Đột quỵ cấp tính làm giảm đáng kể tuổi thọ

Tỷ lệ đột quỵ cấp tính đang ngày càng gia tăng ở mức báo động, là nguyên nhân gây tử vong hay thương tật ở rất nhiều người trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân gây giảm tuổi thọ cho người cao tuổi.

1. Đột quỵ cấp tính là gì?

Đột quỵ là những thiếu sót thần kinh xảy ra một cách đột ngột do nguyên nhân mạch máu não, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 giờ đầu hoặc tồn tại sau 24 giờ. Đột quỵ não được chia thành 2 loại chính đó là nhồi máu não và xuất huyết não.

  • Nhồi máu não hay đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc tình trạng nghẽn động mạch, chiếm khoảng 85% trường hợp đột quỵ. Tuy nhiên, bệnh này có thể phòng tránh hiệu quả nếu thực hiện tốt các biện pháp dự phòng. Nguyên nhân gây ra nhồi máu não là do cục máu động hoặc mảng xơ vữa tại mạch máu não gây ra. Những nguyên nhân này do các yếu tố như mắc bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu, hút thuốc, tiểu đường, bệnh tim mạch...
  • Đột quỵ do xuất huyết não: Loại đột quỵ này gây ra do vỡ mạch máu não, tác nhân trước đó có thể là do phình mạch, hệ thống mạch máu não bị dị dạng. Đột quỵ do xuất huyết chỉ chiếm khoảng 15% số ca đột quỵ. Nguyên nhân hay gặp nhất của tình trạng này là do tăng huyết áp.

Ngoài ra, còn một tình trạng nữa gọi là thiếu máu não thoáng qua (TIA) chỉ gây ra các triệu chứng của đột quỵ nhẹ và thường kéo dài khoảng vài phút. Đôi khi người bệnh không phát hiện ra và nó có thể dự báo đột quỵ cấp tính nặng trong tương lai.

2. Đột quỵ cấp tính làm giảm tuổi thọ

Để đánh giá về việc mắc bệnh đột quỵ não cấp tính gây ra giảm tuổi thọ, các nhà nghiên cứu đã đánh giá và tìm hiểu nhiều năm để so sánh tuổi thọ của những người bình thường với người đột quỵ cấp tính. Qua những nghiên cứu thì có một số nhận xét về nguy cơ giảm tuổi thọ và đột quỵ cấp như sau:

  • Các nghiên cứu nhận thấy rằng có khoảng gần 2/3 số bệnh nhân đột quỵ cấp tính không sống nhiều hơn 10 năm và họ lúc nào cũng đối mặt với nguy cơ tái phát cao;
  • Họ còn nhận thấy rằng đột quỵ làm giảm tuổi thọ trung bình của một bệnh nhân là khoảng 5 năm rưỡi so với dân số chung. Có thể tương đương với việc đột quỵ cấp tính làm giảm 1/3 tuổi thọ của chính bệnh nhân đó;
  • Bệnh nhân bị chảy máu não có nguy cơ tử vong và giảm tuổi thọ cao hơn so với những bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ;
  • Đột quỵ cấp tính chủ yếu có liên quan đến các yếu tố nguy cơ như cholesterol và huyết áp cao, bệnh tiểu đường, hút thuốc, bệnh tim mạch;
  • Những người sau khi đột quỵ có nguy cơ đối mặt cao với tình trạng thương tật, chất lượng cuộc sống giảm sút.

Từ những nghiên cứu đó nhận thấy rằng việc chăm sóc phòng ngừa nguy cơ đột quỵ và giúp bệnh nhân đã bị đột quỵ cấp tính được tiếp cận với các yếu tố chăm sóc, điều trị để gia tăng tuổi thọ, giảm nguy cơ tàn tật cho bệnh nhân.

3. Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ cấp tính

Những nghiên cứu trên rất quan trọng để bệnh nhân hiểu được tiên lượng sau khi mắc bệnh và cố gắng thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa. Một số biện pháp để phòng ngừa bệnh bao gồm:

  • Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ bệnh như tiểu đường, huyết áp, mỡ máu cao... bạn cần dùng thuốc kết hợp các chế độ phù hợp để có thể kiểm soát tốt bệnh. Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ chính là biện pháp phòng bệnh hiệu quả;
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn uống khoa học có thể giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát. Chính vì thế mà bạn cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với các loại thực phẩm có lợi và hạn chế hay tránh những món ăn có thể khiến cho tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng. Các loại thực phẩm nên ăn để giúp phòng tránh đột quỵ như thực phẩm giàu Omega-3 (cá hồi, cá ngừ, cá thu); hạt như óc chó, hạnh nhân...; đậu lăng, rau có màu sẫm, măng tây, bông cải xanh, các loại hạt, củ cải... giàu folate; thực phẩm giúp làm giảm Cholesterol xấu như yến mạch, đậu nành, hạnh nhân; các thực phẩm giàu magie; uống nhiều nước lọc, ít nhất từ 1,5 lít nước mỗi ngày;
  • Thay đổi lối sống: Giảm bớt căng thẳng mệt mỏi, cố gắng sắp xếp công việc phù hợp. Nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý, tránh thức đêm, ngủ đủ giấc...;
  • Bảo vệ cơ thể tránh mắc bệnh: Cần giữ ấm cơ thể nhất là trong thời điểm giao mùa;
  • Tập thể dục: Nên tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần với thời gian 30 phút mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn làm giảm huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Lưu ý, nên lựa chọn các bài tập phù hợp và tăng dần theo thời gian, không nên tập nặng ngay từ đầu. Bạn có thể lựa chọn các bài tập như đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc tập dưỡng sinh, yoga;
  • Hạn chế tình trạng tắm đêm vì đây cũng là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ;
  • Đối với những người cao tuổi có nguy cơ cao nên tầm soát định kỳ bệnh lý về tim mạch hoặc các yếu tố nguy cơ gây bệnh khác từ 6 tháng đến 1 năm mỗi lần;
  • Tìm hiểu các dấu hiệu của bệnh để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thời gian điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao. Ngoài ra, cần điều trị phục hồi chức năng tích cực ở giai đoạn phục hồi, từ đó giúp tăng chất lượng cuộc sống và khả năng tự phục vụ.

Đột quỵ não cấp tính là nguyên nhân gây ra tử vong và giảm tuổi thọ, đặc biệt ở người cao tuổi. Cho nên, thực hành các biện pháp điều trị sớm và phòng bệnh là điều rất cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: news-medical.net

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

857 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan