Chụp mạch vành tại Vinmec: Hướng dẫn trước - trong - sau chụp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tim mạch can thiệp, khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chụp mạch vành là thủ thuật dùng tia X để quan sát các mạch máu của tim thông qua việc nhận diện thuốc nhuộm được tiêm vào mạch máu. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể can thiệp mở thông các động mạch tim bị tắc nghẽn trong khi thực hiện thủ thuật chụp động mạch vành. Việc khám mạch vành ở đâu và chi phí chụp mạch vành là nỗi băn khoăn lớn của không ít người bệnh.

1. Vì sao phải chụp mạch vành?

Bệnh động mạch vành là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh lý về tim mạch. Nếu không phát hiện bệnh sớm và kịp thời điều trị, bệnh tiến triển đến các tình trạng nguy hiểm như lòng mạch tắc nghẽn hoàn toàn, hoại tử cơ tim hoặc biến chứng tim mạch khác.

Chụp mạch vành là thủ thuật nhằm xác định tình trạng mạch vành, qua đó giúp chẩn đoán các bệnh lý của mạch vành. Kỹ thuật chụp động mạch vành được tiến hành với việc sử dụng các ống thông chuyên dụng để đưa thuốc cản quang vào trong lòng động mạch vành, qua đó hiển thị hình ảnh của hệ động mạch vành trên màn hình tăng sáng, dựa vào các hình ảnh này cho phép đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối...

2. Khi nào cần chụp mạch vành?

Khám mạch vành ở đâu
Khi nào cần chụp mạch vành?

Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chụp mạch vành trong các trường hợp dưới đây:

  • Bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.
  • Tình trạng đau ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên.
  • Cơn đau thắt ngực ổn định: Chụp động mạch vành nhằm xét can thiệp khi các thăm dò không xâm lấn thấy nguy cơ cao hoặc vùng thiếu máu cơ tim rộng, hoặc người bệnh đã được điều trị tối ưu nội khoa không khống chế được triệu chứng.
  • Có thể chỉ định ở những người bệnh nghi ngờ có bệnh mạch vành hoặc đã biết trước có bệnh mạch vành.
  • Chụp động mạch vành kiểm tra trước phẫu thuật tim, mạch máu lớn ở người lớn tuổi (nam > 45; nữ > 50).
  • Chụp động mạch vành kiểm tra trước những phẫu thuật không phải tim mạch ở những người bệnh nghi ngờ bệnh mạch vành.
  • Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoài bệnh viện.
  • Tình trạng đau ngực tái phát sau can thiệp động mạch vành hoặc sau phẫu thuật làm cầu nối chủ-vành.
  • Suy tim không rõ nguyên nhân.
  • Chụp động mạch vành kiểm tra những bất thường động mạch vành khi trên phim chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành thấy có bất thường
  • Những người bệnh có rối loạn nhịp nguy hiểm (nhịp nhanh thất, block nhĩ-thất,...).
  • Một số trường hợp đặc biệt khác (nghề nghiệp, lối sống nguy cơ cơ cao; kết hợp thăm dò khác,...).

3. Chuẩn bị trước khi chụp mạch vành tại Vinmec

  • Không nên ăn hoặc uống trong vòng 8 giờ trước khi chụp động mạch vành;
  • Có thân nhân bệnh nhân để ký mẫu chấp thuận trong và sau khi chụp mạch vành. Bệnh nhân nên nhờ ai đó ở lại với mình vào buổi tối sau khi làm xét nghiệm, vì bệnh nhân có thể cảm thấy chóng mặt hoặc không tỉnh táo trong vòng 24 giờ đầu sau khi chụp động mạch vành;
  • Y tá đo huyết áp, đặt đường truyền tĩnh mạch, làm các xét nghiệm cần thiết;
  • Khai báo cho bác sĩ biết tình trạng dị ứng của bệnh nhân như dị ứng với hải sản, từng bị phản ứng xấu với thuốc nhuộm tương phản, đang dùng thuốc Sildenafil (Viagra) hoặc nếu có thai.
Khám mạch vành ở đâu
Không nên ăn hoặc uống trong vòng 8 giờ trước khi chụp động mạch vành

4. Quy trình chụp mạch vành tại Vinmec

Thời gian thực hiện chụp mạch vành kéo dài khoảng 30 - 45 phút. Khi làm thủ thuật, bệnh nhân nằm ngửa trên bàn chụp X-quang, thắt dây an toàn gắn cố định ở ngực và chân. Máy X-quang có thể di chuyển qua lại, xung quanh đầu và ngực bệnh nhân để chụp ảnh từ nhiều góc độ khác nhau.

Bệnh nhân được theo dõi huyết áp, điện tâm đồ, oxy máu trong suốt quá trình chụp. Bác sĩ sẽ truyền dịch vào tĩnh mạch ở cánh tay, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc an thần qua đường tĩnh mạch cũng như các loại thuốc và chất lỏng khác giúp thư giãn. Khi đó, bệnh nhân sẽ rất buồn ngủ và có thể chìm vào giấc ngủ trong suốt quá trình làm thủ thuật, tuy nhiên vẫn có thể tỉnh dậy dễ dàng để làm theo bất kỳ hướng dẫn nào của bác sĩ.

Lông ở tay hoặc háng của bệnh nhân sẽ được cạo sạch tại vị trí đưa ống dẻo (ống thông) vào, khu vực này được rửa sạch, khử trùng và gây tê bằng thuốc tiêm gây tê cục bộ. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một vết rạch nhỏ tại vị trí đặt ống đưa vào động mạch, tiếp đến ống thông được đưa vào mạch máu và cẩn thận luồn vào tim hoặc động mạch vành.

Việc luồn ống thông không gây đau đớn và bệnh nhân thường sẽ không cảm thấy ống di chuyển trong cơ thể. Hãy nói ngay với bác sĩ hoặc y tá nếu cảm thấy bất kỳ khó chịu nào.

Sau đó, thuốc nhuộm được tiêm vào cơ thể thông qua ống thông. Bệnh nhân có thể sẽ có cảm giác phừng phừng hoặc nóng. Hãy nói ngay với bác sĩ hoặc y tá nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu.

Thuốc nhuộm dễ dàng được nhìn thấy trên hình ảnh X-quang. Khi thuốc di chuyển vào các mạch máu, bác sĩ sẽ quan sát dòng chảy của thuốc và xác định bất kỳ hiện tượng tắc nghẽn hoặc khu vực lưu thông bị hạn chế. Tùy thuộc vào những gì mà bác sĩ phát hiện trong suốt quá trình chụp động mạch, bệnh nhân có thể thực hiện thêm các thủ thuật đặt ống thông khác cùng lúc như nong động mạch hoặc đặt stent để mở rộng động mạch bị hẹp.

Sau khi chụp xong, ống thông được lấy ra khỏi cánh tay hoặc háng và vết rạch được đóng lại bằng lực nén như kẹp hoặc phích cắm nhỏ. Bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi sức để quan sát và theo dõi đến khi tình trạng ổn định, sau đó bệnh nhân sẽ trở về phòng để được theo dõi thường xuyên.

5. Theo dõi sau khi thực hiện chụp mạch vành tại Vinmec

Bệnh nhân nên thư giãn, uống nhiều nước, không hút thuốc hoặc uống rượu ngay sau khi thực hiện thủ thuật. Bác sĩ sẽ tháo băng sau 24 giờ, nếu vết thương của bệnh nhân có rỉ nước hãy đắp băng gạc mới thêm 12 giờ nữa.

Trong 2 ngày đầu tiên sau khi chụp mạch vành, bệnh nhân không nên quan hệ tình dục hoặc thực hiện các động tác tập thể dục nặng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không nên tắm bể sục hoặc hồ bơi, không thoa kem dưỡng da gần chỗ đâm kim trong 3 ngày.

Sau khi làm xét nghiệm chụp mạch vành 1 tuần, bệnh nhân cần đến tái khám để bác sĩ xem xét tình trạng và thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin về bệnh.

Khám mạch vành ở đâu
Bệnh nhân không nên uống rượu hay hút thuốc ngay sau khi thực hiện thủ thuật

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan