân bằng của hệ thần kinh thực vật gây giả tắc ruột thường xảy ra ở đoạn đại tràng này.

3.7 Xơ cứng bì

Xơ cứng bì (Scleroderma) là một bệnh tự miễn bao gồm các triệu chứng tại da và các mô liên kết, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa của bạn. Trào ngược dạ dày và tắc ruột giả mãn tính là những tình trạng phổ biến ở những người bị xơ cứng bì.

3.8 Co thắt tâm vị

Co thắt tâm vị (Achalasia) liên quan đến cơ vòng ở đáy thực quản tiếp giáp với tâm vị của dạ dày (là nơi mà thông qua đó thức ăn đi vào dạ dày). Khi bạn bị co thắt tâm vị, cơ vòng này không thể giãn trong khi nuốt, do đó thức ăn không di chuyển dễ dàng từ thực quản vào dạ dày. Các triệu chứng bao gồm đau ngực, nôn mửa, ợ nóng, khó nuốt và khó thở.

Achalasia có thể gây ra tình trạng sặc phải thức ăn và nước bọt vào phổi, dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng phổi và thậm chí tử vong.

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhu động ruột đường tiêu hóa. Vì thế để kịp thời thăm khám, chẩn đoán bệnh khi có dấu hiệu bệnh cũng như có tiền sử các bệnh lý làm tăng nguy cơ rối loạn nhu động ruột đường tiêu hóa, người bệnh cần đến các trung tâm y tế để điều trị, hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: verywellhealth.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan