Chẩn đoán và điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính là bệnh thường gặp ở khoảng 10-35% người lớn với tiến triển chậm, không rầm rộ, gây trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc, khi bệnh gây biến chứng loét tĩnh mạch rất khó điều trị khỏi.

Bệnh gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới với tỉ lệ là 3:1, việc chẩn đoán bệnh không quá phức tạp nhưng điều trị lâu dài và tốn kém nhất là khi đã xảy ra biến chứng.

1. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính là gì?

Đây là tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông hoặc hệ tĩnh mạch sâu có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch. Lúc này, máu đưa về tim sẽ suy giảm gây ra ứ đọng ở tĩnh mạch vùng chân. Khi tĩnh mạch bị ứng đọng và giãn ra do bệnh lý sẽ có biến đổi bất thường về giải phẫu, với đặc trưng là độ giãn lớn hơn 3mm, nếu gặp ở các tĩnh mạch nhỏ và nông thì dễ tạo thành giãn tĩnh mạch mạng nhện, dạng lưới.

2. Cơ chế gây ra suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Bình thường máu ở chân sẽ được đưa về tim nhờ vào 3 cơ chế sau:

● Lực đẩy ở chân lúc đi lại

● Lực hút tạo ra khi hít thở

● Hệ thống van trong lòng tĩnh mạch giúp ngăn ngừa máu không trào ngược xuống

Vì vậy nếu 1 trong 3 cơ chế trên bị hạn chế thì máu sẽ không trở về tim được, dẫn tới ứ đọng máu tại tĩnh mạch bàn chân gây nên suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Cơ chế gây ra suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Van tĩnh mạch chi dưới bị tổn thương gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới

3. Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Nguyên nhân tiên phát:

● Giãn tĩnh mạch vô căn: do bất thường về mặt di truyền hoặc huyết động của hệ tĩnh mạch nông gây ra

● Suy tĩnh mạch sâu tiên phát: do bất thường về giải phẫu như bờ tự do của van quá dài, gây sa van hay giãn vòng van

Nguyên nhân thứ phát:

● Hội chứng hậu huyết khối

● Dị sản tĩnh mạch: là tình trạng thiếu hụt hoặc thiểu sản van tĩnh mạch (nông hay sâu) bẩm sinh, dị sản tĩnh mạch có hoặc không kèm theo rò động - tĩnh mạch

● Do chèn ép như khối u, hội chứng Cockett

● Bị chèn ép về huyết động như có thai, chơi thể thao.

Bà bầu
Phụ nữ mang thai gây chèn ép huyết động

4. Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới như thế nào?

Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới thông qua các triệu chứng của bệnh nhân như sau:

Ở giai đoạn đầu:

● Triệu chứng mờ nhạt, người bệnh thường có biểu hiện đau chân, nặng chân hoặc đôi khi chỉ là cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường

● Đừng ngồi nhiều dễ gây mỏi chân hoặc phù nhẹ

Chuột rút vào ban đêm

● Dị cảm như cảm giác bị châm kim, kiến bò vùng cẳng chân về đêm

● Các mạch máu nhỏ li ti nhất là ở vùng cổ chân và bàn chân nổi lên.

Giai đoạn tiến triển:

● Bệnh nhân phù chân, phù ở mắt cá hoặc bàn chân

● Màu sắc da vùng cẳng chân thay đổi do máu bị ứ ở tĩnh mạch lâu ngày gây loạn dưỡng

● Tĩnh mạch trương phồng, nổi rõ gây cảm giác nặng, đau nhức, không mất đi khi nghỉ ngơi

● Các mảng máu bầm trên da.

Giai đoạn biến chứng:

● Viêm tĩnh mạch nông huyết khối gây thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, có thể nguy hiểm tính mạng

● Giãn vỡ tĩnh mạch gây ra chảy máu nặng

● Nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mãn tính.

Cận lâm sàng:

● Siêu âm Doppler: thấy có dòng máu phụt ngược, huyết khối

● Chụp tĩnh mạch có bơm thuốc cản quang chỉ thực hiện khi không xác định được chính xác sự tồn tại và đặc điểm của các dòng trào ngược trong lòng hệ tĩnh mạch.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính
Các giai đoạn suy giãn tĩnh mạch chi dưới

5. Phân độ bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới theo CEAP

Độ 0: không thấy hoặc sờ thấy tĩnh mạch giữa

Độ 1: Có mao mạch dãn hoặc lưới tĩnh mạch dãn, kích thước <3mm.

Độ 2: Giãn tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé, có kích thước >3mm.

Độ 3: Phù nhưng chưa biến đổi trên da.

Độ 4: Loạn dưỡng da.

Độ 5: Loạn dưỡng da và có sẹo loét đã lành.

Độ 6: Loạn dưỡng da và loét tiến triển.

6. Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính như thế nào?

Điều trị nội khoa:

● Ngăn chặn sự trào ngược và làm các lực tác động lên dòng chảy của tĩnh mạch được tốt hơn như: để chân cao khi nghỉ ngơi, tập cơ mạnh, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, mang tất thun hoặc cuốn chân bằng miếng băng thun, vớ áp lực, tránh các dị tật, béo phì và duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ tránh táo bón

● Sử dụng các thuốc làm bền thành mạch như daflon, rutin C nhưng chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch là chủ yếu.

Khám bệnh
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời

Can thiệp ít xâm lấn:

● Phương pháp làm lạnh với Nitơ lỏng âm 90 độ để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông trong lòng tĩnh mạch. Tuy nhiên phương pháp này có tỷ lệ tái phát tới 30%

● Xơ tắc mạch bằng sóng cao tần: là phương pháp hủy mô bằng nhiệt gây ra bởi sự ma sát của các ion trong mô nhằm mục đích loại bỏ dòng máu trào ngược trong tĩnh mạch hiển lớn thường áp dụng cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch độ 2 trở lên theo phân độ CEAP, điều trị nội khoa không cải thiện.

Điều trị phẫu thuật:

Phẫu thuật Stripping, phẫu thuật Chivas: là các phương pháp nhằm lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng dụng cụ chuyên dùng. Kỹ thuật Stripping sẽ cho phép rút các tĩnh mạch trong khi phương pháp Chivas sẽ lấy các tĩnh mạch bị giãn của hệ thống xuyên. Đây là phương pháp điều trị có tỉ lệ tái phát thấp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan